Cô giáo Lê Thụy Mỹ Ngân: hoàn toàn có thể kiểm soát việc nói lắp, khẩu hình miệng sai

Chúng ta mặc định tật nói như các khiếm khuyết bẩm sinh không thể loại bỏ. Điều đó chưa hẳn đúng.

Cô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện Kỹ năng VTALK

Trong giao tiếp, các tật nói đang tạo thành những rào cản khiến nhiều bạn học sinh lựa chọn cách thu mình và từ chối tham gia trò chuyện với nhiều người.

Vậy bản chất tật nói là gì, có tác động như thế nào đến kênh giao tiếp của con người?

Bản thân là một người làm giáo dục, cô Lê Thụy Mỹ Ngân, Cố vấn tâm lý, Giáo viên tại Học viện Kỹ năng VTALK đã dành rất nhiều sự quan tâm đối với vấn đề này: “Giọng ngọng, nói lắp, khẩu hình miệng… đều được gọi chung là tật nói. Xét về bản chất thì đây là sự suy giảm về khả năng phát âm với đặc trưng là sự thừa, thiếu hoặc biến dạng của âm thanh tiếng nói; việc mất lưu loát với các biểu hiện như sự bất thường về độ trôi chảy, nhịp điệu, sự lặp đi, lặp lại các âm thanh hoặc sự rối loạn về giọng nói với vấn đề phổ biến là sự bất thường về cao độ, âm sắc, cường độ, trường độ, chất lượng phát âm”.

“Thật không may là các yếu tố kể trên đều rất cần thiết để tạo lập một cuộc hội thoại hiệu quả nói chung và phong thái thuyết trình chuyên nghiệp nói riêng. Vì thế, tật nói ảnh hưởng khá lớn đến việc giao tiếp kể cả thường nhật lẫn trong công việc và học tập”, cô Mỹ Ngân nhận định, “Tuy nhiên, mọi người cũng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa tật nói với các yếu tố bẩm sinh ở chất giọng như giọng vùng miền để có được hướng cải thiện tốt nhất. Tật nói là vấn đề của cá nhân, còn giọng vùng miền lại chịu tác động lớn từ môi trường. Điều này đã được tôi phân tích rất kỹ tại bài viết “Giọng vùng miền, rào cản hay dấu ấn”.”

Nỗi sợ đám đông phát sinh "tật nói" tức thời

Hầu hết chúng ta đều cho rằng, các tật nói xuất phát từ yếu tố sinh lý, là một nguyên nhân bẩm sinh và hầu như không thể thay đổi ở mỗi người. Tuy nhiên, theo cô Mỹ Ngân: “Các tật nói dĩ nhiên bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố sinh lý ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp phát sinh tật nói tức thời do căng thẳng tâm lý. Tình trạng này thường xuyên xảy ra đối với các bạn nhỏ có xu hướng khép mình trong giao tiếp và ngại chia sẻ trước đám đông”.

Cô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện Kỹ năng VTALK

Cô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện Kỹ năng VTALK Chúng ta rất hay bắt gặp những bạn nhỏ nói lắp, líu lưỡi hoặc khẩu hình miệng đóng lại mỗi khi thuyết trình hoặc phát biểu trước lớp. Điểm đáng chú ý là trong giao tiếp hàng ngày, các bạn trao đổi rất lưu loát và tình trạng này chỉ xuất hiện khi các bạn phải nói trước nhiều người. Nỗi sợ nói trước đám đông được cho là lý do quan trọng nhất dẫn đến tình huống này.

Cô Mỹ Ngân cho biết: “Trẻ ở độ tuổi dậy thì có xu hướng dễ gặp phải tình trạng mắc các tật nói do yếu tố tâm lý khi đứng trước đám đông hơn, bởi trẻ bắt đầu tập trung để ý đến hình tượng cũng như đánh giá của người khác dành cho mình. Do đó các em rất muốn thể hiện bản thân ở nơi công cộng và dễ rơi vào trạng thái căng thẳng do quá chú trọng đến đánh giá của mọi người. Nếu chẳng may có lần nói lắp khi căng thẳng thì các bạn sẽ bị đóng đinh suy nghĩ về lần thất bại ấy. Từ đó hình thành nên tâm lý sợ hãi khi nói chuyện”.

Giải pháp giúp cải thiện các tật nói

Với các trường hợp tật nói bẩm sinh do yếu tố sinh lý, chúng ta cần sự can thiệp của nhiều thiết bị hỗ trợ cũng như các phương pháp y khoa để cải thiện tình hình. Riêng với các tật nói nảy sinh do tâm lý, chẳng hạn như nói ngọng, nói lắp, khẩu hình miệng đóng… chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện để giúp bản thân vượt qua những trở ngại giao tiếp không đáng có này.

Dưới đây là một số phương pháp mà theo cô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng tại Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ giúp chúng ta có thể áp dụng để cải thiện tình trạng phát sinh các tật nói do lo sợ khi trình bày trước nhiều người.

Tập trung vào bài nói

“Vì chúng ta chỉ nói lắp hoặc đóng khẩu hình khi cơ thể quá căng thẳng, nên một tâm lý thoải mái, tự tin chắc chắn sẽ giúp tình hình được cải thiện đáng kể. Thay vì để tâm trí “canh chừng” giọng điệu hay phản ứng của khán giả một cách thái quá, chúng ta có thể chuyển sự tập trung của mình vào bài nói, tựa như đang luyện nói một mình vậy. Đây là một mẹo nhỏ nhằm đánh lạc hướng tâm lý, giúp giảm được áp lực đè nặng lên cả tinh thần và cơ thể. Tất nhiên bên cạnh tâm thế tốt thì việc chuẩn bị kỹ càng trước khi hùng biện hay phát biểu cũng rất quan trọng vì nó sẽ quyết định nhiều đến sự tự tin của người trình bày”, cô Mỹ Ngân đề xuất.

Cô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện Kỹ năng VTALK

Thả lỏng tinh thần

Cũng theo cô Mỹ Ngân, trước các bài nói, nhiều người hầu như chỉ tập trung toàn bộ sức lực vào việc chăm chút nội dung, cách thức thể hiện thông điệp hoặc chuẩn bị các thiết bị sân khấu mà không quan tâm nhiều đến trạng thái tinh thần của bản thân. Điều này dễ tạo cho cơ thể cảm giác bị áp lực vì luôn lo sợ bản thân sẽ bỏ quên một điều gì đó.

Chính vì thế khi thuyết trình chúng ta khó giữ được sự tập trung, dẫn đến việc quên chữ, tật nói lắp, líu lưỡi… “Điều quan trọng ngay trước khi thuyết trình phải là tinh thần vì nội dung bài nói đã là khâu chuẩn bị trước đó rồi. Để đạt được trạng thái tâm lý tốt nhất, thì khi nói hoặc phát biểu mọi người nên thả lỏng cơ thể, toàn bộ cơ mặt, môi và khuôn miệng. Song song đó hãy hít thở sâu và nếu cần thiết thì có thể lẩm bẩm “thả lỏng, thả lỏng...” trong miệng để ổn định cảm xúc, loại bỏ tật nói lắp khi căng thẳng”, cô Mỹ Ngân khẳng định.

Kiểm soát giọng nói

Kiểm soát giọng điệu cũng là một bước rất quan trọng nếu chúng ta muốn cải thiện các tật nói của mình. Việc kiểm soát này phải đi liền với một quá trình rèn luyện lâu dài, kiên trì từng bước nhằm có được hiệu quả cao nhất.

Cố vấn Tâm lý Lê Thụy Mỹ Ngân cho rằng, với quá trình kiểm soát giọng nói, chúng ta có thể cân nhắc một số phương pháp cụ thể như: khống chế tốc độ khi giao tiếp, luyện cách nói khoan thai, nói từng từ một rõ ràng chứ không nói lướt. Ngoài ra âm thanh lúc nói cũng không được quá nhanh hay quá chậm, không quá nặng cũng không quá nhẹ”.

“Các bạn cũng có thể chủ động hơi kéo dài âm tiết đầu tiên để có thì giờ nghĩ đến phát âm của âm tiết thứ hai. Sau đó thì dựa theo tiết tấu cả câu để có những đoạn ngừng nghỉ phù hợp hơn cũng như có được cách điều chỉnh khẩu hình hợp lý hơn”, cô Mỹ Ngân bật mí thêm.

Trau dồi nội tại bản thân

“Giá trị nội tại thì ảnh hưởng gì đến việc cải thiện các tật nói? Đây là câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ nhiều bậc phụ huynh. Hiểu một cách đơn giản, giá trị nội tại là nhân tố quyết định sự tự tin cho mỗi người. Một người càng tự tin thì khả năng gặp phải các tật nói do căng thẳng càng ít. Do đó, trau dồi nội tại dù không tác động trực tiếp nhưng lại là nhân tố cốt lõi tạo nền tảng phát triển khả năng nói cho các cá nhân”, cô Mỹ Ngân bộc bạch. “Để có hiệu quả cao nhất, chúng ta nên đề ra một lộ trình luyện tập cụ thể. Bắt đầu là việc bồi đắp Kiến thức chuyên môn, nền tảng tri thức càng vững vàng, quá trình nói càng thêm hấp dẫn. Tiếp đó là tạo Sự say mê với những gì mình nói. Nếu chúng ta thực sự thích những gì mình chia sẻ, cảm giác căng thẳng sẽ ít xuất hiện và các tật nói cũng vì thế mà giảm đi đáng kể. Cuối cùng là trau dồi Lòng thấu cảm. Chúng ta hiểu khán giả thì chắc chắn sẽ dễ có được sự đồng cảm từ họ, đây là sợi dây kết nối khiến tinh thần thoải mái và hiệu quả hơn trong giao tiếp, thuyết trình”.

Tật nói tức thời do căng thẳng là tình trạng phổ biến và hoàn toàn có thể loại bỏ. Quá trình ấy bắt buộc mỗi cá nhân phải rất kiên trì luyện tập để có được sự thuần thục và kỹ năng khéo léo hơn. Với yêu cầu của thời đại mới, khi Giao tiếp - Thuyết trình trở thành kỹ năng tối quan trọng thì việc rèn luyện một cách bài bản là vô cùng cần thiết.