Lovemark: Tình yêu là một hành trình

LOVEMARK: TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH

Chuyện về một thương hiệu nhỏ và một tình yêu lớn

Nói về Lovemark thì...


Tình yêu đầu của tôi là Coca-cola. Cái thủa tôi mê mệt quảng cáo Coca-cola đến nỗi tôi nghe đi nghe lại "Taste the Feeling" mỗi lần đi tìm cảm hứng viết.
Coca-Cola kể chuyện hay thật. Những chiếc print ads rất hay, những quảng cáo bài bản, chỉnh chu, giữ phong độ trong nhiều năm đã khiến tôi bài trừ Pepsi vô điều kiện.

Khi tuổi nghề "dậy thì", tôi thấy mình cần nhiều hơn ở tình yêu. Tôi bắt đầu yêu Apple.
Tôi yêu một thương hiệu mà nhận diện lúc nào cũng hiện đại, tối giản, tinh tế, giống như anh Art Director, là trai thẳng, mà cô nào trong văn phòng cũng "chẳng may" phải lòng.
Quan trọng hơn, anh này tốt thật, nên các cô càng mê. Thông minh, tiện dụng, thấu hiểu.

Nếu như tình yêu với Coca-Cola chỉ đơn thuần là "những trang nhật ký viết riêng", thì tôi bắt đầu có xu hướng "đi khoe" tình yêu với Apple. Có cơ hội là tôi sẽ lấy Apple làm casestudy. Tôi dùng iPhone 7 6 năm nay, không chạy theo mốt máy mới. Ai có nói gì tôi cũng kệ, vẫn dùng iPhone, cho đến khi... Tôi cũng không biết nữa.

Những năm gần đây, Apple bắt đầu giống như người bạn chí cốt. Vẫn yêu, vẫn dùng, vẫn luôn ở đó, nhưng tôi không còn để tâm nhiều. Chủ quan mà nói, tôi bắt đầu không còn ham thú với những điều mà "tất cả mọi người cùng yêu". Giai đoạn này, tình yêu của tôi bắt đầu lộn xộn. Tôi yêu Starbuck vì cuốn "Dốc hết trái tim", tôi yêu Nike vì phim "Forrest Gump", tôi yêu "Singapore" qua những dự án bất động sản tại Việt Nam luôn truyền thông Singapore là hình mẫu...

Tôi rung động nhiều, nhưng chẳng tình yêu nào đọng lai được bao nhiêu. Cho đến ngày, Lovemark đến cùng một khoảnh khắc trớ trêu. Ấy là khi tôi nhận ra hai điều. Tại sao tôi lại luôn nghĩ Lovemark phải gắn với thương hiệu lớn nhỉ? Thứ hai, trở trêu hơn, sẽ chẳng bao giờ có một thương hiệu Breakfast Bar như thế nữa.

Breakfast Bar

Một góc của người nghệ sĩ, một quán hàng ăn sáng kiểu Tây nằm trên con phố du lịch của Langkawi.

Tôi thường nghe mọi người kể, buổi sáng ở đây là không gian của mấy ông chú nghệ sĩ, người ngồi đánh đàn, người chơi cajun, người ngêu ngao hát. Ông chú đặc biệt nhất là ông chủ quán với chiếc áo phông trắng, quần dài quá gối, đôi dép lê và đi chiếc xe honda huyền thoại. Ông ngồi một góc, lặng lẽ, vẽ chân dung khách, nhưng khi không lặng lẽ thì ông là người nói chuyện hay nhất trên đời.

Đứng bếp là một ông chú nghệ sĩ khác, có khi ông chủ quán sẽ đứng bếp, có khi là anh thanh niên bỏ thành phố, chọn cuộc sống bão táp nơi đảo nhiệt đới
Pha chế là ông chú họa sĩ một thời vẽ nên tuổi thơ của người Malaysia, hoặc thỉnh thoảng là bạn gái cao xinh như người mẫu, hay là một trong những ông chú đàn hát ở đoạn tr

Thời điểm tôi biết đến Breakfast Bar, văn hóa văn nghệ của quán đã nhạt đi nhiều, phần vì dịch Covid ập đến, phần vì quán đổi sang một góc nhỏ hơn. Từ những khoảnh khắc hàng ngày của ông chú chủ quán là họa sĩ, cho đến những vị khách đặc biệt là nghệ sĩ top đầu của Malaysia cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt, cuộc hội thoại vu vơ, tôi phần nào hình dung được sức sống của một quán bar - bán đồ ăn sáng kiểu Tây.

Chân thành chia sẻ, thời gian đầu tôi choáng ngợp nhiều hơn yêu thích. Nếu đổi bối cảnh là những nghệ sĩ kinh điển của Việt Nam, cùng ngồi chơi, đàn hát, kể chuyện, nói đùa với du khách nước ngoài, chắc tôi không biết nói gì ngoài chữ Wow. Với bối cảnh ở một nơi xa, chữ Wow này đến chậm một nhịp cùng câu hỏi tu từ, "sao có thể ngầu hơn thế được nữa nhỉ?". Nhưng đây không phải lý do tôi yêu Breakfast Bar.

Tôi nhớ mãi cái tháng làm nhân viên tình nguyện cho quán, ngồi hạch toán sổ sách với bố Zul. Ông dúi cho tôi thêm 50 ringgit, khoảng 280.000 vnđ. Ông bảo, tôi có lương rồi, nhưng khoản này ông cho thêm, vì tôi xứng đáng.

Tôi nhớ buổi tối ngồi ăn cơm, bố Zul hỏi bọn tôi ăn uống có tốt không, nhớ phải ăn uống cho tốt.

Bố Zul, ông chú họa sĩ chủ quán, cũng là lý do mà các ông chú nghệ sĩ khác đến quán đàn hát vào buổi sáng. Tác giả của những tấm biển bảng, của thực đơn đặc biệt đơn giản, của cả những vết dầu mỡ lâu, dài trên bếp. Khi ông đứng bếp là lúc tôi không tài nào hiểu nổi, sao ông già vụng về, bừa bộn này lại tài hoa thế nhỉ.

Tất cả những mẩu chuyện nhỏ nhỏ ấy tạo nên bố Zul trong tôi. Bố Zul là Breakfast Bar. Khi bố không còn nữa, Breakfast Bar cũng không còn. Quán vẫn có khách, nhưng không ai nói chuyện với khách như cách ông làm, Không ai vẽ chân dung. Các ông chú nghệ sĩ có đến, nhưng không còn đàn, hát, cajun. Và cũng rõ ràng mà nói, tôi đặt Lovemark lên Breakfast Bar, lý do chính, đến từ những chi tiết về một bố Zul rất đời và rất đỗi "bình thường".

Tên tuổi của bố có thể làm branding Breakfast Bar thành một thương hiệu siêu to khổng lồ được tô điểm đẹp đẽ. Nhưng ông không làm thế. Quán của ông vẫn là một quán ăn sáng bình thường. Từ nơi ấy, tôi học được bài học về tình yêu, về "Lovemark". Rằng, tôi yêu thương hiệu, là khi tôi yêu những điều nhỏ bé, đời thường hình thành nên thương hiệu ấy.

Tôi đã từng yêu Coca-Cola, nhưng tôi không còn yêu vị ngọt trong thức uống có ga ấy nữa
Tôi đã từng yêu Apple, nhưng không thể yêu công xưởng sản xuất iPhone...
Tôi đã từng yêu Starbuck, nhưng tôi không "với" được mức giá để đến với người yêu một cách thường xuyên, Thế nên tôi buông bỏ.


Cùng với thời gian, tình yêu thương hiệu với tôi là một hành trình. Một câu chuyện dài có nhân vật, cảm xúc, người đến, người đi và những người ở lại. Lovemark hôm nay của tôi là Breakfast Bar. Ngày mai, Lovemark của tôi có thể sẽ là một câu chuyện khác. Hành trình ấy càng đi xa càng thấy khó, khó để hài lòng, khó để yêu những thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường. Nhưng nếu vẫn còn các giá trị nhỏ bé chân thành, tốt lành ngoài kia, những Lovemark mới, với tôi, luôn là điều nhiều hơn trân trọng.

#Q #Brands Vietnam Contest#cuộc thi marketing#Lovemark