Marketer Brandsketer Việt Nam
Brandsketer Việt Nam

Admin @ Brandsketer Việt Nam

Các bước setup cơ bản GG Ads để “nhắm” đúng mục tiêu không phải ai cũng biết (P2)

Ở bài viết lần trước, mình đã hướng dẫn bạn cách set up chiến dịch quảng cáo cơ bản trên Google. Còn trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ tiếp tục hướng dẫn bạn các set up nâng cao nhằm tối ưu chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất.

I. Các loại đối sánh của từ khoá

​Google hiện tại có 4 loại “đối sánh chính” và 1 đối sánh mở rộng. Mỗi loại sẽ có những chức năng khác nhau. Tùy vào nhu cầu và ngân sách mà bạn lựa chọn loại đối sánh phù hợp. Ở đây, mình sẽ nói đến ưu và nhược của từng loại để các bạn dễ dàng sử dụng.

1. Đối sánh rộng

Khi để mặc định đối sánh mà không chỉnh sửa thì Google sẽ mặc định từ khóa của bạn là loại “đối sánh rộng”

Ưu điểm: Là loại tuyệt vời nhất dùng để quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm,… Vì nó cho phép tiếp cận được rất nhiều khách hàng

Nhược điểm: Cực kì tốn kém ngân sách

Ví dụ: Bạn đang kinh doanh mỹ phẩm và đang cần chạy từ khóa “sữa rửa mặt Hàn Quốc”. Khi bạn chọn đối sánh rộng thì khách chỉ cần gõ bất kì từ nào có trong cụm từ của bạn hoặc từ đồng nghĩa đều ra quảng cáo. Vì vậy, quảng cáo này làm tốt việc nhận diện sản phẩm nhưng đồng thời sẽ “ngốn” của bạn một khoản tiền lớn.

Lời khuyên: Chỉ khi tiền đối với bạn là “không thành vấn đề” và muốn marketing “mạnh” thì mới nên dùng loại đối sánh này.

2. Đối sánh cụm từ

“Đối sánh cụm từ” được nhiều người sử dụng nhất với những lý do sau:

- Giá tương đối dễ chịu, không cao như “đối sánh rộng”

- Khách hàng phải gõ đúng “cụm từ” của bạn và có thể “thêm từ”, “viết hoa hoặc viết thường” nhưng không làm thay đổi nghĩa cụm từ.

Ví dụ: bạn chọn cụm từ khóa “sữa rửa mặt Hàn Quốc”.

Khách tìm kiếm những cụm từ tương tự như sau sẽ ra quảng cáo của bạn: mua “sữa rửa mặt Hàn Quốc” ở đâu, “sữa rửa mặt Hàn Quốc” giá rẻ, “sữa rửa mặt Hàn Quốc” nào tốt, ….

Lời khuyên: Đây là loại đối sánh dành cho những ai có ngân sách “hạn hẹp” vì mức độ tìm kiếm chính xác sản phẩm cũng tương đối cao.

3. Đối sánh chính xác

Là loại đối sánh cho phép quảng cáo của bạn hiển thị chính xác nhất, đúng khách hàng nhất. Tuy nhiên khách hàng buộc phải tìm đúng “chính xác cụm từ” của bạn chọn và không được thêm bớt từ

Ví dụ: “sữa sửa mặt Hàn Quốc”

Hiển thị: sữa rửa mặt Hàn Quốc, sua rua mat Han Quoc

Lời khuyên: Là loại đối sánh có thể nói là rẻ nhất trong các loại đối sánh trên nhưng yêu cầu khách hàng phải tìm kiếm từ khóa đúng với từ mà bạn đã chọn.

4. Đối sánh phủ định

Đây là cách loại trừ hiển thị quảng cáo cho “từ” mà bạn chọn

Ví dụ: Mình bán sữa sửa mặt Hàn Quốc chính hãng, không fake, không xách tay, không rẻ

Vì vậy mình sẽ loại trừ những từ: “fake”, “xách tay”, “rẻ”

Lời khuyên: Loại đối sánh này các bạn nên dùng khi bán 1 loại sản phẩm để tiết kiệm chi phí quảng cáo tối đa.

5. Đối sánh sửa đổi đối sánh rộng

Loại này dùng tương tự như “đối sánh cụm từ” nhưng bạn có thể thay đổi vị trí của các từ trong cụm từ mà bạn đã chọn

Ví dụ: +sữa +rửa mặt +Hàn Quốc

Nơi mua sữa rửa mặt Hàn Quốc chính hãng, sữa rửa mặt Laneige Hàn Quốc có tốt không

Lời khuyên: Loại này mình hay sử dụng nhất vì hành vi tìm kiếm của khách hàng rất nhiều nên loại đối sánh này tiếp cận được nhiều khách hàng nhất nhưng nghĩa lại ít thay đổi.

Tham khảo thêm khóa học quảng cáo Google tại đây

II. Địa điểm hiển thị Quảng cáo

​Bạn sẽ set up quảng cáo hiển thị cho những người tìm kiếm đang sinh sống ở khu vực nào hoặc loại trừ họ ra không cho tìm kiếm quảng cáo của bạn.

Ví dụ: Mình chỉ quảng cáo ở Hồ Chí Minh và loại trừ tìm kiếm ở Cần Thơ.

III. Thời gian Quảng cáo hiển thị

Bạn sẽ set up được thời gian quảng cáo hiển thị ngày nào và từ mấy giờ đên mấy giờ.

IV. Thiết bị hiển thị

Đây là phần bạn set up quảng cáo của bạn khi khách hàng tìm kiếm sẽ hiển thị trên thiết bị nào.

​Google hiện tại có 3 loại cho các bạn lựa chọn là “Máy tính”, “Điện thoại di động” và “Máy tính bảng”. Tùy sản phẩm và nhu cầu mà bạn có thể tăng, giảm hoặc tắt hẳn thiết bị để tối ưu chiến dịch.

V. Đối tượng và nhân khẩu học

​Rút ra từ những chiến dịch trước, ở 2 phần này mình để nguyên không chỉnh sửa gì cả. Không giống như quảng cáo trên Facebook bạn có thể set được độ tuổi, giới tính hoặc sở thích của khách hàng. Nhưng đối với Google khách hàng tìm kiếm trên mạng. Do đó, bạn không thể biết được chính xác họ là nam hay nữ, độ tuổi bao nhiêu và sở thích, hành vi của họ là gì. Do đó, bạn chỉ nên khi set nếu chắc chắn nhắm được khách của bạn họ là ai. Còn không cứ để y nguyên như mình, kết quả chạy quảng cáo vẫn rất ổn.

VI. Tổng kết

Trên đây là 5 cách set up quảng cáo Google nâng cao mà mình đúc kết được trong suốt một quá trình dài chạy quảng cáo. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn trong việc set up quảng cáo trên Google.

Sau bài viết này, mình còn một phần cuối trong chuỗi các cách set up chiến dịch quảng cáo Google. Đó chính là phần “mở rộng quảng cáo” mà mình sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo. Hẹn gặp lại các bạn với nhiều điều thú vị và hay ho nhất!

Thanh Phong/ Ngọc Anh - Từ Brandsketer Việt Nam