Marketer Phạm Hân
Phạm Hân

Content creator @ Adsplus

Chiến thuật Marketing của Netflix: cá nhân hoá, “meme nhây”, bắt trend trên nền tảng nội dung “xịn”

Trong số các nền tảng phát trực tuyến hiện tại, có thể nói Netflix là một trong những nền tảng thành công và thu hút đông đảo người dùng nhất. Vậy, đâu là chiến lược giúp nền tảng này thành công?

Hành trình của Netflix và những số liệu thống kê

Netflix ra mắt vào năm 1998 với dịch vụ cung cấp bản sao của các chương trình phim và trò chơi điện tử thông qua hệ thống gửi thư. Vào năm 2007, Netflix chuyển thành một nền tảng phát trực tuyến. Trong năm 2013, số người đăng ký của Netflix là 34 triệu người dùng. Đến năm 2021, Netflix đã có 207,64 triệu người đăng ký trên toàn thế giới .

Để tiếp cận hơn 200 triệu khách hàng, Netflix đã chi một con số khổng lồ, 17 triệu USD, để xây dựng nội dung video của mình. Ngoài ra, Netflix còn chi 2,23 tỷ USD cho hoạt động Marketing để thu hút khách hàng đăng ký.

Chiến lược Marketing của Netflix

1. Cá nhân hoá

Ngày nay, “cá nhân hoá” trở thành xu hướng trong các chiến lược quảng bá của marketer nhằm tạo mối quan hệ tốt hơn với khách hàng. Và đây cũng là một trong những chiến thuật mà Netflix sử dụng.

Người dùng Netflix đã quá quen thuộc với thông báo đẩy từ nền tảng, đề xuất những bộ phim hoặc loạt phim mới, phù hợp với sở thích của họ. Ngoài ra, trong ứng dụng của mình, Netflix còn có một danh sách phim với tiêu đề “Các lựa chọn hàng đầu cho + tên riêng của người dùng” thay vì “Các lựa chọn hàng đầu cho bạn”. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn và tạo được thiện cảm cho người dùng. Cá nhân hoá còn được Netflix áp dụng trong các hoạt động Email Marketing, để giao tiếp tốt hơn với khách hàng.

Nguồn: Twitter

2. Sử dụng nội dung thuần tuý

Việc doanh nghiệp bán được sản phẩm thông qua quảng cáo là một tín hiệu tốt, nhưng với một nền tảng OTT thì họ quảng cáo bằng cách nào?

Có thể thấy, Netflix sở hữu một loạt phim hấp dẫn, đủ để thu hút khán giả đến với nền tảng phát trực tuyến của họ. Netflix đã khéo léo sử dụng các đoạn trích hoặc những cảnh viral từ những phim hoặc series này để tiếp tục tương tác với người dùng. Ngoài ra, các quảng cáo trên mạng xã hội hay các kênh kỹ thuật số khác của Netflix hầu như đều dựa trên nội dung của chính họ.

3. Meme Marketing

Trên mạng xã hội, Netflix thường xuyên đăng tải meme, đến nỗi đôi khi khán giả nhầm lẫn đó là một trang chuyên về meme. Nền tảng này hiểu rằng người dùng mạng xã hội, đặc biệt là Gen Z ưa chuộng yếu tố hài hước như meme, vì vậy họ sử dụng yếu tố này để thu hút khán giả.

Một điều đặc biệt là hầu hết các meme mà Netflix sử dụng đều dựa trên “kho” nội dung của họ. Đây là một chiến lược khá thông minh của Netflix.

Thông thường Netflix đăng một hình ảnh hài hước nào đó được cắt ghép từ một bộ phim của họ, fan của bộ phim sẽ hưởng ứng nhiệt tình. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những người chưa xem phim, nên khó lòng mà hiểu được điều gì khiến cộng đồng mạng thích thú đến thế. Điều này phần nào khiến họ tò mò, tìm hiểu về bộ phim hay thậm chí đăng ký một tài khoản Netflix để “bắt sóng” với mọi người.

Nguồn: Instagram Netflix

4. Tiếp thị du kích

Đây cũng là một trong những chiến lược Marketing được Netflix ưa chuộng. Trong một chiến dịch quảng bá cho Gilmore Girls, Netflix đã biến hơn 200 quán cà phê ở Mỹ và Canada thành “Luke’s Diner”, một hình ảnh đặc trưng của loạt phim này.

Hay chiến dịch “Netflix is a joke” (Tạm dịch: Netflix là một trò đùa) cũng rất thành công. Cụ thể, thương hiệu sử dụng biển quảng cáo ngoài trời với duy nhất một dòng chữ màu đen trên nền trắng “Netflix is a joke”. Với những gì mà Netflix mang đến cho người dùng đủ để họ biết rằng Netflix chắc chắn không phải là một trò đùa. Và dòng chữ có vẻ “phủ định” những điều mà Netflix đã làm này lại là câu “khẳng định” giá trị của nền tảng.

Nguồn: Twitter

5. Tận dụng yếu tố khoảnh khắc

Để quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả, marketer cũng cần phản ứng nhanh nhạy với các sự kiện diễn ra xung quanh mình. Và những người làm marketing cho Netflix làm được điều này. Họ “bắt trend” khá nhanh và áp dụng chúng một cách thông minh trong các hoạt động của mình. Ví dụ như vào ngày của cha (20/6), Netflix đã đăng một bài giới thiệu một số nhân vật đóng vai người cha trong các bộ phim/ loạt phim của họ.

Nguồn: Instagram Netflix

6. Theo kịp xu hướng

Một trong những cách hiệu quả nhất để quảng bá thương hiệu đó là phù hợp xu hướng. Bên cạnh việc sử dụng meme và tiếp thị thời điểm để quảng bá thương hiệu, Netflix cũng biết cách tận dụng yếu tố này.

Trên Instagram, bộ lọc cho Instagram Reels và Stories đang là xu hướng. Netflix đã tung ra nhiều bộ lọc khác nhau trên loạt phim gốc nổi tiếng của mình như Bojack Horsemen, Stranger Things và Money Heist. Thương hiệu cũng ra mắt nhiều bộ lọc với Snapchat.

Nguồn: Snapchat daily

7. Tạo buzz trên mạng xã hội

Netflix thường “nhá hàng” các đoạn trích trong các sản phẩm sắp ra mắt. Điều này khiến khán giả không khỏi tò mò, tìm kiếm và thảo luận. Từ đó, dần dần tạo ra một lượng buzz lớn trên mạng xã hội.

Bird Box là một trong những bộ phim Netflix tận dụng chiến thuật này. Trước khi chính thức ra mắt, bộ phim đã được đông đảo khán giả quan tâm nhờ nội dung được lan truyền và những cảnh phim được chế lại thành meme. Nhờ đó, bộ phim thu hút lượng người xem khổng lồ với lượt đánh giá và xếp hạng khủng.

Nguồn: Instagram Netflix

8. Tranh cãi

Netflix đã phải đối mặt với nhiều sự tranh cãi vì nội dung táo bạo của một vài bộ phim. Nhưng có một điều cần lưu ý trong marketing là, nếu sản phẩm của bạn càng gây tranh cãi thì bạn càng thu hút nhiều người quan tâm và có thể mua chúng.

Nguồn: FPT Shop

9. Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm

Netflix sử dụng các từ khoá đơn giản và hấp dẫn như “xem phim”, “xem phim trực tuyến”, “truyền hình trực tuyến”, “chương trình truyền hình”... để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của người dùng internet.

Ngoài ra, nếu tìm kiếm một bộ phim cụ thể có sẵn trên Netflix, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm thấy trong danh sách kết quả.

* Nguồn: Adsplus