Hội thảo “Cơ hội và giải pháp cho ngành du lịch và F&B” mang đến những điều gì?

Nằm trong khuôn khổ sự kiện TECHFEST 2021, hội thảo trực tuyến “Cơ hội và giải pháp cho ngành du lịch và F&B” được tổ chức bởi Làng Công nghệ du lịch ẩm thực và nông nghiệp bản địa diễn ra vào ngày 26/11 vừa qua đã mang đến những tham luận về chiến lược và xu hướng đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế chuyển đổi số để từ đó, ngành du lịch và F&B có thể tái cấu trúc và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Các diễn giả trong sự kiện (từ trái qua phải): Ông Đỗ Duy Thành, Ông Ngô Minh Đức, Ông Lý Đình Quân, Ông Lê Tân, Bà Phạm Thị Thu Hằng

Chiến lược bứt phá ngành F&B trong thời đại công nghệ số

Mở đầu buổi hội thảo, ông Lê Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực cho rằng “Cách cửa này đóng lại chắc hẳn có cánh cửa khác mở ra”, cho dù đang bị khó khăn, khủng hoảng nhưng với tài năng của doanh nghiệp, hậu dịch ngành F&B sẽ thành cánh chim đầu đàn để phát triển xã hội. Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá trong thời kỳ phát triển mới, chính phủ cần trao cho doanh nghiệp F&B “cần câu” - là chiến lược, giải pháp để nhanh chóng thích ứng. Các doanh nghiệp cũng cần can đảm thích nghi, không mơ tưởng.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Nhiều đơn vị F&B không còn khả năng kinh doanh, làm xã hội chậm lại bởi có nhu cầu nhưng không có nguồn cung, vì thế việc hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng tư duy thay đổi chiến lược chuyển qua công nghệ thông tin và tập trung vào sự thiết yếu trong sản phẩm có thể giúp họ cùng vượt qua thời điểm khó khăn này. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể ứng dụng một số kinh nghiệm sau cho chiến lược phát triển của mình:

  • Thay đổi mô hình nhà hàng (kết nối các nhà hàng, thu nhỏ mô hình,kinh doanh online..)

  • Nhà nước là cầu nối và bệ đỡ giúp các doanh nghiệp sống lại. Do đó, chính phủ cần tạo ra 3V - “Vốn - vay - việc” nhằm hỗ trợ đầu tư, tái đầu tư trong bình thường mới.

  • Tận dụng cơ hội cho mình dù chỉ là nhỏ nhất vì nó sẽ không đến lần thứ hai.

Tối ưu Thương mại Điện tử trong ngành F&B

Quá trình tối ưu bán hàng trên sàn Quick-Commerce

Lấy ví dụ về kinh nghiệm của Cơm gà xối mỡ 142 trong bài tham luận thứ 2, ông Đỗ Duy Thành - Founder & CEO F&B Director Co. Ltd đã chia sẻ các phương pháp mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để tối ưu hóa bán hàng trên sàn Quick-Commerce:

Tối ưu hóa concept thực đơn, đặc biệt chú trọng vào những món ăn có độ phổ biến cao, có thể sử dụng với tần suất hàng ngày và có giá cả phù hợp với khách hàng ở từng khu vực và dịp ăn uống khác nhau. Với những “sản phẩm” mới, các doanh nghiệp F&B nên chuẩn bị một chiến dịch dùng thử với quy mô lớn trên app, ví dụ như 1000 phân giá 0đ, Mua 1 tặng 1, giảm 50%...

Vị trí (Location) là một trong những yêu cầu quan trọng nhất giúp cửa hàng của bạn hiển thị trước mặt khách hàng. Về yếu tố này, các doanh nghiệp nên đảm bảo thời gian giao hàng tối ưu nhất là dưới 15 phút cho một sản phẩm ăn uống và lưu ý 3km/ cửa hàng là tạo ưu thế tuyệt đối cho các chuỗi.

Các doanh nghiệp F&B cần xây dựng danh tiếng thương hiệu trên app (Brand building) với những thông tin và hình ảnh chuyên nghiệp, hấp dẫn; số lượng đơn hàng và danh tiếng của doanh nghiệp trên app thông qua review marketing.

Triển khai các chương trình kích thích bán hàng (sales promotion) dưới hình thức ghép combo thống nhất giữa online/offline vì combo luôn mang ưu đãi 10-30% so với mua lẻ, áp dụng các mã freeship trong các đơn hàng vì đây là một trong những yêu cầu quan trọng từ khách hàng.

Xây dựng trải nghiệm khách hàng bằng cách thay đổi bao bì sản phẩm chuyên nghiệp, tạo dấu ấn đặc biệt ở các món ăn, cung cấp các voucher/ưu đãi và các quà tặng mang tính thời vụ vào các sự kiện trong năm hoặc hướng đến những khách hàng trung thành để khuyến khích họ tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Kết nối hai phương thức online và offline bằng việc luôn để logo của app giao hàng tại những địa điểm dễ thấy ở các cửa hàng và đính kèm các thông tin giao hàng tận nơi qua các kênh đặt hàng trực tuyến với mục đích gia tăng tần suất sử dụng sản phẩm và tạo điều kiện để khách hàng có thể lựa chọn cách trải nghiệm phù hợp.

Đổi mới sáng tạo trong ngành hoạt động truyền thông tiếp thị Du lịch và Lữ hành

Trong phiên tham luận thứ 3 tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BambuUP đã mang đến những cái nhìn mới về ngành du lịch trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, theo bà Hằng, ngành du lịch sẽ tăng trưởng trở lại khi nhu cầu du lịch hậu đại dịch tăng cao kéo theo sự cạnh tranh cao của các địa điểm du lịch để bù cho những tổn thất trong đại dịch đồng thời đón nhận những xu thế mới, đặc biệt khi các khách hàng ở thế hệ millennials và genZ là những đối tượng có yêu cầu cao và đang thống trị các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay.

Nhìn ở góc độ truyền thông, bà Hằng cho rằng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch hiện nay sẽ chú trọng vào hai vấn đề:

Về sản phẩm

Tác động của đại dịch sẽ kéo theo những nhu cầu rất khác biệt và đổi mới trong những nhóm khách hàng trẻ hậu đại dịch Covid19. Hiện nay, ngành du lịch trên thế giới đang có ba nhóm sản phẩm nổi lên:

Du lịch khám phá (Exploratory): Song song với nhu cầu về tiện nghi, khách du lịch ưa thích những vùng đất còn ít được khám phá, nơi con người giao hòa với thiên nhiên. Trong 2 năm vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19, các chính sách cách ly và giãn cách bắt buộc phải áp dụng tại Việt Nam và các quốc gia khác khiến con người bị bó buộc. Chính vì vậy, bước vào trạng thái “Bình thường mới”, việc con người mong muốn được đi du lịch và khám phá đã tạo lên những làn sóng du lịch tại Việt Nam. Đây là một trong ba xu hướng chủ đạo giúp doanh nghiệp kiến thiết các sản phẩm dịch vụ du lịch của mình để đáp ứng mong muốn du lịch của đối tượng mới.

Những người du lịch có nhận thức sâu sắc (Discerning): Xu hướng du lịch cho những người coi trọng những yếu tố của cộng đồng như phát triển bền vững, những đóng góp cho cộng đồng… bên cạnh các địa điểm tham quan.

Du lịch liên quan đến yếu tố kết nối con người (Human - oriented): Trước xu hướng quan tâm đến yếu tố kết nối con người, đây là nhóm sản phẩm du lịch có sự tăng trưởng sau đại dịch. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch kết nối đã được các doanh nghiệp phát triển, có thể kể đến:

  • Du lịch thăm quan: tham quan những chiến tích, nơi có bề sâu về văn hóa lịch sử

  • Du lịch tình nguyện: du lịch có sự tương tác, giao lưu với người bản địa

  • Du lịch hòa bình: những địa điểm khiến người ta cảm thấy xoa dịu tâm hồn sau mất mát do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Về truyền thông tiếp thị:

Tạo đột phá trong các hoạt động truyền thông của lĩnh vực du lịch và F&B

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần có một chiến lược nội dung đầy đủ, được điều chỉnh và đầu tư về công tác hình ảnh, tiếp thị để từ đó tiếp cận các nhóm đối tượng khách du lịch, đặc biệt là thế hệ millennials và genZ, đáp ứng đúng nhu cầu, mong đợi của khách du lịch hậu đại dịch.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược đa kênh truyền thông để tạo ảnh hưởng đến đối tượng mục tiêu và thúc đẩy các thông điệp của sản phẩm. Các kênh truyền thông được chú trọng hiện nay có thể kể đến các mạng xã hội, báo online, các trang review du lịch, hợp tác với các KOL…

Thứ ba, các chiến lược phối hợp kênh digital marketing như CRM, automation marketing, các hệ thống email, tin nhắn tiếp cận tự động đến khách hàng mục tiêu, chatbot để tạo sự đột phá và phù hợp với các xu hướng tiếp thị hiện nay.

-------------------

Phiên bản thứ nhất (v1.0) của Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” đã được ra mắt với 2 nội dung chính:

  • Các xu hướng đổi mới sáng tạo được dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai.

  • Bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đăng ký đọc bản thứ nhất ngay tại: https://bambuup.com/.

Truy cập fanpage của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”: https://www.facebook.com/bambuupnetwork.

Ghi danh vào báo cáo Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” chỉ trong 1 phút tại: http://ldp.to/dki-landscape.