Viết quyết định Nói - kinh nghiệm Thuyết trình Thực tế dành cho người trẻ

Warren Buffet đã chia sẻ, đại ý rằng, cách để mỗi người trở nên đáng giá hơn 50% so với năm ngoái là học cách đầu tư vào chính bản thân mình. Cụ thể hơn là hãy trau dồi kỹ năng giao tiếp một cách thuần thục trên cả hai phương diện là nói và viết. Nghĩa là, kỹ năng nói luôn phải được rèn giũa và phát triển cùng với quá trình viết.

Viết hay để nói giỏi

"Một bài thuyết trình tuyệt vời mang lại lợi thế cho những ý tưởng thông minh." (Nancy Duarte). Thuyết trình vẫn luôn là chìa khóa vàng khởi đầu cho nhiều chặng đường thành công phía sau. Vậy điều gì cần được quan tâm nhất để xây dựng nên một bài thuyết trình tuyệt vời? Khả năng về ngôn ngữ, kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ cơ thể hay sự tự tin?

Theo suy nghĩ thông thường, các yếu tố bên ngoài như tâm lý, hình thể hay diễn đạt sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Tuy nhiên, đó là một quy trình ngược vì chất lượng bài nói được quyết định do sự chuẩn bị kỹ càng bắt đầu từ chính nội dung. Trong đó, quan trọng nhất là quá trình viết nội dung cho bài thuyết trình. Vì viết tốt mới có thể nói tốt.

Viết bao gồm quá trình tìm kiếm thông tin, đưa ra các quan điểm và sắp xếp hệ thống ngôn từ để chứng minh cho vấn đề cần trình bày. Quá trình viết được đánh giá là bước khởi đầu quan trọng cho một bài thuyết trình hoàn chỉnh. Về vấn đề này, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK từng khẳng định: “Điều cấm kỵ nhất khi thuyết trình là học thuộc lòng những gì đã ghi trên giấy. Nhưng điều bắt buộc khi thuyết trình là phải viết được nội dung. Viết hay không có nghĩa là là nói tốt, nhưng viết hay là bước đầu để nói tốt”.

Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ

Một bài viết tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả chất lượng bài nói lẫn tâm lý người trình bày.

Lợi ích đầu tiên, quá trình viết nội dung giúp bố cục bài nói được mạch lạc và rõ ràng hơn. Để có thể lập luận thành công một vấn đề, chúng ta cần có một quan điểm vững vàng, một hệ thống luận điểm logic và các luận cứ chứng minh xác đáng. Nghĩa là, chúng ta cần một quá trình viết lách cẩn thận ngay từ ban đầu. Kết cấu bài thuyết trình có tính thuyết phục hay không đều phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tư duy và viết nội dung ban đầu này.

Lợi ích thứ hai, viết nội dung giúp bài nói có được độ sâu và chuẩn xác về mặt kiến thức và tư duy. Trí nhớ con người là có giới hạn. Để có hiểu đầy đủ và sâu sắc về một vấn đề hoặc một sự kiện nào đó, chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào trí nhớ và những kiến thức mình đã từng học hay đọc qua, mà quan trọng là phải có một quá trình tìm kiếm, kết nối tri thức và lựa chọn những dẫn chứng thực tế để chứng minh một cách thuyết phục hơn. Quá trình chắt lọc và kết nối này chỉ nảy sinh khi chúng ta tập trung viết và giải quyết vấn đề.

Lợi ích thứ ba, quá trình viết tạo cơ hội cho chúng ta có được hình dung ban đầu về buổi thuyết trình, tức là những gì chúng ta sẽ trình bày và những gì có thể xảy ra trong suốt bài nói của mình. Không có điều gì thôi thúc trí tưởng tượng của con người mạnh mẽ hơn ngôn từ, đặc biệt là những ngôn từ được viết ra thông qua quá trình suy tư và gạn lọc kỹ càng. Thông qua quá trình viết, người nói sẽ tự vạch ra được những tình huống, những câu hỏi hay những vấn đề có thể xảy ra, từ đó, có thêm nhiều cơ hội để chuẩn bị tốt nhất cho cách ứng xử và giải quyết các tình huống thực tiễn. Hiệu quả bài thuyết trình cũng từ đó mà được nâng cao hơn.

Với những lợi ích to lớn kể trên, dễ dàng nhận thấy, thuyết trình vốn không chỉ là câu chuyện của kỹ năng hay thái độ. Thuyết trình còn yêu cầu cao về chất lượng của tri thức và khả năng kiểm soát, thâu tóm vấn đề của người trình bày. Chính vì thế, quá trình viết nội dung phải được học hỏi và rèn luyện như một bài học vỡ lòng của kỹ năng thuyết trình - một bài học cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng và cần thiết.