Tenmax: Meta thâu tóm Supernatural, Apple & Microsoft đua nhau vào kỷ nguyên metaverse, công bố Best Global Brands 2021

Tiêu điểm nổi bật: Meta thâu tóm Supernatural, Apple tung MR headset, Microsoft ra mắt Mesh for Microsoft Teams; TikTok, Instagram, Google đưa ra giải pháp tăng cường hiệu quả mua sắm cuối năm; Interbrand công bố bảng xếp hạng Best Global Brands 2021; Netflix lấn sân sang mảng game mobile, bị loại khỏi nhóm FAANG.

Làn sóng về kỷ nguyên vũ trụ ảo của các ông lớn công nghệ Meta, Apple và Microsoft

Vào cuối tháng 10, Facebook chính thức đổi tên công ty mẹ thành Meta, điều này đã dấy lên làn sóng về kỷ nguyên vũ trụ ảo – Metaverse. Ngoài Meta, các công ty khác như Apple, Microsoft cũng đã và đang có những động thái tiến tới kỷ nguyên mới này.

Gần đây, Meta tuyên bố mua lại ứng dụng tập gym Supernatural, được phát triển bởi công ty Within. Khi kết hợp sử dụng Supernatural với thiết bị VR headset của Meta gồm Oculus Quest và Quest 2, sẽ nâng cao trải nghiệm tập thể dục của người dùng và tạo ra nhu cầu của họ về vũ trụ ảo. Ngoài ra, Meta cũng lên kế hoạch tung ra sản phẩm mới Project Cambria vào năm sau, có thông tin cho rằng thiết bị mới này sẽ có vài tính năng đáng chú ý như biến người dùng trở thành một nhân vật ảo hoàn chỉnh, có thể duy trì giao tiếp bằng mắt, biểu đạt cảm xúc trên khuôn mặt một cách chân thực và suôn sẻ.

Supernatural – ứng dụng tập thể dục trong thế giới ảo nay đã thuộc về Meta
Nguổn: VR Fitness Insider

Dĩ nhiên “ông lớn” Apple không đứng ngoài cuộc. Theo nguồn tin của Bloomberg, nhanh nhất vào năm 2022, Apple sẽ tung ra sản phẩm MR (Mixed Reality) headset thực tế hỗn hợp, thiết bị kết hợp giữa thực tế ảo (VR – Virtual Reality) và thực tế tăng cường (AR – Augmented Reality). Sản phẩm được dự đoán có mức giá dao động trong khoảng 3.000 USD. Điều này được nhiều người đánh giá là yếu tố quan trọng của Apple khi gia nhập vào thế giới ảo.

MR headset được ví là tấm thẻ để Apple mở đường vào vũ trụ ảo
Nguồn: AppleInsider

Vào ngày 2/11 tại sự kiện thường niên Ignite, Microsoft thông báo kế hoạch tiến vào thế giới ảo. Cụ thể, năm 2022, hãng sẽ ra mắt “Mesh for Microsoft Teams” – kết hợp nền tảng trải nghiệm thực tế ảo Mesh và ứng dụng Teams, giúp doanh nghiệp tuỳ chỉnh không gian ảo phù hợp với các bối cảnh như buổi họp, giao lưu. Dĩ nhiên, Microsoft cũng sẽ tích hợp công nghệ vũ trụ ảo vào các dòng trò chơi Xbox của mình trong tương lai.

Mesh for Microsoft Teams dự kiến sẽ được tung ra vào năm sau
Nguồn: Microsoft

TikTok, Instagram, Google đưa ra giải pháp tăng cường hiệu quả mua sắm cuối năm

Theo báo cáo mới nhất của TikTok, 40% lượng người dùng trên nền tảng này đã tiếp xúc quảng cáo Black Friday và sau đó nhanh chóng chốt đơn các sản phẩm đang được ưu đãi trong quảng cáo đó; có đến 80% người dùng đồng ý rằng TikTok đã đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trong Black Friday.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng các mặt hàng như trò chơi, quà tặng, quần áo, sản phẩm chăm sóc cá nhân thông qua quảng cáo có thể tạo ra mức độ tương tác cao. Vào ngày 8/11, TikTok còn phát hành playbook TikTok’s 2021 Holiday Guide hỗ trợ các thương hiệu khi lên chiến lược tiếp thị trên TikTok.

Cuốn playbook cung cấp lịch trình tiếp thị, chiến lược quảng cáo, chất liệu quảng cáo đề xuất
Nguồn: TikTok

Vào cuối năm nay, Instagram (IG) đã hướng đến mảng Livestream Commerce thông qua việc giới thiệu một loạt hoạt động mua sắm trực tuyến tại Mỹ. IG sẽ hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng và những KOL có tầm ảnh hưởng để tung ra các chương trình khuyến mãi như giảm 20% cho đơn hàng đầu tiên và free shipping. Điều này cho thấy IG đang tích cực tập trung đẩy mạnh dịch vụ thương mại điện tử trên mạng xã hội (Social Commerce).

IG sẽ phát sóng các chương trình mua sắm trong hai tháng cuối năm, bao gồm các buổi livestream hàng tuần
Nguồn: Instagram

Vào năm ngoái, Google đã giới thiệu giải pháp Performance Max, cho phép các nhà quảng cáo truy cập vào tất cả inventory của Google Ads (YouTube, Display, Search, Discover, Gmail và Maps) trong cùng một chiến dịch. Hình thức này đã được Google thử nghiệm trong vòng một năm qua với mục tiêu tối ưu hoá các chiến dịch dựa trên từ khoá tìm kiếm (Keyword-based Search) và đã đạt được kết quả khả quan.

Vì vậy, kể từ ngày 2/11 Performance Max đã được triển khai cho tất cả nhà quảng cáo trên khắp thế giới. Performance Max hứa hẹn vào năm sau sẽ được cập nhật thêm mục Smart Shopping (chiến dịch mua sắm thông minh) và Local Campaigns (chiến dịch địa phương).

Performance Max hiện tại giúp nhà quảng cáo tăng cường tỷ lệ chuyển đổi trên các không gian và kênh quảng cáo của Google
Nguồn: Google Blog

Interbrand công bố bảng xếp hạng Best Global Brands 2021

Theo báo cáo của Interbrand – tổ chức xếp hạng thương hiệu toàn cầu, đã công bố danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2021. Những công ty được chọn buộc phải đáp ứng được tiêu chí cơ bản là hơn 30% doanh thu phải đến từ thị trường nước ngoài, sau đó sẽ dựa trên các yếu tố bao gồm báo cáo tài chính, năng lực cạnh tranh thị trường và đánh giá của người tiêu dùng để xác định thứ hạng.

Tổng giá trị của 100 thương hiệu năm nay đã tăng 15% từ 2,3 triệu USD (năm 2020) lên đến 2,6 triệu USD, điều này cho thấy thị trường toàn cầu đang dần phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19.

Top 20 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2021
Nguồn: Interbrand

Thứ hạng Top 10 thương hiệu không có gì thay đổi so với năm ngoái gồm: Apple, Amazon, Microsoft, Google, Samsung, Coca-Cola, Toyota, Mercedes, McDonald’s và Disney. Ngành công nghệ vẫn tiếp tục dẫn đầu so với các ngành khác, 3 “gã khổng lồ” đứng đầu bảng gồm Apple, Amazon và Microsoft chiếm 62,3% tổng giá trị của Top 10 thương hiệu.

Tesla được đánh giá là nhà vô địch thực sự trong năm nay
Nguồn: Interbrand

Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu của Tesla đã tăng vọt 184%, từ hạng 40 (năm 2020) lên hạng 14, cho thấy tiềm năng dồi dào của ngành công nghiệp xe điện và tầm ảnh hưởng của CEO Elon Musk. Ngoài ra, “gã khổng lồ” CRM Salesforce vào năm ngoái đã mua lại Slack với giá 27,7 tỉ USD, được xem là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của công ty này.

Netflix lấn sân sang mảng game mobile, bị loại khỏi nhóm FAANG

Netflix đã có một bước tiến lớn trong việc thâm nhập thị trường game mobile, khi gần đây liên tiếp tung ra các trò chơi trên hệ điều hành Google Android và Apple iOS. Để thu hút nhiều người dùng hơn, Netflix thậm chí khôi phục lại chức năng mua hàng trong ứng dụng của Apple và xuất bản 5 tựa game gồm Stranger Things: 1984, Stranger Things 3, Shooting Hoops, Teeter Up và Card Blast.

Mobile games – mô hình kinh doanh mới của Netflix
Nguồn: Netflix

Ông Jim Cramer – người dẫn chương trình nổi tiếng trên Mad Money của đài CNBC, đã chỉ ra rằng giá trị thị trường của Netflix đã thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu công nghệ nặng ký khác. Ông cũng là người đề cập đến cổ phiếu FAANG từ năm 2013, dùng để ám chỉ các công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.

FAANG là cụm từ viết tắt của Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google; nhưng vào cuối tháng 10 năm nay thì ông đã loại Netflix ra khỏi nhóm cổ phiếu FAANG; cụm từ này sau đó đã được chuyển thành MAMAA đại diện cho Meta (công ty mẹ của Facebook), Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon và Apple.

* Nguồn: TenMax (Tổng hợp)