Tính cả động thái mới của Mercedes-Benz, những ông lớn nào đang đầu tư cho cuộc đua xe điện?



Xe điện (EV - electronic vehicles) dường như đã và đang trở thành một công cụ để thực hiện “chiến lược xanh” cho không ít công ty. Không nằm ngoài cuộc đua đang lên, những cái tên lớn trong bất kể lĩnh vực nào liên quan tới phương tiện di chuyển đều có thể xuất hiện trong danh sách tham dự. Mới đây nhất, gã sừng sỏ Mercedes-Benz cũng đã có động thái liên quan tới "phương tiện xanh" tại thị trường Ấn Độ. Kể cả Mercedes-Benz, chúng ta có thể tính đến những ông lớn nào đã và đang đầu tư cho cuộc đua xe điện nói trên?

Mercedes-Benz Ấn Độ

Năm 2021, tại Triển lãm ô tô quốc tế IAA Mobility diễn ra ở Munich, Đức từ ngày 7-12/9, Mercedes đã tung ra một loạt các dòng xe mới trải dài từ Mercedes-Benz, Maybach, AMG. Điều đáng nói, các xe được giới thiệu tại triển lãm đều chạy bằng điện, từ EQE, AMG EQS 53, Maybach EQS concept, Mercedes EQG concept, Mercedes EQT concept và cả chiếc hybrid AMG GT 63 S E Performance. Rõ ràng, sau cú kích hoạt năm 2018 với việc trình làng Mercedes EQC, Mercedes tiếp tục cho thấy tham vọng lớn lao khi quyết định đầu tư vào mảng phương tiện “đến từ tương lai”.

Trong động thái gần nhất diễn ra tại xứ sở Bollywood, Mercedes-Benz Ấn Độ đã lên kế hoạch tung ra thị trường mẫu sedan chạy điện EQS lắp ráp trong nước vào Quý 4 năm 2022. Trước đó, vào tháng 10 năm 2020, mẫu SUV chạy điện EQC ra mắt tại Ấn Độ dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc đã được bán với giá ~₹1.07 crore (khoảng 3.27 tỷ đồng quy đối sang tiền Việt Nam theo tỷ giá hiện tại).

Khi được hỏi liệu lắp ráp trực tiếp dòng xe EQS trong nước có ảnh hưởng như thế nào tới các mẫu xe điện ra khác mắt tại Ấn Độ trong tương lai, đại diện Mercedes-Benz chia sẻ: "Một mặt chúng tôi đang lên kế hoạch. Mặt khác chúng tôi (vẫn luôn) hành động dựa trên cách thức phát triển của thị trường”.

Ông cũng cho biết thêm rằng Mercedes vẫn luôn không từ bỏ nỗ lực yêu cầu chính quyền Ấn Độ cắt giảm thuế hải quan với ô tô nhập khẩu. Trong thời gian các đề nghị vẫn chưa được thông qua, Mercedes không thể chần chừ nữa và quyết định “đã đến lúc đưa các mẫu EQS sản xuất trong nước vào thị trường”.

Gojek Indonesia

Năm 2021, chúng ta chứng kiến bối cảnh về sự ô nhiễm môi trường không có dấu hiệu giảm đi trong khi việc sử dụng xe động cơ đốt vẫn khó cắt giảm hoàn toàn tại các nước Đông Nam Á (Theo báo cáo do Dự án Carbon toàn cầu (GCP) công bố ngày 4/11/2021: Lượng khí CO2 trên toàn thế giới tăng ~5% trong năm 2021 và “gần như sẽ trở về mức trước đại dịch”). Nắm bắt được tình hình, tháng 5 năm 2021 vừa qua, Gojek - Kỳ lân đầu tiên của Indonesia đã lên kế hoạch: Biến mọi ô tô và xe máy "trên ứng dụng" của mình thành xe điện vào năm 2030.

Thực chất, động thái trên nằm trong chiến lược phát triển bền vững “3 mũi nhọn” của Gã khổng lồ gọi xe Indonesia. Gojek đưa ra chiến lược trên, hướng tới mục tiêu đạt “3 Không” tại Đông Nam Á vào cuối thập kỷ: Không phát thải, Không chất thải và Không rào cản kinh tế xã hội.

Điều này có thể coi là hợp lí với khu vực nói chung và với nước mẹ Indonesia của Gojek nói riêng bởi:

  • Tại Đông Nam Á: Xe động cơ đốt vẫn được sử dụng phổ biến. Lượng xe điện toàn khu vực dự kiến chỉ đạt 20% đến năm 2025 (Theo Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Quốc tế - IRENA).

  • Tại Indonesia: Việc gia tăng lượng ô tô dùng động cơ đốt trong ở Jakarta khiến chất lượng không khí không hề cải thiện so với 10 năm trước - thời điểm Indonesia bắt đầu lên kế hoạch loại bỏ dần xăng pha chì (Theo The ASEAN Post).

Thực tế, đại diện Gojek cũng chia sẻ với CNBC rằng Gojek rất cần những sự giúp đỡ từ các bên liên quan về hạ tầng cơ sở khi triển khai dự định kể trên. Trong 2 động thái mới nhất, Gojek đã hợp tác với Công ty năng lượng TBS Energi Utama (để phát triển hệ sinh thái xe điện hai bánh tại Indonesia) và Gogoro - một nhà sản xuất xe máy điện Đài Loan.

Tesla tại thị trường Châu Âu

Trong tháng 12 năm 2021, doanh số bán ô tô điện tại châu Âu lần đầu vượt qua doanh số bán các mẫu xe động cơ diesel. Cụ thể, số ô tô chạy pin được bán ra tại 18 thị trường thuộc EU chiếm hơn 20% tổng doanh số. Bên cạnh đó, ô tô chạy bằng động cơ diesel có doanh số giảm đáng kể so với trước đấy (chỉ chiếm chưa đến 19%).


Điểm nhấn quan trọng trong báo cáo phải kể đến Tesla (công ty Mỹ chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm ô tô điện cùng linh kiện liên quan). Trong năm 2021, doanh số bán hàng trả về cho Tesla tại thị trường châu Âu đạt kỉ lục 309.000 chiếc.

Lý giải cho hiện tượng trên, chúng ta có thể kể đến bê bối gian lận trong các bài kiểm tra khí thải động cơ diesel của Volkswagen năm 2019 như một nguyên nhân trực quan. Sau bê bối 3 năm trước, doanh số bán xe động cơ diesel tại Châu Âu liên tục sụt giảm, trái ngược hoàn toàn với khoảng thời gian năm 2015 khi các mẫu xe động cơ diesel chiếm hơn 50% lượng xe giao bán tại 18 nước châu Âu.

Tạm kết:

Đứng trước nguy cơ và mối lo cho môi trường sống hiện tại, việc chuyển sang đầu tư cho xe điện dường như là một xu hướng tất yếu của người dùng cũng như nhà sản xuất. Khi những cái tên liên quan liên tục có các động thái tích cực, chúng ta có thể hi vọng vào một tương lai không xa khi tỉ lệ phương tiện xanh tham gia giao thông có thể ghi nhận ở mức cao hơn nhiều lần.

Nguồn tham khảo: VietNamNet, Mint, Financial Times

*) Các thông tin trong bài được tổng hợp có chọn lọc từ Internet kèm theo nhìn nhận, quan điểm cá nhân. Trong trường hợp bạn đọc có bất kì thắc mắc, thảo luận cũng như đóng góp ý kiến nào, tác giả sẵn sàng lắng nghe và thay đổi nếu hợp lý.