Ứng dụng của Blockchain

Mở đầu

Trước khi chúng ta tìm hiểu về ứng dụng của Blockchain, hãy cùng điểm sơ qua Blockchain là gì và cách thức hoạt động của Blockchain nhé!

Blockchain là công nghệ mã hóa tất cả dữ liệu thành các khối và kết nối chúng với nhau để tạo thành một chuỗi dài. Mỗi khi một thông tin hoặc giao dịch mới xảy ra, thông tin cũ sẽ không bị mất đi mà thay vào đó, thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt được nối vào khối cũ để tạo thành một chuỗi mới. Thông tin được lưu trữ trên Blockchain sẽ không chỉ tập trung một máy chủ duy nhất mà được sao lưu trên nhiều máy chủ khác trên hệ thống Blockchain và chúng không bị kiểm soát bởi một người nào cụ thể.

Hiện tại đã có một số chuỗi Blockchain được ra đời và phổ biến nhất là chuỗi Ethereum. Công nghệ Blockchain cũng đã dần phổ biến tại Việt Nam vì tính thực tiễn cao và tính bảo mật tốt. Dưới đây là một số các ứng dụng của Blockchain trong đời sống.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua các ứng dụng của Blockchain trong lĩnh vực Logistics, Giải trí, Giáo dục, Tài chính, Bảo mật.

Blockchain và Logistics

Trong chuỗi Logistics, một sản phẩm sẽ được trải qua các bước như đóng gói, bảo quản, lưu trữ hay phân loại sản phẩm,…. Việc ứng dụng của Blockchain trong Logistics để quản lý kho dữ liệu khổng lồ sẽ tạo ra lịch sử vĩnh viễn cho sản phẩm đó.

Blockchain có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, xác thực giấy tờ minh bạch, rõ ràng, đóng gói thông minh. Bên cạnh đó, ta có thể kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) để giám sát hành trình vận chuyển cũng như các phương tiện vận chuyển. Chi phí Logistics được chia làm 2 loại: chi phí nhập khẩu và chi phí nội địa.

Ứng dụng của Blockchain có thể giúp giảm chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí nhờ áp dụng hợp đồng thông minh. Không những thế, Blockchain có thể giải quyết những vấn đề thách thức trong Logistics như độ trễ trong giao nhận hàng, mất các giấy tờ, chứng từ, tài liệu, nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, cùng các lỗi khác trong quá trình chuyển giao giữa các thành viên trong chuỗi hoạt động Logistics.

Blockchain và Giải trí

Tưởng chừng Blockchain chỉ dành cho những ngành kỹ thuật thì ứng dụng của Blockchain cũng xuất hiện trong ngành giải trí bao gồm âm nhạc, điện ảnh, game,…. Vậy Blockchain được ứng dụng thế nào trong ngành giải trí?

Với điện ảnh, theo đạo diễn Charlie Nguyễn, Blockchain đem lại sự minh mạch, chính xác trong các khâu sản xuất phim. Ví dụ trong giai đoạn sản xuất phim, đạo diễn có thể sẽ muốn thăm dò diễn biến hay cái kết từ khán giả, Blockchain sẽ giúp quá trình ghi nhận một cách công khai nhưng vẫn rất bảo mật.

Blockchain kết hợp các tính năng đại chúng, riêng tư và mã hóa một cách linh hoạt, không sợ mất bản quyền hoặc bị sao chép sáng tạo. Bên cạnh đó, đạo diễn này cho rằng đây là xu thế và các nhà làm phim sẽ sử dụng blockchain như là một kênh bổ túc cho việc làm phim tương tự như Netflix, một công cụ phát hành phim mới, không thông qua rạp chiếu.

Còn trong âm nhạc, một ví dụ điển hình cho ứng dụng của Blockchain chính là K-Tune, một nền tảng mới do một chuyên gia tài chính và một nhà sản xuất nhạc của Kpop thành lập. Nền tảng này là nơi tìm kiếm các giải pháp để các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới có thể đóng góp tài năng cho K-pop.

K-Tune đã dần bước ra khỏi thị trường Hàn Quốc và thu hút nhiều nhân tài trên thế giới bất chấp rào cản ngôn ngữ hay khoảng cách địa lý do nhờ vào việc lợi nhuận được phân chia công bằng. Bất cứ cá nhân nào có tài năng sáng tác đều có thể hợp tác với một tài năng khác, sau đó bán tác phẩm của họ cho một hãng thu âm. Phần lợi nhuận sẽ được phân chia một cách hợp lý thông qua blockchain.

Ứng dụng của Blockchain trong game của đã khá phổ biến trong năm 2021. Sau cú bùng nổ từ Axie Infinity, hàng loạt các game Blockchain được ra đời tại Việt Nam. Sự khác biệt giữa game Blockchain và game bình thường chính ở tính phi tập trung. Các tài sản trong game Blockchain có thể được mang đi khắp nơi và được kiểm soát bởi người chơi, không phụ thuộc vào một máy chủ nhất định.

Blockchain và Giáo dục

Trong giáo dục, Blockchain là không chỉ là nơi lưu trữ bảng điểm mà là còn cả quá trình đào tạo, kinh nghiệm thực tế hay kinh nghiệm tuyển dụng của một người. Nhờ ứng dụng của Blockchain, chúng ta sẽ tránh việc gian lận, trình bày sai về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc,….

Ví dụ điển hình như đại học Nicosia ở châu Âu, ngôi trường đầu tiên xuất hiện ứng dụng của Blockchain nhằm mục đích lưu trữ và quản lý chứng chỉ của sinh viên từ các nền tảng MOOC. Hay như công ty điện tử Nhật Bản Sony ứng dụng Blockchain tạo ra nền tảng đánh giá toàn cầu với việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục của sinh viên.

Với ứng dụng của Blockchain, các cơ quan giáo dục có thể hợp nhất, quản lý và chia sẻ dữ liệu, thành tích của học sinh từ nhiều trường học, cũng như ghi chép lại lịch sử học tập, bảng điểm của học sinh để đảm bảo thông tin dữ liệu được đồng nhất, minh bạch.

Blockchain và Tài chính

Ứng dụng của Blockchain cũng được xuất hiện trong ngành tài chính nhờ vào các đặc điểm và tính chất của Blockchain rất phù hợp với ngành này. Tình trạng xâm phạm bảo mật dữ liệu người dùng trong tài chính khá phổ biến và rất dễ xảy ra và ứng dụng của Blockchain sẽ giải quyết được vấn đề này.

Nhờ chức năng hợp đồng thông minh (smart contract), nó có thể bỏ qua các bên trung gian, tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao dịch, hạn chế rủi ro tài chính trong quá trình thanh toán và cải thiện hệ thống quản lý thông tin công nghệ cũ. Đối với ngành tài chính fintech và sự gia tăng bùng nổ của các loại tiền điện tử, Blockchain giúp tăng cường bảo mật cho việc thanh toán trực tuyến, giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, việc xác minh danh tính kỹ thuật số cũng trở nên nhanh chóng hơn. Khi các thông tin nhận dạng của khách hàng được quản lý và bảo mật trên chuỗi Blockchain, các ngân hàng có thể tăng sự tin tưởng của người dùng đồng thời tăng tính bảo mật và đẩy nhanh quá trình xác minh một cách đáng kể.

Blockchain và Bảo mật

Nhờ các đặc điểm của Blockchain như tính phi tập trung, tính minh bạchtính bảo mật cao, ứng dụng của Blockchain khá nhiều cho vấn đề bảo mật của đa lĩnh vực. Các thông tin trên Blockchain không do một máy chủ hay một cá nhân nào sở hữu, do đó việc hack vào hệ thống để đánh cắp dữ liệu trên Blockchain dường như là không thể.

Một ví dụ về tính ứng dụng của Blockchain trong bảo mật là các camera quan sát thường được các hộ gia đình sử dụng. Các camera này thường được kết nối Internet để có thể quan sát từ xa trên điện thoại. Tuy nhiên khi hệ thống bị xâm nhập thì sẽ gây nguy hiểm cho mọi người. Nhờ các tính chất của Blockchain, các thông tin bảo mật không tập trung ở một máy chủ, từ đó vấn đề này có thể được giải quyết.

Kết luận

Tuy Blockchain chưa được số đông biết đến cũng như sự phức tạp về công nghệ, nhưng với tính ứng dụng của Blockchain ở đa lĩnh vực, nó sẽ là một điểm sáng công nghệ trong tương lai và có thể sẽ được mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn nữa. Nếu biết tận dụng tốt, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng vươn lên trong thị trường và sẽ khắc phục được một số vấn đề về bảo mật hay lưu trữ.