Tuyển dụng yêu cầu có “kinh nghiệm”: Nỗi lo của sinh viên mới ra trường

Mối quan tâm của một cơ số những bạn sinh viên sắp ra trường hiện nay: “Cần đi làm để có kinh nghiệm, nhưng nhiều công ty lại cần kinh nghiệm mới có thể được nhận vô làm”. Vì thế, các bạn đang không biết bắt đầu từ đâu, nên gỡ rồi từ hướng nào…

Từ kinh nghiệm ít ỏi của bản thân, mình xin chia sẻ lại câu chuyện của chính mình với hy vọng rằng mọi người có thể tham khảo & linh động sử dụng cho bản thân, nếu thấy phù hợp nhé!

‼ Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ hơn vấn đề hiện tại

“Vòng xoáy” ấy, chưa hẳn đã quá khổ đối với các bạn đâu. Đầu tiên, các bạn cần hiểu rõ cơ chế vận hành và nguyên nhân vì đâu mà có vòng xoáy ấy thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Từ một quy luật rất đỗi quen thuộc “Cung - Cầu”, chúng ta cần hiểu rằng thường có “cầu” rồi mới có “cung” và mong muốn của cả hai bên (Người tuyển dụng & Nhân sự) đều là tìm mọi cách để cung - cầu có thể gặp được nhau.

  • Bên tuyển dụng: Thứ họ cần thật sự không phải là kinh nghiệm, mà là một nhân sự làm được việc. Chỉ có điều, làm sao để biết một người có làm được việc hay không? Vì thế, thông thường, bước khởi đầu, các bên tuyển dụng sẽ đặt ra yêu cầu “kinh nghiệm” - “làm việc”.
  • Bên nhân sự: Nếu chưa có “kinh nghiệm”, thứ chúng ta có ít nhất chính là khả năng có thể làm được việc (mình tạm tự tin là vậy).

Bạn có thấy mình tách và đặt để chúng vào “...” hay không, có ý đồ cả đấy! Hãy thử trả lời mình một câu hỏi: "Loại “kinh nghiệm” được yêu cầu, sao bạn biết chắc rằng, đó chính là loại “kinh nghiệm” mà bạn chưa có?"

‼ Bắt tay gỡ rối vấn đề
‼ Chỉ cần cố gắng liên kết tất cả loại “kinh nghiệm” chúng ta có với “kinh nghiệm” mà bên tuyển dụng đang cần.

Bạn không biết đâu, công việc làm thêm đầu tiên mà mình làm thời sinh viên, nó đến với mình một cách vô cùng tình cờ. Mình được một bé em khóa dưới giới thiệu viết bài PR cho một nhãn hàng mà bé nó làm mẫu ảnh. Duyên cớ từ đâu ư? Từ việc bé nó thấy mình thường xuyên sống ảo trên Facebook với những bài viết khá chỉn chu và thú vị.

Đương nhiên, phỏng vấn sơ bộ sau đó là không thể thiếu rồi. Như bạn thấy đó, mình nói là “đầu tiên” và “tình cờ”, vì thế, mình thật sự không có nhiều sự chuẩn bị và “kinh nghiệm” trong công việc này của mình - cũng là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng kết quả, mình vẫn được nhận.

‼ Vậy mình đã làm thế nào?

👉👉 Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng

Biết người:

  • Đang cần một người viết được bài PR (ở đây phải nói trắng ra là bài PR thành phẩm, không tính những version bị thất bại, không mang lại giá trị cho nhãn hàng);
  • Được một người quen giới thiệu, ít nhất cũng phải nể nang nhau một tý;
  • Chưa biết và hiểu nhiều về mình.

Biết ta:

  • Là một trang giấy trắng trong lĩnh vực này;
  • Muốn nhận việc (dù ban đầu chưa hề có nhu cầu tìm việc);
  • Đủ khả năng hiểu được nhu cầu & những gì khách hàng cần, dù chưa hẳn đã làm được.

👉👉 Biết đó, rồi hành sự thế nào?

Mình đã chia sẻ thẳng thắn ưu và nhược điểm của bản thân NHƯNG vẫn không quên tự tin khẳng định mình có thể làm được - ở một mức độ nhất định. Đặc biệt, cần phải chứng minh được những điều bản thân đã nói:

▪ Chủ động hỏi để xác nhận lại nhu cầu của khách so với những phán đoán của bản thân;

▪ Thẳng thắn thừa nhận, bản thân có thể chưa làm tốt nhưng phải có cách để hướng tới mục tiêu sẽ làm tốt. Lúc ấy, mình đã trình bày, mình sẽ nghiên cứu thêm những bài sẵn có trên website hiện tại của nhãn hàng để hiểu hơn về tính cách của thương hiệu, đồng thời, sẽ nghiên cứu trang báo dự định sẽ lên để hiểu hơn về văn phong và những chủ đề/ hướng bài phù hợp với chuyên mục, nhằm giúp bài được duyệt sớm, đơn giản hơn;

▪ Đưa ra những đề xuất hướng đến nhu cầu của khách. Lúc ấy, mình đã đề xuất sẽ viết nhiều bài hơn so với nhu cầu để giăng lưới phòng rủi ro, không giới hạn số lần chỉnh sửa (vì bài PR không chỉ nhãn hàng duyệt là được, mà các bên báo còn phải check lại, đôi khi còn yêu cầu chỉnh sửa cho đúng văn phong, tính chất chuyên mục mới được lên bài) và một điều quan trọng nữa là chỉ nghiệm thu thanh toán đối với những bài đã lên sóng. Đồng nghĩa với việc, mình chấp nhận việc có thể sẽ có một số bài sau khi chỉnh sửa n lần, nhưng cuối cùng vẫn không được nghiệm thu, thanh toán;

▪ Thể hiện tinh thần xông pha, để người tuyển dụng có niềm tin hơn ở bản thân, cũng như một sự an ủi đáng để đánh đổi nếu xui rủi, bản thân mình không thể làm tốt được việc. Mình lúc ấy chỉ có thể cố gắng làm hết sức, có định hướng và cách thức rõ ràng để có thể làm tốt việc được giao - chứ thật sự không thể nào tự tin về kết quả cuối cùng. Người tuyển dụng - họ cũng biết vậy, họ chấp nhận cho mình cơ hội, mình nghĩ họ cũng phải đánh đổi một phần rủi ro. Khi được hỏi về đề xuất bên trên, “em không sợ mình bị bóc lột sao?”. Mình đã tự tin đáp lại rằng “dạ em sẽ rất vui và hãnh diện nếu bản thân mình có được thứ mà các anh/ chị muốn bóc lột ở em ạ !!”

‼ Thông tin cụ thể về "chiếc job" năm ấy

Vậy thì đơn giá nghiệm thu 1 bài là bao nhiêu mà mình lại chịu đánh đổi, chấp nhận tỉ lệ chọi không hề biết trước? Thường thì mình sẽ không chia sẻ những thông tin mang tính cá nhân & cụ thể như vậy. Nhưng mình có thể đính kèm một vài thông tin liên quan đến “jobs” ấy để mọi người có thể xem thêm:

▪ Nhãn hàng: LOTUS - Thương hiệu Chăn - Drap - Gối nệm từ Thái Lan
▪ Tỉ lệ nghiệm thu bài: vào khoảng 4-5 bài/ 7-9 bài gửi đi
▪ Một vài link thành phẩm: (Có nhiều tin đã bị xóa theo thời gian)

Kết lại, mọi người không cần quá lo lắng về “Yêu cầu: Kinh nghiệm” khi tuyển dụng. Nó chỉ là một cái rào chắn để chứng minh bản thân có thể làm được việc mà thôi, nếu bản thân đã tự tin với khả năng của mình thì hãy phá bỏ hay thậm chí là phóng qua chiếc rào chắn ấy mà tiếp cận với nhu cầu thực sự của người tuyển dụng nha. Chúc mọi người thành công !!

#PP_Tâm_sự_chuyện_nghề #PP_blogmarketing #PP_Blogtamsu #BY_PhunPhun

© Phưn Phưn MARKETING
© Vui lòng không re-up khi chưa có sự đồng ý của tác giả, mình chân thành cảm ơn!