Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Deep Dive #8: Vì sao nhiều thương hiệu tài chính tại Việt Nam thường tài trợ cho các nền tảng sức khoẻ?

Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu tài chính tại Việt Nam đẩy mạnh việc tài trợ cho các nền tảng về sức khoẻ như sự kiện thể thao hay ứng dụng sức khoẻ. Vậy đâu là lý do khiến các thương hiệu tài chính Việt Nam tài trợ cho nền tảng này? Câu trả lời sẽ được làm rõ trong số thứ 8 của series Deep Dive.

Khi nhắc đến hoạt động tài trợ của các thương hiệu tài chính cho các nền tảng sức khoẻ, có thể kể đến một số hoạt động nổi trội như: Techcombank tài trợ cho giải chạy Techcombank Ho Chi Minh City International Marathon, Sun Life tài trợ cho giải Sun Life Vietnam Resolution Run, Manulife tài trợ cho giải chạy Manulife Danang International Marathon đồng thời phát triển ứng dụng sức khoẻ ManulifeMOVE, Prudential cũng đầu tư cho ứng dụng Pulse by Prudential…

Nhìn ở góc độ chuyên môn, tài trợ thương hiệu (Sponsorship) được xem như hoạt động “ba bên cùng có lợi”. Thương hiệu có thêm hình thức tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng khả năng đạt được những mục tiêu về doanh số, truyền thông, marketing. Người tiêu dùng được đáp ứng các nhu cầu cá nhân như: giải trí, tiêu thụ nội dung từ gameshow, sự kiện âm nhạc, rèn luyện sức khoẻ khi tham gia các giải chạy, làm từ thiện… Còn với đơn vị nhận tài trợ (thường là bên thứ 3 đứng ra tổ chức chương trình, sự kiện), ngoài tài chính, thì những hoạt động của họ cũng được tăng thêm mức độ tin cậy nhờ uy tín của thương hiệu tài trợ, từ đó lan toả đến nhiều đối tượng hơn.

Đến với số thứ 8 trong series Deep Dive là anh Nguyễn Hạnh Vũ, trước đây là Trưởng phòng Tiếp thị Sản phẩm Cấp cao của Manulife Việt Nam, phụ trách mảng Thương hiệu & Tài trợ của thương hiệu này. Trong số này chúng ta đào sâu vào câu hỏi: “Vì sao nhiều thương hiệu tài chính tại Việt Nam thường tài trợ cho các nền tảng sức khoẻ?”.

Deep Dive là chuỗi nội dung chuyên bàn luận và phân tích về các sự kiện thú vị liên quan đến hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.

* BRVN: Anh có thể chia sẻ tại sao những thương hiệu tài chính như bảo hiểm, ngân hàng thường xuyên tài trợ cho các nền tảng về sức khoẻ như giải chạy, ứng dụng sức khoẻ?

Anh Nguyễn Hạnh Vũ, Nguyên Trưởng phòng Tiếp thị Sản phẩm Cấp cao của Manulife Việt Nam
Nguồn: Brands Vietnam

Anh Hạnh Vũ: Về mặt định vị thương hiệu, các ngân hàng hay công ty bảo hiểm thường gắn những yếu tố tài chính và doanh nghiệp trong thông điệp họ đưa đến người tiêu dùng. Nhưng chúng là những cụm từ, định nghĩa rất xa lạ mà không phải ai cũng hiểu được. Do vậy, hiện nay nhóm thương hiệu dịch vụ tài chính hướng đến cung cấp giải pháp chăm sóc sức khoẻ tài chính, lẫn chăm sóc sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần đến tay người tiêu dùng, với mục tiêu giúp họ đến gần, hiểu rõ và yêu thương thương hiệu nhiều hơn.

Đó là xu hướng hiện nay của các thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, bảo hiểm.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhận thấy trong khoảng 5 năm trở lại đây, các giải thể thao như chạy bộ, đi bộ, bơi, đạp xe... nở rộ với nhiều hình thức và quy mô đa dạng tại Việt Nam. Điều này tạo ra một trào lưu mới trong cộng đồng: người người chạy, nhà nhà chạy, từ nam đến nữ, từ trẻ đến già đều tham gia vào các giải thể thao và chưa từng có tiền lệ trước đây. Từ đó chứng tỏ sự thật rằng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ. Họ ăn uống lành mạnh và hoạt động nhiều hơn. Và các bạn cũng thấy rằng, mạng xã hội lúc nào cũng tràn ngập những bài viết, hình ảnh cổ vũ cho các hoạt động thể thao của người dùng.

Chính vì thế, việc tài trợ cho các hoạt động thể thao là một cơ hội rất tốt để các thương hiệu truyền tải thông điệp và tương tác tốt hơn với khách hàng, bao gồm nhóm khách hàng hiện hữu và nhóm khách hàng tiềm năng.

* BRVN: Anh có thể phân tích rõ hơn về sự liên quan giữa nền tảng sức khoẻ với chiến lược, đối tượng mục tiêu của thương hiệu, thông qua các chỉ số như brand fit, target fit, consumer passion?

Anh Hạnh Vũ: Trước tiên, tôi sẽ nói rõ hơn về sự liên quan của nền tảng sức khoẻ hiện nay với các thương hiệu tài chính. Như mọi người cũng thấy, trong thập kỉ trước, theo cách làm marketing truyền thống, các thương hiệu tài chính luôn luôn đưa thông điệp, định vị thương hiệu mang tính chất bảo vệ khách hàng trước những rủi ro, sự không may mắn trong cuộc sống. Nói cách khác là họ dùng các rủi ro, tai nạn để truyền đạt thông điệp.

Tài trợ cho các hoạt động thể thao là một cơ hội rất tốt để thương hiệu truyền tải thông điệp và tương tác tốt hơn với khách hàng.

Thì ngày nay, có một xu hướng mới là các thương hiệu tài chính không dùng nỗi sợ nữa mà khuyến khích, truyền đạt, giáo dục người tiêu dùng sống khoẻ khoắn, năng động hơn. Bên cạnh những sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro về tài chính, nhiều thương hiệu đẩy mạnh các hoạt động về truyền thông, kích hoạt thương hiệu dành cho lối sống khoẻ.

Chính vì vậy, những thương hiệu tài chính dựa trên việc tài trợ cho sự kiện hay phát triển ứng dụng chăm sóc sức khoẻ sẽ mang một hình ảnh mới, để người tiêu dùng nhìn thấy những thương hiệu này không phải là một cái gì đó quá cổ hủ, mang tính đe doạ, mà giúp cho họ sống lạc quan và khoẻ khoắn hơn.

* BRVN: Vậy những hoạt động tài trợ thương hiệu cụ thể là gì? Lợi ích và điểm chung của các hoạt động là gì thưa anh?

Anh Hạnh Vũ: Với các hoạt động tài trợ của các thương hiệu tài chính hiện nay, tôi sẽ chia thành 2 nhóm: Tài trợ sự kiện Ứng dụng sức khoẻ.

Nhóm thứ nhất là hoạt động tài trợ cho các sự kiện thể thao, cụ thể là giải chạy. Ví dụ, bảo hiểm Manulife tài trợ cho Manulife Danang International Marathon, Ngân hàng Techcombank tài trợ cho giải Techcombank Ho Chi Minh City International Marathon hay VPBank thì có giải VPBank Hanoi Marathon.

* BRVN: Vậy thì các thương hiệu này sẽ được lợi ích gì khi tài trợ cho những giải chạy?

Anh Hạnh Vũ: Đầu tiên, với cương vị là nhà tài trợ, nên tên và thông điệp của thương hiệu sẽ xuất hiện trên tất cả các kênh thông tin, nội dung của sự kiện đó và nó mang tính quảng bá rộng khắp đến rất nhiều người. Bạn có thể tưởng tượng, với những giải chạy marathon ở thành phố lớn như Hồ Chí Minh hay Hà Nội, con số người tham dự là 10.000 người, cộng thêm với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, thì số lượng người tương tác trực tiếp có thể gấp 3-4 lần. Còn về vấn đề quảng bá, thì với những chương trình này, thương hiệu có chiến lược quảng bá rất rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và thông tin này có thể tiếp cận đến vài chục triệu người. Đây chính là một cơ hội rất tốt để quảng bá thương hiệu và truyền đạt thông điệp thương hiệu đến người tiêu dùng.

Thứ hai, những chương trình này thường sẽ tổ chức kèm theo những hoạt động khác mà ở đó, các thương hiệu, hoặc bên đứng ra phụ trách sự kiện sẽ có thêm cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng tiềm năng, khách hàng hiện hữu. Các hoạt động này thường là hội chợ (expo), hay kích hoạt thương hiệu... Ông bà ta luôn có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, tại sự kiện, người tiêu dùng sẽ thấy được những điều thương hiệu làm để gia tăng sự tin tưởng.

Bảo hiểm Manulife tài trợ cho Manulife Danang International Marathon
Nguồn: Manulife Danang International Marathon

Tôi lấy ví dụ như năm 2019, Manulife đã giới thiệu ứng dụng sức khoẻ ManulifeMOVE đến vận động viên và những người tham gia giải chạy Manulife Danang International Marathon trong khu vực hội chợ. Hay ngân hàng Techcombank cũng khéo léo tận dụng cơ hội để giới thiệu các sản phẩm về tài chính tiêu dùng cá nhân như thẻ tín dụng, vay tiêu dùng, tiết kiệm… trong buổi hội chợ, khu kích hoạt thương hiệu (activation), hoặc dọc đường chạy của giải Techcombank Ho Chi Minh City International Marathon.

Lợi ích thứ ba tôi muốn đề cập đến đó là các thương hiệu tài trợ sẽ có thêm cơ hội gắn kết với những stakeholders của mình. Giải chạy thường sẽ có suất tham dự giải chạy ưu đãi cho đối tác, khách hàng, nhân viên... Đó là cách thương hiệu khuyến khích mọi người sống khoẻ. Ví dụ các đối tác như ngân hàng thành viên của Manulife cũng sẽ được mời đến tham dự giải chạy và chương trình. Hay nhân viên của công ty cũng sẽ được tham gia giải chạy và những buổi team building, workshop... tại sự kiện. Và nhân viên chính là những đại sứ quảng bá mạnh nhất của một thương hiệu.

Cuối cùng, điểm chung của các hoạt động trên đều là tận dụng tính đại chúng của giải chạy để giới thiệu, quảng bá thương hiệu của mình rộng khắp hơn.

Techcombank Ho Chi Minh City International Marathon
Nguồn: Facebook

* BRVN: Bên cạnh giải chạy, nhiều thương hiệu cũng đầu tư vào các ứng dụng sức khoẻ như anh vừa đề cập. Vậy động lực nào khiến các thương hiệu đầu tư vào hoạt động này, cũng như vai trò của chúng trong tổng thể kế hoạch marketing và thương hiệu là gì?

Anh Hạnh Vũ: Như mọi người cũng biết, trên các kho ứng dụng di động hiện nay, có vô số ứng dụng chăm sóc sức khoẻ và thường sẽ có hai nhóm ứng dụng chính.

Nhóm ứng dụng đầu tiên dành cho người tập thể thao chuyên nghiệp, thường gắn với các thương hiệu chăm sóc sức khoẻ, hoặc luyện tập thể thao ở cường độ cao như Garmin, Suunto, Fitbit… Những ứng dụng này cung cấp các chỉ số để người dùng có thể quan sát để tăng cường, cải tiến thành tích tập luyện khi hoạt động thể thao.

Nhóm thứ hai, mang tính đại chúng hơn, dành cho những người không hoạt động thể thao chuyên nghiệp hoặc bán chuyên như Strava, Apple Health, Google Fit… Chức năng của các ứng dụng này là theo dõi, ghi nhận và phân tích các hoạt động hàng ngày của người dùng như khoảng cách đi bộ hay bước chân đạt được. Mục đích là để khuyến khích người dùng vận động và tập luyện thể thao nhiều hơn.

* Vậy ứng dụng sức khoẻ đem lại lợi ích gì cho những thương hiệu tài chính?

Ứng dụng sức khoẻ giúp thương hiệu tài chính lôi cuốn được người tiêu dùng và hỗ trợ thương hiệu tìm được khách hàng tiềm năng.

Thực tế, hầu như các ứng dụng di động có thể phục vụ nhu cầu, mối quan tâm của con người đều đã trải kín trên các kho ứng dụng di động rồi. Nhưng vẫn có một ngách nhỏ mà các thương hiệu sức khoẻ này nhắm đến. Đó là cổ vũ và tặng thưởng cho những nỗ lực mà người dùng đạt được, có thể là bằng huy chương, huy hiệu trên ứng dụng. Thì những thương hiệu này mang đến những giá trị về vật chất và tinh thần rất rõ ràng cho người dùng, điều mà các ứng dụng phổ thông không có được. Vì thế, thông qua đó, các ứng dụng này sẽ lôi cuốn được người tiêu dùng và hỗ trợ thương hiệu tìm được khách hàng tiềm năng.

Các ứng dụng thường sẽ không đòi hỏi người dùng tham gia các hoạt động thể thao chuyên nghiệp, vận động ở cường độ cao. Chẳng hạn, trên ManulifeMOVE, nếu người dùng đi bộ đều đặn trong 6 tháng với số bước trung bình là 6.000 bước/ngày sẽ được tặng voucher mua hàng, ăn uống. Đây là một giải pháp rất hiệu quả để thương hiệu có thể tương tác với khách hàng, giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, thông qua đó truyền thông về sản phẩm dịch vụ để giúp họ sống khoẻ hơn, từ đó xây dựng lòng trung thành của họ đối với thương hiệu.

* BRVN: Với những ứng dụng trên di động, thương hiệu có sử dụng để thu thập dữ liệu người dùng không thưa anh?

Anh Hạnh Vũ: Đây cũng là một cách để các thương hiệu, tổ chức thu thập dữ liệu của khách hàng, nhưng ở một chừng mực nhất định. Vì trong ngành tài chính, độ nhạy cảm về thông tin khách hàng thường rất cao. Và các thông tin này chỉ được thu thập khi được người dùng đồng ý mà thôi. Những thông tin được thu thập trên ứng dụng khá cơ bản, bao gồm: tên, tuổi, thông tin liên lạc... Người dùng vẫn có thể từ chối các cuộc gọi bán hàng, giới thiệu chào hàng từ phía thương hiệu.

* BRVN: Từ góc độ người tiêu dùng và bên thứ ba chuyên đứng ra tổ chức sự kiện, thì họ sẽ được hưởng lợi ích gì từ những hoạt động tài trợ này?

Anh Hạnh Vũ: Đầu tiên, người tiêu dùng sẽ có cơ hội hoạt động ở môn thể thao mà mình yêu thích, ví dụ như chạy bộ, bơi, đạp xe… Hoặc khi tham gia các minigame trên Facebook của thương hiệu, họ sẽ được phần thưởng hay những lời khuyên bổ ích từ các chuyên gia ở sự kiện để vận động hiệu quả và bảo vệ sức khoẻ tốt hơn.

Nguồn: Manulife Danang International Marathon

Thứ hai, với bên nhận tài trợ, rõ ràng ngoài tài khoản kinh phí rất lớn để tổ chức, mở rộng, phát triển chương trình ngày càng trở nên hấp dẫn, thú vị hơn, những hoạt động của họ cũng được tăng thêm mức độ tin cậy nhờ uy tín của thương hiệu tài trợ, từ đó lan toả đến nhiều đối tượng hơn. Và khi đứng cạnh một thương hiệu nổi tiếng, chắc hẳn thương hiệu của bên nhận tài trợ cũng sẽ nhận được sự nổi tiếng song song.

* BRVN: Vậy thì các thương hiệu tài chính này đo lường hiệu quả của các hoạt động tài trợ cho nền tảng sức khoẻ như thế nào?

Anh Hạnh Vũ: Với giải chạy, có 4 chỉ số dùng để đo lường hiệu quả hoạt động tài trợ. Đầu tiên là số lượng người tham gia trực tiếp, gián tiếp. Như tôi đã đề cập, số người tham gia của nhiều sự kiện có thể lên đến 10.000, 30.000 hay 40.000 người. Thứ hai là sự tương tác của khách hàng, người tham gia với thương hiệu cả trên môi trường online lẫn offline. Ví dụ, thương hiệu sẽ tính có bao nhiêu người đã đến tham gia các khu vực trò chơi, kích hoạt thương hiệu để nhận thưởng, check-in, bao nhiêu người tương tác, thảo luận với nội dung và minigame trên mạng xã hội... Thứ ba là thương hiệu sẽ đo lường Share of Voice (SOV) của các nội dung trước, trong và sau sự kiện trên media. Hay các chỉ số liên quan trên mạng xã hội như Social Buzz, Mentions... Chỉ số cuối cùng, tuy không được đặt nặng, nhưng luôn được đặt ra, đó là số lead thu về để chuyển hoá thành doanh số bán hàng.

Tiếp theo, với ứng dụng sức khoẻ, thương hiệu sẽ đo lường số lượng tải về, số tài khoản được kích hoạt, số lượng người hoạt động chủ động thường xuyên trên ứng dụng. Mỗi khi có chương trình khuyến mãi/ thử thách được chạy trên ứng dụng, thì thương hiệu sẽ đo lường số lượng người tham gia trên một thử thách, bao nhiêu người đổi quà, bao nhiêu phần thưởng được trao… Đó là các chỉ số chính để đo lường tính hiệu quả của các ứng dụng.

* BRVN: Vậy theo anh, như thế nào một chiến dịch tài trợ hiệu quả? Và thương hiệu dùng những chỉ số nào để đo lường?

Nguồn: Manulife Danang International Marathon

Anh Hạnh Vũ: Hiệu quả của hoạt động tài trợ cho các nền tảng sức khoẻ sẽ tuỳ thuộc vào quy mô và thời điểm mà thương hiệu tài trợ. Ví dụ như cách đây 5 năm, nếu thương hiệu tài trợ cho giải chạy, thì sẽ không mang lại hiệu quả, vì không ai có nhu cầu chạy cả. Nhưng tại thời điểm này, rất nhiều thương hiệu tranh giành nhau để tài trợ cho các giải chạy, đặc biệt là các giải chạy lớn. Do vậy, không có định nghĩa rõ ràng thế nào là hiệu quả, mà sẽ tuỳ thuộc vào mong muốn, mục tiêu của thương hiệu mà thôi.

Ví dụ, một thương hiệu mới xuất hiện ở một khu vực nào đó tài trợ cho một sự kiện rất nổi tiếng trong cùng khu vực cũng chỉ với mục tiêu gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu (brand awareness) tốt hơn thôi, họ sẽ không bao giờ mong chờ lượng tương tác của khách hàng nhiều, hay mang về kết quả kinh doanh khá hơn. Nhưng với nhiều thương hiệu đã đi qua một quãng đường dài với những sự kiện nổi tiếng, thì họ sẽ đòi hỏi ROI (Return On Investment) cao hơn. Nếu họ bỏ ra 1 triệu USD tài trợ cho sự kiện, thì sẽ cần thu lại được bao nhiêu tương tác, sales, lead, độ nhận diện thương hiệu tương ứng. Điều này tuỳ vào chiến lược của từng thương hiệu.

* BRVN: Những ứng dụng này thuộc sở hữu của team marketing hay công nghệ và thường thương hiệu lựa chọn phát triển nhờ nguồn lực bên ngoài hay in-house?

Anh Hạnh Vũ: Những ứng dụng sức khoẻ này sẽ thuộc quyền sở hữu của các phòng ban liên quan đến công nghệ. Vì ứng dụng này không chỉ được sử dụng cho mục đích xây dựng thương hiệu của phòng marketing, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề về tương tác khách hàng ở những phòng ban khác. Tuy nhiên, ngân sách hoạt động sẽ khác nhau. Nếu có chương trình khuyến mại, gia tăng số lượng người dùng, người tải trên ứng dụng, thì ngân sách hoạt động sẽ do team marketing quản lý.

Về việc phát triển (ứng dụng), đối với những thương hiệu lớn của nước ngoài, họ thường sẽ bản địa hoá ứng dụng cho phù hợp với người tiêu dùng ở thị trường địa phương. Với ManulifeMOVE, chúng tôi dùng phiên bản của vùng nhưng bản địa hoá theo Tiếng Việt. Pulse by Prudential cũng vậy. Còn với các thương hiệu trong nước, thường họ sẽ tự phát triển độc lập. Chẳng hạn, phần ứng dụng sức khoẻ được tích hợp ngay trong ví điện tử MoMo, dùng để đếm bước đi bộ và trả thưởng ngay trong ứng dụng cho người dùng. Còn lại, đa phần thương hiệu sẽ sử dụng nguồn lực bên ngoài vì họ chuyên nghiệp hơn, có năng lực dồi dào hơn từ khâu phát triển cho đến thử nghiệm. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Ứng dụng Pulse by Prudential (trái) và ManulifeMOVE
Nguồn: Tổng hợp

* BRVN: Vậy những ứng dụng này làm tăng thuộc tính thương hiệu nào?

Anh Hạnh Vũ: Như đã biết, hiện nay mọi người dùng các ứng dụng di động trong nhiều hoạt động của cuộc sống như mua vé máy bay, thanh toán, mua sắm, xem phim… thì ứng dụng sức khoẻ được xem như một người bạn thay mặt thương hiệu ở bên cạnh khách hàng để nhắc nhở, khuyến khích, tặng thưởng cho những nỗ lực sống khoẻ của họ. Vì thế, với những tương tác gần như trực tiếp, tức thời như vậy, người dùng sẽ cảm nhận được rằng thương hiệu tài chính đó là một người bạn đồng hành đáng tin cậy không những về tài chính, mà còn là vấn đề chăm sóc sức khoẻ.

* BRVN: Manulife Việt Nam là một thương hiệu bảo hiểm có nhiều năm kinh nghiệm khi tài trợ cho cả giải chạy và ứng dụng sức khoẻ. Vậy anh có thể chia sẻ một số lưu ý, đúc kết thực tế cho thương hiệu khi quyết định đầu tư cho hai hình thức này?

Anh Hạnh Vũ: Chúng tôi tài trợ cho giải chạy Manulife Danang International Marathon từ năm 2016. Thời điểm đó, phong trào chạy chưa nở rộ như bây giờ. Nhưng chúng tôi nhận thấy tiềm năng để đổi mới hình ảnh của sản phẩm và thương hiệu tại thị trường Việt Nam là rất lớn.

Bởi từ xưa đến nay, ngành bảo hiểm luôn bị xã hội nhìn nhận dưới một góc nhìn chưa được thiện cảm lắm. Manulife không nằm ngoại lệ. Để thay đổi hình ảnh của thương hiệu và tạo ra sự khác biệt giữa Manulife và hơn 18 thương hiệu về bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đã quyết định đầu tư tài trợ cho giải chạy với một phạm vi rất nhỏ ở thời điểm đầu tiên.

Trải qua hơn 5 năm tài trợ cho giải chạy, tôi rút ra được một vài chia sẻ, mà tôi nghĩ sẽ giúp ích cho mọi người.

Lựa chọn hoạt động tài trợ phù hợp và đúng thời điểm có thể đổi mới hình ảnh của sản phẩm và thương hiệu trên thị trường.

Thứ nhất, để tài trợ cho các giải về (hoạt động) sức khoẻ, thì môn thể thao phải phù hợp với định vị của thương hiệu và nhóm khách hàng tiềm năng mà thương hiệu muốn hướng đến. Thương hiệu không thể chạy theo xu thế tổ chức giải chạy, nhưng định vị, hình ảnh của mình lại không liên quan đến chăm sóc sức khoẻ.

Thứ hai, khi tìm hiểu và quyết định tài trợ cho một sự kiện thể thao hay phát triển một ứng dụng, thì thương hiệu nên xem xét các hoạt động trong sự kiện, cũng như tính năng của ứng dụng. Chúng phải chuyển tải được những thông điệp thương hiệu mong muốn đến người tiêu dùng. Một thương hiệu có định vị “nhẹ nhàng, tinh tế” không thể tài trợ cho một chương trình, sự kiện mang tính trải nghiệm thực tế mạnh mẽ, có mức độ khốc liệt và may rủi cao.

Thứ ba, không nên tài trợ chỉ vì mong muốn của các nhà lãnh đạo thương hiệu. Bạn cần có bộ tiêu chí đo lường, có thể thay đổi theo từng thời điểm để đánh giá hiệu quả. Vì khi tài trợ, thương hiệu phải xem xét tính phù hợp giữa thương hiệu, bên được tài trợ và người tiêu dùng, đặc biệt là mục đích tài trợ.

cuối cùng, như tôi đã đề cập, hãy tài trợ vào đúng thời điểm. Chẳng hạn như với giải chạy Manulife Danang International Marathon, nếu như Manulife quyết định tài trợ vào khoảng năm 2010-2011, thì sẽ không phù hợp vì không đúng thời điểm, không mang tính đại chúng, không ai quan tâm, thì chỉ làm lãng phí ngân sách tiếp thị mà thôi.

* BRVN: Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam