Lovemark: Mình mộng, mơ.

Đầu tiên, em/mình xin được phép xưng mình trong bài viết sau.

Mình cũng không biết định luật của cuộc sống này có cho phép một đứa 20 tuổi như mình mơ mộng không nữa. Nhưng mà mình cứ “mặc kệ“ mọi thứ mà cuốn vào một bộ truyện tranh, mình tưởng tượng ngày nào đó lại được làm nhân vật chính trong một bộ phim ngôn tình, rồi mình tự cho bản thân có sức mạnh của những siêu anh hùng…

Cuộc sống của mình vẫn vậy, may mắn là mình chưa bao giờ phải loay hoay đi tìm định nghĩa những thứ cảm xúc của người lớn mà đôi khi mình chẳng thể hiểu nổi nữa, nó tự nhiên được định nghĩa trong đầu mình, theo một cách của riêng mình. Rồi đến một ngày mình chợt nhận ra, à, mình đang làm người lớn.

Mình không phải là một học sinh cấp 2, cấp 3 nữa. Tuổi 20 của mình ghen tị với những bộ phim học đường Hàn Quốc:

Tại sao cuộc sống thời học sinh của mình không đưọc giống trong phim?

Tại sao mình không có một hội bạn thân thật tâm lý như vậy?

Tại sao mình không được trở thành một chàng trai thật ngầu trong câu lạc bộ âm nhạc lúc còn ở trường?....

Khi đó, mình ước mong đủ điều, mình mong thời gian trôi thật nhanh để mình được làm người lớn, để được thoải mái mua một bịch bánh snack khi thèm mà không cần xin phép ai, hay đơn giản chỉ là không cần lén lút xem phim khuya mà không bị ba mẹ nhắc nhở. Giờ thì mình hiểu rồi, hiểu tại sao nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại xin một vé đi tuổi thơ…

Mình không tập làm người lớn, mà mình phải là người lớn. Tự nhiên mình thấy giận, tại sao nhiệm vụ của tụi mình lại phải lớn lên, tại sao mình không được hồn nhiên như ngày nhỏ nữa. Dù sao thì cũng chỉ là những thắc mắc có thể nói là hơi ngớ ngẩn, nhưng mà mình biết, mình chẳng thể nào chống lại thế giới để thay đổi cách vận hành của nó. Nên mình chấp nhận vậy.

Tuổi 18 đến với mình trong chớp mắt, ôm trong mình biết bao nhiêu sở thích, được làm ca sĩ nổi tiếng, được làm youtube, được đóng MV ca nhạc, vì mình là người rất yêu âm nhạc. Ngay lúc đó thôi, mình xem âm nhạc là cả thế giới, âm nhạc có thể khiến mình vui, mình buồn, và đặc biệt, âm nhạc có thể chữa lành…

Với một đứa trẻ cùng một mớ hỗn độn cảm xúc trở thành người lớn ấy, mình nghe đâu đó câu hát “Đi thật xa để trở về”, giai điệu thật sự khiến mình nhớ thương…. Mình va vào câu hát này lúc nào chẳng hay, nhưng chính khoảnh khắc đó, nó thôi thúc mình, nó khiến mình thực sự nhận ra mình đã sắp sửa rồi khỏi vòng tay bao bọc của gia đình để bước đi bằng chính đôi chân của bản thân rồi, và nó khiến mình nhận ra gia đình là quan trọng nhất.

À! Thì ra đó là bài hát trong một chiến dịch quảng cáo của Biti’s Hunter.

Thật ra mình không phải một đứa con xa nhà, dù có ở cùng ba mẹ hằng ngày, nhưng mình biết là ba mẹ chẳng thể nào cứ mãi ôm ấp vỗ về hay chỉ mình về một thứ công nghệ mới như lúc nhỏ nữa. Thế giới này rộng lớn quá, ba mẹ chẳng thể cứ mãi chạy theo nó khi vẫn còn bộn bề lo lắng cơm áo gạo tiền.Bây giờ, mình mới là người chỉ cho ba mẹ cách sử dụng điện thoại, mình mới là người giúp ba mẹ khiêng những vật nặng trong nhà.

Mình cứ nghe đi nghe lại bài hát Đi để trở về của Biti’s Hunter mỗi ngày, cho đến hiện tại khi đã phát hành “Đi để trở về 6” trong chiến dịch quảng cáo này, mình thực sự trưởng thành rồi. Mình ngẫm đi ngẫm lại từng câu hát:

Bao nhiêu chuyến đi trong đời

Chẳng lần nào đắn đo

Sao về lại đắn đo

Ra đi là để trở về

Dù bằng mọi giá nào

Đi là để trở về.

Mình không xao xuyến chỉ vì vài câu chữ nữa, mình va vào từng lời bài hát, vì mình biết rằng sẽ có một ngày mình phải ĐI ĐỂ TRỞ VỀ.

Vậy đó, mình đã ngã vào Biti’s Hunter ngay khi mình chẳng phải là một người con xa nhà, mà mình ngã vào Biti’s Hunter trên con đường mình trở thành người lớn. Thương hiệu này cứ chễm chệ nằm trong mindset của mình là một thương hiệu giày Việt chất lượng khi đã chọn một insight chạm như thế đấy.