Marketer Tô Nguyễn Trọng Nhân
Tô Nguyễn Trọng Nhân

Online Customer Marketing Manager @ Logitech Vietnam

Cần có những kỹ năng gì để gia nhập ngành e-Commerce?

Khi nhắc đến e-Commerce, người ta thường nhắc đến Shopee, Tiki, Lazada... – những sàn thương mại điện tử vốn đã và đang rất nổi tiếng. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của ngành, e-Commerce thật sự còn rộng hơn thế.

Theo góc nhìn của mình, nó bao gồm:

  • Sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Sociolla… Ở sàn có rất nhiều vị trí chuyên môn khác nhau, nhưng nhìn chung, mình thấy sẽ chia làm 2 hướng:
    • Commercial (Thương mại): Làm các hoạt động liên quan đến vấn đề kinh doanh của sàn, đưa ra các chính sách, chiến dịch... để tăng GMV (Gross Merchant Value) cho sàn.
    • Operation (Vận hành): Vận hành nội bộ và hỗ trợ nhà bán hàng các hoạt động kinh doanh trên sàn, làm việc với các đơn vị vận chuyển, nhà kho… để tối ưu các hoạt động vận hành kinh doanh.
  • Brand / Sellers hay các nhà bán hàng (NBH): Để làm e-Commerce ở Brand và Seller, bạn cần có tư duy thực dụng hơn, vì mục tiêu cuối cùng là có được doanh số trên sàn. Trách nhiệm của bạn là tìm giải pháp để tối đa hoá lượng hàng bán ra và tối ưu hoá vận hành. Theo mình thấy, người làm ở Brand / Sellers đa số vừa làm Marketing, vừa làm Commercial.
  • E-commerce Enabler (Agency): Những đơn vị thứ 3, là cầu nối giữa Brand / Sellers và sàn để hỗ trợ việc bán hàng đa sàn cho Brand / Sellers.
    • Chuyên về dịch vụ: Hỗ trợ nhà bán hàng hoặc brand bán hàng đa sàn (bao gồm tư vấn, quản lý gian hàng, vận hành, tối ưu hoạt động kinh doanh cho Sellers). Ví dụ: Jetcommerce, OnPoint.
    • Phần mềm: Xây dựng sản phẩm hỗ trợ NBH tự động hoá các quy trình vận hành, báo cáo doanh thu đa sàn. Ví dụ: Haravan, A1 Demy.

Điểm chung về môi trường & Tần suất làm việc

Mình có kinh nghiệm làm việc ở E-commerce Enabler. Trong quá trình đó, mình được tiếp xúc với cả các bạn ở sàn và Sellers trong việc thực thi và triển khai các chiến dịch khuyến mãi.

Trước đó, đa phần mình làm ở môi trường thuần truyền thống, nên khi chuyển sang môi trường này mình không khỏi bỡ ngỡ với tốc độ và cường độ làm việc cực kỳ cao. Việc các bạn bên sàn làm cả Thứ 7, Chủ Nhật là chuyện bình thường hay làm việc đến 19-20h các ngày trong tuần, thức xuyên đêm trong các ngày Big Sale là chuyện hiển nhiên như cơm bữa.

Các bạn làm việc ở Client hay Agency, cũng không thảnh thơi hơn là bao. Do tính chất làm đa sàn, tức là vừa hết Big Sale ở Lazada, bạn đã phải chuẩn bị đương đầu vớI Big Sale trên Shopee, liên tục xen kẽ nhau như thế. Đặc biệt là quý 4 khi các chương trình đồng loạt diễn ra trên cả 4 sàn như 9.9, 10.10, 11.11, 12.12 và Tết.

Nguồn: Unsplash

Do ngành chuyển động và thay đổi quá nhanh, lại còn rất mới so với các ngành khác, nên lúc nào cũng sẽ có những bài toán trên trời rơi xuống cần được giải quyết: từ tối ưu vận hành, đến tối ưu hoạt động thương mại (Commercial)… Và hầu như dữ liệu số là một yếu tố bản lề của mọi bài toán.

Chính vì thế, để gia nhập ngành e-Commerce, bạn cũng cần phải trang bị những kỹ năng nền tảng nhất định để có thể sống sót qua mùa Mega Sale Campaign vốn rất khắc nghiệt.

Những kỹ năng chung cần có để gia nhập ngành e-Commerce

Nền tảng sức khoẻ tốt & Sức chịu đựng cao

Như đã nói ở trên, đa số người làm ở ngành này sẽ thường xuyên đối diện với áp lực công việc (Deadline dồn dập, KPI chồng chất) và tần suất làm việc cường độ dày đặc (đặc biệt trong các mùa campaign). Vì thế nên rất dễ dẫn đến tình trạng overload, kiểu tự nhiên “tắt điện” hết năng lượng, tụt hết cảm xúc vì quá ức chế, và phải mất vài ngày để hồi phục trở lại.

Khi đó, một nền tảng sức khoẻ tốt về cả thể chất lẫn tinh thần sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn căng thẳng hoặc tích cực trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh một cách dễ dàng hơn.

Tư duy về số và dữ liệu

Dữ liệu là thứ rất quan trọng với những người làm trong ngành này (đặc biệt là khối Marketing, Operation, Commercial). Sẽ luôn có rất nhiều câu hỏi tại sao cần được giải quyết dựa trên khả năng phân tích và đánh giá về dữ liệu của bạn: Tại sao số này tăng mà số này giảm? Tại sao doanh thu đợt này không đạt mục tiêu đề ra? Lý do ở đâu? Con số nào giảm gây ảnh hưởng đến như vậy?…

Chính vì thế, việc có một nền tảng tư duy phân tích, tổng hợp và đưa ra các quyết định về số sẽ giúp bạn khác biệt khi mọi lập luận đều logic và mang tính thuyết phục cao. Dĩ nhiên, cách đơn giản nhất để tự trau dồi là bắt đầu với Excel.

Nguồn: Pexels

Kiến thức nền

Ở các công ty e-Commerce nhìn chung cũng sẽ có các phòng ban cơ bản như: Marketing, Commercial, Finance, Business Intelligence…

Nhìn chung, Marketing trên sàn cũng là Marketing, cũng cần hiểu được các nguyên tắc và tư duy nền tảng cơ bản của Marketing, hoặc hiểu về các công cụ Digital Marketing chẳng hạn. Commercial cũng sẽ có những kiến thức nền tảng về Trade Marketing, như tính toán hoạt động Promotion, giá cả chẳng hạn.

Việc trau dồi các kiến thức nền tốt, sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận và tiếp tục học hỏi hiệu quả hơn khi đi sâu vào làm việc thực tế.

Tính kỹ lưỡng & chi tiết

Một chị đồng nghiệp của mình từng nói: “Để làm đúng và đủ trên sàn thì rất dễ, nhưng để làm hiệu quả thì phải bỏ rất nhiều công sức vào nó”.

Trong quá trình làm việc, mình thấy điều này khá đúng. Bạn phải bỏ thời gian tối ưu từng chi tiết nhỏ nhất: Tên sản phẩm, hình ảnh, content, trang gian hàng, livestream, story, rating & review, banner trong gian hàng, chạy ads, tối ưu hoá…

Nói chung là có cả ti tỉ thứ phải làm, phải tối ưu từng li, từng tí một và kết quả cũng không đến nhanh được, nên đôi khi sẽ dễ bị nản và quên mất công việc đó.

Vì thế, việc kỹ lưỡng chi tiết kèm theo đó là kế hoạch cụ thể, rõ ràng, rất cần được rèn luyện trong môi trường này.

Kết

Trên đây là góc nhìn tổng quan về những gì được và mất khi bạn gia nhập e-Commerce cũng như những kỹ năng cần trang bị, hy vọng hữu ích với bạn.

* Nguồn: totrongnhan