Marketer Brands Vietnam
Brands Vietnam

Community Admin @ Brands Vietnam

Chuyện chưa kể của 10 loại hình agency đặc thù

Webinar Passport to Marketing #2: The World of Agencies kéo dài 2 ngày 15-16/4/2022 với 10 phiên thảo luận đã chính thức khép lại. Sự kiện quy tụ 10 chuyên gia đến từ 10 loại hình agency với 10 phiên chia sẻ kéo dài 10 tiếng đã thu hút hơn 1000 lượt đăng ký, 10.000 lượt xem trong 2 ngày cùng 100 phần quà tặng đã được trao cho người tham dự.

Hãy cùng Brands Vietnam điểm qua những điểm nổi bật trong các phiên chia sẻ từ 10 anh chị chuyên gia để có những cái nhìn tổng quát về chức năng, chuyên môn cũng như những điều cần “giác ngộ” trước khi chính thức đặt chân vào thế giới Agency.

1. Branding & Design Agency: Anh Phạm Đình Nguyện, Founder, REFORMN – “Không nên hài lòng với kết quả của ngày hôm qua”

Trong phần chia sẻ của mình, anh Nguyện đã dẫn các bạn trẻ bước vào thế giới branding & design với những khái niệm cụ thể về chuyên môn và mục đích của công việc branding & design. Anh Nguyện cũng điểm qua 4 dịch vụ chính thường có tại Branding & Design Agency gồm: chiến lược thương hiệu (brand strategy), thiết kế và trải nghiệm thương hiệu (design & experience), bản sắc ngôn ngữ của thương hiệu (verbal identity) cũng các hoạt động truyền thông (communications).

Phần sau của phiên chia sẻ, anh Nguyện đã làm rõ mô hình nhân sự cơ bản của một công ty tư vấn chiến lược cùng những kĩ năng cần có để làm việc tốt trong lĩnh vực branding & design như: kiến thức nền tảng về marketing, am hiểu tâm lý con người, kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề cũng những kĩ năng chuyên môn về thiết kế, sáng tạo nội dung.

Về thái độ làm việc, một người làm branding & design nói riêng và các bạn làm trong các agency nói chung cần có khả năng chịu được áp lực cao, luôn cầu tiến để đưa ra những sản phẩm tốt hơn ngày hôm qua.

2. Media Agency: Chị Lê Hoàng Thảo Linh, Senior Integrated Planning Manager, Wavemaker – Đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng kênh và đúng thông điệp

Trong phần chia sẻ của mình, chị Linh đã làm rõ rõ chức năng của media agency cũng như nội dung công việc và bộ kĩ năng cần thiết để làm việc hiệu quả trong môi trường media agency.

Về chức năng, media agency sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch và đặt mua các dịch vụ quảng cáo của các kênh truyền thông dựa trên sự thấu hiểu về insight người tiêu dùng, hành vi sử dụng các kênh truyền thông của họ để đưa đúng thông điệp đến đúng đối tượng trên đúng kênh vào đúng thời điểm.

Theo chị Linh, nguồn data về bối cảnh truyền thông, các xu hướng truyền thông, hành vi sử dụng các kênh truyền thông đều là những gia tài vô giá đối với người làm media. Một người làm media tốt cần hiểu rõ những kiến thức nền tảng cho từng kênh truyền thông, cách set up cũng như cơ chế hoạt động của các nền tảng digital. Đồng thời, họ cũng phải liên tục cập nhật thông tin về tình hình các kênh truyền thông cùng tỉ lệ thâm nhập của các kênh để đưa ra những đề xuất phù hợp cho client. Song song đó là các kĩ năng cốt lõi khác như tư duy logic, linh hoạt và giải quyết vấn đề nhanh cùng sự bền bỉ để đi lâu dài với nghề, tránh trường hợp “đứt gánh giữa đường” trong bối cảnh thay đổi liên tục với nhiều thách thức của ngành media.

3. Creative Digital Agency: Anh Phạm Hoàng Long, Managing Director, Mango Digital – Sáng tạo "chạm đất" với social data

Sau khi giới thiệu về Mango Digital cùng các hoạt động chuyên môn của một digital agency, anh Long đi vào phân tích từng loại hình dịch vụ cơ bản của một Creative Digital Agency gồm: Social Consultancy Partner, Social Campaign, Fanpage Content Development & Management, Viral clip/TVC production. Điểm đặc biệt trong phiên chia sẻ của anh Long là mô hình Trendvertising planning. Đây là mô hình sử dụng các dữ liệu social data được cập nhật liên tục để làm nền tảng cho việc lên chiến lược, triển khai và đánh giá độ hiệu quả cho các chiến dịch trên mạng xã hội.

Trong phần hỏi đáp với các bạn tham gia chương trình, anh Long cũng đã chia sẻ những kĩ năng bổ trợ giúp các bạn copywriter trụ vững với nghề bên cạnh khả năng viết gồm: khả năng thuyết trình; khả năng kiểm soát, cân bằng cảm xúc; xây dựng kế hoạch nội dung một cách logic. Theo anh Long, “của cho không bằng cách cho” nên nếu chữ của các bạn hay nhưng cách các bạn diễn đạt, trình bày chưa đủ thuyết phục sẽ khó “bán” được ý tưởng cho khách hàng. Bên cạnh đó, người làm việc với con chữ, với sự sáng tạo thường có cái tôi cao nên các bạn cũng cần tỉnh táo, làm chủ cảm xúc và kiểm soát cái tôi của mình để trao đổi công việc hiệu quả.

4. Research Agency: Chị Nguyễn Thị Như Ngọc, Senior Marketing Manager, Kantar Worldpanel – Sáng tạo trong ngành nhiều "số"

Chắc hẳn các bạn tham dự sẽ thoáng cảm thấy choáng ngợp bởi đa dạng các phương pháp nghiên cứu, thu thập dữ liệu được chị Ngọc giới thiệu trong phiên chia sẻ như: Retail Audit (khảo sát nhà bán lẻ); Consumer Panel (khảo sát người tiêu dùng); AIML stimulator & forecast tool, Barcode Scanning; Neuroscience; Remote Focus Group. Từ đó, chị Ngọc cũng chia sẻ về chuyên môn và lộ trình cũng như một ngày làm việc của một marketer tại research agency sẽ gồm những đầu việc nào.

Về cấu trúc nhân sự, cơ bản research agency sẽ có 2 bộ phần chính gồm: team input và team output. Team input sẽ phụ trách làm việc với số liệu để đưa ra các báo cáo chuyên môn cho cộng đồng marketer và khách hàng. Team output sẽ là đội ngũ chuyên làm việc với khách hàng để chăm sóc, tư vấn và đưa các sản phẩm, báo cáo phù hợp. Đội ngũ output gồm các vị trí: Account; Researcher/Analyst, Expert Solutions/Advanced Analytics, Consumer Insight và Business Development.

Một điểm được lưu ý trong bài chia sẻ của chị Ngọc là về tính sáng tạo trong ngành nghiên cứu thị trường. Có thể đa số các bạn trẻ nghĩ làm việc với số sẽ khá khô với những quy tắc cố định. Tuy nhiên, chính vì sự khô khan và phức tạp nên ngành nghiên cứu càng cần được “tắm” trong sự sáng tạo để trực quan hoá, giúp những dãy số phức tạp trở nên trực quan và dễ nắm bắt hơn.

5. Digital Agency: Chị Mai Hồng Ngọc, Co-founder & COO, DIGIGO – Chọn agency cũng giống như chọn người yêu

Ngoài những thông tin về chuyên môn, mô hình cấu trúc, các kĩ năng cần trau dồi cùng cơ hội nghề nghiệp, phần chia sẻ của chị Ngọc gây ấn tượng mạnh bởi những câu chuyện, kỉ niệm “đặc sản” của cuộc sống agency. Có lẽ câu nói “đóng đinh” trong tâm trí các bạn tham dự là: “Chọn agency, công việc truyền thông quảng cáo cũng giống như chọn người yêu. Em cần phải hiểu rõ và chấp nhận những điểm tốt và cả những mặt tối. Có như vậy mối quan hệ mới có thể nảy nở, lâu dài và lành mạnh”.

Theo chị Ngọc, công việc tại các agency là sự song hành của hào quang và áp lực. Hào quang càng lớn, áp lực sẽ càng nhiều. Hào quang của agency là những giải thưởng lớn, những sản phẩm truyền thông sáng tạo “sang chảnh”, “chất”, “ngầu” đủ sức mang lại hiệu quả kinh doanh, là cảm giác tự hào khi nhìn thấy những “đứa con tinh thần” của mình ở khắp nơi. Để đón được những hào quang đó, các “công nhân” trong các “xí nghiệp sáng tạo” sẽ phải trải qua những áp lực về mặt thời gian, khối lượng công việc cũng như sự chông chênh, bất ổn về mặt cảm xúc.

Nổi bật là câu chuyện đằng sau sản phẩm phim hoạt hình Con Rồng Cháu Tiên của nhãn hàng Biti’s KIDS. Một chiến dịch đón rất nhiều hào quang, sự công nhận, giải thưởng và cả hiệu quả về mặt kinh doanh. Đổi lại, toàn bộ đội ngũ đã đánh đổi bằng hàng nghìn giờ sáng tạo không ngừng nghỉ, 1 tháng liền không biết đến khái niệm cuối tuần và luôn ra về vào lúc 10 giờ tối.

6. PR & Communications Agency: Anh Trần Nguyễn Đăng Vinh, CEO, SAM Communications – Agency là những vị thần đèn vạn năng

Theo anh Vinh, người làm PR là một người kể chuyện trung lập (neutral storyteller) và một người tạo nên những thông điệp mang tính lan toả, đủ sức thay đổi hành vi trong từng tầng lớp của xã hội (propaganda setter). Theo anh Vinh, PR sẽ tập trung vào những “điểm đau” (pain point) của xã hội hội để kể câu chuyện với mục đích tạo nên những thông điệp mang tính lan toả, giúp giải quyết được phần nào những vấn đề đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với cộng đồng và các bên liên quan. Đặc biệt, các mối quan hệ do PR tạo ra cần đảm bảo mỗi bên đều cảm thấy bản thân có giá trị và cùng nhau nuôi dưỡng mối quan hệ này. Đây cũng chính là những điểm cốt lõi mà một người làm PR cần tôn trọng để có thể thành công trong sự nghiệp làm PR của mình.

Nói về vai trò của agency, anh Vinh cho rằng agency là những vị thần đèn vạn năng với những “phép màu” sáng tạo, mạng lưới quan hệ đủ để thực hiện những điều ước dù có viển vông, tạo nên thay đổi mang tính xã hội. Dù yêu cầu có là gì, khi được triệu hồi thần đèn sẽ xuất hiện và nỗ lực hoàn thành những điều ước đó. Lúc này, giữa “thần đèn” và “chủ nhân” là những niềm tin cần được trao gửi và những yêu cầu cần được thực hiện.

7. Performance Agency: Chị Hạnh Lê, Co-founder & COO, PMAX – Làm Performance cần sự rõ ràng và tối ưu không ngừng

Theo chị Hạnh, performance marketing là câu chuyện làm marketing với mục tiêu mang lại những kết quả về mặt kinh doanh cho khách hàng. Để thực hiện được mục tiêu đó sẽ cần 3 đặc điểm bắt buộc phải có gồm: mục tiêu và các KPIs rõ ràng, logic; khả năng đo lường của các chỉ số đã đề ra; quá trình tối ưu hoá chiến dịch để cải thiện kết quả. Khi làm performance marketing sẽ không có tâm lý may rủi, mỗi hoạt động, chiến lược đều cần nhắm đến mục tiêu tạo ra kết quả kinh doanh tốt nhất cho khách hàng.

Một điểm highlight khác trong phiên chia sẻ của chị Hạnh là quy trình cơ bản triển khai hoạt động performance marketing gồm 4 bước: (1) nghiên cứu để hiểu được client, insight của người tiêu dùng; (2) lên kế hoạch chọn tệp khách hàng, nội dung và kênh truyền thông phù hợp; (3) thực thi theo kế hoạch đã đề ra; (4) đây là bước thường hay bị bỏ qua nhưng lại vô cùng quan trọng: tối ưu hoá hiệu suất. Sau khi triển khai theo kế hoạch, kết quả thu về thường sẽ khác với kết quả dự kiến. Do đó, người làm performance marketing cần liên tục nghĩ các biện pháp tối ưu để đưa kết quả về sát hoặc vượt khung kết quả dự kiến.

8. Strategic Consulting Agency: Chị Trần Vân Anh, CEO, Brandmaker Consulting – Người làm tư vấn được ví là “kiến trúc sư” cho thương hiệu

Mở đầu bài chia sẻ, chị Vân Anh đã có một so sánh khá cụ thể về vai trò của người làm tư vấn chiến lược với vị trí kiến trúc sư. Dù có thể không trực tiếp triển khai, vận hành các dự án nhưng họ đều cần có lượng kiến thức đủ rộng và sâu để đề xuất, xây dựng những bản kế hoạch, phác thảo tổng quát và dài hạn cho khách hàng.

Cụ thể, dịch vụ tư vấn chiến lược & marketing sẽ xoay quanh việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua việc phân tích, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; xây dựng thương hiệu, tình yêu thương hiệu; mở rộng danh mục thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh và hoạch định nguồn, mô hình tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Một điểm nổi bật khác trong phiên chia sẻ là mô hình tư vấn đa trục lấy marketing làm trung tâm. Mục đích của mô hình nhằm củng cố kiến trúc kinh doanh thông qua các hoạt động xây dựng chiến lược và con người cũng như đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng và thị trường hiệu quả thông qua các hoạt động thương mại và truyền thông. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, các agency tư vấn chiến lược có thể điều chỉnh, phối hợp các yếu tố, hoạt động cần thiết.

9. Event Agency: Chị Lê Quỳnh Thư, CEO, Apex Multimedia - Thay vì chờ đợi, hãy chủ động tạo nên khoảnh khắc

Phần chia sẻ của chị Thư đã vẽ nên một bức tranh tổng quát và thực tế về hình ảnh của những người làm tổ chức sự kiện. Họ là những người trao gửi cho khách hàng sự an tâm. Thực chất, khi trình bày, đề xuất bất kì kế hoạch tổ chức nào cũng chỉ là những dòng chữ trên giấy. Sản phẩm thực sự của event agency là thứ diễn ra ở tương lai. Do đó, khách hàng đến với event agency đều sẽ có những lo lắng riêng, nhiệm vụ của người làm event là khiến họ an tâm và tin tưởng vào kĩ năng, chuyên môn của mình, đem lại những sự kiện sát với kế hoạch nhất.

Theo chị Thư, người làm event sẽ sở hữu một tài sản vô cùng quý giá: trải nghiệm, những mối quan hệ cùng bộ kiến thức đa dạng về những ngành hàng khác nhau. Thay vì chờ đợi những khoảnh khắc, người làm sự kiện có thể chủ động tạo ra những trải nghiệm có một không hai. Đó là điểm thú vị của nghề tổ chức sự kiện này.

Đặc biệt, để có thể thực sự “cháy” hết mình người làm sự kiện cần có khí chất đặc biệt là tổ hợp của 3 yếu tố: (1) tố chất; (2) thể chất và (3) vật chất (những yếu tố bên ngoài thể hiện hình ảnh tốt, chỉn chu).

10. Production House: Chị Đồng Ngọc Tố Uyên, Co-founder & Executive Producer, Cheddar Asia – Hiểu Production House qua công thức 5WH

Đến với phiên chia sẻ của chị Tố Uyên, các bạn trẻ sẽ nắm được những điều cơ bản về nhóm agency production house thông qua công thức 5WH (What, Who, Where, When, Why not?). Cụ thể, với câu hỏi What, chị đã giải thích tổng quát vai trò, chuyên môn và quy trình làm việc của một Production House. 4 Wh còn lại gồm: (1) những vị trí thường gặp (Who) trong Production House cùng vai trò, đầu việc của từng vị trí để các bạn có thể hình dung rõ “dòng chảy” công việc trong ngành sản xuất sáng phẩm sáng tạo; (2) lộ trình phát triển tại Production House (When); (3) những lưu ý khi lựa chọn làm việc tại Production House dựa trên quy mô agency (Where) và (4) là những điểm cộng khi quyết định “lăn xả” cùng những set quay, buổi chụp hình (Why not?).

Khi được hỏi về vấn đề đạo nhái, “trùng lặp” ý tưởng trong quá trình thực hiện các ấn phẩm truyền thông sáng tạo, chị Tố Uyên cho rằng cách tối ưu nhất là thẳng thắn nhận sai nếu đó là lỗi của mình và tìm giải pháp sửa chữa nhanh nhất có thể. Hoặc trong trường hợp khách hàng tìm đến Production House khi vẫn chưa xác định được ý tưởng, concept hoặc format cho các sản phẩm truyền thông, chúng ta có thể sử dụng chuyên môn, kinh nghiệm cùng các ví dụ (reference) cụ thể của các nhãn hàng tương tự để đưa ra đề xuất cho khách hàng. Đây sẽ là một hành trình rất gian nan và dài hơi để có thể thu hẹp dần phạm vi mong muốn của khách hàng, phác thảo ý tưởng cụ thể và thuyết phục khách hàng đồng ý với những đề xuất của mình.

Xem lại toàn bộ nội dung 2 ngày sự kiện tại BrandCamp của Brands Vietnam.