Lovemark: Co.opmart – Nhớ

“Co.opmart – Nhớ” là một trong ba bài viết đạt Giải Ba cuộc thi “Lovemark là khi?” do Brands Vietnam tổ chức.

Tháng 3/2022, với mong muốn kết nối cộng đồng marketer, Brands Vietnam chính thức phát động cuộc thi viết “Lovemark là khi?”. Cuộc thi ra đời với mục đích tạo nên không gian cho các độc giả yêu thích marketing trải lòng về giây phút “va phải tình yêu” với các thương hiệu ưa thích của mình.

Không biết từ khi nào Co.opmart đã xâm nhập vào cuộc sống của tôi nhiều đến thế. Tôi và mẹ có một sở thích mãi mãi không đổi – mua sắm. Nhà chúng tôi không khá giả, tiền lương bố mẹ tích góp đều lo cho chị em tôi ăn học, vì vậy việc mua đồ ở siêu thị chỉ diễn ra nhiều nhất là 3-4 tháng một lần; và tôi để ý khoảng thời gian tôi học cấp 3, ngưỡng cửa vào đại học, 2 năm liên tục tôi và mẹ chưa vào siêu thị một lần. Thành phố của tôi là một thành phố nhỏ, vì vậy không có nhiều chỗ vui chơi hay trung tâm mua sớm cỡ lớn như Aeon Mall… Co.opmart xuất hiện khi tôi vừa lên cấp 2, khi đó cả thành phố theo tôi biết chỉ có một siêu thị lớn nhất là siêu thị Thành Nghĩa; cứ thứ 7, chủ nhật tuần nào xe gửi ở bãi cũng đông nghịt. Và sau đó, khi Co.opmart được khai trương, với lòng tò mò của người dân quê tôi, họ kéo cả qua Co.opmart, Thành Nghĩa lúc này dĩ nhiên vắng trơ trọi. Theo lý, khi con người ta đã thoả mãn trí tò mò thì mọi việc sẽ như cũ, Thành Nghĩa lại đông trở lại thế nhưng mọi thứ lại lệch đi hoàn toàn, Co.opmart vẫn đông và lượng người mua sắm lại tăng lên hằng ngày. Điều gì lại khiến lẽ thường thay đổi đến vậy, tôi không chắc.

Lúc đó, Co.opmart trở thành nơi giải trí của tất cả mọi người, chứ không phải là nhà thi đấu hay rạp chiếu phim… Bọn trẻ hễ được nghỉ chủ nhật qua thứ hai lên trường gặp bạn bè là: “Hôm qua ba mẹ dẫn tui đi siêu thị”, “Ê tui cũng vậy nè”. Tôi cũng vậy. Ấn tượng của tôi lúc đó về Co.opmart là mát, máy lạnh siêu thị mát lắm, hàng hoá chất đầy kệ, đủ mẫu mã, mùi bao bì mới, mùi trái cây, rau củ lan toả khắp cả. Mấy chị thu ngân tay chân thoăn thoắt, dòng người xếp hàng đẩy xe tính tiền dài. Và thứ tôi thích lúc đó là nhà sách ở tầng hai. Lúc tôi còn học cấp 2, mỗi lần gia đình tôi đi siêu thị là mẹ sẽ ở tầng dưới mua sắm, đi dạo. Còn ba dẫn hai chị em tôi lượn lờ trên nhà sách. Lần nào cũng vậy. Hai chị em tôi thích đến mức, ngày nào cũng nài nỉ ba má dẫn đi siêu thị, mà mỗi lần đi xong về nhà là vừa xuống xe, chúng tôi đã nói: “Lần sau đi nữa nghen ba má”.

Nguồn: Người lao động

Lớn hơn chút nữa, khi tôi vào cấp 3, trong một lần tự dưng nổi hứng muốn đi dạo quầy hàng phía dưới với mẹ, tôi nghiện luôn, từ đó lần nào đi siêu thị là tôi kè kè với mẹ, em trai thì theo ba lên nhà sách hoặc dạo quầy điện tử rồi đợi ở hàng ghế trước chờ mẹ và tôi mua ra là xách giúp. Lệ cũ, lần nào tôi cũng sẽ đẩy xe hàng, mẹ đến đâu tôi đẩy xe đến đó, ngắm nghía từng chút, dù biết không mua nhưng cả mẹ và tôi đều đi từng dãy một, không bỏ sót chỗ nào. Tôi nhìn cái nào cũng thấy thích, đụng cái nào là năn nỉ mẹ mua cái đó. Nhưng hầu như chả lần nào thành công.

Mẹ tôi đọc chữ rất chậm, có khi nhìn không ra mặt chữ vì khi xưa ông bà tôi không đủ tiền cho những đứa con đi học, và đặc biệt những đứa con gái cùng xóm hiển nhiên đến 18 tuổi là đi lấy chồng, mẹ tôi không muốn làm gánh nặng của ông bà nên đã nghỉ học từ rất sớm. Cho nên, tôi, đứa con thấu hiểu mẹ luôn chủ động, nhìn bảng, đọc giá, đọc thành phần và tìm khuyến mãi cho mẹ. Tôi luôn rất vui khi làm điều đó. Khi ngồi viết những dòng này, mắt tôi đã ngập nước vì thương mẹ, từ khi tôi biết tôi sẽ học đại học xa nhà, tôi đã lo, tôi sợ khi mẹ đi siêu thị em tôi sẽ không chăm chú như tôi, mẹ tôi sẽ chật vật và tủi thân lắm…

Có lẽ thứ khiến tôi chú ý không phải là dịch vụ của Co.opmart, mà thứ cuốn tôi lại, cho dù đi học xa nhà, nhưng mỗi lần nhìn thấy Co.opmart là tôi lại không tự chủ liếc nhìn, hoặc muốn vào, bởi lẽ, thứ giữ tôi là ký ức với mẹ, với gia đình của tôi. Và tôi chắc chắn, chẳng thương hiệu nào có thể có được những điều đó ngoài Co.opmart.