Chủ đề thuyết trình ấn tượng - phải tìm ở đâu?

“Nếu gọi thuyết trình là một cuộc gặp gỡ hẹn hò, thì chủ đề chính là cô gái hoặc sẽ hấp dẫn người ta đến chiêm ngưỡng hoặc sẽ quay lưng khi vừa nhìn thấy hình hài. Chủ đề thuyết trình chính là ấn tượng ban đầu cực kỳ quan trọng” (Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK).

Mỗi lời nói ra không chỉ là cách con người giao tiếp đơn thuần mà còn là đại diện cho tư tưởng, trí tuệ và tầm nhìn của chính bản thân người nói. Vì thế, việc lựa chọn bạn sẽ nói gì, nói trong bao lâu, nói ở mức độ nào trở nên cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là trong môi trường giáo dục và công việc thì chủ đề giao tiếp hay chủ đề thuyết trình là những công cụ gián tiếp để người khác đánh giá phẩm chất và tài năng một con người.

Chủ đề thuyết trình

Bí quyết tìm kiếm chủ đề thuyết trình ấn tượng

Quan trọng là thế, nhưng việc lựa chọn chủ đề thuyết trình chưa bao giờ là dễ dàng đối với các bạn học sinh. Có những chủ đề nóng hổi, nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận nhưng lại không phải thế mạnh của các bạn. Có những chủ đề rất dễ để tìm kiếm và thu thập thông tin nhưng lại nằm ở nhóm ai cũng có thể làm được, không mang dấu ấn cá nhân người trình bày. Có những chủ đề các bạn thực sự quan tâm nhưng lại không đủ khả năng truyền tải hết ý nghĩa hoặc không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ kiến thức trên trường lớp. Vậy làm thế nào để các bạn học sinh có thể lựa chọn chủ đề vừa phù hợp, vừa đảm bảo sự độc đáo, hấp dẫn?

Dưới đây là bốn phương pháp giúp các bạn tiếp cận và chọn chủ đề cực kỳ hiệu quả:

Tiếp cận chủ đề thuyết trình theo cách truyền thống

Tiếp cận theo cách truyền thống nghĩa là thông qua kiến thức trong sách vở học ở trường lớp, qua tin tức truyền hình hàng ngày hoặc qua các bản tin trên báo đài.

Đối với thế hệ các bạn học sinh ngày nay, phương thức tiếp nhận thông tin này không được chú trọng nhiều vì sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ mới khiến các bạn có nhiều lựa chọn nhanh và tiện hơn. Tuy nhiên, nguồn kiến thức từ cách truyền thống này lại được chắt lọc kỹ càng và có độ tin cậy cao. Với độ tuổi của các bạn học sinh, khi kinh nghiệm và trải nghiệm chưa nhiều, khả năng sàng lọc thông tin cũng chưa thực sự hiệu quả thì cách tiếp cận chủ đề này sẽ an toàn hơn về mặt kiến thức, đồng thời giúp các bạn định hình được lối tư duy mạch lạc, có trọng tâm và có tầm nhìn xa hơn.

Bên cạnh đó, các kênh truyền hình, báo đài ngày nay cũng đang dần “trẻ hóa” với những chủ đề gần gũi dành riêng giới trẻ. Đây là sẽ cách giúp các bạn vừa giải đáp được những suy tư vừa phát triển được những chủ đề thuyết trình phù hợp.

Tận dụng mạng internet để cập nhật các vấn đề thực tế

Internet - “sân chơi” mà các bạn học sinh đã tham gia từ rất sớm cũng mang một nguồn kiến thức vô tận với đủ mọi loại hình tiếp cận và phản ánh sâu rộng được các vấn đề trong cuộc sống, từ trong nước đến trên thế giới.

Chỉ chưa đầy 0.1 giây, các bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm được hàng triệu kết quả trên Google. Hay chỉ sau một vài tích tắc, các bạn đã có thể tiếp cận với hình ảnh mới nhất trên mạng xã hội của Ronaldo hay Sơn Tùng MTP dù bạn cách họ hàng nghìn, hàng triệu km địa lý. Tốc độ và tiện lợi là lợi thế vượt trội mà internet có được so với tất cả các phương pháp tiếp cận thông tin khác. Nhưng cũng vì quá nhanh, quá tiện khiến lượng thông tin trở nên khổng lồ, không thể kiểm soát và khó phân biệt đúng - sai, phải - trái.

Để có được những chủ đề hay và chất lượng từ internet, các bạn học sinh cần chủ động nhận thức và kiểm soát hành vi của mình trên không gian mạng. Các bạn có thể quan tâm và tham gia các cộng đồng chia sẻ kiến thức, truyền năng lượng tích cực và học cách chọn lọc nguồn thông tin trên internet sớm nhất có thể.

Trau dồi nền tảng nội tại của bản thân nhằm phát triển sự sáng tạo

Nhiều người đặt tên cho thế hệ Z ngày nay là một Thế hệ cúi đầu, cúi đầu chăm chú vào smartphone và phụ thuộc hoàn toàn vào internet. Bất cứ vấn đề gì phát sinh, dù chỉ là một câu hỏi nhỏ trong lớp học cũng khiến các bạn nghĩ ngay đến việc tìm kiếm kết quả có sẵn từ internet mà quên đi việc tận dụng khả năng tự tìm tòi và tư duy của bản thân. Đây cũng là lý do khiến các bạn hay bối rối với việc lựa chọn chủ đề thuyết trình phù hợp vì chính bạn còn chưa thực sự hiểu mình. Trong khi, "Nếu bạn không biết những gì bạn muốn đạt được trong bài thuyết trình của mình thì khán giả của bạn sẽ không bao giờ làm được" (Harvey Diamond), khi bản thân người nói còn những khúc mắc, những góc khuất trong suy nghĩ, khán giả chắc chắn không thể hiểu, không thể thấu suốt được vấn đề.

Thay vì phụ thuộc vào những công cụ xung quanh, việc quay về và trau dồi nền tảng nội tại cho chính mình là một phương pháp hiệu quả hơn rất nhiều. Nền tảng này có thể khởi nguồn đơn giản từ việc bạn nghiêm túc với việc học tập trên lớp, nỗ lực tham gia các hoạt động thực tế hoặc tận dụng các cơ hội gia tăng trải nghiệm sống cho bản thân.

Tư duy của con người vốn là kho tàng sáng tạo diệu kỳ. Vì thế, nếu mỗi người đủ nền tảng nội tại cần thiết, sự sáng tạo sẽ giúp ta phát triển được những chủ đề thuyết trình hấp dẫn nhất. Đây cũng là phương pháp mà những cơ sở dạy kỹ năng hàng đầu như Học viện Kỹ năng VTALK đang nỗ lực áp dụng vào hệ thống giáo án chuyên biệt của mình, lấy học viên làm trung tâm và nỗ lực hướng dẫn các bạn quay về trau dồi và phát triển sức mạnh nội tại của mình. Nội tại là nền tảng cho mọi sự sáng tạo và bứt phá vĩ đại nhất.

Mai Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ

Thiết lập và mở rộng mạng lưới mối quan hệ

“Ngôn từ vốn dĩ là liều thuốc bổ mạnh nhất được nhân loại sử dụng” (Rudyard Kipling), bởi vì thông qua ngôn từ, chúng ta nhận về tri thức, nhận về kỹ năng và cả những kinh nghiệm quý báu nhất của người khác. Chúng ta có thể không phải là người thông minh nhất, nhưng nếu ta có được kiến thức của người thông minh nhất, ta hoàn toàn đủ khả năng để bứt phá bản thân một cách mạnh mẽ. Chính vì thế, đừng bao giờ quên việc thiết lập và mở rộng mạng lưới các mối quan hệ bổ ích. Đây sẽ là nguồn kiến thức thực tế nhất mà mỗi người có thể nắm bắt và áp dụng vào việc học tập hay lựa chọn chủ đề phát triển cho bản thân mình.

Việc xây dựng mạng lưới mối quan hệ còn mang giá trị lâu dài cho chặng đường phía trước của các bạn học sinh, vừa định hướng nghề nghiệp tương lai vừa phát triển những bài học từ thực tế cuộc sống và từ trải nghiệm của người đi trước.

Vì những gì chúng ta thể hiện sẽ mô phỏng về giá trị bản thân của mỗi người nên việc tìm kiếm và lựa chọn những chủ đề, những câu chuyện phù hợp phải được rèn giũa liên tục. Bạn sẽ trở thành người mà chính bạn luôn nỗ lực hướng tới.