10 Tips Tăng Tỷ Lệ Duy Trì (Retention Rate) Thành Công Trên Mobile App

Tỷ lệ duy trì (Retention Rate) là một chỉ số quan trọng đối với mobile app marketers và có ảnh hưởng lớn đến giá trị vòng đời lâu dài khách hàng (Lifetime Value - LTV). Để giữ chân người dùng app, thương hiệu nên tạo trải nghiệm thú vị giúp tăng tỷ lệ giữ chân để có thể tăng doanh thu và lòng trung thành của người dùng. Bài viết sau đây sẽ đưa ra 10 mẹo để giúp bạn cải thiện tỷ lệ giữ chân người dùng trên mobile app

Tỷ lệ duy trì là gì?

Tỷ lệ duy trì là phần trăm người dùng vẫn sử dụng mobile app của bạn sau một khoảng thời gian nhất định, thường được đo lường sau 1,7 và 10 ngày. Người dùng sử dụng app càng lâu, thương hiệu càng có khả năng tăng doanh thu. Ngoài ra đây cũng tín hiệu cho thấy người dùng đang có nhiều trải nghiệm tích cực trên app. Ngược lại, tỷ lệ duy trì thấp có thể cho thấy ứng dụng của bạn gặp nhiều vấn đề. Ví dụ: Nếu số lượng người dùng rời khỏi app cao bất thường vào ngày đầu tiên, thương hiệu có thể đang gặp vấn đề về onboarding.

Tỷ lệ giữ chân so với chuyển đổi người dùng

Giữ chân và thu hút người dùng là hai yếu tố quan trọng: Mobile marketers phải có được thêm người dùng mới để đạt được mức tăng trưởng đáng kể nhưng điều quan trọng hơn hết là phải giữ chân càng nhiều người dùng càng tốt. Điều cần thiết là phải xác định kênh nào đang mang lại cho người dùng giá trị cao nhất để thương hiệu có thể đầu tư vào các chiến lược giữ chân người dùng và tối đa hóa giá trị lâu dài (LTV) của người dùng.

Tỷ lệ giữ chân lý tưởng cho mobile app

Một nghiên cứu của Adjust đã so sánh tỷ lệ giữ chân người dùng và chỉ ra rằng tỷ lệ giữ chân trung bình trong ngày đầu tiên là 26% trên Android và iOS. Vào ngày thứ 7, con số này giảm xuống còn 11% trên Android và 12% trên iOS. Đến ngày 30, tỷ lệ giữ chân trung bình là 6% cho cả Android và iOS. Vậy bài học được rút ra là gì? Nếu ứng dụng của bạn thu hút hơn 1/3 người dùng vào ngày đầu tiên, bạn có tỷ lệ giữ chân người dùng rất cao. Tuy nhiên, tỷ lệ giữ chân trung bình sẽ phụ thuộc vào danh mục ứng dụng và phải được xác định bằng cách thử nghiệm theo thời gian dài.

Danh mục app nào có tỷ lệ giữ chân người dùng cao nhất hiện nay

Tỷ lệ giữ chân giữa các danh mục app có thể biến động thường xuyên, do hành vi của người dùng và bản chất vốn có của mobile app. Ví dụ: Một tiện ích cần thiết, như ứng dụng thời tiết, sẽ có tỷ lệ giữ chân người dùng cao vì người dùng kiểm tra thời tiết hàng ngày. Mặt khác, một số ứng dụng du lịch nhất định sẽ có tỷ lệ giữ chân trong 30 ngày thấp vì mọi người chỉ sử dụng app của hãng hàng không để lên máy bay và sau đó gỡ app khi chuyến bay đã kết thúc.

10 tips tăng tỷ lệ duy trì mà mobile marketers nên thử

1. Theo dõi dữ liệu càng sớm càng tốt

Để đo lường chính xác tỷ lệ giữ chân và những cải thiện đối với chỉ số này theo thời gian, marketers nên bắt đầu theo dõi dữ liệu càng sớm càng tốt. Điều này sẽ cung cấp mọi dữ liệu cần thiết để đo lường hiệu suất và xác định các chiến lược hoặc tính năng nào đã tạo ra tác động.

2. Thử nghiệm beta

Một số nhà phát triển app có thể đạt mức tỷ lệ duy trì cao hơn vì mobile app đã được thử nghiệm beta với một số khách mời nhất định. Đây là một chiến lược thông minh để đảm bảo những thay đổi cần thiết hoặc lỗi phát sinh khi sử dụng app, làm giảm tỷ lệ giữ chân người dùng. Tuân thủ quy trình sẽ giúp ứng dụng nhận được phản hồi tích cực vào ngày ra mắt.

Ngoài ra, thử nghiệm beta có lợi thế khi cấp quyền truy cập sớm cho một số người dùng, từ đó thương hiệu có thể xây dựng lòng trung thành từ khách hàng ngay trước khi ứng dụng được xuất bản trên cửa hàng ứng dụng.

3. Soft launch

Nếu chưa khởi chạy ứng dụng, thương hiệu có thể tận dụng Soft Launch để thực hiện A/B Testing và tối ưu hóa hiệu suất. Soft Launch là một hình thức phát hành app trong một phạm vi nhỏ, điều này mang lại cho bạn cơ hội xác định các cách để tối ưu hóa ứng dụng dành cho thiết bị di động của mình trước khi ra mắt ở một khu vực tương tự, lớn hơn. Ví dụ: Marketers có thể khởi chạy mobile app ở New Zealand để từ đó cân nhắc xem ứng dụng sẽ hoạt động như thế nào ở các khu vực như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Tương tự như thử nghiệm beta, phương pháp này sẽ giúp bạn đạt được tỷ lệ giữ chân người dùng cao khi khởi chạy ở quy mô lớn hơn.

4. Đảm bảo rằng sản phẩm và hoạt động marketing phù hợp với nhau

Khi phát triển chiến lược marketing cho mobile app, điều quan trọng là các quyết định phải phù hợp với những gì sản phẩm cung cấp. Bất kể hoạt động marketing có hiệu quả đến đâu, tỷ lệ giữ chân đều bị ảnh hưởng nếu trải nghiệm người dùng không phù hợp với những gì đã cam kết. Quảng cáo sai sự thật có thể có tác dụng nhất thời đối với quá trình tiếp cận người dùng mới (User Acquisition - UA) nhưng gây nhiều bất lợi về lâu dài. Theo đó, thương hiệu nên điều chỉnh hoạt động marketing đồng nhất với những ưu thế mà sản phẩm có được, từ đó tỷ lệ người dùng gỡ cài đặt sau phiên sử dụng đầu tiên sẽ rất thấp.

5. Tối ưu hóa quá trình onboarding

Onboarding là bước quan trọng trong hành trình khách hàng và là yếu tố có nhiều ảnh hưởng nhất để đạt được tỷ lệ giữ chân người dùng cao. Sau khi thu hút người dùng truy cập ứng dụng, nên đưa ra những hướng dẫn chi tiết giúp trải nghiệm sử dụng app phiên đầu tiên của họ trở nên mượt mà. Một số tiêu chí cần cân nhắc:

  • Đơn giản: Điều quan trọng nhất là làm nổi bật các tính năng cốt lõi trong quá trình giới thiệu, tuy nhiên nên tránh tình trạng hiển thị quá nhiều thông tin. Với một số thông tin chính, người dùng cảm thấy đơn giản khi điều hướng trên app và sử dụng các tùy chọn bổ sung để nhận trợ giúp khi cần thiết. Ví dụ: Có thể tích hợp thêm các biểu tượng dấu chấm hỏi mà người dùng có thể nhấp vào để tìm hiểu thêm bất cứ khi nào cần thiết.

  • Trực quan: Đôi khi hình ảnh hoặc hoạt ảnh có thể là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của người dùng hoặc truyền đạt cách sử dụng app. Nên cân nhắc sử dụng hình ảnh hấp dẫn để giúp người dùng tham gia dễ dàng nhất.

  • Xác định những tính năng được sử dụng rộng rãi: Đối với mobile app sử dụng các tính năng phổ biến, việc giải thích cách chúng hoạt động đôi khi không thực sự cần thiết và có thể lược bớt. Ví dụ: Hầu hết người dùng đã làm quen với việc sử dụng nút Thích, Chia sẻ, Nhận xét khi sử dụng trên những app khác.

  • Kết thúc quá trình onboarding bằng một CTA (Call-to-Action): Có thể tăng tỷ lệ giữ chân người dùng bằng mộtCTA. Ví dụ: Có thể yêu cầu khách hàng nhấn vào nút nhận thư, bật thông báo đẩy (Push Notification)

6. Tối ưu hóa App Store (ASO)

ASO là những điều chỉnh nhằm tối ưu và tăng thứ hạng mobile app trên cửa hàng ứng dụng (App Store). Điều này có thể giúp mobile app tăng tỷ lệ giữ chân người dùng bằng cách thu hút những người dùng có giá trị cao và cung cấp cho họ thông tin minh bạch về những gì sẽ xảy ra khi cài đặt ứng dụng trên smartphone.

Marketers có thể thực hiện ASO bằng cách tập trung vào tên và mô tả của ứng dụng, từ khóa cho iOS, biểu tượng, ảnh chụp màn hình và video. Hầu hết các ứng dụng xếp hạng cao nhất đều sử dụng dấu gạch đầu dòng trong mô tả để giúp người dùng dễ dàng nắm được những thông tin mà họ mong đợi. Bằng cách hoàn thiện ASO, lưu lượng truy cập organic sẽ được tăng lên, đó thường là những người dùng có giá trị nhất được giữ lại lâu hơn dựa trên việc bày tỏ sự thích thú khi sử dụng app mà không bị làm phiền bởi quảng cáo.

7. Cá nhân hóa

Cá nhân hóa là một công cụ mạnh mẽ mà mobile app marketers thường tận dụng để tăng tỷ lệ giữ chân người dùng. Trên thực tế, 91% người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ mua sản phẩm của các thương hiệu có các đề xuất và ưu đãi được cá nhân hóa. Ngoài ra 90% người tiêu dùng Hoa Kỳ nhận thấy tính năng cá nhân hóa hấp dẫn khi duyệt web. Bằng cách sử dụng dữ liệu người dùng để gọi tên cụ thể từng khách hàng, đưa ra các đề xuất có liên quan, thương hiệu có thể tùy chỉnh dịch vụ của ứng dụng dựa trên tùy chọn riêng của từng người dùng. Những thay đổi được cá nhân hóa này sẽ cải thiện theo thời gian và khiến người dùng có nhiều khả năng tiếp tục quay lại ứng dụng của bạn hơn.

Khi thực hiện các phương pháp cá nhân hóa, điều quan trọng là phải đạt được sự cân bằng phù hợp. Trước hết, nên xác định xem nó có cải thiện trải nghiệm của người dùng hay không. Một số hoạt động cá nhân hóa có thể khiến người dùng không thoải mái, vì vậy điều quan trọng là phải chọn lọc về cách thức và thời điểm bạn chọn để cá nhân hóa luôn là công cụ đắc lực để chiếm lấy trái tim khách hàng.

8. Thông báo đẩy (Push Notification)

Push notification có thể được gửi trực tiếp đến thiết bị và sẽ xuất hiện trên màn hình khóa của người dùng. Mặc dù người dùng cần chọn nhận thông báo từ một ứng dụng, nhưng loại tin nhắn này có thể là một cách hiệu quả để đưa người dùng quay lại app của bạn và tăng tỷ lệ giữ chân của bạn. Tỷ lệ chọn tham gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào danh mục ứng dụng: 57% đến từ ứng dụng nền tảng mạng xã hội, ứng dụng tin tức (45,94%), ứng dụng thương mại điện tử (25,29%), trò chơi di động (19,05%), ứng dụng du lịch (10,08%) và ứng dụng viết blog (9,24%).

9. Tiếp thị qua email (Email Marketing)

Mobile app marketers đang sử dụng phương thức email marketing để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu, tăng mức độ tương tác và cải thiện tỷ lệ giữ chân người dùng theo thời gian. Bằng cách xây dựng danh sách bao gồm những người đăng ký tiềm năng, bạn có thể đưa người dùng quay lại ứng dụng của mình khi chia sẻ các chương trình giảm giá, giảm giá độc quyền và các chương trình khuyến mãi khác. Đây là một chiến lược hiệu quả bất kể quy mô và ngân sách của công ty: 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng email marketing để giữ chân những người dùng có giá trị.

Ngoài ra đây cũng là một cách thông minh để giữ chân người dùng bằng cách cung cấp cho khách hàng thứ gì đó có giá trị, chẳng hạn như giảm giá sản phẩm hoặc mua hàng trong ứng dụng. Điều này tạo ra một “kịch bản” đôi bên cùng có lợi. Ngoài ra 49% người tiêu dùng muốn nhận được email quảng cáo thường xuyên từ các thương hiệu mà họ yêu thích.

10. Tin nhắn trong ứng dụng (In-app messaging)

Tin nhắn trong ứng dụng có thể là một cách tuyệt vời để thu hút người dùng. Theo các báo cáo, một số mobile app sử dụng tính năng in-app messaging để giao tiếp với người dùng có tỷ lệ giữ chân tăng lên 61% -74% sau ngày 28.

Xin Chân Thành Cảm Ơn,

AppROI Marketing Team,