Marketer Thu Nguyệt
Thu Nguyệt

Head of MarCom @ Unique OOH

Lovemark: Vũ trụ “Sống Như Ý” đã khiến mình “fall in love” với Generali

Series phim âm nhạc “Sống Như Ý” của thương hiệu bảo hiểm nhân thọ Generali đã khiến mình cùng khóc, cùng cười, cùng rung động với những câu chuyện của nhân vật, cùng hào hứng với sự sống động của giai điệu “Bella Ciao”, không chỉ là một lần mà rất nhiều lần. Đó là khoảnh khắc mình biết mình đã phải lòng thương hiệu này mất rồi.

Trong những năm gần đây trào lưu sử dụng phim âm nhạc làm TVC truyền thông của các thương hiệu phát triển vô cùng mạnh mẽ. Mỗi dịp Tết đến xuân về hay các ngày lễ đặc biệt trong năm, giới Marketer lại hào hứng truyền tay nhau những chiếc TVC xuất sắc, những thước phim đong đầy cảm xúc hay những ý tưởng sáng tạo, mới mẻ để cùng nhau thưởng thức và mổ xẻ những cái hay, cái dở trong đó. Mình cũng là một tín đồ “nghiện” xem các TVC truyền thông, một phần xuất phát từ nhu cầu công việc cần tìm tòi tư liệu để viết, còn phần lớn chính là mình thích cách các TVC ấy truyền cảm hứng và “chạm” đến cảm xúc của mình.

Tháng 6 năm 2020, trong Ngày Của Cha, mình đã vô tình được xem phim âm nhạc “Sống Như Ý” của Generali trong một lần phát quảng cáo trên YouTube. Và khi TVC kết thúc, mình đã gõ cái tên Generali trên công cụ tìm kiếm và xem lại TVC vừa được phát, cũng như click vào những video khác để xem có gì thú vị. Thật bất ngờ khi phim âm nhạc cho Ngày Của Cha chỉ là tập 3 của series “Sống Như Ý”, còn trước đó Generali đã cho ra mắt 2 tập phim âm nhạc cũng vô cùng xuất sắc.

Và đây là lần đầu tiên TVC truyền thông của một thương hiệu khiến mình thổn thức và vỡ òa trong cảm xúc đến vậy.

Đây chính là phim quảng cáo khiến mình “rơi vào lưới tình” với Generali

Phim kể về một người cha “gà trống nuôi con”, cha đồng hành cùng con gái trong suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Trong quá trình nuôi dạy con gái khôn lớn nên người, cha là người nghiêm khắc nhất, nhưng cũng là người dịu dàng và thấu hiểu con nhất. Cha bao dung mỗi lần con làm trái ý cha, con ngốc nghếch chẳng giỏi giang, con bướng bỉnh cứng đầu, con nổi loạn... Cha chia sớt niềm vui cùng con, cha vỗ về an ủi những khi con thất bại, tổn thương. Có lần cha còn ra mặt bênh vực con, không để con thua thiệt hay bị ai hiểu lầm. Cha âm thầm lặng lẽ chấp cánh cho ước mơ, ủng hộ con vô điều kiện để con có thể “Sống như ý nguyện” cả một đời. Và “dù cho con không giống ba từng ước mong nhưng ba chưa từng trách con một lời”.

Những thước phim của Generali đã khiến mình liên tưởng tới ba của mình, nhớ lại những kỷ niệm đẹp cùng ba từ nhỏ cho đến lớn...

Là khi nhà có món ngon, ba nhường hết cho mình, còn ba ăn “mót” lại. Là khi ba không học cao (ngày ấy nhà nghèo nội chỉ cho ba học hết lớp 2) nhưng vẫn ráng ngồi cùng mình hàng tiếng đồng hồ tìm cách giải cho xong bài toán. Là khi nhà mình có ba là người trụ cột phải đi làm ngày làm đêm mà không than vãn lấy một lời. Là khi ba dù bận công chuyện đến mấy vẫn chở mình đi hàng cây số mua quyển sách cần học. Cũng là khi ba chở mình trên con đường dài đằng đẵng ngày đi thi đại học, rồi biết tin mình trượt đại học, ba không nói nhưng mình biết ba rất buồn. Là khi mình ra trường đi làm, nhà xa công ty mười mấy cây số, ba chưa từng nói lời động viên nhưng luôn là người nấu sẵn đồ ăn thức uống vì sợ mình đi làm xa về mệt rồi lười biếng ăn uống. Là khi mình chọn sống độc thân thay vì ở bên một ai đó dựng xây gia đình như người bình thường, ba thoáng buồn rồi cũng không nói gì, nhưng trong những lần rượu say, ba ngồi cạnh thủ thỉ nếu đó là sự lựa chọn của con, chỉ cần con mạnh khoẻ, thấy hài lòng với cuộc sống con chọn và miễn sao con được sống đúng với cuộc đời con mong muốn là được...

Mình hiểu rằng ba dù không nói ra, nhưng từng hành động và sự hi sinh của ba chính là sự khích lệ, cổ vũ và truyền cho mình năng lượng, sức mạnh để vượt qua khó khăn.

Dù cha không nói ra nhưng từng hành động của cha chính là minh chứng rõ nhất cho sự yêu thương con cái

Người ta thường nói tình Mẫu tử hay tình Phụ tử đều thiêng liêng và trân quý như nhau, nhưng nếu để ý bạn có thể thấy rằng người ta nói về tình Mẫu tử thường là dễ dàng và nhiều hơn là tình Phụ tử. Tỉ như trong cuốn “Huệ trắng hoa hồng” (xuất bản 1996), tác giả Việt Chung Tử từng nói “Trên thơ, văn, nhạc cũng vậy có rất nhiều tác phẩm viết về người mẹ và ít viết về người cha! Theo tôi, đó là điều không công bằng...” Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi trong đời sống hằng ngày mẹ là người gắn với hình ảnh dịu hiền, tảo tần, hi sinh, thường bên cạnh nói lời yêu thương, động viên, còn cha thường gắn với hình tượng vững chãi, gai góc, nghiêm khắc và ít nói, do đó khi nói về mẹ thường dạt dào cảm xúc hơn là cha. Tuy nhiên, cái gì ít thì sẽ càng chất, những tác phẩm về cha dẫu không nhiều nhưng rất dễ làm người xem rung động.

Mình thầm cảm ơn Generali đã cho mình được xem những thước phim về cha xúc động tới vậy, cho mình được khóc “đã đời” và lấy dũng khí nói với ba lời cảm ơn mà trước giờ mình ngại ngùng chẳng bao giờ dám nói ra.

Sau khi xem đi xem lại video vài lần, đọc từng comment nhận xét của mọi người và khám phá những điều thú vị từ các chi tiết cài cắm của video, mình đã lục tìm “Sống Như Ý” 1 và 2 để xem, và Generali đã khiến mình không hề thất vọng.

“Sống Như Ý” 1 chính là phim ngắn mở đầu cho vũ trụ “Sống Như Ý” được Generali ra mắt trong dịp đón Tết 2020. Ngay từ TVC đầu tiên, Generali đã truyền tải một cách mạnh mẽ thông điệp “Sống là chính mình, đừng vì ai khác mà khiến bản thân thay đổi và đánh mất đi ước nguyện ban sơ của mình”.

“Sống Như Ý” mùa đầu tiên tuy không khiến mình quá xúc động như phim ngắn dành cho cha, nhưng lại khiến mình xem đi xem lại hoài vì âm nhạc quá xuất sắc. Phần lời được viết dựa theo giai điệu của bài “Turkish March”, nghe xong mà cứ lẩm nhẩm theo hoài vì quá bắt tai. Có những câu thật sự ý nghĩa và truyền cảm hứng cho người xem.

“Sống Như Ý” 2 ra mắt vào dịp Quốc tế Phụ Nữ, và cũng nối tiếp chủ đề “Sống như ý nguyện”, phim ngắn của Generali nhắn nhủ thông điệp đến các bà, các mẹ, các chị rằng: “Phụ Nữ ơi, chẳng cần như ai, chỉ cần như ý”.

Clip này khiến mình nhớ đến mẹ, nhớ đến bà, những người hi sinh cả đời vì gia đình, bởi với họ, gia đình chính là tài sản lớn lao nhất, quý giá nhất, còn hơn cả tiền tài, sở thích, danh vọng... Nhưng nó khiến mình có chút gì đó xót xa và chạnh lòng, liệu người phụ nữ có thể cân bằng giữa gia đình, ước mơ và sự nghiệp hay không?

Tết năm 2021, Generali ra mắt “Sống Như Ý” 4, MV tiếp nối câu chuyện của “Sống Như Ý” 3 nhưng gắn liền với bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19. Mình nhớ lại Tết 2021 là cái Tết kỳ lạ vô cùng, sau một năm 2020 đầy sóng gió vì dịch bệnh, Tết đến trong tâm trạng chẳng mấy hào hứng mà bộn bề những nỗi lo, nhưng ít nhất mình vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được bình an, mạnh khoẻ mà đón Tết bên cạnh người thân. Phim Tết của Generali một lần nữa chạm đến cảm xúc của mình, và chắc chắn cũng chạm đến cảm xúc của rất nhiều người đã và sẽ xem clip.

Sống Như Ý Tết 2021 chính là phần nối tiếp từ câu chuyện của hai ba con Như Ý. Phần này Như Ý đã trưởng thành, bước ra đời và phải lo toan cho sự nghiệp, ba vẫn luôn là người đứng sau ủng hộ Như Ý dù thành công hay thất bại. Khoảnh khắc ba “gửi mẹ” lên ăn Tết cùng Như Ý khiến mình không kiềm chế nổi mà bật khóc một cách ngon lành. Clip còn nhân văn ở chỗ người ba nhắc đến hành động tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách ủng hộ cho những người khó khăn hơn ta.

Generali đã rất xuất sắc trong việc truyền tải thông điệp “Sống như ý nguyện”, từ các Bumper Ads được ra mắt trước đó hay những phim ngắn được đầu tư bài bản sau này cũng đều truyền cảm hứng và cảm xúc tốt đẹp cho người xem. Mình hơi tiếc khi năm 2022 này series “Sống Như Ý” không ra tập mới, không được gặp nghệ sĩ Hữu Châu và Thảo Tâm trong vai ba con nữa. Nhưng bù lại đó thì phim ngắn “Để ngay mai luôn tới” cũng là những thước phim xúc động khi có sự tham gia của chú Quốc Tuấn (ngoài đời chú cũng là một người cha hi sinh cả cuộc đời cho con).

Và mình nhận ra có điều làm nên thành công cho không chỉ vũ trụ “Sống Như Ý” mà rất nhiều TVC truyền thông của Generali, đó chính là:

  • Mạch kể chuyện xuyên suốt, nhất quán qua từng mùa phim truyền thông, dễ dàng khắc sâu thông điệp “Sống Như Ý” vào tâm trí của người xem.
  • Khai thác những insight không mới nhưng độc đáo, táo bạo ở cách truyền tải thông điệp, ví dụ như “con đừng về lúc đang bộn bề”, “không cần mang tiền tài vật chất về cho ba mẹ, miễn con được sống cuộc đời giống ước muốn”...
  • Trau chuốt trong từng khung hình, lời nhạc, diễn xuất.
  • Âm nhạc là điểm nhấn xuất sắc nhất, lời nhạc đong đầy ý nghĩa và được viết lại dựa trên giai điệu của những ca khúc kinh điển như “Bella Ciao” (bài hát dân ca kháng chiến của người Ý, xuyên suốt 4 tập phim), “Turkish March” (bản giao hưởng kinh điển của Mozart, xuất hiện trong đoạn đầu “Sống Như Ý” 1), “Swan Lake” (bài hát trong vở ballet kinh điển ‘Hồ Thiên Nga’, xuất hiện trong “Sống Như Ý” 2) và đặc biệt nhất là bài “Cho con” xuất hiện trong “Sống Như Ý” 3, 4.
  • Những cài cắm tinh tế, đầy ẩn ý xuyên suốt video và sự xuất hiện vô cùng khéo léo của hình ảnh thương hiệu Generali (xem tập phim “Sống Như Ý” mừng ngày của Cha sẽ thấy rất rõ điều này).
  • Và cuối cùng là chạm đến cảm xúc của người xem, trong đó có mình và rất nhiều người đã “khóc nhè” khi xem “Sống Như Ý” 3, 4.

Nhờ Generali mình đã có cái nhìn khác về bảo hiểm nhân thọ. Mình từng là người không quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ vì mình nghĩ rằng con người sống chết có số, chúng ta sống vì hôm nay đừng lúc nào cũng lắng lo, đắn đo mãi về chuyện tương lai chưa biết khi nào sẽ xảy đến. Thế nhưng qua MV, mình cũng đã nhận ra một điều: khi ta có phương án dự phòng cho tương lai, điều đó không có nghĩa ta chỉ lo nghĩ cho mỗi bản thân mình mà còn là sự chuẩn bị cho những người thân yêu của chính chúng ta.

Với mình, vũ trụ “Sống Như Ý” chính là series phim quảng cáo hay nhất mà mình được xem, nó còn hơn cả việc làm hình ảnh thương hiệu, vì Generali đã thực sự thổi hồn và cảm xúc cho những chiến dịch quảng bá của mình, và điều đặc biệt còn nằm ở chính những thông điệp đầy tính nhân văn mà Generali muốn truyền tải tới người xem.

Tháng 3/2022, với mong muốn kết nối cộng đồng marketer, Brands Vietnam chính thức phát động cuộc thi viết “Lovemark là khi?”. Cuộc thi ra đời với mục đích tạo nên không gian cho các độc giả yêu thích marketing trải lòng về giây phút “va phải tình yêu” với các thương hiệu ưa thích của mình. Đây là một trong ba bài viết đạt Giải Ba của cuộc thi.

Thu Nguyệt