Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

HubSpot: 5 lầm tưởng của marketer về Gen Z

Marketer có chắc đã hiểu rõ về Gen Z không? Là một người thuộc thế hệ này, tôi không nghĩ họ thực hiểu bởi tôi nhận thấy những hoạt động marketing hướng đến các bạn trẻ như tôi khá gượng ép và giả tạo.

Một hôm tôi tình cờ đọc được bài viết thú vị của một thực tập sinh của HubSpot tên Aliza Mayer. Bạn nhẹ nhàng "lột tẩy" những quan niệm sai lầm của marketer ngày nay về Gen Z. Đồng ý với chúng, tôi quyết định lược dịch lại những quan điểm cùng dẫn chứng hay ho từ bài viết ấy với hy vọng marketer có thể tìm ra cách tiếp cận chúng tôi phù hợp hơn.

Lầm tưởng 1: Gen Z là thế hệ “mê đắm” thời trang nhanh

Nhiều marketer nhìn vào sản phẩm của SHEIN hay thương hiệu bán lẻ thời trang từ Úc Princess Polly trên TikTok, Instagram và cho rằng chúng đại diện cho xu hướng của chúng tôi. Tôi hiểu các nhà bán lẻ online này đã cố gắng thấu hiểu Gen Z ở một mức độ nào đó. Nhưng điều thực sự thu hút sự chú ý của chúng tôi lại là những website chuyên bán đồ second-hand.

Thay vì bị cuốn vào những ưu đãi hấp dẫn hay sản phẩm giá rẻ, Gen Z coi trọng sự trung thực và lập trường của thương hiệu về các vấn đề xã hội. Trong một khảo sát với 100 bạn trẻ Gen Z, HubSpot nhận thấy cách thương hiệu làm CSR có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của nhóm khách hàng này.

Có đến 50% Gen Z đồng ý rằng các công ty nên có nhận thức rõ ràng về các vấn đề xã hội. Điều này có nghĩa là marketer cần ưu tiên hành động vì xã hội, môi trường, và lấy đó làm tiền đề tiếp cận Gen Z hay thậm chí là thế hệ Millennials trẻ.

Hơn nữa, marketer không nên nghĩ các vấn đề xã hội là một điều gì đó quá to lớn. Thay vào đó, hãy chia nhỏ thành các vấn đề cụ thể mà marketer đảm bảo mình có thể giải quyết được. Ví dụ một số vấn đề các bạn đang quan tâm mà HubSpot ghi nhận được là: phân biệt chủng tộc (69%), quyền LGBTQ+ (50%), bất bình đẳng giới (46%), và biến đổi khí hậu (42%).

Lầm tưởng 2: Gen Z không bận tâm đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu

Tôi hiểu lý do tại sao lại có sự hiểu lầm này. Vì Gen Z được biết đến là một thế hệ luôn “dán mắt” vào màn hình điện thoại. Điều này đi kèm với nguy cơ dữ liệu không được bảo mật.

Hơn nữa, một nhãn dán khác được gán cho chúng tôi là “thế hệ TikTok”. Ngay cả cựu Global Chief Security Officer của TikTok từng bày tỏ những lo ngại về quyền riêng tư. Thậm chí một bộ phận Gen Z đôi lúc sử dụng mạng xã hội một cách vô trách nhiệm, ví dụ có thể kể đến thử thách thùng sữa “Milk Crate Challenge” trở nên viral vào tháng 8/2021. Thử thách này yêu cầu người chơi cố gắng vượt qua các thùng sữa được xếp chồng lên nhau theo hình kim tự tháp. Nghe có vẻ đơn giản nhưng do kết cấu không chắc chắn, kết quả xảy đến với họ thường là cú ngã đau đớn.

Nhưng khoan hãy đánh giá thấp Gen Z chúng tôi. Nhìn vào biểu đồ trên, bạn có thể thấy sự tin tưởng vào khả năng bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng ở Gen Z. Với sự đồng ý của 83% đáp viên, bảo mật dữ liệu xếp thứ 2 trong số các yếu tố tác động đến mức độ cân nhắc thương hiệu.

Theo đó, marketer nên ngưng quy chụp rằng Gen Z không quan tâm đến quyền riêng tư dữ liệu, và đảm bảo đáp ứng tiêu chí này cho khách hàng Gen Z của thương hiệu. Đúng là không phải lúc nào chúng tôi cũng ưu tiên tiêu chí này hơn việc trải nghiệm và giải trí, nhưng đừng nghĩ rằng bạn có thể làm bất cứ điều gì với dữ liệu của chúng tôi.

Lầm tưởng 3: TikTok là nền tảng tốt nhất để tiếp cận Gen Z

TikTok là không gian giải trí tuyệt vời cho Gen Z khi mang lại những nội dung chân thực và gần gũi hơn so với những nền tảng mạng xã hội khác. Nội dung trên TikTok còn khá hấp dẫn đối với những người có khoảng chú ý ngắn hạn của Gen Z. Dù Gen Z dùng TikTok khá thường xuyên nhưng ngạc nhiên thay TikTok không phải là nền tảng mà chúng tôi chuộng nhất. Bởi theo một khảo sát của HubSpot, Instagram và YouTube mới là 2 nền tảng dẫn đầu những mạng xã hội yêu thích của Gen Z; còn TikTok chỉ đứng ở vị trí thứ 3. Chính vì thế, bên cạnh nỗ lực tạo nội dung trên TikTok, marketer đừng bỏ quên “người bạn già” của Gen Z – Instagram và YouTube.

Có nhiều lý do khiến Gen Z không mua hàng trực tiếp trên TikTok. Trong đó, hai lý do chính là (1) Gen Z còn khá quan ngại về quyền riêng tư dữ liệu trên TikTok, (2) mục đích chính yếu khi dùng TikTok của Gen Z đơn thuần là kết nối và giải trí.

Lầm tưởng 4: Gen Z sẵn sàng mở ví mua bất kỳ sản phẩm nào mà họ nhìn thấy

Khảo sát của HubSpot chỉ ra Gen Z thích khám phá sản phẩm trên mạng xã hội thông qua: (1) video ngắn như TikTok, Reels...; (2) quảng cáo hay Sponsored Content; (3) bài đăng; (4) cửa hàng trên mạng xã hội; (5) tính năng Story; (6) Influencer. Nhìn chung, để thuyết phục Gen Z, các thương hiệu phải ưu tiên tạo nội dung giải trí, chân thực. Điều này giúp đảm bảo sự xuất hiện của sản phẩm nhưng không gây cảm giác gượng ép.

Lầm tưởng 5: Quảng cáo truyền miệng là một trong nhưng cách tiếp cận Gen Z hữu hiệu

Chúng tôi biến mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến thành phiên bản marketing truyền miệng thời hiện đại. Gen Z thậm chí còn tin tưởng những lời giới thiệu từ các influencer hơn cả bạn bè và gia đình của mình. Và biểu đồ dưới nhấn mạnh trọng tâm tiếp thị nên là kết nối với Gen Z trong không gian mà chúng tôi cảm thấy thoải mái: mạng xã hội.

Vậy là marketer, anh/ chị/ bạn từng có những lầm tưởng như thế về Gen Z chúng tôi không? Còn bạn đọc là Gen Z, còn điều gì mà bạn cho rằng marketer nhìn nhận sai về mình? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn ở phần comment bên dưới nhé.

Theo Tường Vi/ Brands Vietnam
*Nguồn: HubSpot