Livestream: Ngành công nghiệp mới trong thời đại số

Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến phát trực tiếp (livestream) như một tính năng trên các mạng xã hội thì giờ đây, tính năng này đã trở thành một công cụ phổ biến không chỉ giúp giải trí mà còn là cỗ máy in tiền cho những nhà bán hàng online.

Tốc độ phát triển thần tốc trên toàn thế giới

Livestream bán hàng online khởi nguồn từ Trung Quốc năm 2016 và nhanh chóng trở thành một kênh bán hàng hữu hiệu, đồng hành cùng thương mại điện tử. Cuối năm 2020 Trung Quốc có khoảng 524 triệu người (40% dân số) sử dụng livestream. Sản lượng bán hàng qua livestream tại Trung Quốc năm 2020 xấp xỉ hơn 170 tỷ USD và tỷ trọng doanh số bán hàng nhờ livestream trên tổng tỷ trọng thương mại điện tử quốc gia này năm 2022 dự kiến chiếm đến 20%. Livestream chính là "cứu cánh" cho Trung Quốc "vượt nạn" Covid-19 thời gian qua.

Lei Jun – CEO của hãng Xiaomi trực tiếp đứng ra livestream trong 2 tiếng đồng hồ đã thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ với các sản phẩm điện thoại thông minh và TV. Tỷ phú Jack Ma – người sáng lập Tập đoàn Alibaba, cũng đã tham gia bán son bằng livestream hồi tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với doanh thu 145 triệu USD sau khi kết thúc phiên livestream.

Tại Hoa Kỳ, nền tảng thương mại điện tử nội thất Wayfair đã sử dụng công cụ livestream lần đầu tiên tại sự kiện hằng năm Way Day 2019. “Ông lớn” Amazon cũng đã tham gia vào ngành công nghiệp livestream với sự ra mắt của Amazon Live vào tháng 1/2019, cho thấy đây là một bước đi hiệu quả làm cho việc mua sắm trên mạng trở nên cá nhân hơn, thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến. Tại Nhật Bản, ứng dụng chợ trời Mercari và Rakuten cũng đã thêm tính năng phát video trực tiếp. Facebook bên cạnh tính năng livestream chính trên New feeds, còn thử nghiệm một tính năng mới trong Cộng đồng Marketplace cho phép người bán bán các mặt hàng hiệu quả hơn trên một buổi livestream. Hay như Instagram cho phép người dùng livestream bằng tính năng Instagram Live trong Instagram Stories và hiện cũng đang theo dõi tính năng Checkout mới, cho phép người dùng duyệt, mua sắm và thanh toán cho các sản phẩm mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Livestream - làn sóng mới tại Việt Nam

Tại Việt Nam, ngành livestream cũng đang dần được đón nhận và có chỗ đứng riêng. Tiền thân của streamer (người livestream) chính là caster – những người chuyên bình luận về một chủ đề, hoạt động nào đó trực tiếp trên sóng truyền hình, điển hình là những bình luận viên trong các trận bóng đá. Khác biệt lớn nhất ở chỗ streamer là người bình luận về một trò chơi điện tử hoặc một game nhất định nào đó, có thể kể đến một số tên tuổi đình đám trong giới streamer như Viruss, Pewpew, Độ Mixi, Xemesis,…

Sau này, khi livestream bước chân sang ranh giới để bán hàng online, thì streamer còn được coi là một người làm bán hàng biết ăn nói. Thương hiệu điện thoại OnePlus ra mắt 2 sản phẩm mới nhất tại thị trường Việt Nam bằng hình thức livestream. Ngay tại buổi phát trực tiếp đã bán được 800 chiếc điện thoại thông minh chỉ trong 29 phút với doanh thu gần 9,9 tỷ đồng. Hay như trong đợt dịch Covid năm 2021, bằng cách bán hàng qua livestream, nông dân ở các tỉnh miền Bắc đã tiêu thụ được hàng trăm tấn trái cây đang bị ùn ứ vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sự tham gia của các ông lớn càng làm cho thị trường livestream tại Việt Nam ngày càng thêm sôi động. Các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… cũng tham gia vào thị trường livestream nhằm thúc đẩy doanh thu bán hàng online. Shopee với chiến dịch “Ở nhà không khó – Có Shopee lo”, Lazada với “An tâm mua sắm tại nhà”, hay như Sendo cũng nhập cuộc với chiến dịch “Săn sale nửa giá – Streamer tranh bá” bằng công cụ SenLive. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 2.000 - 3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee live, Tiki Live, Lazada… Mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng

Livestream- Xu hướng mới của Toàn thế giới

Sự hình thành nền kinh tế số qua livestream

Sự kết hợp giữa livestream và thương mại điện tử có thể tạo ra một ngành công nghiệp với quy mô hàng chục tỷ USD, hứa hẹn sẽ là một thành tố rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế số.

Video đang là tương lai của nền kinh tế nội dung trên Internet, còn livestream sẽ trở thành xu hướng của các nội dung video. Tỷ lệ người dùng chia sẻ nội dung video nhiều hơn khoảng 39% so với các nội dung tĩnh như text và ảnh. 48% người dùng đã từng chia sẻ video về một nhãn hàng nào đó trên mạng xã hội. Quảng cáo video cũng thu hút được lượng tương tác cao hơn 30% và thời gian xem gấp 3 lần so với các loại hình quảng cáo thông thường. Không giống như trải nghiệm 2D khi vào các trang web thương mại điện tử thông thường, kênh livestream cho phép người mua hàng có thể nhìn sản phẩm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này khiến doanh số bán hàng của live commerce tăng trưởng mạnh so với hình thức TV Shopping truyền thống. Thông qua các phiên livestream, người dùng sẽ nhận được thông tin một cách tươi mới, chân thật với khả năng tương tác, phản hồi tốt hơn. Vì thế, họ nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng.

Những buổi livestream trong chiến dịch thường hướng tới các nội dung như: trò chuyện cùng người nổi tiếng, săn quà khủng hoặc các ưu đãi khổng lồ vào “giờ vàng” thường thu hút hàng nghìn người xem. Và trên thực tế cho thấy, số lượng các shop bán hàng online có thể bán được hàng ngàn đơn hàng sau mỗi 3-4 tiếng livestream đang ngày một nhiều. Đây thực sự là một con số biết nói, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy nền kinh tế số.

Tuy chưa có con số chính xác về doanh thu cho các hoạt động livestream ở Việt Nam, tuy nhiên ước tính tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến dành cho ngành này dao động từ 15 – 20%. Theo trang Brands Việt Nam cho biết, thị trường livestream Việt Nam hiện trị giá xấp xỉ 80 triệu đô la trong năm 2020. Sự phát triển như vũ bão này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp livestream thời điểm hiện tại và trong tương lai.

NGUYỄN LÊ THÙY TRANG