VBA tổ chức WORKSHOP thiết thực về Chấn thương và Dinh dưỡng trong thể thao

Thi đấu và tập luyện các môn thể thao đối kháng với cường độ vận động cao có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, người chơi không chuyên thiếu kiến thức có thể vướng phải các nguy cơ bị chấn thương nặng, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống.

Tốn nhiều chi phí và thời gian để điều trị

Năm 2019, người hâm mộ bóng đá từng nhận tin buồn vì trung vệ Trần Đình Trọng phải sang Singapore phẫu thuật dây chằng đầu gối.

Dù mọi chi phí điều trị của ngôi sao CLB Hà Nội được đài thọ, nhưng con số 600 triệu làm không ít người xuýt xoa. Hay chứng từ, hóa đơn điều trị tại nước ngoài của một cầu thủ chuyên nghiệp khác là Trần Anh Khoa của SHB Đà Nẵng cũng “làm choáng” người hâm mộ khi lên đến gần 830 triệu đồng.

Chi phí điều trị chấn thương cho Đình Trọng và Duy Mạnh rất cao

Trường hợp của các cầu thủ chuyên nghiệp là cá biệt, tuy nhiên với những chấn thương phổ biến khi chơi thể thao đối kháng như đầu gối, đứt hoặc giãn dây chằng, gãy xương,…nếu điều trị tại Việt Nam thì chi phí cũng từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu.

Đáng nói, khác với trường hợp các cầu thủ chuyên nghiệp được các CLB/Bảo hiểm chi trả từ một phần đến toàn bộ chi phí, người chơi thể thao không chuyên gần như phải tự “gánh” toàn bộ chi phí “trên trời” này.

Chưa kể, trước và sau khi tiến hành điều trị bằng phẫu thuật, người bị chấn thương cũng tốn kém nhiều chi phí thăm khám, chụp hình chẩn đoán, theo dõi và phục hồi chức năng,...

Trói buộc tâm lý

Anh Phạm Minh Toàn 29 tuổi sống tại TP.HCM, người thường dành ít nhất 1-2 buổi mỗi tuần để chơi bóng rổ 3x3 chia sẻ “Từ hồi bị thương gối trái, mình phải dùng các loại băng hỗ trợ và bị nhát chân, không còn tự tin để đột phá vào trong hoặc nhảy tranh chấp bóng như trước đây”.

Kinh nghiệm của Toàn là phổ biến với phần lớn người bị các chấn thương như bong gân, lật cổ chân, lật gối,..khi chơi các môn thể thao đối kháng như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,..

Chấn thương nghiêm trọng có thể ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý người chơi

Sau mỗi chấn thương, dù nhẹ, người chơi cũng dễ bị ám ảnh do sợ bị rơi vào trường hợp tương tự. Tâm lý này “trói buộc” người tập thể thao và khiến trải nghiệm của họ không còn toàn vẹn.

Đặc biệt với những người bị những dạng chấn thương nặng, từng phải phẫu thuật thì rào cản này lại càng khó vượt qua. Không ít người từng lên bàn mổ vì các chấn thương gối đã “chừa” và “tự hứa” với bản thân không bao giờ quay trở lại môn thể thao mình từng đam mê.

Lan truyền phương pháp thiếu chuẩn

Khi một người bị thương trên sân, nhiều người khác sẽ vây quanh đưa ra lời khuyên như duỗi thẳng chân, chườm đá, đứng dậy đi bước lùi,…thậm chí là hỗ trợ bóp nắn vết thương.

Tất cả các hoạt động này đều diễn ra theo “kinh nghiệm cá nhân” mà không dựa vào phương pháp chuẩn nào. Vì vậy, vô tình có thể tạo ra nguy hiểm cho người bị chấn thương, thay vì giúp hạn chế rủi ro nếu được thực hiện đúng ngay từ đầu.

Chưa kể, một số người chơi còn lan truyền với nhau những bí quyết tập luyện như đeo thêm tạ vào chân, đeo bao cát bật cóc,..để tăng cường sức mạnh, tốc độ. Không ít người đã lãnh hậu quả vì các phương pháp tập luyện mang hơi hướng “thiếu lâm” này.

Các kiến thức căn bản về sơ cứu khi vận động đã có trong chương trình trung học phổ thông. Tuy nhiên, không nhiều người còn nhớ rõ hoặc đủ khả năng vận dụng các kiến thức này vào thực tế.

Nếu không phải là người chơi nhiều kinh nghiệm bị thương, hoặc cầu thủ chuyên nghiệp – bán chuyên đã được đào tạo tại trường đại học hoặc một lớp chuyên đề cụ thể thì rất khó để biết cách sơ cứu đúng và giảm thiểu nguy cơ chấn thương trầm trọng.

Ngoài ra, một cách rất đơn giản nhưng hạn chế rất hiệu quả chấn thương xảy ra là “khởi động” cũng thường xuyên bị người chơi thể thao không chuyên lướt qua.

Nhằm nâng cao ý thức phòng vệ trước rủi ro chấn thương, cách xử lý khi gặp chấn thương đúng chuẩn, phương pháp ứng dụng dinh dưỡng để phục hồi hiệu quả, nhanh,…VBA tổ chức buổi Workshop chia sẻ kinh nghiệm với khách mời là các chuyên gia, bác sĩ và vận động viên thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp.

Chương trình diễn ra MIỄN PHÍ và TRỰC TUYẾN, cụ thể như sau:

VBA Sharing Workshop

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ PHÒNG TRÁNH CHẤN THƯƠNG KHI TẬP LUYỆN THỂ THAO

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của việc khởi động đúng cách.

2. Kiến thức cơ bản về các chấn thương thường gặp trong thể thao và cách khắc phục.

3. Dinh dưỡng trong thể thao cho từng đối tượng.

4. Khán giả giao lưu và nhận quà từ mini game.

KHÁCH MỜI

- Host: Trần Đình Cường

- Bác sĩ Pham Quang Huy Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao Quốc tế (IRC)

- Bà Candice Hiền Nguyễn - Founder 365 Begin

- Ông Hồng Gia Lân - Vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp tại VBA

- Ông Nguyễn Văn Hùng - Vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp tại VBA

THỜI GIAN

-19h30 tối thứ ba ngày 22/02/2022.

CÁCH THỨC THAM DỰ

MIỄN PHÍ & TRỰC TUYẾN

Link đăng ký từ ngày 18/02/2022 đến hết ngày 21/02/2022.

https://us02web.zoom.us/webinar/register/WN_4MBCb8nlR8GZ3g8pFXo6GA