Lovemark: Chưa bao giờ mình ngồi một chuyến xe ôm của Grab

Kì thực mình vốn không yêu thích những người lái xe ôm.

Mình lớn lên trong một khu phố nhỏ, nơi mà dân cư tập trung phần lớn là những người lao động đủ mọi ngành nghề, từ công nhân may cho tới lái xe tải, từ nhân viên trạm xăng tới những công nhân vệ sinh môi trường.

Ngày còn bé, mình hay ngồi trước cửa nhìn từng đoàn người đi bộ qua nhà. Họ đi làm, đi ăn trưa rồi tan làm. Một guồng quay công việc luôn hối hả và tấp nập. Duy chỉ có bóng dáng phía xa xa bên đường, dưới gốc cây bàng luôn có hình ảnh những người lái xe ôm rệu rã và mệt mỏi.

Chưa bao giờ mình thấy những người lái xe ôm bận rộn với công việc của họ. Họ ở đó, trong kí ức của mình, là những buổi trưa hè nằm ườn trên yên xe nóng ran nhìn lên trời xanh bát ngát, là những buổi chiều tụ tập, mời mọc khách đi xe bằng âm giọng trêu đùa khiến người ta dè chừng, e sợ. Hay những bữa xẩm tối vẫn tranh thủ gọi mấy đứa trẻ con nhà bán xổ số để vội ghi con đề cho kịp giờ quay số.

Chưa một lần trong kí ức của mình xe ôm là một nghề “đàng hoàng, chân chính”.

Sau này, lớn lên rồi mình mới biết rằng có thể cuộc sống của họ diễn ra không hề giống như mình từng thấy. Họ, có lẽ, vẫn có những ngày tất bật bươn trải với cơm áo gạo tiền, mài mặt ra đường bất chấp nắng mưa khắc nghiệt của Hà Nội để xoay sở nuôi sống gia đình.

Nhưng rồi những thứ ghi lại qua lăng kính của cô bé tiểu học chỉ là sự nhàn rỗi đến nhàm chán của nghề “xe ôm”. Và cũng chẳng biết từ khi nào mà mình dần loại bỏ bóng dáng của họ ra khỏi khung quan sát thường nhật.

Mãi đến sau này, khi Uber vào tới Việt Nam, rồi Grab cũng chen chân để có được một “miếng bánh” tại Hà Nội, mình mới bắt đầu để ý lại tới hững người lái xe ôm qua sắc xanh loáng thoáng trên mặt đường. Grab lặng lẽ len lỏi và đời sống những người ở thủ đô. Từ chuyện cứ đi đâu lại gọi Grab cho tới đặt hàng, giao đồ ăn rồi giao thực phẩm. Chiếc áo xanh lá từ những đốm nhỏ lấm tấm xuất hiện giữa phố phường trở nên dày đặc hơn, rõ nhất là thời điểm tan ca hay chờ đèn đỏ trên những tuyến đường tắc cứng.

Thế nhưng mặc cho sự đổi thay mình vẫn chưa một lần đi xe ôm của Grab. Không phải vì ghét bỏ hay là e dè sau những mảng kí ức tuổi thơ, mà chỉ đơn giản là mình chưa từng có nhu cầu cần xe ôm đưa đón. Thế nhưng rồi mỗi khi sắc xanh xuất hiện mình đều dành một ánh mắt dõi theo và quan sát. Mình nhìn Grab giống như một tên trộm đang rình mò đối tượng, cập nhật đủ các loại hot news trên mạng từ nhân viên Grab đánh người đến những chiến dịch truyền thông vang dội, hóng hớt những câu chuyện nhỏ to của nhóm tài xế công nghệ ở những quán trà đá hay ngay cả thông qua lời kể sau xe Grab từ những người xung quanh.

Mình nhìn Grab, từ năm này qua năm khác.

Những ngày đông Hà Nội năm 2021, mình quyết định sẽ Nam tiến. Một quyết định liều lĩnh của một cô gái 22 năm sống trong sự chở che và bao bọc của bố mẹ, quyết định tới một nơi chẳng có người thân và bạn bè để thử thách.

Và thời điểm đó, trong một buổi tối cuối năm, mình tìm được “Trở lại để tiến tới” của Grab. Mình nhìn thấy một Sài Gòn đang bước qua những u buồn sau một năm đại dịch. Mình nhìn thấy những hoang mang nhưng cũng đầy hi vọng từ ánh mắt của những con người lao động nơi đây. Mình nhìn thấy một Sài Gòn đã trải qua bão giông, dù có đớn đau nhưng vẫn đầy kiên cường để chiến đấu, để mưu sinh, để phát triển. Và mình nhìn thấy một phần bản thân trong Sài Gòn của Grab.

Sau “Đừng bỏ bữa”, sau “Cảm ơn vì một năm sát cánh bên nhau” thì “Trở lại để tiến tới” thực sự như một phím chạm tới từng mạch cảm xúc, góp phần đưa mình tới với mảnh đất này nhanh hơn.

Và giờ đây, khi ngồi viết những dòng ngày, mình đã chính thức ở Sài Gòn. Và cũng chính thức có một chuyến xe ôm đầu tiên với Grab trong cuộc đời.

Cảm ơn Grab, vì đã cùng mình có một khởi đầu mới. Cảm ơn, và hãy yêu thương nhau thật nhiều nhé. Grab!