Cô giáo Mỹ Ngân xinh đẹp với giấc mơ vun đắp cho ngành giáo dục

“Mình thực sự muốn làm một điều gì đó để thay đổi những hạn chế của giáo dục hiện tại. Học sinh phải là trung tâm của mọi sự yêu thương và dạy dỗ chứ không phải người cuối cùng hứng chịu những tranh cãi như hiện tại”

Cô giáo Lê Thụy Mỹ NgânCô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện VTALK

Suốt nhiều năm qua, giới báo chí liên tục cảnh báo về tình trạng dư thừa giáo viên với con số đã lên tới 10.178 từ cấp mầm non đến THPT. Con số khủng khiếp ấy khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về trình độ và chất lượng của sinh viên ngành sư phạm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cô giáo Lê Thụy Mỹ Ngân, thủ khoa đầu vào (năm 2018), sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (năm 2022) của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, “Thực chất ngành giáo dục không “tăm tối” như cách mọi người vẫn thường bàn tán vì rất nhiều giáo viên như mình đang nỗ lực cho sự đổi thay tích cực hơn dành cho các bạn nhỏ”.

Tài năng và nhiệt huyết

Cô Mỹ Ngân vốn là một dân chuyên văn chính hiệu tại trường THPT Chuyên Bình Long - một ngôi trường nổi tiếng hiếu học tại tỉnh Bình Phước. Nhưng khác với tư tưởng của nhiều học sinh trường chuyên khác, cô không áp lực bởi việc phải tìm kiếm những ngành hot, những trường top để chứng minh “đẳng cấp” dân chuyên. Thay vào đó, quyết tâm theo đuổi ngành sư phạm đã được cô xác định ngay từ những ngày đầu vào cấp ba.

“Nhiều người xung quanh mình đều nghĩ sư phạm là ngành không còn được xã hội trọng dụng, đội ngũ giáo viên cũng đang xuống cấp, năng lực rất kém vì chỉ có những ai điểm thấp thì mới vào. Suy nghĩ đó khiến mình trăn trở và mình muốn thay đổi nó”. Cô Mỹ Ngân bộc bạch.

Suốt những năm tháng là học sinh, thôi thúc ấy chưa bao giờ ngừng âm ỉ trong trái tim cô. Nhiều năm liền, cô là học sinh tiêu biểu của khối, của trường. Trong mọi việc làm, cô đều dốc sức nỗ lực hết mình. Từ việc học trên lớp đến các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, bao giờ cô cũng đều gặt hái được những thành tích rất tốt.

Lê Thụy Mỹ Ngân Cô Lê Thụy Mỹ Ngân - Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện VTALK

Vốn thông minh và say mê hết lòng với văn học, cô Mỹ Ngân trở thành một trong bốn học sinh giỏi văn được đại diện nhà trường tham gia hầu khắp các cuộc thi học sinh giỏi tầm cỡ như cuộc thi Olympic 30/4 Lê Hồng Phong, cuộc thi Học sinh giỏi tỉnh Bình Phước, cuộc thi chọn Đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia. Dù là “chiến trường” nào, cô đều có được những giải thưởng lớn, được nhà trường vinh danh nồng nhiệt.

“Với các cuộc thi, mình tham gia nhiều vì mong muốn được va chạm và trưởng thành. Không nơi đâu mình có thể gặp được những người giỏi nhiều như các cuộc thi. Nhờ những cơ hội này mà tính cách và kỹ năng mình cũng hoàn thiện hơn”. Cô Mỹ Ngân chia sẻ về quá trình phấn đấu suốt thời học sinh.

Những nỗ lực của cô được đền đáp xứng đáng khi cô trở thành Tân thủ khoa của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 với số điểm khiến bao người phải ngưỡng mộ. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho những cố gắng và bứt phá của cô trong suốt quãng thời gian sinh viên.

Khát khao cống hiến và đổi thay

Là một sinh viên ngành sư phạm, cô bắt đầu có thêm nhiều cơ hội để tiếp xúc và trải nghiệm với tư cách một người làm giáo dục thay vì chỉ thụ hưởng nền giáo dục như trước đây. Đó cũng là lúc cô dần nhận ra những lỗ hổng mà ngành giáo dục chưa thể bù đắp kịp thời cho các bạn học sinh.

Đầu tiên là mối dây gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái còn nhiều lỏng lẻo. Câu chuyện của trách nhiệm là câu chuyện mãi không có hồi kết. Gia đình hầu như khoán trắng trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường, sự hỗ trợ và quan tâm là rất ít. Nhà trường lại quy kết trách nhiệm lên gia đình và cá nhân giáo viên. Một vòng luẩn quẩn của trách nhiệm khiến học sinh là những người đáng thương nhất vì các em luôn phải chịu áp lực từ rất nhiều phía.

Cô Mỹ Ngân cũng chia sẻ: “Đây chính là lý do khiến mình thực sự muốn làm một điều gì đó để thay đổi những hạn chế của giáo dục hiện tại. Học sinh phải là trung tâm của mọi sự yêu thương và dạy dỗ chứ không phải người cuối cùng hứng chịu những tranh cãi như hiện tại”.

Lê Thụy Mỹ NgânCô Lê Thụy Mỹ Ngân, Cố vấn tâm lý, Giáo viên Kỹ năng Học viện VTALK

Cô cũng chia sẻ thêm, là giáo dục kỹ năng cho các em học sinh hiện còn rất nhiều bất cập. Cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng được nhu cầu, giờ học chính khóa lại quá nhiều khiến giáo dục kỹ năng đang bị xem nhẹ. Xuất phát từ một học sinh trường tỉnh, vốn không có nhiều điều kiện và cơ hội để rèn luyện kỹ năng cho bản thân nên cô hiểu rằng, kỹ năng mềm là “nỗi đau” của nhiều nhà trường. “Mình rất thương khi nhìn các em chật vật không thể trình bày rõ ràng một câu trả lời trong lớp. Lại càng thương khi nhìn thấy ánh mắt lo lắng và sợ hãi của các em trước giờ thuyết trình” - cô Mỹ Ngân nói.

Để giúp các em thay đổi và hoàn thiện tốt hơn về mặt kỹ năng, cô Mỹ Ngân luôn nỗ lực thiết kế những buổi học sáng tạo, mang tính trải nghiệm và ứng dụng thực tế cao hơn. Đây cũng là lý do mà cô dốc lòng xây dựng và phát triển các bài giảng của mình tại Học viện Kỹ năng VTALK - một cơ sở dạy kỹ năng thuyết trình với khao khát sẽ mang lại những giá trị đích thực, giúp hoàn thiện thế hệ trẻ Việt Nam.

Kỹ năng mềm cho học sinh chính là nỗi trăn trở lớn nhất của cô hiện tại. Cô chia sẻ, “Mình luôn cố gắng biến những giờ học trên lớp trở thành những giờ học thực tế nhất. Nhưng việc tuân theo tiến độ giáo án chung cùng giờ giấc hạn chế khiến mình không đóng góp được nhiều. Tình cờ là Học viện VTALK lại mang đúng tư tưởng và giá trị mà mình mong đợi nên ngoài giờ đứng lớp chính khóa, mình toàn tâm giảng dạy kỹ năng để các em hoàn thiện và trưởng thành tốt hơn”.

Thật ngưỡng mộ và quý trọng những nỗ lực và cống hiến của cô dành cho nền giáo dục nước nhà. Chúng ta cảm thấy may mắn khi mà ngoài kia, rất nhiều người đang hoài nghi về năng lực và tâm huyết của đội ngũ giáo viên thì chúng ta vẫn được nhìn thấy sự cố gắng hết mình từ những giáo viên có tuổi đời còn rất trẻ như cô Mỹ Ngân. Giáo dục là con đường dài hơi, con đường của sự kiên trì và vun đắp mỗi ngày. Rất hy vọng rằng cô Mỹ Ngân sẽ luôn hết mình với hệ thống giáo dục như cách cô vẫn đang cống hiến. Hy vọng chúng ta sẽ được thấy một tương lai tốt đẹp hơn cho các em học sinh dưới một nền giáo dục hoàn thiện và năng động hơn.