Cách Viết Blog Post “Chuẩn SEO” Và Chạm Đến Trái Tim Độc Giả (+Blog Post Checklist)

“Em đã đọc hầu hết các bài viết của chị trên blog, em rất thích lối viết của chị, rõ ràng dễ hiểu nhưng không hề nhàm chán.”

“Khi mình đọc các bài viết của chị, mình đều thấy có sự đồng cảm và thích cách viết của chị.”

“Chị rất ấn tượng về những bài viết chân tình, gần gũi của em. Đặc biệt, một số chia sẻ thực sự đã “chạm” vào bên trong tâm hồn chị, khiến chị đồng cảm sâu sắc.”

“Do đồng điệu với những lời chị chia sẻ trên podcast của chị nên mình đã tìm đến blog The Introvert Writer.”

Đây là một vài nhận xét tôi có được sau khi đăng tải gần 70 bài viết trên The Introvert Writer trong suốt 8 tháng qua*.

Nhiều độc giả tham dự tư vấn 1:1 thường hỏi tôi về cách viết blog. Phần lớn mọi người đều muốn biết làm sao để viết đơn giản, dễ hiểu tạo được sự đồng cảm nơi độc giả mà vẫn tối ưu với công cụ tìm kiếm.

Tôi chẳng có bí quyết gì và thực sự vẫn thấy bản thân vẫn còn nhiều thiếu sót trong viết lách. Tuy nhiên, những lời nhận xét có cánh của độc giả đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh và tự tin để cho ra đời bài viết này.

Nếu bạn cũng tò mò về cách viết blog post mang đậm dấu ấn cá nhân, tạo được sự đồng cảm sâu sắc với độc giả mà vẫn “chuẩn SEO”, mời bạn dừng chân đôi chút để cùng “đọc chậm” bài viết này nhé!

Blog post là gì?

“A blog post is any article, news piece, or guide that’s published in the blog section of a website. A blog post typically covers a specific topic or query, is educational in nature, ranges from 600 to 2,000+ words, and contains other media types such as images, videos, infographics, and interactive charts.”

Hubspot

Blog post (bài đăng trên blog) là bất kỳ bài báo, mẩu tin tức hoặc hướng dẫn nào được xuất bản trong phần blog của một trang web. Một bài đăng trên blog thường nói về một chủ đề hoặc thắc mắc cụ thể có tính giáo dục nào đó. Nội dung của blog post thường nằm trong khoảng từ 600 đến hơn 2.000 từ. Kèm theo đó là hình ảnh, video, infographic, biểu đồ hoặc các phương thức biểu đạt khác có thể.

Bài đăng blog chia sẻ thông tin, cách nhìn, cảm nghĩ hay câu chuyện về tất cả những chủ đề mà website muốn hướng tới. Nhờ blog post, lưu lượng truy cập có thể tăng lên đáng kể, giúp gia tăng nhận diện thương hiệu, xây dựng được niềm tin nơi độc giả, khách hàng, quảng bá sản phẩm dịch vụ đến một bộ phận rộng rãi người dùng và tạo ra doanh thu.

Cũng theo trang Hubspot, 6 loại blog post phổ biến nhất có thể kể đến:

The “How-To” Post

Bài đăng dạng “Làm thế nào để…”, giải thích từng bước cách thức để làm một việc gì đó. Bài viết cũng cho người đọc công cụ hoặc hướng dẫn để họ có thể thực hiện hiệu quả.

Ví dụ: Tự Tin Tạo Blog Cá Nhân Dù Không Biết Code Với 8 Bước Đơn Giản

The List-Based Post

Bài đăng dạng liệt kê, thường sẽ chia nhỏ các bước hoặc các vấn đề để bạn có thể thực hiện một điều gì đó. Thương dạng này rất đơn giản, nhắm trúng vào vấn đề và hiệu quả.

Ví dụ: 15+ Ý Tưởng Nghề Tay Trái Giúp Gia Tăng Thu Nhập Năm 2021

The “What Is” Post

Bài văn giải thích khái niệm với mục đích thông tin và chia sẻ kiến thức về một vấn đề cụ thể nào đó.

Ví dụ: Tự Nhận Thức – Một Trong Những Kỹ Năng Quan Trọng Nhất Để Thành Công

The Pillar Page Post (“Ultimate Guide”)

Bài đăng “trang trụ cột” (Dạng hướng dẫn toàn tập để làm điều gì đó). Thường là một bài báo dài, đi sâu về một chủ đề nào đó, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, có ví dụ và quy trình cùng nhiều thông tin hữu ích khác.

Ví dụ: Tất Cả Những Điều Bạn Cần Biết Về Xây Dựng Thương Hiệu Cá Nhân

The Newsjacking Post

Bài đăng “bắt trend”, “ăn theo” được tận dụng nhiều để quảng cáo sản phẩm. Ví dụ như ăn theo chiến thắng của đội tuyển Việt Nam hay trend “cô Ba Sài Gòn”

The Infographic Post

Bài đăng có nội dung được trình bày bằng đồ họa

Ví dụ: Content Creator 101: Tôi Muốn Trở Thành Content Creator

Tham khảo: 6 mẫu blog post miễn phí từ Hubspot.

Thế nào là một “good blog post”?

Mỗi người sẽ có một quan điểm thế nào là một bài đăng tốt không giống nhau. Trong bài viết này, tôi muốn đưa ra quan điểm về một bài blog tốt dựa trên trải nghiệm, suy nghĩ và sự nghiên cứu của bản thân.

  • Đơn giản, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu đến mức một cậu bé/cô bé 14 tuổi cũng có thể hiểu điều bạn muốn nói.
  • Giải quyết “nỗi đau” của một đối tượng cụ thể. Không chỉ đơn giản cho họ câu trả lời mà còn gợi ý hành động cụ thể để họ thực hiện giải quyết vấn đề.
  • Thu hút độc giả. Có thể đó là một tiêu đề bắt tai, một câu chuyện làm họ không thể rời mắt, một điều gì đó có tính chất giải trí hay một lời kêu gọi hành động mà họ không thể từ chối.

Cách viết blog post hiệu quả

Chọn chủ đề tiềm năng

Chủ đề tiềm năng có thể là sự giao thoa giữa điều bạn quan tâm, yêu thích và điều độc giả cần/muốn. Dù đúng là chúng ta cần quan tâm đến độc giả đầu tiên, nhưng nếu viết về một chủ đề mà bản thân không có chút hứng thú nào, có lẽ bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành một bài viết có sức “chạm” đối với độc giả.

Nếu là một người viết cho khách hàng thì không phải lúc nào bạn cũng có quyền được lựa chọn. Tuy nhiên, bạn có thể nhìn nhận vấn đề theo những hướng khác. Tiếp cận vấn đề ở những khía cạnh khiến bản thân thấy tò mò hoặc thích thú về chủ đề bạn phải viết là một cách.

Ví dụ, nếu phải viết về nội thất nhưng không có hứng thú và kinh nghiệm gì về chủ đề này, nhưng bạn lại quan tâm đến chủ nghĩa tối giản, bạn có thể lên ý tưởng bài viết kết hợp hai khía cạnh này với nhau.

Tham khảo: Sử dụng những công cụ blog topic generators để lên ý tưởng cho bài đăng blog.

Lên kế hoạch nội dung

Kế hoạch nội dung là một sự chuẩn bị tuyệt vời giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Trước đây, tôi muốn viết về rất nhiều chủ đề nhưng không có kế hoạch sắp xếp một cách cụ thể mà chỉ thích gì viết đấy. Ban đầu thì cũng không có vấn đề gì quá lớn. Nhưng sau khi đã đi được một thời gian, bạn có thể thấy đây là cách làm khá tủn mủn, manh mún.

Kế hoạch nội dung mang đến một bức tranh tổng thể hướng đến mục tiêu. Xác định kế hoạch nội dung xoay quanh bốn chủ để chính (Hiểu về bản thân, Phát triển bản thân, Làm việc hiệu quả và Sống đời mơ ước), khiến tôi nghĩ sâu hơn và có thêm nhiều ý tưởng nhỏ để củng cố nội dung cho chủ đề chính. Các bài blog post được lên kế hoạch chi tiết sẽ có sự liên kết với nhau chặt chẽ, giúp độc giả và Google hiểu được thông điệp chính tôi muốn truyền tải.

Ngoài ra, nếu quan tâm đến marketing, bạn sẽ hiểu rằng một kế hoạch nội dung tốt sẽ phục vụ từng giai đoạn trên hành trình của khách hàng (buyer journey). Không phải ai khi truy cập vào website của bạn cũng ngay lập tức mua hàng, họ cần có kiến thức, thông tin, sự tư vấn phù hợp với nhu cầu và cần được thuyết phục để hành động. Kế hoạch nội dung chính là một phần quan trọng quyết định sự thành công cho chiến dịch tiếp thị của bạn.

Bạn có thể suy nghĩ:

  • Bạn viết cho nhóm đối tượng nào? Tạo “topic cluster” – “cụm chủ đề” và các chủ đề con mà đối tượng bạn hướng đến sẽ quan tâm.
  • Câu hỏi mà bạn sẽ trả lời cho họ là gì? Tìm kiếm trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, trên Google những câu hỏi mà đối tượng của bạn thường quan tâm. Bạn cũng có thể yêu cầu độc giả gửi yêu cầu hoặc dựa trên comment, phản hồi của độc giả để có được những câu hỏi này. Nhiều ý tưởng bài viết của The Introvert Writer đến từ chính những comment hay phản hồi từ độc giả. Ví dụ: bài viết về mục đích sống, cách lập kế hoạch, quản lý thời gian hay đặt mục tiêu trong cuộc sống.
  • Brainstorm các ý tưởng, nghiên cứu từ khóa liên quan. Chọn ra những ý tưởng và từ khóa liên quan. Sử dụng các công cụ tìm kiếm từ khóa như Google Search Box, Google Keyword Planner, SEMrush, Moz Keyword Explorer, Ahrefs, KWfinder… Công cụ hiện tại tôi sử dụng là Keywordtool.io.

Nghiên cứu từ khóa

Nghiên cứu từ hoặc cụm từ mà bạn muốn chúng được xếp hạng bởi công cụ tìm kiếm của Google. Từ khóa này sẽ cần phải xuất hiện trong thẻ tiêu đề, tiêu đề bài viết và trong suốt bài blog post.

Nghiên cứu từ khóa là một bước quan trọng bạn không nên bỏ qua nếu muốn nhanh chóng có được lưu lượng truy cập từ Google. Một từ khóa có nhiều lượt tìm kiếm nhưng tính cạnh tranh thấp sẽ rất dễ lên top trong thời gian ngắn.

Nghiên cứu từ các chuyên gia SEO hàng đầu hiện nay như Neil Patel hay Brian Dean đều chỉ ra từ khóa là câu hỏi hoặc từ khóa dài (long tail keyword) là lý tưởng cho những người mới bắt đầu.

Bài viết đầu tiên trên The Introvert Writer tôi áp dụng SEO đó là bài viết “Đi tìm giá trị cốt lõi định nghĩa con người bạn”. Bài viết này tôi chọn từ khóa “giá trị cốt lõi của bản thân” với 260 lượt search và xu hướng tìm kiếm tăng 176%, độ khó của từ khóa dù chưa rõ (nhưng tôi đánh giá là rất dễ).

Bài viết này đã nhanh chóng leo lên vị trí đầu tiên trên trang tìm kiếm của Google cùng một vài từ khóa liên quan khác như “giá trị bản thân”, “giá trị con người”, “giá trị cốt lõi”,…đem về một lượng traffic ổn định cho website.

Đặt deadline cho bài viết

Có một deadline cụ thể sẽ khiến bạn làm việc năng suất hơn. Bạn có thể đặt ra deadline cho bài viết, hoặc deadline cho từng giai đoạn của bài viết như khi nào thì xong bản nháp, khi nào thì xong phần biên tập và ngày dự kiến xuất bản.

Lên outline cho blog

Sau khi quyết định chủ đề cho bài viết từ kế hoạch nội dung đã soạn sẵn, bạn cần lên outline cho bài viết. Nhiều người có thể viết luôn mà không có outline vì đã có sẵn định hướng trong đầu, hoặc vì tự tin vào khả năng của bản thân. Việc này tùy thuộc vào quyết định của bạn.

Tôi thường lên outline cho bài viết để viết nhanh hơn, trơn tru hơn và không bỏ sót những chi tiết quan trọng. Trình tự như sau:

  • Viết tiêu đề có chứa keyword (tạm thời)
  • Quyết định ý chính của bài viết, phân loại theo H2, H3,…
  • Trong mỗi thẻ H2, H3, đặt các từ khóa phụ liên quan hoặc ý tưởng/câu chuyện đặc biệt muốn nhắc đến (một cách tóm tắt nhất)
  • Nếu có tài liệu miễn phí đi kèm blog, thêm một dòng “call to action” tại nơi bạn muốn để nhắc nhở bản thân chuyển ý nhịp nhàng và kêu gọi hành động từ độc giả.

Viết nháp

Mỗi người sẽ những cách viết khác nhau. Có người viết nháp xong rồi mới biên tập. Có người thì lại vừa viết vừa edit. Tôi đã thử cả hai cách này. Với cách đầu tiên, bạn sẽ dễ viết theo cảm hứng và không bị phân tâm. Tuy nhiên phần edit sau này có thể mất nhiều thời gian hơn một chút vì đôi khi tôi nổi hứng và viết lan man khá nhiều. Đến khi biên tập, có khi tôi phải bỏ cả đoạn đó, hoặc vài đoạn để viết lại.

Vừa viết vừa edit thì dễ khiến bạn phân tâm và có thể quên mất ý tưởng thú vị nào đó chợt lóe lên trong đầu. Ưu điểm của cách này là việc chọn lọc và sắp xếp câu văn sẽ khiến bạn không lan man quá đà ra khỏi khuôn mẫu ban đầu.

Dù lựa chọn cách nào, hãy bảo đảm rằng mình cảm thấy thoải mái với việc đó, Đồng thời bạn cũng nên đo lường hiệu suất làm việc của mình để biết được cách nào thực sự mang lại hiệu quả trong công việc.

Viết từ trái tim

Viết từ trái tim, bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm chân thực của bản thân là một cách rất hiệu quả để có được sự đồng cảm từ độc giả. Họ có thể cảm nhận rất rõ tấm chân tình của bạn thể hiện qua từng câu, từng chữ trong bài viết của bạn.

Viết như bạn nói

Viết như khi bạn nói, như khi bạn thủ thỉ tâm tình với người bạn tri kỷ sẽ khiến bài viết của bạn trở nên gần gũi và nhanh chóng chiếm được cảm tình từ người đọc.

Biên tập bài viết

Biên tập (Edit) là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình viết. Một văn bản thô có thể được gọt giũa trở thành một viên ngọc sáng bóng đầy giá trị sau khi trải qua quá trình biên tập cẩn thận, tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Một vài tips nhỏ dành cho công đoạn biên tập:

  • Đọc to văn bản
    Đọc to văn bản sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện ra những đoạn trúc trắc, tối nghĩa và cả những lỗi chính tả trong văn bản.
  • Rút gọn câu văn dài
    Câu văn quá dài nên được tách ra thành hai, ba câu ngắn.
  • Sử dụng câu chủ động
    Câu chủ động giúp mọi người dễ hiểu hơn.
  • Loại bỏ từ thừa
  • Dùng từ đơn giản
    Từ ngữ mang tính chất học thuật hoặc từ tiếng nước ngoài không thông dụng nên được dịch và giải thích cặn kẽ để đơn giản và dễ hiểu hơn.
  • Sử dụng đoạn văn ngắn
    Một đoạn văn chứa khoảng 2-3 câu được ngăn cách bởi những khoảng trắng giúp cho bài viết thoáng và dễ đọc.
  • Quy tắc 10% của Stephen King
    Cắt 10% bản nháp đầu tiên khi biên tập.
  • Hướng tới độc giả
    Luôn nhớ tới độc giả và đặt ra những câu hỏi như: Liệu độc giả sẽ nghĩ gì về đoạn này, họ có thể hiểu những gì mình viết, điều gì sẽ khiến họ hứng thú, cách viết nào làm họ dễ hiểu, dễ nhớ hơn?…
  • Sử dụng công cụ kiểm tra chính tả

Tối ưu bài viết cho SEO

Bạn có thể sử dụng các plugin hỗ trợ SEO để tối ưu bài viết của mình. Hiện tại, tôi sử dụng plugin Rank Math SEO Pro và rất hài lòng về plugin này.

Sử dụng dịch vụ làm blog trọn gói từ The Introvert Writer để được cài đặt Rank Math SEO Pro miễn phí.

Bạn sẽ cần thêm vào từ khóa, tùy biến thẻ tiêu đề, slug, meta description và featured image. Ngoài ra, bài viết cũng cần phải có từ 300 từ trở lên. Một bài viết có điểm SEO tốt sẽ có ít nhất 1000 từ.

Khi cài Rank Math SEO (hoặc Yoast SEO), plugin sẽ đưa ra gợi ý để bạn có thể tối ưu nội dung theo đó. Rất dễ dàng và tiện lợi. Bài viết có điểm SEO tốt sẽ có số điểm từ 81-100 (với Rank Math) và được hiển thị màu xanh lá (với Yoast).

Hit “Publish” – Đăng bài viết

Khi đã hoàn thiện bài viết, đừng chờ đợi bài viết phải hoàn hảo hay chờ đến bạn tự tin hơn để chia sẻ bài viết với người khác, hãy xuất bản nó ngay lập tức.

Một bài viết được xuất bản dù có vấp phải những ý kiến trái chiều, những nhận xét chưa tốt vẫn là một tài sản có giá trị. Vì bạn đã vượt qua được chính bản thân mình, đã có độc giả đọc bài viết của bạn, có người sẵn sàng để lại phản hồi. Quan trọng là, bạn sẽ biết mình cần gì và nên cố gắng thế nào để trở nên tốt hơn.

Chờ đợi mãi điều hoàn hảo, giống như “ôm cây đợi thỏ”, vì ngoài chờ đợi, bạn chẳng tạo ra được bước tiến nào trên hành trình khám phá thế giới của mình.

Quảng bá bài viết

Khi đã có những bài đăng chất lượng, hãy bắt đầu quảng bá cho sản phẩm của mình. Bạn có thể tham gia các mạng xã hội, kết nối với những blogger khác để xây dựng mối quan hệ, viết bài cho báo, bắt đầu thu thập danh sách email hoặc quảng cáo đa kênh (youtube hay podcast).

Dù cách bạn là gì, đừng chờ đợi độc giả tìm đến bài viết của bạn, hãy mang chúng đến trước những người cần đọc, như vậy mọi người mới có thể biết đến những bài viết chất lượng từ bạn.

Để kết thúc bài viết này, xin dành tặng các bạn độc giả của The Introvert Writer checklist hoàn toàn miễn phí hỗ trợ bạn viết một bài blog hoàn chỉnh.

Download checklist tại đây.