Marketer Lê Đoàn Tú Uyên
Lê Đoàn Tú Uyên

Founder | Project Manager @ MELON Media

“Co-creation" - Đồng sáng tạo nội dung - Thuật ngữ cũ mà mới?

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc: Bạn với tư cách là nhà tiếp thị hoặc thương hiệu có thể sử dụng khán giả của mình để tạo nội dung cho chiến dịch truyền thông của bạn? Với việc thế giới đang thích nghi với rất nhiều xu hướng mới, các công ty đang phải xem xét những thay đổi lâu dài trong hành vi của người tiêu dùng.

Bên cạnh tình hình thực tế là người tiêu dùng đang có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các quyết định mua hàng, và các thương hiệu sau đó có ít quyền kiểm soát hơn trong việc cá nhân hóa cách tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng của họ. Thì như một kết quả tất yếu, các thương hiệu sẽ cần phải có cái nhìn xa hơn và dẫn đầu với sự đổi mới để trẻ hóa các chiến thuật tiếp thị và truyền thông hiện có, đồng thời tạo ra một phương pháp tiếp thị theo hướng lựa chọn mới. Các thương hiệu nên chấp nhận trao đổi giá trị liên tục với người tiêu dùng, điều này đạt được tốt nhất thông qua “đồng sáng tạo”. Dưới đây là 03 cách mà các thương hiệu có thể đồng sáng tạo vào năm 2022:

1. Sử dụng cộng đồng trực tuyến để đồng tạo ra giá trị

Các thương hiệu đã phải suy nghĩ lại về chiến lược Digital marketing của họ sau khi thực tế đã chứng minh rằng thời gian trực tuyến của người dùng tăng 30% sau đại dịch như một cách để duy trì sự tương tác. Xu hướng này đang tiếp tục vào năm 2022 và các thương hiệu luôn mong muốn họ có thể đảm bảo tương tác có ý nghĩa với người tiêu dùng mục tiêu. Mặc dù theo quan điểm marketing truyền thống, cộng đồng trực tuyến có thể không được coi là một chiến lược liên quan đến tiếp thị sáng tạo, thế nhưng thực tế có đến 77% số người tiêu dùng cho biết các hội nhóm cộng đồng mà họ tham gia và hoạt động tích cực nhất hiện đang hoạt động trực tuyến. Các thương hiệu cần coi đây là kênh chính để thu hút và kích thích người tiêu dùng.

Sức mạnh của cộng đồng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay hoàn toàn có thể được các thương hiệu tận dụng một cách tối ưu để khôi phục tiếng nói cho người tiêu dùng và tạo ra không gian cá nhân hoá thực sự để người tiêu dùng tương tác với thương hiệu. Bên cạnh đó, với lợi ích bổ sung là giảm chi phí hoạt động và thu được số liệu nghiên cứu thị trường miễn phí, đồng sáng tạo nội dung trong các cộng đồng trực tuyến tạo ra kết quả không chỉ là các con số về tương tác trực tuyến mà còn tạo ra chuyển đổi và duy trì “brand love”.

Đồng sáng tạo nội dung trong các cộng đồng trực tuyến tạo ra kết quả không chỉ là các con số về tương tác trực tuyến mà còn tạo ra chuyển đổi và duy trì “brand love”.

Bên cạnh việc tìm và hợp tác với các cộng đồng trực tuyến sở hữu lượng thành viên đông đảo có sẵn, thương hiệu có thể phát triển một cách hữu cơ cộng đồng người tiêu dùng của riêng mình để cung cấp trải nghiệm thương hiệu đích thực và được cá nhân hóa. Những tương tác này có thể được sử dụng để đồng tạo ra giá trị nội dung, cũng như lắng nghe để đổi mới thông qua việc xác định các nhu cầu chưa được đáp ứng và các xu hướng mới nổi, có thể dẫn đến các sản phẩm mới và sáng tạo. Ảnh hưởng của cộng đồng trực tuyến ngày càng tăng và các thương hiệu nên tận dụng không gian này để tạo ra giá trị một cách hiệu quả, đồng thời duy trì sự tương tác.

2. Tận dụng sức mạnh của thực tế tăng cường (AR) để nâng cao các chiến dịch truyền thông xã hội (social media)

Khi chúng ta hướng tới lối sống hiện đại và thông minh hơn, các thương hiệu cần học cách kết nối và tương tác với người tiêu dùng thông qua các điểm tiếp xúc kỹ thuật số (digital) và trải nghiệm vật lý (physical experience) cũng như đổi mới hấp dẫn để đa dạng hoá các điểm tiếp xúc. Các kênh mới và sáng tạo như truyền thông xã hội AR (social media AR) có thể kích hoạt cũng như khuyến khích sự tương tác và chia sẻ của người dùng trên mạng xã hội, cho phép các thương hiệu đồng tạo ra giá trị với người tiêu dùng và thúc đẩy sự đổi mới.

Nền tảng Snapchat đã mở rộng các tùy chọn mua sắm để cho phép người tiêu dùng thử quần áo trước khi mua, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng lên tới 94%. Các ống kính trải nghiệm sản phẩm, thúc đẩy ý định mua hàng nhiều hơn 45% so với các định dạng truyền thống. Vì vậy các thương hiệu có thể sử dụng hình thức này để cung cấp trải nghiệm sáng tạo trên các điểm tiếp xúc mới.

Nhãn hàng Gucci đã áp dụng AR với sáng kiến ​​thử giày ảo có nghĩa là người tiêu dùng có thể thử bộ sưu tập mới nhất của hãng một cách trực tuyến thay vì phải đến trực tiếp tại cửa hàng. Nó đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng và khuyến khích chia sẻ giữa những người dùng trên mạng xã hội, những người đã trải nghiệm chụp ảnh của họ thông qua tính năng ảnh tích hợp với AR.

Tại Việt Nam, đa phần các nhãn hàng thực hiện chiến dịch truyền thông xã hội AR đang sử dụng chức năng Spark AR của Facebook hoặc làm việc với Tiktok để tạo ra công nghệ AR theo yêu cầu. Chiến lược đồng sáng tạo nội dung theo hướng này chưa thực sự phổ biến đối với người dùng Việt Nam, thế nhưng đây được đánh giá là một xu hướng không thể thiếu trong tương lai gần. Tháng 05/2022, Tiktok tiết lộ đang xây dựng nền tảng phát triển tính năng thực tế AR của riêng mình, cho phép những nhà sáng tạo nội dung được xây dựng hiệu ứng AR trong các video của mình. Sau khi tính năng này được ra mắt, chắc chắn sẽ mở ra một kỷ nguyên đầy hứa hẹn đối với truyền thông mạng xã hội (Social media) tại Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.

3. Khuyến khích nội dung của người dùng (UGC) chất lượng cao

Nội dung do người dùng tạo (User generated content - UGC) theo truyền thống được định nghĩa là tài nguyên nội dung mà người tiêu dùng tự tạo ra mà không có sự can thiệp của thương hiệu. Đây là một phương tiện tiếp thị hiệu quả được đánh giá rộng rãi, với 92% người tiêu dùng tin tưởng vào UGC hơn các mô hình quảng cáo truyền thống.

UGC mang đến cơ hội chính để các thương hiệu đồng tạo ra giá trị với người tiêu dùng của họ.

Các thương hiệu nên đầu tư vào việc khuyến khích UGC chất lượng cao, ưu tiên cách kể chuyện thương hiệu hấp dẫn và sáng tạo. Khuyến khích người tiêu dùng sản xuất nội dung chất lượng cao sẽ khuyến khích các tương tác có ý nghĩa và có thể thúc đẩy sự tương tác giữa nhiều đối tượng hơn.

Sáng kiến ​​#RedCupContest của Starbucks là một ví dụ về một thương hiệu khuyến khích người tiêu dùng tạo nội dung để đổi lấy phần thưởng. Điều này đã nâng cao cả doanh số bán hàng và mức độ tương tác với thương hiệu, với hiệu quả chi phí bổ sung của nội dung xã hội miễn phí. UGC cho phép các thương hiệu và người tiêu dùng kể những câu chuyện hấp dẫn thông qua chia sẻ xã hội cũng như cải thiện ý định mua hàng và cuối cùng là dẫn đến chuyển đổi.

Hãy học cách đồng tạo ra giá trị nội dung với khán giả của bạn ….

Để tối đa hóa cơ hội….

Và tăng khả năng chuyển đổi.

(Theo www.thedrum.com - Melon Media dịch)