Phỏng vấn thuyết trình: Cách ứng dụng thuyết trình vào cuộc sống

Interview presentation (tạm dịch: Phỏng vấn thuyết trình) được xem như một phương thức kiểm tra toàn diện một ứng viên tiềm năng. Tại đó, người tham gia có cơ hội để thể hiện khả năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục, cách biểu đạt và sự tự tin, cũng như cả năng lực, lẫn tư duy nghề nghiệp mà họ đang có.

Khác với các buổi phỏng vấn thông thường là “công ty hỏi – ứng viên trả lời”, cách phỏng vấn bằng cách thuyết trình sẽ yêu cầu khả năng trình bày của ứng viên. Theo đó, thay vì chờ đợi doanh nghiệp đưa ra câu hỏi, bạn sẽ được yêu cầu chuẩn bị một vấn đề và thuyết trình với Slide, bảng biểu,… trong thời gian quy định. Trong suốt thời gian phỏng vấn, với tâm thế là một người chủ động, bạn hoàn toàn có thể chứng minh được năng lực của bản thân thông qua trình bày.

Để bài thuyết trình có điểm nhấn hơn đối với người phỏng vấn, hãy sử dụng ngôn từ và hành động một cách rõ ràng và tự tin. Dưới đây là một vài mẹo để bài phỏng vấn thuyết trình trở nên thu hút hơn

1. Kể một câu chuyện luôn là cách bắt đầu bài thuyết trình hiệu quả

Kể một câu chuyện có thể giúp người nghe của bạn dễ dàng liên tưởng hay so sánh những thông tin tương đồng với nội dung mà bạn đang chia sẻ. Kể một câu chuyện luôn là cách bắt đầu bài thuyết trình hiệu quả vì mang đến sự sống động, gợi hình gợi cảm và tránh nhàm chán.

2. Tối giản hóa thông tin

Khi thuyết trình, hãy đưa ra quan điểm của bạn một cách dễ hiểu và đơn giản để tránh có những hiểu lầm đáng tiếc. Mỗi người sẽ có một cách tiếp nhận thông tin khác nhau, tuy nhiên trong buổi phỏng vấn gần như không thể đáp ứng được phong cách tiếp thu thông tin của mỗi nhà tuyển dụng, vì vậy hãy truyền đạt theo cách phổ thông và dễ tiếp nhận nhất có thể.

3. Một chút nhấn nhá

Đơn giản hóa mọi thứ để nâng cao tốc độ trình bày và tiếp nhận thông tin, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc trình bày mọi thứ một cách “chán òm”. Hãy kịch tính hóa phần trình bày của bạn bằng một lời hứa hẹn hay thách thức (tất nhiên phải dựa trên cơ sở năng lực thật sự). Gây ấn tượng với người nghe bằng việc hứa hẹn một con số khủng hay một thay đổi lớn. Có thể sau này bạn không thể đạt được trọn vẹn lời khẳng định ấy nhưng chí ít phương pháp của bạn đã làm mọi thứ tối ưu hơn.

4. Tạo hiệu ứng

Đừng để phần thuyết trình của bạn là buổi trao đổi một chiều mà ở đó bạn nói rất nhiều nhưng người nghe lại chẳng hào hứng bao nhiêu. Hãy chuẩn bị danh sách các câu hỏi và đặt ra trong phần trình bày để thu hút khán giả của bạn. Xuyên suốt quá trình luôn cần có sự trao đổi và phản hồi liên tục giữa hai bên, tuy nhiên câu hỏi cần phải “chất” và gợi suy nghĩ. Việc này có thể phản tác dụng nếu các câu hỏi của ứng viên quá dễ khiến đối phương cảm thấy bị hỏi nhảm, hoặc những câu hỏi đóng vốn dĩ đã có sẵn câu trả lời.

5. Cá nhân hóa

Hãy thiết kế phần trình bày của bạn để phù hợp với từng nhà tuyển dụng khác nhau. Yêu cầu về ứng viên có thể đã thể hiện rất rõ trên thư tuyển dụng, hãy căn cứ vào đó để điều chỉnh bài thuyết trình của bạn nhằm đánh trúng “nỗi đau”, gãi trúng chỗ ngứa của nơi tuyển dụng. Điều này sẽ mang đến cho đối phương cảm giác bạn rất chú trọng trong công việc, dụng tâm tìm hiểu và thấu hiểu công ty.

6. Hình ảnh hiệu quả

Trong phỏng vấn thuyết trình, thường các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu slide với các ứng viên. Yêu cầu này có thể chưa phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên nếu bạn có thể chuẩn bị sẵn một slide về những nội dung mình sẽ trình bày đó sẽ là điểm cộng. Mặt khác, slide cần phải chỉn chu và dễ tiếp cận nhưng đồng thời không được chiếm sóng quá nhiều so với bạn, vì vậy đừng quá cầu kỳ.

Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, Founder kiêm CEO của Học viện kỹ năng VTALK có chia sẻ: “Thuyết trình không phải là một nghề nghiệp, thuyết trình phải là công cụ thường trực trong cuộc sống hàng ngày”. Thuyết trình không chỉ là kỹ năng chỉ áp dụng trong lớp học hay làm một dự án, thậm chí ở môi trường quốc tế, các công ty đã áp dụng hình thức phỏng vấn với việc ứng viên thuyết trình thay vì quy trình hỏi - đáp truyền thống. Có thể thấy, kỹ năng thuyết trình dần xuất hiện và trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực đời sống.

Mai Nguyễn Hoàng Nam - Founder & CEO Học viện Kỹ năng VTALK