Recap: Chương trình kỹ năng “VENDIVICI” – Tư duy phản biện trong môi trường đa văn hoá

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) năm 2020, tư duy phản biện là kỹ năng được xếp thứ 2 trong số 10 kỹ năng quan trọng đối với người lao động trong thời đại mới.

Có thể nói, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng “vàng” cần có để “sinh tồn” ở môi trường đại học, và là “tấm vé đa năng” giúp bạn đạt được mục tiêu trong học tập và công việc.

Nhận thấy được tầm quan trọng của tư duy phản biện, vừa qua, Liên chi Hội Sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức “Chương trình kỹ năng VENDIVICI – Tư duy phản biện trong môi trường đa văn hoá” với sự ủng hộ và tham gia đông đảo từ các bạn sinh viên.

Mở đầu chương trình là talkshow “Tổng quan về kỹ năng tư duy phản biện trong môi trường đa văn hoá” với những chia sẻ hữu ích đến từ các diễn giả đầy kinh nghiệm, giúp các bạn sinh viên có cái nhìn đa chiều về tư duy phản biện.

Ngày nay, tư duy phản biện được coi là “tấm vé đa năng” giúp các bạn sinh viên đạt được mục tiêu để có thể tiến xa hơn trong học tập và công việc. Tuy nhiên, còn khá nhiều sinh viên chưa thật sự hiểu rõ về khái niệm tư duy phản biện. Do đó, hai diễn giả của chương trình đã chia sẻ những kinh nghiệm rút ra từ quá trình rèn luyện và sử dụng tư duy phản biện của chính bản thân mình.

Với anh Nguyễn Quốc Chiến, tư duy phản biện là cách phân tích một vấn đề, sau đó đánh giá mức độ đúng sai, tìm giải pháp cho vấn đề. Tư duy phản biện còn có cách gọi khác là tư duy phê phán, tư duy phân tích, là một trong 10 kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21 mà sinh viên cần trang bị.

Theo anh Eric Thỏ, tư duy phản biện là tư duy phân tích, nhìn nhận đa chiều để biết được điểm tốt, điểm xấu của vấn đề và đưa ra đánh giá khách quan, sau đó tìm giải pháp cho vấn đề.

Tiếp theo, anh Eric Thỏ và anh Nguyễn Quốc Chiến đã có những chia sẻ về ý kiến: “Một số người cho rằng kỹ năng tư duy phản biện chỉ mang góc nhìn cá nhân, là việc tìm ra lỗi sai trong lời nói của người khác”.

Anh Eric chia sẻ: “Tư duy phản biện đúng là quan điểm cá nhân, nhưng nên nhìn nó ở nhiều chiều: điểm đúng, điểm sai, điểm tích cực, điểm tiêu cực. Đây là một cụm từ hơi nhạy cảm, mang đặc điểm là ‘tôi phản biện lại quan điểm của bạn, tôi không đồng tình với nó’, do đó trong quá trình giao tiếp, các bạn nên khéo léo để tránh làm tổn thương đối phương”.

Anh Nguyễn Quốc Chiến cũng bày tỏ: “Ở góc nhìn của anh thì cơ bản cũng như vậy. Việc tranh cãi và tìm ra lỗi sai là một phần không thể thiếu của tư duy phản biện. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa tư duy phản biện và cãi nhau là chúng ta có thiện chí hay không có thiện chí. Nếu như bạn hung hăng để dành phần thắng thì đó là cãi nhau, nhưng nếu bạn tranh luận với tinh thần thiện chí, cùng nhau thảo luận để tìm ra một ý tưởng hay giải pháp tốt nhất cho vấn đề, thì đó là khuyến khích nhau, tranh luận nhưng không bài xích nhau”.

Để người xem thấy rõ tầm quan trọng của tư duy phản biện và biết được những kỹ năng cần thiết để xây dựng lối tư duy phản biện, host Khánh Linh đã có những trao đổi với 2 diễn giả về vấn đề này.

Với anh Chiến, khi bạn càng đặt ra nhiều câu hỏi tại sao, thì bạn sẽ càng tiến gần tới bản chất của vấn đề. Tư duy phản biện có thể xem là một phần cửa ngõ của tư duy sáng tạo. Thế giới này được hình thành từ sự sáng tạo. Nếu bạn muốn trở thành những nhà sáng tạo như Steve Jobs, Bill Gates, Thomas Edison hay vô vàn những người khác, bạn hãy luyện tập tư duy phản biện. “Đó là tầm quan trọng mà anh muốn nói với các bạn, muốn sáng tạo thì phải biết phản biện và nhờ sự sáng tạo thì thế giới này đổi thay”, anh Chiến nói.

Với kinh nghiệm làm việc trong một môi trường đa văn hoá là tập đoàn đa quốc gia Unilever, anh Eric Thỏ đã chia sẻ về lợi ích của việc vận dụng tốt kỹ năng tư duy phản biện: “Khi nhìn sự việc đa chiều, chúng ta sẽ giảm thiểu được các vấn đề phát sinh hoặc các lỗ hổng, và giải quyết được các khúc mắc để đạt kết quả cao trong công việc. Chúng ta nên cố gắng tham gia câu lạc bộ, trong quá trình làm việc nên đặt câu hỏi theo format 5W1H: What, Where, When, Who, Why, How, nhìn vấn đề cặn kẽ và không bỏ sót yếu tố”.

Sau khi lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả, các bạn sinh viên đã gửi về rất nhiều câu hỏi cho chương trình với mong muốn nhận được lời khuyên từ chính những người đi trước. Phần Q&A diễn ra sôi động với những câu hỏi về tư duy phản biện, cách rèn luyện và áp dụng nó vào thực tiễn cuộc sống, công việc và học tập.

Phần cuối chương trình, một minigame với nhiều phần quà hấp dẫn được Ban tổ chức chuẩn bị nhằm mục đích giao lưu, gắn kết các bạn sinh viên, đồng thời giúp các bạn đúc kết được những kinh nghiệm mà các diễn giả đã chia sẻ trong chương trình.

Chương trình diễn ra thành công là nhờ sự đóng góp của các nhà tài trợ, các đơn vị bảo trợ truyền thông, sự hỗ trợ của 2 vị diễn giả, cùng sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên. Đó cũng là nguồn động lực quý giá để Liên chi Hội Sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Luật tổ chức những chương trình chất lượng dành cho các bạn sinh viên trong tương lai.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: