Marketer Tiên Nguyễn
Tiên Nguyễn

Content Marketing @ Adsplus

Phân tích đối thủ cạnh tranh thông qua cái nhìn từ McDonald’s

Việc phân tích đối thủ cạnh tranh là một trong những điều mà thương hiệu nào cũng cần thực hiện, trước khi tung ra bất kỳ chiến dịch nào. Tuy nhiên, liệu bạn đã hiểu rõ quy trình phân tích đối thủ cạnh tranh được diễn ra như thế nào? Tại sao thương hiệu lại phải phân tích đối thủ? Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời thông qua cách làm của McDonald’s.

Phân tích đối thủ cạnh tranh là gì?

Phân tích đối thủ cạnh tranh là quá trình xác định đối thủ của mình là ai, điểm mạnh và điểm yếu của họ là gì. Đối thủ cạnh tranh bao gồm các công ty cung cấp sản phẩm tương tự hoặc đáp ứng nhu cầu giống với thương hiệu của bạn.

Phân tích đối thủ cạnh tranh còn tập trung vào việc thu thập thông tin có liên quan về danh mục sản phẩm và chiến lược marketing, cũng như bản thân các đối thủ. Với thông tin này, marketer sẽ hiểu sâu hơn về các chiến lược marketing của các thương hiệu thành công nhất trên thị trường của mình.

Điều này cho phép marketer bắt đầu quá trình phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ nâng cao cho thương hiệu. Nếu thành công, thương hiệu có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thêm vào đó, việc đo điểm chuẩn có thể giúp marketer biết được hướng phát triển của ngành và hiểu cách đối thủ cạnh tranh đang phục vụ người tiêu dùng của họ.

Nguồn: Freepik

Lợi ích của việc phân tích đối thủ cạnh tranh

Việc phân tích đối thủ cạnh tranh sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển chiến lược marketing. Dưới đây là một số lợi ích cốt lõi:

Điều đầu tiên cần lưu ý khi phân tích đối thủ là phải phân tích bối cảnh cạnh tranh trên thị trường, từ đó có thể xác định được những hoạt động marketing cần được ưu tiên.

Ngoài ra, marketer có thể xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân thương hiệu, dễ dàng tham gia vào những khoảng trống trên thị trường phù hợp với thương hiệu.

Mục tiêu tiếp theo là thiết lập giá trị cốt lõi, để khách hàng có thể dễ dàng phân biệt doanh nghiệp của bạn với các đối thủ còn lại.

Việc phân tích đối thủ còn giúp marketer có thể xem xét những thương hiệu tiên phong trong ngành, xác định các phương pháp và chiến lược kinh doanh thường được sử dụng để cải thiện hoạt động của họ. Hành động này giúp bạn nắm bắt được “điểm chuẩn” trong ngành, từ đó có thể tạo mối quan hệ hay áp dụng các phương pháp này vào thương hiệu của mình.

Ngoài ra, bằng cách xác định những thiếu sót của các đối thủ cạnh tranh, marketer có thể gia tăng giá trị sản phẩm của mình và đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà các thương hiệu khác chưa đề cập đến.

Tương tự, bạn cũng có thể tìm kiếm các cơ hội đang tồn tại trên thị trường mà chưa ai có thể giải quyết. Để từ đây thương hiệu của bạn sẽ là người đầu tiên thử các chiến lược mới hoặc giải quyết nhu cầu đã phát hiện theo cách tốt hơn.

Cần lưu ý rằng, phân tích đối thủ cạnh tranh không chỉ là xác định đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Hãy tưởng tượng khi bạn là một marketer tại Coca-Cola và tập trung toàn bộ sức lực chỉ để làm tốt hơn Pepsi. Tuy nhiên, việc chỉ chú trọng phân tích đối thủ lớn nhất là điều hoàn toàn không nên làm. Mà lúc này, bạn còn cần phải phân tích các đối thủ khác để có cái nhìn bao quát thị trường.

Có thể hiểu rằng, việc phân tích đối thủ cạnh tranh chính là xác định vị trí của công ty trong ngành. Thêm vào đó là các nhu cầu và khách hàng mà thương hiệu đang muốn phục vụ. Do đó, marketer nên có nhiều thông tin về tất cả các doanh nghiệp có đối tượng mục tiêu trùng lặp với mình.

Cái nhìn toàn cảnh thông qua McDonald’s

McDonald’s là thương hiệu đã tạo dựng được vị thế nhất định trên thị trường bằng cách xác định và giải quyết đúng nhu cầu của người tiêu dùng mục tiêu.

McDonald’s: Xây dựng thương hiệu dựa trên sự tiện lợi

Nhu cầu mua những bữa ăn tiện lợi với giá cả phải chăng cùng dịch vụ nhanh chóng của người tiêu dùng ngày càng tăng đã góp phần làm nên thành công cho các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald’s.

Sự tiện lợi là lý do tại sao McDonald’s có thể phục vụ 6,5 triệu chiếc bánh mì kẹp thịt mỗi ngày hoặc 75 chiếc bánh mì kẹp thịt mỗi giây trên toàn thế giới.

Người đứng đằng sau sự phát triển của McDonald’s là Ray Kroc. Ông là người tiên phong trong việc phục vụ những món ăn ngon trong thời gian ngắn tại mọi cửa hàng McDonald’s trên toàn cầu.

Sự tiện lợi của thương hiệu còn được thể hiện trong cả quá trình đặt hàng và nhận đơn, bên cạnh việc cung cấp các bữa ăn tiêu chuẩn chất lượng. McDonald’s cho phép các nhà hàng giao bánh mì kẹp thịt đến tận nhà cho khách hàng. Dịch vụ này hiện đang đóng một vai trò rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19.

Dịch vụ drive-thru (mua hàng trực tiếp trên xe) của McDonald’s cũng là một phần quan trọng trong việc mang đến một trải nghiệm khách hàng thuận tiện. Tại Hoa Kỳ, 95% nhà hàng McDonald’s cung cấp dịch vụ drive-thru. Ở phần còn lại của thế giới, tỷ lệ này là 65%.

Trong tương lai, thương hiệu sẽ kết hợp ứng dụng McDonald’s với dịch vụ drive-thru đặt trước.

Nguồn: retaildetail

McDonald’s – Burger King – KFC

Đây là các đối thủ cạnh tranh với sản phẩm và đối tượng mục tiêu tương tự.

Sau thành công vang dội mà Ray Kroc có được với McDonald’s, nhiều thương hiệu khác đã noi theo.

Đối thủ lớn nhất của McDonald’s trong lĩnh vực này là KFC và Burger King với doanh thu hàng năm lần lượt là 2,49 tỉ USD (2019) và 1,78 tỉ USD (2019). Tương tự McDonald’s, họ cung cấp đồ ăn với giá cả tương đối phải chăng, dịch vụ nhanh chóng và thực đơn nhất quán ở bất cứ địa điểm nào.

Để gia tăng khả năng cạnh tranh, McDonald’s liên tục cập nhật thực đơn để giữ chân những khách hàng ít trung thành. Mặt khác, họ không loại bỏ bất kỳ món phổ biến nào khỏi thực đơn để giữ chân những khách hàng trung thành.

Bên cạnh đó, McDonald’s cũng thường xuyên tạo ra những món ăn mới trong một khoảng thời gian giới hạn để thu hút khách hàng mới và tạo nhận thức về thương hiệu.

Hơn nữa, họ đã thử nhiều cách khác nhau để tương tác với khách hàng. Một trong số đó là chương trình Happy Meal. Thương hiệu sẽ tặng những món đồ chơi cho khách hành khi mua combo bữa ăn. Chương trình này không chỉ thu hút khách hàng là trẻ em, mà còn thu hút khách hàng là những nhà sưu tập.

Nguồn: informatique-mania

McDonald’s – Starbucks – Dunkin Donuts

Đây là các đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm khác nhau nhưng đối tượng khách hàng mục tiêu tương tự.

Starbucks và Dunkin Donuts bán các loại sản phẩm khác so với McDonald’s, nhưng đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng tương tự McDonald’s.

Các thương hiệu như Starbucks và Dunkin Donuts có thể được coi là đối thủ cạnh tranh gián tiếp của McDonald’s. Tuy nhiên, hai thương hiệu này lại là đối thủ trực tiếp của McDonald’s ở hạng mục cà phê.

Trong trường hợp của Starbucks, họ phục vụ những đối tượng khách hàng có đặc điểm là thích sự thoải mái và trải nghiệm dịch vụ tốt. Do đó, khách hàng của họ sẵn sàng trả một mức giá cao để có được những điều họ cần.

Dunkin Donuts nổi tiếng với món bánh donut. Thương hiệu hiện đang nhắm đến những người tiêu dùng quan tâm đến một sản phẩm có giá cả phải chăng. Thêm vào đó, họ không có nhu cầu phải trả một mức giá cao để có mặt trong một cửa hàng sang trọng.

Mặc dù hoạt động kinh doanh chính của McDonald’s là bán các bữa ăn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, họ cũng đã thâm nhập vào thị trường của Starbucks và Dunkin Donuts với chuỗi McCafé.

McCafé là một phần của McDonald’s và đôi khi nó là một doanh nghiệp độc lập chủ yếu bán đồ uống nóng và đồ ăn nhẹ ngọt. McCafé hiện cũng cung cấp các địa điểm thoải mái và thực đơn với giá cả phải chăng, tương tự các đối thủ cạnh tranh.

Nguồn: Pinterest

McDonald’s so với nhà hàng địa phương

Đây sẽ là những đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm và đối tượng mục tiêu khác với McDonald’s.

Các nhà hàng truyền thống hiện đang phục vụ nhiều đối tượng mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, họ lại có thể giải quyết nhu cầu tương tự như chuỗi thức ăn nhanh. Và đó là lý do tại sao họ là đối thủ cạnh tranh của McDonald’s.

Mặc dù McDonald’s thu hút một lượng khách hàng khác khi so sánh với tiệm bánh pizza hoặc nhà hàng địa phương sang trọng. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn đang cạnh tranh để giành lấy một phần thu nhập từ các nhà hàng địa phương.

Các nhà hàng này hiện đang tập trung vào việc mang lại trải nghiệm cá nhân cho khách hàng. Họ chuẩn bị và phục vụ các món ăn công phu hơn dựa trên chuyên môn và kỹ năng của đầu bếp. Mục đích của họ nằm ở việc cung cấp thức ăn chất lượng cao và dịch vụ cá nhân đến cho các khách hàng.

Vì vậy, những nhà hàng này đang phục vụ cho những khách hàng mục tiêu coi trọng chất lượng.

McDonald’s cũng thích ứng với nhu cầu và đối tượng mới

Mục tiêu là có thể phục vụ nhu cầu của các khách hàng trong tương lai.

Một trong những lý do giúp McDonald’s thành công, đó là thương hiệu luôn tích cực tìm kiếm các nhu cầu hiện tại cũng như trong tương lai và tác động đến đối tượng mục tiêu của họ.

Chuỗi thức ăn nhanh này cũng tập trung vào việc tối ưu hoá chiến lược marketing để thu hút thêm khách hàng.

Các thương hiệu thức ăn nhanh luôn tìm kiếm những cách thức mới mẻ để thu hút sự quan tâm của khách hàng. McDonald’s cũng không ngoại lệ. Thương hiệu luôn cố gắng thay đổi thực đơn của họ để phù hợp với khách hàng. Đối với ngành này, thương hiệu nào có thể đáp ứng tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu của khách hàng sẽ thắng cuộc đua.

Một ví dụ về cách McDonald’s thích nghi với các xu hướng trong tương lai là khi họ giới thiệu màn hình cảm ứng để chọn thực đơn. Hay đơn giản hơn là khi họ triển khai các lựa chọn chay để thu hút phân khúc người ăn chay.

Nguồn: The Sun

McDonald’s, công ty bất động sản toàn cầu

McDonald’s không chỉ là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới mà còn trở thành một “đại gia” bất động sản.

Vào năm 2020, McDonald’s sở hữu hơn 38.600 địa điểm tại hơn 119 quốc gia. Tổng giá trị bất động sản của thương hiệu được ước tính khoảng 30 tỉ USD, theo một tuyên bố chính thức của công ty. Con số này không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng 82% địa điểm nhà hàng thuộc về McDonald’s. Số còn lại là cho các đối tác nhượng quyền thuê lại.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ – KFC đã sở hữu hơn 24.000 địa điểm trên toàn thế giới vào năm 2020. Mục tiêu lúc này của McDonald’s là đặt các chi nhánh ở nhiều khu vực có lưu lượng tiếp cận cao nhất. Chiến lược này đã giúp McDonald’s mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường tổng thể, đồng thời thương hiệu có thể sở hữu những địa điểm tốt nhất trong các thành phố.

Như đã đề cập trước đó, McDonald’s đặt sự tiện lợi làm trọng tâm trong chiến lược của mình. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh tập trung chiến lược marketing ngoại tuyến. Chi tiết hơn là thương hiệu tập trung vào việc mở càng nhiều nhà hàng McDonald’s ở các địa điểm phù hợp càng tốt.

Mặc dù chiến lược kinh doanh của công ty bắt đầu từ việc cung cấp các bữa ăn tiêu chuẩn với chi phí thấp và phục vụ trong một thời gian ngắn, McDonald’s giờ đây đã phát triển thành một công ty bất động sản toàn cầu. Thương hiệu cũng tập trung vào việc nhượng quyền các hoạt động, nhà cung cấp và bí quyết cho các quản trị viên nhỏ hơn để tiếp tục mở rộng.

* Nguồn: Adsplus