Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Sinh viên RMIT ghi dấu ấn tại cuộc thi sáng tạo quốc tế

Sinh viên RMIT Việt Nam vừa nhận Bằng khen (Merit Award) tại cuộc thi Young Ones – đánh dấu lần đầu tiên một trường đại học từ Việt Nam được xướng danh tại cuộc thi uy tín toàn cầu này.

Được tổ chức từ năm 1986 bởi tổ chức The One Club for Creativity có trụ sở tại New York, Young Ones là một trong những cuộc thi quảng cáo, truyền thông và thiết kế dành cho sinh viên uy tín nhất trên thế giới.

Trong số hàng nghìn bài dự thi năm nay, Đại học RMIT Việt Nam có ba đội lọt vào vòng trong. Trong đó, một đội nhận Bằng khen hạng mục Young Ones One Show ở vòng chung cuộc.

Với thành tích này, RMIT Việt Nam xếp thứ 32 trong số các cơ sở giáo dục tham gia hạng mục Young Ones One Show và trở thành trường đại học đầu tiên từ Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng quốc tế trong phần thi trên.

Bộ ba chiến thắng gồm Quách Tấn An, Nguyễn Lê Duy Phạm Quang Vinh đã đưa ra ý tưởng thực hiện một chiến dịch lấy kỹ thuật số làm tiền đề chính, giúp thương hiệu điện tử âm thanh Bang & Olufsen thâm nhập vào văn hoá đại chúng và chinh phục khách hàng.

Bộ ba đoạt giải là sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp Đại học RMIT Quách Tấn An, Phạm Quang Vinh và Nguyễn Lê Duy.

Chiến dịch mang tên “Hear the Arts” (tạm dịch: Lắng nghe nghệ thuật) của nhóm đưa ra ý tưởng mới lạ là cho phép khán giả độc quyền thưởng thức âm thanh của các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng với sản phẩm loa thiết kế do thương hiệu Bang & Olufsen sản xuất.

Nhóm đề xuất hãng hợp tác với các bảo tàng nổi tiếng thế giới như Louvre và MoMA để chọn ra các tác phẩm nghệ thuật nổi bật của từng thời đại, sau đó sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để biến những tác phẩm nghệ thuật đó thành các bản nhạc giao hưởng.

“Bằng cách sử dụng AI để chuyển đổi sóng màu thành sóng âm, đồng thời cân nhắc bối cảnh không gian và thời gian mà mỗi tác phẩm nghệ thuật được tạo ra, chúng tôi có thể sáng tác ra bản nhạc giao hưởng riêng biệt cho từng bức tranh”, là chia sẻ của các bạn sinh viên trong bản đề xuất dự thi.

An, Duy và Vinh hiện đều là sinh viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT. Năm ngoái, bộ ba này đã cùng nhau giành Giải Nhì cuộc thi toàn cầu D&AD New Blood Quickfire (và đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Việt Nam tại đấu trường này) với ý tưởng tạo ra ứng dụng giúp tăng tuổi thọ điện thoại và giảm rác thải điện tử.

Trải nghiệm của nhóm với Young Ones và New Blood Quickfire rất khác biệt, mặc dù cả hai đều là những cuộc thi sáng tạo mang tính cạnh tranh cao.

Duy giải thích: “Trong khi đề bài của New Blood Quickfire yêu cầu chúng tôi có cách tiếp cận vĩ mô để đem đến đột phá trong lĩnh vực điện tử theo hướng bền vững hơn, thì đề bài của Young Ones lại tập trung vào một mảng vốn rất hẹp là điện tử âm thanh cao cấp, cũng như phân khúc người tiêu dùng hẹp không kém là giới thượng lưu sành điệu”.

Chiến dịch “Hear the Arts” ứng dụng trí tuệ nhân tạo để biến các tác phẩm nghệ thuật lừng danh thành những bản nhạc giao hưởng.

“Tại cuộc thi năm ngoái, chúng tôi phải lùi lại một bước để nắm bắt được bức tranh toàn cảnh. Còn với cuộc thi vừa qua, chúng tôi phải đi sâu vào một đối tượng mục tiêu rất cụ thể để thấu hiểu họ. Đây là hai cách tiếp cận khác nhau nhưng đều thú vị và đem lại nhiều kiến thức như nhau”, Duy chia sẻ.

An cho biết thêm: “Chúng tôi tham gia Young Ones với một tâm thế hoàn toàn cởi mở – giống như một tấm vải bố trắng tinh chỉ chờ tô lên càng nhiều mảng màu kiến thức càng tốt mà không cần bất kỳ ý niệm ban đầu nào cả. Dẫu chọn thử thách bản thân bằng một đề bài mới mẻ và đối tượng khách hàng lạ lẫm, kết quả đạt được lại vô cùng xứng đáng”.

Tại khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, ngày càng có nhiều sinh viên tham gia các cuộc thi quốc tế trong những năm gần đây, với hy vọng gặt hái được những bài học và kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp tương lai.

Các giảng viên của khoa thường xuyên tổ chức hội thảo với diễn giả là những chuyên gia sáng tạo từng đoạt giải, cũng như giao bài tập cho sinh viên dựa trên đề bài của các cuộc thi từng diễn ra trong thực tế trước đây. Với cách chuẩn bị như vậy, sinh viên RMIT đã tự tin hơn khi bước vào các cuộc thi quốc tế.

Tiến sĩ Soumik Parida, giảng viên bộ môn Quảng cáo tại Đại học RMIT và cũng là cố vấn của An, Duy và Vinh, cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghi ngờ sự xuất sắc của các sinh viên trong khoa. Tôi luôn tin rằng một ngày thế giới sẽ biết đến các em – chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng thú thật khi biết tin các em đoạt giải, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc vì được góp phần giúp trường đại học đầu tiên từ Việt Nam đạt được thành tích này”, Tiến sĩ Parida nói. “Điều này chứng tỏ rằng nhà trường đang đi đúng hướng với chiến lược học tập kết hợp thực tiễn và chúng tôi sẽ còn giành được nhiều giải thưởng toàn cầu hơn nữa trong tương lai gần”.

Bạn Vinh còn gửi lời chúc mừng đến hai đội còn lại từ RMIT cùng lọt vào vòng trong của cuộc thi Young Ones năm nay. “Đây là dấu ấn sáng tạo đầy ấn tượng của Việt Nam trên trường quốc tế. Cá nhân tôi cho rằng ý tưởng của hai đội còn lại cũng hết sức xuất sắc theo cách riêng của họ. Vì vậy, tôi rất muốn kêu gọi các bạn sinh viên RMIT nói chung và sinh viên Truyền thông chuyên nghiệp nói riêng hãy cùng đồng hành với ngành sáng tạo Việt Nam trên chặng đường tiếp theo. Hãy cùng nhau tạo ra những tác phẩm tuyệt vời”.