8 bước cần thực hiện trước khi bắt đầu phát triển mobile app (phần 1)

Việc đưa ra một ý tưởng app độc đáo đã không còn đủ để cạnh tranh trên thị trường mobile app khốc liệt. Để app trở nên nổi bật, các nhà phát triển ứng dụng cần có một khoản đầu tư lớn, cả về thời gian và ngân sách.

Nhiều nhà phát triển app chỉ tập trung vào các ý tưởng và bức tranh toàn cảnh về một app hoàn chỉnh, mà bỏ qua giai đoạn đầu. Điều này có thể dẫn đến những sai lầm gây tốn kém và tổn hại cho thương hiệu.

Đầu tiên, bạn phải học cách bắt đầu một app, rồi đến việc tạo app, sau đó mới thực sự đi sâu vào quá trình phát triển app. Dưới đây là những điều nhà phát triển ứng dụng cần lưu ý để quá trình này trở nên dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cho app.

1. Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng

Để có thể dự đoán những thứ cần làm trong tương lai, điều đầu tiên là phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng. Bạn cần biết những sản phẩm hiện có trên thị trường, từ đó tìm ra khoảng trống mà app của bạn có thể lấp đầy và đưa ra giải pháp mới, hoàn chỉnh cho vấn đề bạn đang giải quyết.

Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng sẽ giúp bạn khám phá:

  • Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai?
  • Chiến lược của họ là gì?
  • Điểm mạnh và điểm yếu của các nhà phát triển app khác trong thị trường?
  • Khách hàng của họ nói gì trong các bài đánh giá và social media?
  • USP của họ là gì?

Khi có câu trả lời cho những câu hỏi trên, bạn sẽ có thể tránh những sai lầm của đối thủ cạnh tranh, tăng cường các chiến lược hiệu quả, cũng như xác định rõ cách tiếp cận và hướng giải quyết đối với thách thức hiện tại. Đây là cơ hội để app của bạn có thể nổi bật hơn.

Bằng cách lướt qua Apple App Store và Google Play Store, bạn sẽ nhận thấy nhiều thứ, có thể tích cực hoặc tiêu cực. Một là, không còn thị trường cho ứng dụng của bạn. Hai là, có thể có khoảng trống trên thị trường, và doanh nghiệp của bạn có thể tận dụng.

Nguồn: vietnambiz

2. Xác định Elevator Pitch và đối tượng mục tiêu

Bạn có thể nói rõ mục đích cụ thể của app không? Bạn có thể đặt tên cho sự khác biệt của app trên website và các trường hợp sử dụng cụ thể không? Đây có lẽ là bước khó nhất đối với các chủ doanh nghiệp và marketer. Việc tổng hợp tất cả các ý tưởng trong một hoặc hai câu có mục đích rõ ràng là điều không dễ nhưng đó cũng là một trong những bước cốt lõi để đảm bảo sự thành công của app.

Đây là lúc để xác định:

  • Chức năng chính của app là gì?
  • Xác định những vấn đề mà app giải quyết?
  • Người dùng tiềm năng là ai?
  • Tại sao mọi người muốn sử dụng app?
  • Giá trị gia tăng mà app mang tới so với một mobile web là gì?
  • App sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu kinh doanh nào?
  • Đối tượng nào sẽ được hưởng lợi từ app?
  • Đối tượng đó cần gì và khao khát điều gì?

Trung thực khi trả lời những câu hỏi này để đảm bảo không lãng phí tài nguyên vào các tính năng thừa hoặc nhắm mục tiêu đối tượng sai.

Nếu không thể trình bày rõ ràng app giải quyết vấn đề gì, bạn sẽ không thể kinh doanh app. Ý tưởng app sẽ vô dụng nếu chúng không giải quyết được vấn đề cho người dùng.

Ngoài ra, bạn cũng nên tự tin về Elevator Pitch (bài phát biểu về ý tưởng sản phẩm) của mình. Nếu vô tình đứng trước một nhà đầu tư tiềm năng và họ hỏi bạn về dự án, bạn sẽ truyền đạt sứ mệnh như thế nào chỉ trong một vài câu trong vòng chưa đầy một phút? Một lần nữa, sự tập trung cao độ và rõ ràng ngay từ đầu trong quá trình chuẩn bị có thể gia tăng sự thành công theo nhiều cách, vì vậy, đừng bỏ lỡ những cơ hội để trở nên chính xác và rõ ràng với mục đích app ngay từ đầu.

3. Lựa chọn giữa native, hybrid và web app

Có một số quyết định kỹ thuật cần đưa ra sớm và đây là một trong những quyết định quan trọng. Việc lựa chọn giữa native, hybrid hoặc web app mang lại nhiều ý nghĩa cho sự phát triển và bảo trì sau này. Đây là chìa khoá để thúc đẩy nghiên cứu thị trường cũng như mục đích và chức năng cốt lõi mà bạn vừa xác định, để có thể đưa ra quyết định tốt nhất.

Sự khác biệt cơ bản giữa native, hybrid hoặc web app là:

  • Ngôn ngữ lập trình mà chúng được tích hợp: Điều này ảnh hưởng và phụ thuộc vào ngân sách, khung thời gian mong muốn và kiến ​​thức chuyên môn sẵn có.
  • Quyền truy cập vào các API thiết bị gốc: Điều này sẽ phụ thuộc vào các chức năng của thiết bị mà app truy cập.
  • Phương thức phân phối: Điều này sẽ ảnh hưởng phần lớn đến cách bạn làm app marketing và xác định chiến lược quảng cáo của mình.
  • Hỗ trợ đa nền tảng: Điều này sẽ dựa trên đối tượng mục tiêu và thị trường bạn muốn thâm nhập; thông thường, bạn sẽ muốn có mặt trên cả Apple’s App store và Android’s Play Store.

Native app phù hợp với các tác vụ nặng như chơi game hoặc sử dụng ảnh, video. Còn các web app là lựa chọn tốt cho các giải pháp cần cập nhật dễ dàng, mà không yêu cầu bất kỳ quyền truy cập nào vào các tính năng gốc của thiết bị.

Hai loại này nằm ở hai phía đối lập, các native app tốn nhiều tiền để phát triển và có thể tìm thấy trong các app store khác nhau, trong khi các web app phát triển khá nhanh và chi phí thấp, nhưng bạn không thể khuếch đại chúng thông qua các app store hoặc yêu cầu người dùng tải xuống thiết bị.

Lựa chọn tốt nhất của cả hai loại này là hybrid app. Chúng sử dụng cùng một cơ sở mã cho cả hai nền tảng, có thể truy cập các tính năng của thiết bị và có cả trên app store. Nói tóm lại, bạn có thể tạo app iOS và Android đồng thời với một bản dựng duy nhất. Chúng cũng là một lựa chọn lý tưởng cho hầu hết mục tiêu và mục đích của một app, bao gồm các app năng suất, tiện ích và doanh nghiệp.

Khi đã quyết định loại app, bạn sẽ dễ dàng phân bổ các nguồn lực và lập kế hoạch cho toàn bộ dự án phát triển.

Nguồn: telerik

4. Biết các tuỳ chọn monetization

App có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau. Tạo doanh thu trực tiếp từ app là một điều hiển nhiên, hoặc app có thể chỉ đơn giản đóng vai trò là kênh cung cấp thông tin cho khách hàng hay gián tiếp hỗ trợ các giai đoạn khác của kênh bán hàng và tăng phạm vi tiếp cận thương hiệu.

Bạn muốn app đóng vai trò gì trong mô hình kinh doanh của mình? Nếu bạn đang có kế hoạch monetization (kiếm tiền) trực tiếp từ app, đây là lúc để xem xét các mô hình monetize điển hình:

  • App Freemium – Các app này được tải xuống miễn phí nhưng một số tính năng và nội dung nhất định bị khoá và chỉ có thể truy cập khi trả phí.
  • App trả phí (Premium) – Người dùng cần mua app từ app store để sử dụng. Do rào cản về chi phí của mô hình này, chiến lược mobile marketing rất quan trọng để chứng minh giá trị độc đáo, vượt trội so với các app miễn phí.
  • Mua hàng trong app – Mô hình này hoạt động bằng cách sử dụng app để bán các sản phẩm kỹ thuật số hoặc hữu hình như một kênh mobile commerce.
  • Đăng ký – Mô hình này tương tự như các app freemium, nhưng mang lại lợi ích là dòng doanh thu cố định.
  • Quảng cáo trong app – Đây có thể là mô hình đơn giản nhất vì không có rào cản về chi phí cho người dùng. Nhưng với bất kỳ loại hình quảng cáo nào, điều quan trọng là không bao giờ hy sinh trải nghiệm người dùng để có thêm không gian quảng cáo.
  • Tính năng tài trợ – Mô hình này thường trở nên khả thi khi đạt được cơ sở người dùng vững chắc, vì nó cho phép hợp tác với các thương hiệu và nhà quảng cáo cụ thể. Đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi vì các thương hiệu trả tiền cho các hành động của người dùng và app tạo ra sự tương tác nhiều hơn.

Tương tự với bất kỳ sự lựa chọn nào khác, mỗi loại hình đều có ưu và khuyết điểm. Mặc dù quyết định bây giờ có thể được thay đổi sau đó, nhưng điều quan trọng là phải có hiểu biết căn bản về tất cả các mô hình và chỉ đạo sự phát triển mobile app dựa trên những gì phù hợp nhất với doanh nghiệp.

* Nguồn: buildfire