Nghề Content: Năng lực không đo bằng số năm kinh nghiệm

Một bạn làm content 3 năm chưa chắc đã làm tốt hơn bạn thực tập sinh vừa qua 3 tháng.

Đây là sự thật mà tôi đã quan sát và đúc kết được trong quá trình tuyển dụng và đào tạo, với cùng một tính chất công việc để có cơ sở so sánh. Trong các đợt phỏng vấn, tôi thường lấy các bài của vị trí Content Executive đưa cho các bạn ứng tuyển Content Intern thử sức để phát hiện ra nhiều tài năng tiềm ẩn.

Thật bất ngờ, kết quả là nhiều bạn “newbie” làm bài rất tốt từ cách trình bày, tư duy logic cho đến ý tưởng sáng tạo. Ngược lại, có những bạn 1-2 năm kinh nghiệm nhưng những gì viết ra lại hời hợt, thiếu sót, hay không trả lời được những câu hỏi đơn giản.

Một ví dụ khác, team tôi cũng từng có một bạn A với 3 năm kinh nghiệm vào thử việc. Trong team cũng có một bạn B là Junior Content 3 tháng kinh nghiệm do tôi đào tạo từ vị trí thực tập sinh đi lên, vừa vượt qua kỳ thử việc để trở thành nhân viên chính thức. Với cùng một dự án và tính chất công việc, tôi giao cho 2 bạn cùng làm, nhưng kết quả cho thấy ngoại trừ văn phong và ngôn từ có phong phú hơn một chút thì bạn A kém hơn hẳn bạn B từ tư duy đến hiệu suất công việc. Kết quả là bạn A không vượt qua được vòng thử việc.

Sự khác biệt đó là do bạn B có tư duy, thái độ tốt và kiến thức (do tôi trực tiếp hướng dẫn). Cái mà bạn B thiếu là thời gian trải nghiệm để có “độ chín”. Với những bạn trẻ có tố chất như B, chỉ cần gặp đúng môi trường và được đào tạo đúng cách sẽ phát triển nhanh, tiết kiệm hơn 2-3 năm so với các bạn đồng trang lứa khác.

Vì vậy, đối với tôi số năm kinh nghiệm chỉ mang tính chất tương đối để tham khảo. Vòng CV có thể cho thấy các gạch đầu dòng số năm bạn làm ở đâu, độ tuổi, các đầu mục công việc chính mà bất cứ bạn Content nào cũng từng trải qua. Vòng phỏng vấn có thể cho thấy một chút về kỹ năng ứng biến, trao đổi chuyên môn. Còn năng lực sẽ thể hiện rõ nét hơn trong quá trình làm việc.

Vậy năng lực của một bạn nhân viên Content được đánh giá qua các yếu tố nào?

  1. Tố chất, năng khiếu, khả năng bẩm sinh: Ví dụ, bạn học giỏi văn từ thời đi học sẽ có lợi thế về mặt ngôn từ và diễn đạt ổn hơn.
  2. Nếu không có lợi thế trên, bạn vẫn có thể tiến bộ và nâng cao năng lực nhờ rèn luyện đủ nhiều, viết đủ lâu.
  3. Vốn sống và trải nghiệm: Phần này thiên về đời sống tinh thần, ví dụ như thói quen đọc sách, sở thích đi đây đi đó, chơi thể thao... Vì làm content đâu chỉ có việc viết lách, đặc thù của nghề này cần nhiều cảm xúc và hiểu biết xã hội để nội dung làm ra phong phú, chạm được insight khách hàng.
  4. “Va chạm” nhiều mảng trong nghề: Người làm content giỏi cũng không phải chỉ chăm chăm viết đúng một thể loại hay một lĩnh vực. Nếu làm inhouse, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều thể loại nội dung như Facebook, website, landing page, PR, kịch bản clip quảng cáo, email marketing, tờ rơi, bài phát biểu… Nếu bạn làm agency, hãy cố gắng tìm hiểu và thực hành các dạng nội dung khác nhau trên đa dạng nền tảng và ngành hàng, để khi gặp đề bài nào cũng có thể tư duy và giải quyết tốt theo đúng format của thể loại đó.
  5. Sự đa năng: Người làm content giỏi cũng cần có khả năng thẩm định thiết kế, có tư duy về hình ảnh để làm việc với designer, brief sao cho đúng hay bật lên được ý tưởng của bài. Thậm chí, đa số các bạn trẻ bây giờ đều thành thạo các phần mềm thiết kế, dựng phim để có thể tự xử lý hình ảnh, video khi cần. Hiểu biết các kỹ năng bổ trợ khác sẽ giúp bạn chủ động được công việc và nâng cao khả năng của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần biết đôi chút về phân tích số liệu trả về từ các bài content để tối ưu bài viết cho các bài tiếp theo, hoặc chọn hướng tiếp cận tốt hơn.
  6. Mức độ am hiểu và cập nhật chuyên môn trong nghề: Ở đây, tôi lấy ví dụ về những câu hỏi trong vòng phỏng vấn mà tôi thường hỏi các bạn ứng viên: Xu hướng content hiện nay là gì? Bạn biết những kênh Social Media nào? Bạn hiểu gì về nền tảng TikTok? Bạn biết những công thức viết content cơ bản nào? Đa số các bạn trả lời chung chung và thông tin dừng lại ở 1, 2 câu. Nghĩa là các bạn biết đôi chút, có nghe qua nhưng không tìm hiểu sâu. Thực tế, các câu hỏi đó đều nằm trong chuyên môn nghề nghiệp của một người làm content. Mỗi ngày, bạn có thể đọc rất nhiều thứ trên các hội nhóm về những kiến thức này, nhưng liệu bạn đã hệ thống hoá hay thực sự ghi nhớ chúng chưa?
  7. Khả năng sử dụng công nghệ, công cụ để tối ưu thời gian, nâng cao hiệu suất công việc: Trong thời đại công nghệ như ngày nay, bạn hãy tìm hiểu và sử dụng chúng để tiết kiệm thời gian. Làm việc nhanh và hiệu quả hơn rõ ràng là một năng lực đúng không? Hãy thử tìm hiểu các phím tắt, công cụ research, công cụ biên tập, chỉnh sửa hình ảnh, công cụ tách nền nhanh, kiểm tra chính tả, quản lý các trang mạng xã hội, đăng bài tự động, quản lý tác vụ và deadline, lưu trữ dữ liệu...
  8. Thái độ và định hướng rõ ràng với công việc: Phần này liên quan rất mật thiết bởi nếu sớm xác định con đường của mình và dành sự tập trung cho nó, bạn sẽ biết nên học gì, nên làm content cho ngành nào để phát huy thế mạnh, đâu là điểm yếu cần hoàn thiện, khả năng học hỏi và chủ động trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá cao và tín nhiệm…
  9. Tư duy chiến lược, tầm nhìn xa trông rộng cho cả chuyên môn và mục tiêu nghề nghiệp: Nghĩa là bạn biết được giai đoạn nào cần tập trung để phát triển kỹ năng gì. Nếu đã có thể viết tương đối khá thì phải nghĩ cách làm sao để lên được kế hoạch ngắn hạn rồi dài hạn. Giả sử sắp có chiến dịch marketing lớn, sếp bảo bạn lên thông điệp thì làm thế nào? Xa hơn nữa là lên được chiến lược nội dung cho 3-6-12 tháng. Nếu được lên làm leader thì cần học thêm khả năng quản lý, giao việc ra sao? Nói chung tất cả đều cần phải học thì mới làm được, cũng như chỉ cần có cơ hội được giao hãy thử sức với nó để nới rộng khả năng, làm những việc chưa từng làm để tích luỹ kinh nghiệm.

Nói tóm lại, số năm kinh nghiệm là một con số tương đối, hãy cố gắng tích luỹ nhiều trải nghiệm trong nghề. Năng lực đó được thể hiện trong công việc thực tế là kết quả đầu ra của bạn, là sản phẩm bạn làm ra thế nào chứ không phải số năm bạn đi làm là bao nhiêu.

Các bạn hãy thiết lập mục tiêu cá nhân cho mình. Chẳng hạn, nếu đang là thực tập sinh thì sau 2 tháng nữa mình sẽ lên được nhân viên chính thức, nếu đang là Junior thì 1 năm nữa mình phải thành Senior... Đừng yên phận hay hài lòng với chính mình, làm những công việc an toàn lặp đi lặp lại ngày này qua tháng nọ.

Nếu mới chập chững vào nghề, khi có cơ hội được tham gia trải nghiệm trong môi trường tốt hãy biết tận dụng để làm bàn đạp tiến thật nhanh, có mục tiêu rõ ràng và tập trung với nó. Với tiềm năng về tư duy và sự nhạy bén, cộng với học tập nghiêm túc thì các bạn sẽ không thua kém gì các anh chị có vài năm kinh nghiệm.

Còn nếu đã đi làm nhiều năm nhưng chợt nhận ra lâu nay vẫn “dậm chân tại chỗ”, hoặc đang tụt hậu với các bạn đồng trang lứa, thậm chí 3 năm kinh nghiệm của mình so ra cũng không bằng các em “newbie” 3 tháng thì hãy nghiêm túc nhìn nhận lại và cố gắng nhiều hơn. Hãy trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, nhận thêm nhiệm vụ mới, làm thêm một số công việc, học thêm cái gì đó... hoặc đổi môi trường để được va vấp nhiều hơn.

Tay nghề 3 năm vững chắc hay kinh nghiệm 1 năm nhưng lặp lại 3 lần là do bạn quyết định.

Hảo Nguyễn
Marcom Manager tại GIGAN JSC
Giảng viên Performance Content tại Brands Vietnam