Bạn có muốn thử thách bản thân tại MoMo?

Được xem là một trong những biểu tượng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói chung và Fintech – ví điện tử nói riêng, nguồn động lực nào đã giúp MoMo vượt qua thách thức thay đổi thói quen của người dùng và đạt được thành công chỉ trong hơn một thập niên?

Đối với hầu hết các marketer trẻ, đặc biệt là Gen Z – một thế hệ “tech-savvy” – những người hiểu biết về công nghệ, MoMo sẽ là một trong những cái tên nằm trong danh sách công ty bạn nên ứng tuyển. Hãy ghi chú, đào sâu thông tin trong bài viết này để sẵn sàng đi đến vòng phỏng vấn cuối cùng.

Lưu ý: Phần nhận định chiến lược marketing cũng như môi trường làm việc là sự tổng hợp và nhận xét mang tính cá nhân. Vui lòng tìm hiểu sâu hơn tại website của MoMo hoặc để lại câu hỏi trong phần bình luận bên dưới.

Mảnh đất màu mỡ mang tên “ví điện tử”

Tốc độ tăng trưởng của ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng nhanh những năm gần đây và càng được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi xảy ra dịch COVID-19. Ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thanh toán qua ví điện tử bởi tính tiện lợi, bảo mật và nhiều ưu đãi. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng đầu năm 2021 ghi nhận hơn 200 triệu giao dịch qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77,7 nghìn tỉ đồng. Giá trị giao dịch trên ví điện tử tuy chưa bằng giao dịch của ngân hàng, nhưng số lượt giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương ngân hàng.

Theo báo cáo thường niên của We are social, tỷ lệ sử dụng smartphone của độ tuổi từ 16-64 đạt gần 97%. Điều này có nghĩa là gần như bất cứ ai đủ điều kiện để mở một tài khoản ngân hàng đều sử dụng điện thoại thông minh. Trong số đó, có đến 33% sử dụng dịch vụ thanh toán trên di động. MoMo dẫn đầu tại thị trường Việt Nam khi đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất, đứng đầu trong các ứng dụng ví điện tử.

Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ tiếp cận với ngân hàng thấp nhất thế giới, với 69% tổng dân số không được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc tổ chức tài chính tương tự, theo dữ liệu từ Merchant Machine của Anh. Tỷ lệ tiếp cận hệ thống ngân hàng truyền thống thấp, cùng với lượng lớn người tiêu dùng trẻ đã mang đến cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số (Fintech) cơ hội tham gia vào thị trường. Vào tháng 2/2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt một kế hoạch tài chính quốc gia với mục tiêu dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng phải đạt tỷ lệ 80% vào năm 2025. Đây là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và tiềm năng tăng trưởng rộng lớn, đi cùng là rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ.

Câu chuyện khởi nghiệp nhiều trắc trở

Nguồn: MoMo

Những con số thành tích ấn tượng của MoMo sẽ dễ làm chúng ta hiểu lầm rằng sự thành công mà họ có được khá dễ dàng. Đặc biệt khi họ đạt tốc độ tăng 20 lần, từ 1 lên 20 triệu người dùng chỉ vỏn vẹn trong 5 năm, 2016-2020. Đằng sau kết quả này là một hành trình nhiều khó khăn mà đội ngũ sáng lập phải vượt qua. Cách đây hơn 13 năm, 4 thành viên đầu tiên của MoMo bao gồm:

  • Nguyễn Thị Minh Hiền (từng làm cho VNPT)
  • Ông Nguyễn Bá Diệp (từng làm cho VNPT)
  • Ông Phạm Thành Đức (một cựu lãnh đạo cấp cao của FPT)
  • Ông Nguyễn Mạnh Tường (du học sinh Mỹ và từng làm tại Tập đoàn Cisco)

Họ đã bắt tay nhau tạo ra MoMo trong một không gian nhỏ bé, 20 mét vuông và lòng tin tạo ra sự thay đổi trong thói quen sử dụng tiền của người Việt. Thời điểm mà lúc bấy giờ mọi người thậm chí còn chưa quen với việc sử dụng internet banking.

Giai đoạn đầu, cả nhóm phải lặn lội sang Philippines và cả Châu Phi để học hỏi về mô hình phát triển phù hợp cho thị trường Việt. Với kinh nghiệm lẫn kiến thức có sẵn, họ nhanh chóng triển khai được mô hình mới này tại thị trường Việt Nam, nhưng mọi thứ không hề đơn giản. Sản phẩm này tỏ ra vượt xa thời đại và chẳng ai muốn sử dụng một sản phẩm lạ lẫm như vậy. Một thời gian sau, họ nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm cho phép chuyển tiền bằng cách sử dụng sim-card điện thoại có thể bắn tiền thông qua mạng viễn thông. Thử nghiệm này mang về con số hơn 100.000 cửa hàng và người dùng. Thế nhưng đây chưa phải là thành công đủ để làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài.

Nguồn: Sưu tầm

Vật lộn suốt 3 năm nhưng vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp. Công ty lúc này phải đối mặt với thách thức lớn nhất là “cạn vốn”. Đúng lúc này, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs quyết định rót vốn. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt đối với MoMo, chỉ một thời gian ngắn sau MoMo trên sim-card ban đầu được mang lên kho ứng dụng điện thoại thông minh. Việc này khắc phục toàn bộ các hạn chế trước đó, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng nhiều hơn. Và hành trình 10 năm sau đó sẽ là một trong những case study nổi bật nhất của Fintech Việt. Ông Nguyễn Bá Diệp, hiện tại đang là Phó Chủ tịch của MoMo từng chia sẻ rằng nhóm sáng lập đã phải đổ rất nhiều mô hôi, nước mắt và trải qua những sự tuyệt vọng trước những lần xém thất bại để có được thành công như ngày hôm nay. Đối với những nhà lãnh đạo MoMo, chuyện một ngày làm việc từ 14-16h là một điều rất đỗi bình thường.

Vị thế của siêu ứng dụng MoMo

Hiện tại, mặc dù sở hữu lượt tải về nhiều nhất (theo số liệu của We are social) nhưng yếu tố này vẫn chưa đủ để đánh giá vị thế của MoMo trên thị trường ví điện tử Việt Nam. Đồng thời, việc những chỉ số liên quan đến lượng người dùng thực tế, số lượng giao dịch hoặc giá trị giao dịch bị hạn chế công bố khiến cho việc xác định càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ có công cụ social listening, cụ thể là YouNet Media, chúng ta có thể xác định đâu là ví điện tử nổi bật trên thị trường.

So với năm 2015, số lượng ví điện tử đã tăng lên gấp 7 lần và hiện đã có hơn 43 cái tên được cấp phép hoạt động. Trong số này chỉ có 5 cái tên nổi bật chiếm phần lớn thị phần thảo luận: MoMo, ShopeePay, VNPAY, ZaloPay và ViettelPay.

Nếu tính về lượt mention (được người dùng đề cập) thì ShopeePay chiếm tỷ lệ áp đảo hơn so với phần còn lại, thậm chí gấp hơn 4 lần so với MoMo. Lý do là ShopeePay thường áp dụng chương trình tích luỹ xu, tặng mã giảm giá mua sắm nên thu hút được lượng bình luận khổng lồ. Khi xét theo số người tham gia bình luận thì MoMo mới là người dẫn đầu, nhưng khoảng cách gần 9% so với ShopeePay không phải là con số quá đáng kể.

Momo ghi điểm đối với người dùng nhờ vào tính phổ biến và đa dạng. Momo có rất nhiều tiện ích bên cạnh tính năng chuyển tiền truyền thống. Bạn có thể thanh toán đủ các loại hoá đơn: Điện nước, Internet, điện thoại, hợp đồng bảo hiểm... Mua hàng trên các kênh thương mại điện tử, vé xem phim, card điện thoại, vé máy bay... Hoặc 2 tính năng vừa được ra mắt gần đây là: “Ví Thần Tài” – một hình thức tiền gửi tiết kiệm, “Ví Trả Sau” – tương tự với thẻ tín dụng.

Mặc dù sở hữu hàng loạt những tiện ích khác nhau nhưng MoMo cũng luôn cố gắng liên kết với nhiều đối tác nhất có thể để tối ưu trải nghiệm và sự thuận tiện cho người dùng. Đây chính là tính phổ biến giúp MoMo hưởng lợi kép, vừa có được lượng người dùng lớn, vừa dễ dàng liên kết với nhiều đối tác. Hai nhân tố này không thể tách rời và sẽ trở thành cột trụ giúp MoMo phát triển vững chắc hơn.

Để duy trì được vị trí dẫn đầu trong dài hạn, những thách thức mà MoMo phải đối mặt không hề nhỏ. Đầu tiên đó là tiếp tục thực hiện chiến lược all-in-one, tất cả trong một, đã và đang mang lại thành công cho MoMo, phát triển thêm nhiều tiện ích tài chính phù hợp với số đông người dùng. Đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ ngày càng đầu tư nhiều hơn để giành lấy khách hàng. MoMo cũng cần chú ý đến những cái tên sở hữu lượng người dùng sẵn có lớn như ShopeePay là một ví dụ điển hình. ShopeePay tận dụng rất tốt lượng người dùng sẵn có trên Shopee và ShopeeFood để tạo ra thói quen sử dụng ShopeePay thường xuyên hơn. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đổi tên từ AirPay, lượng thảo luận và đề cập của họ chỉ đứng sau MoMo.

Marketing cho ví điện tử rất khó, nhưng cũng đầy thú vị

Mục tiêu cuối cùng của marketing vẫn là có được nhiều khách hàng, có được nhiều lợi nhuận. Trong bối cảnh của MoMo – là một ứng dụng ví điện tử. Họ phải làm được 3 nhiệm vụ cơ bản sau:

  • Thu hút người dùng mới
  • Tăng cường mức độ sử dụng
  • Giữ chân người dùng

Để hoàn thành được 3 nhiệm vụ này là điều không hề dễ dàng, cùng với một ngân sách marketing khổng lồ. Chúng ta đã khá quen thuộc với việc sử dụng ví điện tử hoặc thanh toán trực tuyến nhưng một phần là do sự thúc đẩy của dịch COVID-19. Việc bắt buộc phải sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc trở thành động lực để người dùng nhanh chóng thích nghi với hình thức này bên cạnh tiền mặt và thẻ. Nhưng bối cảnh của 5-6 năm trước hoàn toàn khác, lúc này các ứng dụng ví thanh toán chỉ mới vừa ra mắt, hoặc vẫn còn đang ở trong giai đoạn khởi động. Hạn chế về điểm thanh toán, đối tác chấp nhận dịch vụ ví điện tử cũng như mức độ nhận biết của người dùng còn thấp. Để có được bước tiến lớn đòi hỏi nhiều thời gian và sự đầu tư rất lớn về marketing. Trong giai đoạn bứt phá và tăng tốc, gần như MoMo đã sử dụng hết toàn bộ những hình thức marketing có khả năng tiếp cận người dùng nhiều nhất, trải dài từ ATL đến BTL như: TVC, OOH, social media, event, POSM... Và thành quả mang đến cho MoMo khá nhiều chiến dịch marketing hay. Đầu tiên phải kể đến chiến dịch “Lắc Xì”.

Chiến dịch có 2 năm liên tiếp lọt vào top chiến dịch marketing Tết nổi bật nhất theo bảng xếp hạng của YouNet Media. “Lắc xì” là sản phẩm của nghệ thuật kết hợp tài tình giữa sản phẩm, insight và văn hoá. Dựa trên văn hoá lì xì, chia sẻ may mắn và hình tượng 12 con giáp làm nền tảng, cùng sự yêu thích quà tặng, săn hàng giảm giá dịp cuối năm, MoMo đã tạo nên một chiến dịch marketing nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng. Không chỉ trên mạng xã hội, mà trong tin nhắn bạn bè hay những cuộc nói chuyện của đồng nghiệp, người thân, mọi người đều cùng nhau chia sẻ bàn luận về những quà tặng, ngọc và phần quà hấp dẫn từ chương trình. Một chiến dịch win-win cho cả các đối tác của MoMo, khi doanh số của họ cũng tăng lên khi người dùng mua hàng và quy đổi các voucher được tặng. “Lắc xì” sẽ tiếp tục là một trong những chiến dịch làm mưa làm gió trong thời gian dài sắp đến.

Bên cạnh “Lắc xì”, MoMo cũng có rất nhiều chiến dịch thành công và nổi bật khác như “Siêu hội hoàn tiền”, “Chuyển tiền, MoMo liền”, “Học viện MoMo” với nhiều hình thức triển khai đa dạng và mới lạ. Một điểm không thể thiếu ở tất cả các chiến dịch này và cũng là nhân tố quan trọng giúp MoMo nhanh chóng đạt được vị thế hiện tại chính là influencers – những nhân vật có tầm ảnh hưởng. Việc triển khai đồng bộ chiến dịch marketing lẫn lựa chọn influencer đa dạng giúp cho MoMo dễ dàng tiếp cận được đại đa số khách hàng. Cuối cùng, một chiến dịch thường xuyên mà MoMo hay thực hiện là referrals, chỉ cần bạn bè, người thân nhập mã giới thiệu sau khi kích hoạt ứng dụng MoMo. Người giới thiệu sẽ nhận được một phần quà giá trị, càng nhiều người giới thiệu thì phần quà của người giới thiệu càng lớn. Cách thức tuy đơn giản nhưng hiệu quả mang lại thì to lớn.

Sự phát triển của thanh toán trực tuyến là cơ hội, song song với đó là thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh, MoMo chắc chắn sẽ phải tiếp tục làm mới mình. Những hoạt động marketing của MoMo phải duy trì được tính thú vị, dễ tiếp cận và hiệu quả. Đây cũng sẽ là cơ hội và môi trường phát triển tốt cho marketer.

Môi trường làm việc tại MoMo

Từ khoá MoMo trên các cộng đồng review công ty gần như không có bài đánh giá tiêu cực. Trái lại, phần đông đều khuyến khích ứng viên tích cực tham gia ứng tuyển vì MoMo đang rộng cửa cho rất nhiều vị trí. Bạn có thể xem chi tiết tại đây. Một điều khá thú vị là bạn có thể nhấn vào xem danh sách phòng ban để tìm hiểu về chức năng và nhiệm vụ của phòng ban đó, cùng vị trí đang cần tuyền.

Nguồn: MoMo

Ngoài ra, MoMo còn có một chương trình ứng tuyển mang tên “MoMo Talents” diễn ra trong tháng 6 vừa qua. Chương trình lần này dành cho các bạn muốn thử sức ở lĩnh vực Phân tích Dữ liệu và Nghiên cứu Thị trường. Hy vọng trong tương lai chương trình này sẽ được mở rộng đến nhiều phòng ban khác với quy mô lớn hơn cho các bạn trẻ muốn gia nhập Fintech.