Lovemark: SẼ THẾ NÀO KHI BRAND CHỈ LÀ BRAND

Thức dậy sau một giấc ngủ trưa gần 40 độ tại Sài Thành, cùng những chuỗi ngày lần mò thông tin về công ty… à tập đoàn “COCA COLA” thì đúng hơn, đã khiến tôi nảy ra cảm hứng viết bài viết này. Tôi chỉ là một cô bé GenZ mới ra trường, thậm chí còn chưa chính thức nhận bằng, chuẩn bị như con thiêu thân lao vào một vị trí Brand của một công ty FMCG nào đó. Liệu lựa chọn này là đúng hay sai, liệu tôi có thực sự phù hợp, tôi cũng không biết nữa, có lẽ phải đâm đầu vào thử thì mới biết được “it’s right or not”. Có lẽ vài năm sau, sau khi có chút kinh nghiệm trong ngành tôi sẽ quay lại review về trải nghiệm của mình cho độc giả nào đã may mắn đọc bài viết của tôi hôm nay. Còn nếu bạn mãi không thấy bài viết đó thì có thể tôi đã tìm được cho mình một đam mê khác rồi.

7 chiến lược đưa Coca-Cola thành thương hiệu số 1 thế giới

(Nguồn: Tạp chí tài chính)

Chúng ta bắt đầu bằng những thí nghiệm nhỏ nhé!

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bây giờ tôi hay một ai đó nhắc đến tên người yêu cũ của bạn?

Đó là Hiếu, Hoài, Kim hay Thảo,...?

Liệu bạn còn thấy chút chua sót hay đau lòng? Là hận thù hay thương cảm? Bạn yêu anh/cô ta vì điều gì, vì những hành động nhỏ quan tâm, vì sự thấu hiểu hay vì sự vui vẻ, hào sảng? Những điều đó bạn vẫn nhớ như in và khiến bạn không thể nào quên được?

Vậy thì xin chúc mừng, anh/cô ta đã một phần thành công tạo nên Brand của mình đối với bạn.

Gu người yêu của bạn là người như thế nào? Anh/cô ấy bao nhiêu tuổi, làm nghề nghiệp gì, thu nhập bao nhiêu, có hình dáng, tính cách như thế nào? Giọng nói anh/cô ấy ra sao, anh/cô ấy có thói quen gì, sở thích gì? Bạn có trả lời được tất cả những câu hỏi trên không? “Khách hàng mục tiêu” của Brand cũng giống như “Gu Crush” của chúng ta vậy, để một công ty có thể xây dựng “Brand” của mình thì yếu tố quan trọng nhất chính là xác định đúng tệp khách hàng mục tiêu. Ví dụ nhé, khách hàng mục tiêu của “Coca Cola” có độ tuổi từ 10-35, là những đối tượng tiêu dùng trẻ, mức thu nhập đa dạng (thấp, trung bình, cao), những người này đề cao vị giác và những kích thích mới lạ.

Thế còn mối tình đầu của bạn là khi nào? Người đó có còn đi cùng bạn không? Người ta hay nói mối tình đầu là mối tình khó quên nhất, vì chúng ta chưa được có trải nghiệm yêu đương, cũng chưa từng gặp được ai tốt hơn, đó là khi chúng ta yêu bằng những ngây ngô nhất, không toan tính, cũng chẳng màng vật chất. Điều tôi đang muốn nói đây chính là lợi thế của Brand đi trước. Và điều này cũng đúng với ông hoàng đồ uống “Coca Cola” khi mang trong mình lợi thế của việc xây dựng từ lâu đời với sáng kiến “Đồ uống có gas” gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng từ những ngày đầu trên thị trường đồ uống trong lịch sử. Có lẽ, "Coca Cola" cũng chính là mối tình đầu của tôi, từ những năm tôi học cấp một đã có một niềm đam mê mãnh liệt với Coca cho đến tận bây giờ.

Có ai từng trải qua mối tình tay ba phức tạp, người ta hay nói “Kẻ không còn được yêu nữa sẽ vô tình thành kẻ thứ ba”, kết thúc sẽ có người đau khổ, nhưng tình yêu nhờ có những tác động như vậy mới càng trở nên bền chặt. Khi có sự cạnh tranh, theo phản xạ con người ta càng nỗ lực để chứng minh mình tốt hơn, nhờ đó tình yêu lại được nâng lên tầm cao mới. Và đối thủ của Coca Cola chẳng ai khác xa lạ chính là Pesico. Hai anh chàng này “tán tỉnh” người tiêu dùng bằng những cách thức khác nhau, nhưng lại đều hiệu quả và đã giữ cho mình một chỗ đứng nhất định trong tim người tiêu dùng. Không khó để bắt gặp những hình ảnh hai Brand này công khai công kích nhau để lại những trận cười khoái chí cho người xem. Điều đó càng làm người xem có thêm ấn tượng và dễ dàng ghi nhớ hai thương hiệu này hơn. Tôi đang nghi ngờ liệu có phải hai anh này đang bắt tay nhau để tạo ra những drama nhằm nâng “Fame” bản thân không nhỉ? Có khi “tui”- một người tiêu dùng, tưởng mình là nữ chính ngôn tình nhưng thực ra lại là nữ phụ đam mĩ cũng nên.

Mối tình trường tồn, chắc ai cũng mong mình có mối tình như thế này lắm nhỉ, tôi cũng vậy. Là khi hai bạn cùng có một chí hướng, vẫn giữ nguyên tình cảm hoặc thậm chí là càng tiếp xúc càng yêu đối phương. Các bạn sẽ luôn nỗ lực thay đổi để tốt hơn, để có thể che chở cho người mình yêu và để xây dựng tương lai cho cả hai. Lúc đó, dù có kẻ thứ ba xuất hiện cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến tình cảm của hai bạn, vì hai bạn yêu nhau đủ nhiều và đã cùng nhau trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời. Tất cả những điều tôi vừa nói cũng là minh chứng cho việc “Khách hàng trung thành” với một Brand. Đó là khi bạn yêu một Brand và Brand đó cũng càng nỗ lực để tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn, như hiện tại “Coca” đã ra nhiều dòng đồ uống ít gas hơn, ít đường hơn, tốt cho sức khỏe hơn như: “Coca Cola Zero”, “Diet Coke”,... Làm sao bạn chối từ được một anh người yêu vừa tốt bụng, vừa tâm lý, vừa chiều chuộng như thế này được chứ.

Kết hôn, là khi hai bạn có đủ tình cảm, đủ thấu hiểu, đủ rung động và hơn nữa là còn môn đăng hộ đối hay đã đủ vững chắc về tài chính để có thể lo cho cuộc sống tương lai. “Khách hàng trung thành” của Brand cũng vậy, Brand đó rất tốt, Brand đó chạm vào cảm xúc của bạn, bạn rất yêu Brand đó nhưng nếu bạn không có đủ thu nhập để mua sản phẩm của Brand, Brand đó vẫn sẽ chỉ mãi là một “Crush” xa tầm với, và các bạn sẽ mãi không bao giờ “kết hôn” được với nhau. Đồ uống của “Coca” có giá cả rất vừa phải thậm chí là rẻ, hương vị kích thích, sản phẩm tốt cho sức khỏe, tiện lợi, tất cả những điều đó liệu có đủ chạm đến “cảm xúc” của bạn lẫn “túi tiền” của bạn chưa nào?

Đừng yêu người chỉ tử tế với mình bạn mà hãy yêu người tử tế với cả xã hội. Sẽ thế nào khi một anh người yêu đối với bạn thì nhẹ nhàng, nhưng lại quát mắng nhân viên phục vụ thậm tệ. Sẽ thế nào nếu một anh chàng nói yêu bạn, nhưng lại đối xử không tốt với gia đình bạn. Liệu bạn có chấp nhận được không? Có khi nào bạn từng nghĩ anh ta chỉ đang mang trên mình chiếc mặt nạ hoàn hảo để cố gắng chinh phục bạn thành công? Bởi vậy, tôi không chỉ yêu thương hiệu vì sản phẩm của “anh ta” tốt hay vì “anh ta” dành những lời ngon ngọt đối với tất cả người tiêu dùng. Một thương hiệu toàn diện là khi thương hiệu đó không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn đóng góp có ích cho toàn xã hội, mang lại những giá trị cộng đồng và bền vững. Đối với riêng Coca, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những nỗ lực đối với môi trường, từ dây chuyền sản xuất hạn chế khí thải, đến những bao bì thân thiện với môi trường có thể tái chế, cho đến chiến dịch “Vì Thế Giới Không Rác Thải”. Chưa dừng lại ở đó, Coca ngày càng nỗ lực hơn nữa để tiếp tục phát huy và mang lại những thông điệp giá trị bền vững cho con người.

Đến đây, liệu từ những phân tích đơn giản của tôi đã khiến bạn hiểu hơn về các thuật ngữ và các yếu tố mang lại một thương hiệu - hay còn gọi là “Brand” chưa nào? Bạn có thấy nó gần gũi và dễ hiểu hơn khi đọc những tài liệu học thuật phức tạp không? Hihi, xin thưa đây cũng chính là cách các thương hiệu truyền tải các thông điệp đến người tiêu dùng, từ những lí tưởng cao cả, từ ngữ trừu tượng biến thành những story telling đơn giản, gần gũi, dễ tiếp cận đến người tiêu dùng và giúp họ nhớ hơn về thương hiệu.

Cuối cùng, tôi sẽ trả lời câu hỏi mà từ đề bài mình đã đặt ra: “Sẽ thế nào khi Brand chỉ là Brand?”. Bạn biết đấy, như nãy giờ tôi phân tích “Brand” chính như một mối quan hệ tình yêu, vậy làm sao tình yêu tồn tại khi chỉ có một người? Sẽ thế nào khi Brand cố gắng xây dựng hình tượng của mình bằng mọi cách nhưng nó chẳng mang lại lợi ích gì cho khách hàng, nó chẳng chạm đến cảm xúc của khách hàng, và chẳng có khách hàng nào mua sản phẩm của Brand đó? Nên với kết luận của tôi, sẽ không có Brand nếu không có khách hàng, sẽ chẳng có Brand nào tồn tại nếu không tạo ra mối liên kết với khách hàng và không có dấu ấn trong tâm trí của khách hàng. Tôi nghĩ “Coca Cola” đã thành công trong việc xây dựng một Brand cho mình và tôi cũng rất tự hào khi được góp phần vào công trình “Brand” đó với vai trò là người yêu - khách hàng trung thành của “Coca Cola”.

P/S: Mình chỉ là một sinh viên mới ra trường, những thuật ngữ hay bài viết của mình chỉ được viết dựa trên hiểu biết và cảm nhận của mình về Brand nên có thể có nhiều điểm còn chưa thực sự chính xác nên rất mong độc giả có thể bỏ qua. Tất cả những ý kiến và đóng góp mình đều sẽ tiếp nhận và cải thiện để tốt hơn nữa. Còn nếu bạn yêu thích bài viết này thì mình đã bước đầu thành công trên con đường xây dựng “Brand” của mình đối với các bạn rồi. Xin chân thành cảm ơn và hẹn gặp lại nếu chúng ta hữu duyên.