5 kiểu tư duy cần có ở người làm sự kiện

Để có thể làm nên một sự kiện thành công, bên cạnh việc tìm tòi học hỏi, trang bị cho bản thân những kiến thức về tổ chức sự kiện, người làm sự kiện còn cần phải xây dựng và phát triển lối tư duy phù hợp.

Tư duy đúng đắn sẽ giúp người làm sự kiện dễ dàng thăng tiến và đạt được nhiều thành công trong nghề, đồng thời, góp phần tạo nên sự độc đáo của sự kiện mà họ tổ chức. Dưới đây là 5 kiểu tư duy cho thấy bạn là người phù hợp với nghề này.

1. Tư duy chiều sâu

Tư duy sâu sắc, đa chiều mang đến khả năng thấu hiểu nhiều khía cạnh của vấn đề. Từ đó, bạn có thể đưa ra những giải pháp và phân tích ưu, nhược điểm của chúng bằng cách nhìn khách quan nhất. Đó là lý do vì sao người làm sự kiện cần rèn cho mình một tư duy có chiều sâu để tạo nên lối suy nghĩ có hệ thống và đánh giá mọi việc theo cách trực quan.

Không những vậy, tư duy chiều sâu còn giúp người làm sự kiện biết cách khai thác và thu thập thông tin từ nhiều phía, theo cách trực tiếp lẫn gián tiếp, giúp làm việc năng suất hơn, tránh tình trạng đưa ra ý tưởng không khả thi và thiếu logic.

2. Tư duy thẩm mỹ

Nhiều người cho rằng tư duy thẩm mỹ sẽ cần thiết với nữ giới hơn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, đây là lối tư duy cực kỳ quan trọng cho những người làm sự kiện nói chung, không phân biệt nam nữ.

Người làm sự kiện cần phải ghi nhớ và thực hiện thật tốt những yêu cầu của khách hàng, không chỉ ở phần cảm mà còn hấp dẫn ở phần nhìn. Điều này có nghĩa, người làm sự kiện không được qua loa, cẩu thả mà phải thật tỉ mỉ trong từng chi tiết. Để làm được như thế, họ phải có lối tư duy thẩm mỹ, biết say mê cái đẹp, yêu thích sự hoàn hảo. Nhờ vậy, người tổ chức sự kiện mới có thể để ý đến từng chi tiết nhỏ trong chương trình mà đôi khi, đó có thể là những “đòn bẩy” giúp bạn trở nên nổi bật và thăng tiến trong nghề.

Tại sự kiện Gala Dinner – Green Path của Faslink, khi cần đặt 5 cái bục cho một nghi thức quan trọng trong chương trình, team Apex dùng thước dây để căng cho thẳng rồi đánh dấu sẵn, không ướm bằng mắt và có thể dễ dàng ứng biến hơn khi có sự thay đổi nhân sự.

3. Tư duy logic

Tư duy logic chứng tỏ sự minh mẫn trong lý trí của một người. Vận dụng tư duy logic giúp não bộ dễ dàng tìm ra những yếu tố liên quan, sắp xếp chúng theo một trình tự hợp lý, gắn kết nhau về mặt quan hệ. Từ đó, giúp người làm sự kiện nhanh chóng thiết lập một kế hoạch mang tính thực thi và hiệu quả cao. Trong thực tế, người sở hữu tư duy logic là người có cách quản lý và điều phối công việc khoa học, thích hợp đảm nhiệm vị trí account hoặc planner tại các agency.

Tư duy logic là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trí óc con người, giúp phát huy tối đa khả năng xử lý tình huống từ gốc rễ; đồng thời, hỗ trợ sáng tạo những ý tưởng khả thi triệt để.

Tổ chức sự kiện là nghề có khả năng phát sinh tình huống cao, dù bạn có chuẩn bị và lường trước các tình huống đến đâu đi chăng nữa thì khả năng phát sinh những điều không mong muốn vẫn có thể xảy ra. Vì lẽ đó, người làm sự kiện cần tập thói quen tư duy logic để có thể xử lý chúng hiệu quả. Cách hay và nhanh nhất để bạn hình thành tư duy logic chính là tập quan sát – lắng nghe – nghiên cứu cách xử lý vấn đề của những người thành công, từ đó đúc kết bài học cho riêng mình.

4. Tư duy sáng tạo

Trong một xã hội không ngừng biến đổi, liên tục đòi hỏi nhiều cái mới, sự sáng tạo luôn được đề cao và là “bàn đạp” cho bước đường thăng hoa sự nghiệp của một cá nhân. Sáng tạo không phải là khả năng thiên phú, lại càng không phải là một tích tắc thăng hoa của não bộ. Sáng tạo là kết nối mọi chất liệu từ cuộc sống thực tế với nhau, là biến hoá cái sẵn có thành cái mới hơn, tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với nghề sự kiện, sáng tạo không phải là để thoả mãn cái tôi của bản thân người làm nghề mà nó phải đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Chính vì vậy, sáng tạo dựa trên khuôn khổ là một điều thật sự “khó nhằn” đối với người làm sự kiện. Họ phải vận dụng thành thục cả tư duy logic, tư duy chiều sâu và tư duy thẩm mỹ để mang lại sự mới mẻ nhưng không bị quá đà và xa rời thực tế. Rèn luyện tư duy sáng tạo và ứng dụng đúng đắn trong mỗi sự kiện sẽ giúp người làm nghề tạo nên nét nghệ thuật và ấn tượng của chính sự kiện đó.

Màn trình diễn LED ấn tượng tại sự kiện tri ân Đại hội khách hàng lần thứ 24 của Cargill.

5. Tư duy phản biện

Tư duy phản biện là quá trình phân tích và đánh giá thông tin theo một góc nhìn khác của vấn đề, để từ đó, bạn có thể nhận ra nhiều khía cạnh mới hơn của vấn đề cần giải quyết mà đôi khi chính tư duy logic không chỉ ra được.

Tư duy phản biện chính là công cụ hữu hiệu hỗ trợ tư duy chiều sâu, tư duy logic và tư duy sáng tạo, giúp khách quan hoá những giải pháp mà bạn đưa ra bàn luận hay vẽ nên nhiều ý tưởng độc đáo. Nếu thiếu đi tư duy phản biện, con người sẽ dễ dàng chấp nhận những kết quả tầm thường hoặc không phù hợp, dẫn đến những hối tiếc về lâu dài.

Một người làm sự kiện cần rèn luyện tư duy phản biện thật tốt để có thể sáng tạo những ý tưởng độc đáo, mang tính đa diện. Hoặc đôi khi, nhờ có tư duy phản biện, người làm sự kiện có thể giúp khách hàng nhận thấy được những mặt chưa hợp tình hợp lý trong chính những yêu cầu của họ và giúp họ tháo gỡ những khúc mắc cần làm sáng tỏ.

5 kỹ năng tư duy được team Apex vận dụng trong các dự án để mang lại những sự kiện theo giá trị : Chỉn chu – Công nghệ – Sáng tạo

Nguồn: apexmedia