Lovemark: Chiếc xe giấc mơ

Mùa hè tháng 6 năm 2018

Kỳ thi trung học phổ thông vừa kết thúc cũng đã đặt dấu chấm cuối cùng cho chuỗi ngày dài đằng đẵng của một em học sinh cấp hai phải đạp chiếc xe đạp gỉ sét hằng trưa để đi học - ấy là tôi. Việc đạp xe đi học cũng chẳng phải lạ lẫm gì cho mấy, nhưng nó đặt trong tình huống của một đứa trẻ mà ba mẹ yêu chiều hết mực, đang được sớm đưa đi, chiều đón về như một cô công chúa bỗng một hôm mẹ sinh em bé, ba chuyển công tác, ai cũng bận chạy xuôi chạy ngược đầu tắt mặt tối, nên bất đắc dĩ để con bé đạp xe - cái tình huống ấy làm cho nó cảm thấy mình đang dần trở nên kém quan trọng. Nhưng cái tuổi 16, 17 cũng không còn cho phép một ai được thể hiện quá nhiều cảm xúc cá nhân nữa, tôi chọn cách nghĩ cho ba mẹ và đứa em gái mới sinh, đạp xe đi học giữa trưa, băng qua những con đường nhựa không có lấy một bóng cây, giữa nào là xe gắn máy và xe ô tô, những chiếc xe có người lớn ngồi phía trước chở mấy đứa trạc tuổi tôi ngồi sau lưng đang đi cùng hướng với tôi để đến trường, tôi cố gắng nghĩ rằng việc mình đang làm là vô cùng bình thường, không có gì để tủi thân cả.

Vậy mà cũng đã kết thúc rồi. Tôi vừa hoàn thành xong kì thi vào cấp ba, đặt nguyện vọng vào trường cũng gọi là có tiếng có tăm ở thành phố này. Tôi nghe nói quãng đường cấp ba sẽ là quãng đường đáng nhớ nhất của cuộc đời học sinh, sẽ có những người bạn mới và rồi thành tri kỉ, sẽ có những buổi đi chơi khá xa, qua đêm cùng nhau, sẽ được mặc chiếc áo dài trắng vừa nóng nực nhưng cũng vừa thơ mộng, sẽ mang hình ảnh điển hình của một nữ sinh cấp ba.

Và sẽ không còn phải đạp xe đi học nữa, vì mẹ sẽ mua cho tôi một chiếc xe máy.

Nghĩ đến đó thôi là đã thấy một bầu trời thanh xuân cấp ba lý tưởng đang chào đón tôi.

Thời gian đó thoải mái với tôi bao nhiêu thì mệt mỏi với mẹ tôi bấy nhiêu. Mẹ tôi là một giáo viên Anh văn từ miền quê nghèo lên thành phố để kiếm sống, may mắn tìm được một vị trí trong những văn phòng, công ty nước ngoài, làm những công việc hành chính từ dịch thuật cho đến kế toán, quản lý văn phòng. Đó là may mắn qua lời bà con gần xa thường kể về mẹ. Nhưng mẹ tôi thì không hẳn thấy như thế. Một nhân sự lớn tuổi, cũng có kinh nghiệm làm việc nhưng lại không có bằng cấp chuyên môn, giao việc gì họ cũng hỏi ngược hỏi xuôi, rồi lại quay trở về làm những công việc bàn giấy hằng ngày - mẹ tôi mệt mỏi. Những chuỗi ngày lặp đi lặp lại, những công việc buồn chán “không cần nhiều đến chuyên môn” ấy vậy mà lại mỗi ngày một nhiều hơn.

Mẹ tôi nấu ăn cũng bình thường, nhưng lại rất có tay nấu bún bò. Mẹ luôn bảo số mình không có gì để lo lắng, vì đã có nghề trong tay. Vừa lúc tôi vừa thi xong, mẹ tôi quyết định tự mở một quán bún bò. Sáng đi làm đến chiều, tối đi tìm nhà, tìm đồ, tìm người, và cứ thể là một mình xoay xở, mở một quán bún. Người trong nhà tất nhiên là ngăn cản rất nhiều, âu cũng là lo lắng. Tôi là con gái mẹ. Tôi tin là tôi thương mẹ nhất. Và tôi tin là tôi hiểu mẹ nhất. Mẹ dành cả thanh xuân tuổi trẻ để lo lắng cho hai chị em tôi, cho gia đình, bây giờ mẹ muốn làm theo ý thích của mình, tôi muốn ủng hộ và bênh vực mẹ đến cùng. Vậy đó là hai mẹ con cứ xoay vòng xoay vòng, lo hết cái này đến cái kia cho quán bún. Thời gian ấy mẹ tôi sáng sớm nấu một nồi bún rồi tất bật chạy về đưa em đi học và chạy lên văn phòng, chiều về thì đi chợ mua rau mua bún mua thịt, chạy qua trông quán sẵn đến tối thì dọn dẹp đóng cửa. Quán mới mở nên cũng chưa kiếm được người, thế là tôi được trải nghiệm “làm thêm” ở quán bún, lo từ đứng bếp, bưng bê, rửa chén, trông xe cho đến thu tiền khách, trả tiền bếp ga tiền điện và một tỷ thứ công việc khác. Về sau cũng có gọi được một vài người chị họ hàng xa từ quê vào làm giúp. Mẹ tôi sụt hẳn mười cân, đúng là vất vả như mọi người nói, nhưng mẹ tôi thích là được.

Nhưng cũng chẳng thể như thế hoài được. Tháng 10 tôi nhập học. Đã sát ngày đến trường lắm rồi mà hồ sơ tôi còn chưa đi nộp, áo dài cũng chưa may. Quán bán được vài tháng rồi mới thấy căn nhà chỗ mẹ tôi thuê dù nằm trên đường lớn nhưng lại bị khuất, khách đi đường nhìn thấy cũng ngại tấp vào vì nằm ngay khúc cua. Tôi thương mẹ lắm. Mẹ tôi muốn nghỉ hẳn ở nhà để lo cho quán, nhưng sợ hai chị em tôi thiếu thốn nên không dám bỏ công việc đang làm. Nửa này nửa kia nên không việc gì được ổn thỏa, mẹ cũng không thể toàn tâm toàn ý làm việc mẹ thích. Đến cuối tháng rồi, cũng sắp phải trả tiền thuê nhà tháng mới. Mẹ tôi suy đi nghĩ lại, cuối cùng chọn cách đóng cửa dẹp quán. Mẹ buồn lắm chứ, giấc mơ vừa mở ra thì phải đóng lại, người nói ra kẻ nói vào, những lời nói như “Đã bảo rồi…”, “Nói không nghe…”, “Biết vậy đừng…” đã làm mẹ buồn lắm, nhưng mẹ vẫn tươi cười, vẫn bảo “Thôi, làm cho vui ý mà, cũng chả mất công gì.”

Thấy mẹ vất vả tôi cũng không nhắc nhiều gì đến chiếc xe của mình. Thôi thì đạp xe tiếp cũng được. Vậy mà vừa đóng cửa quán, mẹ ngay lập tức dẫn tôi lên trường nộp hồ sơ, đi mua vải, đi may áo dài. Tôi đậu ngay nguyện vọng đầu, với số điểm vừa sát. Đây có lẽ là niềm vui nhỏ nhoi đối với mẹ tôi trong thời gian ấy. Mẹ tôi sáng đi làm, tranh thủ giờ trưa chẳng kịp ăn cơm mà đi ra những con đường bán xe gắn máy 50 phân khối cho học sinh để lựa xe cho tôi. Mẹ tôi muốn mua một chiếc xe không cần phải ít tiền nhưng phải đảm bảo an toàn cho tôi, các việc bảo hành sửa chữa xe phải thuận tiện. Vậy mà tôi nào có biết. Sự trẻ con trong tôi vẫn đôi khi tủi thân nghĩ là mẹ đã quên rồi, thôi không sao.

Đóng cửa quán, tiền lời kiếm được cũng chẳng bao nhiêu. Ngày người ta đem xe tôi về, nhìn chiếc xe mới kít, tôi biết mẹ lấy hết tiền từ quán để đi mua xe cho tôi. Xe 50, nhưng nhìn như một chiếc xe gắn máy thông thường. Xe được sơn màu trắng, cốp xe rộng, yên dài, thấp thấp vừa tầm tôi chạy. Trên thân xe có ghi dòng chữ Kymco Candi Hi, là hãng xe 50 nhập khẩu. Đặc biệt là cực kỳ nhẹ, tôi có thể dắt xe dễ dàng. Hỏi tôi thích không - thích chứ, quá thích là đằng khác. Hỏi tôi vui không - vui không à…

Tôi cảm giác như mẹ lấy tiền từ giấc mơ của mẹ để đi mua giấc mơ của tôi vậy.

Mẹ tôi cười, giấc mơ của tôi là giấc mơ của mẹ. Để mẹ đi làm thêm vài năm nữa, đến lúc đó mở quán cho thoải mái.

Xe cũng mua rồi. Tôi thương mẹ lắm. Vậy là tôi nhập học cấp ba, với con xe giấc mơ ấy.

Và đúng là một giấc mơ. Tuổi trẻ thanh xuân, gặp gỡ một nhóm bạn luôn yêu thương nhau, môi trường học tập chất lượng, những cuộc hò hẹn đi chơi, tất cả chung quy đều là đúng như những gì tôi mong đợi.

Sài Gòn đúng là chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Nếu như hình ảnh mùa hè luôn là sự nóng nực, những ánh nắng chói chang, mồ hôi không để ý tí tách chảy ướt hết cả lưng áo khi nào không hay thì Sài Gòn đón hè bằng những cơn mưa. Cơn mưa rào, cơn mưa đám mây hay cơn mưa nặng hạt, đối với một người yêu mưa chắc sẽ thấy lãng mạn lắm. Nhưng đối với lũ học trò thì là cực hình. Chẳng phải do lũ học trò ấy ghét mưa hay không thấu cảm sự lãng mạn đâu, nhưng mà tại sao lại phải mưa tầm bốn năm giờ chiều cơ chứ? Giờ tan trường, giờ về với ba mẹ, giờ cặm cụi chạy đi học thêm, giờ bận rộn. Không ai rảnh rỗi để có thể tận hưởng cơn mưa vào cái giờ ấy.

Năm 12 tôi bắt đầu đi học thêm. Tầm tháng ba tháng tư là đã vào guồng công cuộc luyện thi đại học. Trời Sài Gòn đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa. Nhưng ở thời điểm đó tôi chẳng còn quan tâm nó có cực hình hay không nữa, chỉ biết là mọi lúc mọi nơi đều có thể mặc áo mưa vào và chạy xuyên màn mưa đến lớp học.

Một buổi chiều thứ tư tôi có lớp học thêm môn Toán. Sài Gòn dạo này mưa trĩu hạt hơn thật đấy. Những hình ảnh con đường ngập nước, xe máy dắt bộ, xe hơi tắt máy giữa đường dưới cơn mưa xối xả đã tràn lan trên mạng. Ba mẹ luôn miệng dặn tôi đi xe cẩn thận, hôm nào mưa quá thì về nhà, nghỉ một bữa chữ không mất được. Tôi đi học thêm vì tôi muốn, chứ ba mẹ tôi chỉ muốn tôi học ở nhà. Nhìn cơn mưa trước mặt, tôi cũng có chút lười biếng. Nhưng tôi không cho phép bất cứ sự lười biếng nào được xuất hiện trong thời gian này. Chạy vội ra xe và trùm áo mưa vào, tôi quyết định đi đến lớp học.

Mưa một lúc một to, người nhiều xe đông, trời tối om như mực. Tôi cứ chạy trên xe vậy mà không biết nước đã ngập đến gầm xe mình. Những hình ảnh tôi coi trên báo giờ đang hiện trước mặt tôi. Xe nào còn chạy được thì người ta co chân lên phóng ga chạy, xe nào tắt máy thì người ta phải dắt bộ, vừa dắt vừa trông lô hàng trên xe, hay trông đứa con nhỏ đang trên đường chở về nhà sau giờ tan trường. Xe hơi cũng vậy, cố gắng chạy như vừa lội xuống một con kênh. Mỗi lần một chiếc xe đi qua thì hai hàng nước bị đẩy sang hai bên, người đang dắt bộ người đi xe phải trụ vững mới không bị té. Còn có những chiếc xe hơi cũ không chịu được nước đành đẩy lên chỗ cạn một chút rồi để tắt máy ở đó. Vừa bên kia có cô gái chạy xe còn yếu, gặp nước lớn bị té hụt xuống ướt cả người, may mà được người dân hai bên đường kịp thời kéo lên.

Người tôi cũng ướt sũng hết rồi, áo mưa không thể che hết cơn mưa này. Xe tôi phân khối nhỏ, không đủ mạnh như những chiếc xe khác. Tôi sợ xe tắt máy thì tôi không biết phải làm sao. Sách vở còn đầy trong cặp, đứng xuống dắt xe tôi sợ sẽ ướt hết mấy tờ tài liệu tôi đã dày công ngồi tổng hợp bao nhiêu buổi tối. Trời tối, khung cảnh hỗn loạn, mắt tôi cũng không nhìn rõ dưới cơn mưa xối xả này. Tôi quyết định vòng xe đi về. Đi thêm nguy hiểm quá, tôi không muốn ba mẹ lo lắng, cũng không muốn sắp thi rồi mà gặp phải chuyện gì.

Nhưng vòng xe đi về cũng là một câu chuyện. Nước mỗi lúc một cao. Hai bên người người dẫn xe dắt bộ. Tôi thấp thỏm lo lắng. Đến mỗi đoạn nước lớn tôi chỉ biết cầu nguyện để được về nhà an toàn. Tôi đi học không mang điện thoại, mà bây giờ chiếc điện thoại cũng chẳng thể giúp gì tôi. Chiếc xe nhỏ nhắn đã lâu không thay nhớt, tôi thấy chuyện đứng xuống dắt bộ chỉ là sớm muộn thôi, cố qua đoạn đường nào thì hay đoạn đường ấy. Nước đã ngập lên đến chân tôi. Chiếc xe cũng đang cố gắng chạy hết sức nó. Đến chỗ nước hơi sâu, mỗi lần vặn ga là mỗi lần ống bô bên dưới kêu rin rít vì nước vào. Lực nước phía trước cản tới làm xe chạy yếu đi, còn người tôi thì ướt sũng.

Vậy đó mà nó vẫn chạy. Có lúc yếu đi, có lúc không vặn ga được vì lực nước lớn quá, nhưng chiếc xe của tôi không dừng lại. Hết đoạn nước lớn đến đoạn nước nhỏ, tôi cố gắng đi trên con đường chỗ nông nhất. Dưới cơn mưa trút nước như xả đi cơn giận dữ, được ngồi trên chiếc xe biết cố gắng xoay sở để đưa tôi về nhà, tôi thấy mình may mắn lắm. Chiếc xe nhỏ nhắn ấy đã dùng hết sức của nó chở tôi về đến nhà. Tôi cảm thấy thực sự biết ơn. Hình ảnh nhìn thấy ba mẹ tôi đang trông ngóng ngoài cửa, nhìn thấy tôi bước xuống xe về nhà an toàn mới thở phào nhẹ nhõm như vừa bỏ xuống một gánh nặng, tôi muốn quay lại cảm ơn chiếc xe. Mẹ tôi còn bảo phải rồi, giấc mơ của mẹ có đâu xa, thấy tôi mạnh khỏe và an toàn đó mới chính là ước mơ của mẹ.

Giờ tôi đã vào đại học rồi. Bạn bè xung quanh xúng xính mua quần áo mới, điện thoại mới, máy tính mới, và mua cả xe mới. Bước vào cánh cửa trường đại học mơ ước nên ai cũng muốn chiều chuộng bản thân. Tôi cũng đậu vào trường tôi mong muốn. Nhưng khác với các bạn, tôi chẳng muốn mua gì nhiều. Và xe thì càng không. Chiếc xe Kymco 50 phân khối vẫn còn chạy tốt, không hao xăng và bền, chưa một lần phải sửa chữa. Mỗi lần nhìn nó tôi nhớ đến một quãng thời gian vừa đi qua, nhớ đến giấc mơ của mẹ và của tôi, nhớ đến những lần nó cố gắng chở tôi về nhà an toàn. Mai đây có thể tôi sẽ mua một chiếc xe khác, tôi không rõ, nhưng chiếc xe Kymco Candi Hi 50 này sẽ mãi mãi là người bạn tri kỉ của tôi.