Lovemark: Ông chú Viettel

Đợt đó, năm hai ngàn mười mấy không nhớ, tôi với bạn dắt nhau đi Tà Xùa (Sơn La), chúc mừng nó có kết quả đậu vòng phỏng vấn hồ sơ du học của trường X.

Đó là cái hẹn “hôm nào", nên nó xa vời lắm, chọn ngày tới lui, không đứa này đi đám cưới thì đứa kia bận lịch quay, mãi chúng tôi cũng chọn được 1 cái cuối tuần rảnh rỗi.

Hai đứa hào hứng xếp đồ đẹp đi săn mây và chuẩn bị cho mình một ý chí quyết tâm sẵn sàng vượt qua những con dốc đầy thử thách và tinh thần “bất khuất” trước sự thiếu tiện nghi khi ở rừng núi.

Ổn áp đâu vào đó, hai đứa dắt díu nhau ra sân bay, trước khi đi tôi còn hỏi “Mày có quên gì không?”. Nó mạnh mồm bảo: "Nhà còn có cái nịt, quên gì được mà quên”.

(Hình ảnh mang tính chất minh họa từ chị Google)

Sáng hôm đó, sau khi săn mây về, như một cái nghiệp, điện thoại nó ting ting báo “Lịch phỏng vấn - 30 phút nữa”.

Chuyện đến đây nếu chỉ đơn giản là quên lịch phỏng vấn online thì chuyện chả có gì để nói. Nhưng vấn đề đáng nói đây là phỏng vấn online tại Tà Xùa - cái nơi lạnh lẽo núi cao mạng nhện còn giăng không nổi huống hồ gì là mạng internet. Cả wifi homestay lẫn 4G của điện thoại nó đều chập chờn, không ổn định.

Tôi đợi đến lúc nó sắp òa khóc mới chìa cho nó cái sim Viettel của mình. Từ bé đến lớn, tôi xài sim Viettel. Không phải yêu thích gì nhà mạng này, mà vì bố mẹ tôi dùng sim Viettel. Tôi dùng chung mạng, để gọi điện đỡ tốn kém. Kinh nghiệm hơn 20 năm dùng Viettel cho tôi niềm tin “ở đâu cũng có sóng Viettel”.

Cái khoảnh khắc bạn tôi tự tin xí xô xí xào với trường X, về chuyến đi này, về biển mây sáng sớm, về giấc mơ du học… tôi thầm biết ơn “ông chú Viettel” đã phủ sóng 4G toàn quốc. Lớn lên ở một thành phố lớn, có lẽ chuyện sóng 4G ổn định là một chuyện hiển nhiên với chúng tôi. Chỉ trong những trường hợp ngặt nghèo như thế này, chúng tôi mới thấu ý nghĩa của điều đó.