Nghi ngờ bản thân: nỗi sợ mà mọi người viết từng trải qua (kèm hướng dẫn cách giải quyết)

Bạn có từng cảm thấy tự ti về khả năng viết lách của mình? Bạn có từng lo lắng bài viết sẽ không được nhiều người đón nhận? Bạn có từng nghi ngờ mình sẽ không thể thành công với nghề viết lách?

Nếu bạn từng trải qua những cảm giác trên thì đừng lo, bạn không cô đơn. Nhiều người viết cũng gặp tình trạng tương tự khi họ mới bắt đầu vào nghề. Lúc đó, bạn trở thành nhà phê bình văn học của mình. Thay vì đưa ra những lời khen ngợi, bạn tìm đủ lý do để kéo bản thân xuống, bạn cho rằng bài viết đó chưa đủ hay, chưa đủ hấp dẫn để công khai với mọi người.

Nhưng bạn có biết chính nỗi sợ nghi ngờ bản thân đang ngăn cản bạn phát triển sự nghiệp viết lách không? Nỗi sợ ảnh hưởng đến công việc nhiều hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta luôn tin mình không bị nỗi sợ khuất phục bởi chúng ta rất giỏi trong việc lên kế hoạch và thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, liệu điều đó có thật sự đúng?

Nỗi sợ là vô hình, nó không hiện diện trước mặt chúng ta. Trừ khi bạn gọi tên và đối diện với nỗi sợ, nếu không nó sẽ luôn bám lấy bạn và ngăn bạn hoàn thành giấc mơ thành công trên con đường viết lách.

Để loại bỏ nỗi sợ nghi ngờ bản thân, trước tiên, bạn cần giành lấy quyền kiểm soát và học cách ngăn cản nó tấn công bạn.

Nguyên nhân dẫn đến sự nghi ngờ bản thân

Không được sự ủng hộ và công nhận từ người thân

Không ít người cho rằng nghề viết thì nghèo, đặc biệt đối với những người ngoài cuộc. Nếu bạn nói với mọi người trong gia đình là mình muốn theo đuổi công việc viết lách, bố mẹ thường sẽ phản đối bạn thay vì ủng hộ. Họ chưa hiểu được cái bạn đang làm và thị trường cần bạn như thế nào. Chính vì không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, nhiều bạn càng dễ rơi vào tình trạng nghi ngờ bản thân nếu gặp phải một khó khăn nào đó trong công việc. Họ sẽ tự hỏi chính mình rằng liệu họ có thực sự đủ giỏi để thành công ở nghề viết hay không.

Khi mình làm nghề viết, ngoài chị gái, trong gia đình mình không ai biết mình đang làm công việc gì, mình cũng không giải thích nhiều về công việc mới sau khi rời bỏ công ty cũ. Mình chỉ cho họ biết mình vẫn làm việc hằng ngày và có thu nhập. Mình không nói với bố mẹ vì mình biết bố mẹ sẽ khó lòng hiểu được những gì con gái họ đang làm. Đối với chị gái, người duy nhất biết về công việc hiện tại của mình, chị ấy không ủng hộ nhưng cũng không phản đối.

Nhận được nhiều ý kiến trái chiều

Nguồn: Freepik

Khi đăng tải một bài viết lên mạng xã hội, có thể bạn sẽ nhận được một vài ý kiến trái chiều về nội dung bài viết. Mặc dù biết chúng ta không thể làm hài lòng mọi độc giả, nhưng không ít người vẫn khó tiếp nhận những bình luận phản bác. Điều này dễ khiến họ rơi vào nối sợ nghi ngờ về khả năng viết lách của bản thân.

Cách đây không lâu, khi vô tình dạo trên Spiderum, mình đọc được một bài viết phản biện đối với bài về lịch sử của một tác giả khá nổi tiếng trong giới lịch sử học (mình tạm gọi là A). Bài viết này đưa ra những luận điểm chứng minh tác giả A viết sai kiến thức về lịch sử. Nếu bạn rơi vào tình huống tương tự, bạn có cảm thấy sợ hãi và nghi ngờ về khả năng của mình khi bài viết bị người khác đưa ra phản biện như vậy? Liệu bạn có vì thế mà từ bỏ nghề viết?

Hay so sánh với người khác

Từ nhỏ, nhiều người thường bị bố mẹ hoặc thầy cô so sánh với người khác. Những gì bạn đạt được không bao giờ làm hài lòng bố mẹ. Dần dần trong bạn sẽ dẫn đến sự tự ti mình. Sau này lớn lên, sự so sánh đó vẫn luôn song hành với bạn. Trong công việc, không cần người khác so sánh, bạn đã tự so mình với người khác. Bạn thấy họ đi quá xa trong khi bạn vẫn đang còn dậm chân tại chỗ. Từ đó, bạn luôn tự hỏi mình có thực sự phù hợp với nghề viết lách hay không. Càng so sánh nhiều, bạn càng thấy mình kém cỏi và thiếu tự tin.

Mong đợi quá nhiều, nhận lại quá ít

Nếu bài viết của bạn nhận được nhiều phản hồi tích cực, đó sẽ như lời động viên, khích lệ bạn cho ra những sản phẩm tiếp theo. Nhưng nếu bạn không nhận được nhiều lời khen thì sao? Điều này dễ dẫn đến sự mất niềm tin vào khả năng của bản thân. Chúng ta thường có xu hướng mong đợi thật nhiều mỗi khi ra mắt một sản phẩm. Và bi kịch xảy ra khi những gì bạn nhận lại tỷ lệ nghịch với những cái đã mong đợi.

Làm thế nào để xóa bỏ sự nghi ngờ bản thân?

Xóa bỏ tiếng nói nhỏ tiêu cực trong đầu

Bạn đã từng thiền bao giờ chưa? Khi thực hành thiền, bạn sẽ thấy tâm trí của chúng ta ồn ào. Những suy nghĩ liên tục đến rồi đi không ngừng nghỉ. Thay vì tiếp tục nghi ngờ bản thân, việc của bạn bây giờ là hãy xóa bỏ cụm từ “tôi không giỏi” ra khỏi vốn liếng từ vựng của bạn.

Nghe thì có vẻ dễ, nhưng thực ra việc loại bỏ cụm từ đó không phải chuyện dễ, đặc biệt nếu nó đã ăn sâu vào tâm trí bạn trong thời gian dài. Thay vì xóa bỏ, bạn hãy thay thế nó bằng cụm từ khác như “tôi sẽ làm được”, “mặc dù tôi không giỏi về lĩnh vực này nhưng tôi đã cố gắng hết sức”, “tôi giỏi, tôi có khả năng, tôi viết rất tốt”...

Chúng ta đã dành nhiều thời gian và công sức để thuyết phục, an ủi người khác rằng họ giỏi, họ xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp. Nhưng chúng ta dường như quên mất chính mình cũng cần những điều đó.

Khi mình tham gia nhóm thiền buổi sáng, sau mỗi lần kết thúc buổi thiền, người hướng dẫn luôn nhắc nhở mọi người hãy gửi lời khen ngợi đến bản thân rằng hôm nay mình đã làm rất tốt. Cho dù cơn buồn ngủ ngăn cản mình đi chăng nữa, mình vẫn ngồi đến cuối buổi thiền và tự khen ngợi bản thân vì sự cố gắng này.

Tương tự như viết, bạn nên dành nhiều lời khen ngợi cho bản thân. Có như vậy, bạn mới loại bỏ được những tiếng nói nhỏ tiêu cực ấy ra khỏi đầu và tự tin tạo ra nhiều sản phẩm mới và chất lượng.

Gọi tên nỗi sợ nghi ngờ bản thân và đối diện với nó

Từ khi còn nhỏ, chúng ta thường nghe những lời quở trách, đánh phạt của bố mẹ vì sự yếu kém của bản thân. Dần dần, trong chúng ta hình thành nỗi sợ và cả thói quen chối bỏ những điểm yếu đó.

Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Chỉ khi biết rõ cả điểm mạnh và điểm yếu, bạn mới có đủ tự tin "tung hoành" trong một nghề nghiệp hoặc lĩnh vực nào đó. Điểm mạnh chính là điều khích lệ bạn đi xa hơn trong nghề. Còn điểm yếu giúp bạn có thêm động lực để trau dồi, đầu tư kiến thức vào đó và biến nó thành điểm mạnh của mình. Tất cả những gì bạn làm hôm nay, bạn sẽ nhận lại xứng đáng vào ngày mai. Không ai sinh ra đã hoàn hảo mà luôn tồn tại điểm mạnh, điểm yếu. Vấn đề là bạn có biết nêu tên và dám đối diện với những điểm yếu đó hay không mà thôi.

Ví dụ, bạn có ý định viết một ebook về thị trường ngách đang theo đuổi, nhưng nỗi sợ nghi ngờ bản thân ngăn cản bạn thực hiện mục tiêu đó. Lúc này, chỉ cần bạn thay đổi suy nghĩ, rằng có người đang chờ đợi cuốn ebook của bạn ra mắt, nhờ cuốn ebook ấy, cuộc sống, công việc của họ sẽ thay đổi rất nhiều. Suy nghĩ này sẽ giúp bạn có đủ tự tin để xuất bản cuốn ebook.

Ngưng so sánh với người khác

Nguồn: Freepik

Vào những ngày mà sự nghi ngờ bản thân bắt đầu len lỏi vào tâm trí của bạn, hãy ngay lập tức lên kế hoạch và bắt tay vào công việc. Bạn càng để bản thân có nhiều thời gian rảnh, bạn càng dễ rơi vào sự so sánh với người khác. Khi đó bạn khó lòng tập trung vào công việc.

Hiện nay, với sự bùng nổ của mạng xã hội, chúng ta càng dễ rơi vào tình trạng này. Chỉ một cái lướt tay và chạm nhẹ, bạn cập nhật được hết tình hình công việc cũng như cuộc sống của người xung quanh. Những thành tích, thành công, thành đạt của người khác mỗi ngày đập vào mắt bạn.

Nhưng bạn biết không, mỗi tấm hình bạn xem đã được chọn lọc rất kỹ từ vô số những tấm hỏng khác và nó không bao giờ thể hiện được hết cuộc sống của một con người. Kể cả khi bạn nhìn thấy thành công của người khác, bạn cũng không biết được người ta đã phải trải qua những gì để có được ngày hôm nay. Con người thích thú trong việc chia sẻ những thành công nhưng ít khi họ để cho người khác biết họ đã gặp khó khăn gì trong quá trình đạt được thành công đó. Chưa kể, mỗi người có một xuất phát điểm, hoàn cảnh, năng lực, cơ hội (và cả may mắn) khác nhau.

Vì vậy, bạn nên ngừng so sánh và tin tưởng vào bản thân. Con đường bạn đang đi, cho dù gập ghềnh chông gai thế nào cũng sẽ dẫn bạn đến nơi mình muốn, nếu bạn đủ kiên trì. Hãy tin tưởng điều đó bằng cả trái tim.

Để ngừng thói quen so sánh, bạn cần thời gian. Lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy chán nản, nhưng hãy bình tĩnh và kiên nhẫn với bản thân, đừng hà khắc với chính mình.

Tự ăn mừng những kết quả nhỏ

Chúng ta thường ăn mừng khi đạt được thành tựu nào đó to lớn. Còn những kết quả nhỏ, chúng ta cho rằng đạt được là điều hiển nhiên nên bỏ qua nó. Nhưng thực tế, dù là thành tựu nhỏ thì đó cũng là một hành trình của sự nỗ lực. Và nó xứng đáng để bạn ghi nhận.

Hơn nữa, bằng việc ăn mừng những kết quả nhỏ, bạn củng cố thêm niềm tin vào bản thân, từng bước đẩy lùi sự nghi ngờ về mình.

Những kết quả nhỏ ấy có thể là bạn đã hoàn thành xong danh sách việc cần làm hôm nay, làm được cam kết viết hai bài mới trên blog mỗi tuần...

Tìm một người dẫn đường

Nếu bạn vẫn luôn cảm thấy lạc lối và không tự tin vào mình, hãy tìm một người hướng dẫn. Người này không chỉ người giúp bạn cải thiện kỹ năng mà còn mang đến cho bạn sự tự tin và những điều tích cực. Họ cổ vũ bạn những lúc bạn gặp khó khăn, giúp bạn nhìn ra đâu là điểm yếu của bản thân và học cách vượt qua nó.

Trước khi bắt đầu vào nghề viết, mình đã rất tự ti về khả năng của bản thân. Mình luôn nghĩ viết văn hay là khả năng bẩm sinh chứ không phải do luyện tập mà có. Ngoài ra, mình cũng không biết làm cách nào để từ một “ma mới” có thể tự tin bước chân vào nghề. Do đó, mình quyết định đi tìm thầy. May mắn thay, mình tìm thấy khóa coaching 1:1 của chị Linh Phan - một tác giả sách và cũng là huấn luyện viết chuyên nghiệp. Từ đó, mọi định kiến, sự nghi hoặc về khả năng của bản thân đã biến mất, mình tự tin hơn khi viết bài, đăng bài và sống tốt với nghề.

Bạn đã từng nghi ngờ bản thân chưa? Và bạn đã vượt qua nó như thế nào? Cùng chia sẻ cho mình cho mình biết nhé

Nguồn: Nghi ngờ bản thân: nỗi sợ mà mọi người viết từng trải qua (kèm hướng dẫn cách giải quyết)