Marketer Le Vu
Le Vu

Managing Partner @ FB Academy

Tương lai của ngành Nhà Hàng

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cơ bản ngành dịch vụ nhà hàng. Năm nay, các chủ đầu tư buộc phải sa thải nhân viên, áp dụng các mô hình kinh doanh mới để duy trì hoạt động. Các dining-room đã từng đông đúc khách hàng giờ phải xoay quanh việc bán mang đi và giao hàng, các nhà quản lý và bếp trưởng phải cùng ngồi lại để tính toán đổi mới toàn bộ các concept và thực đơn của họ.

Hơn 5 tháng tạm ngừng kinh doanh, rõ ràng là những thay đổi này không phải là nhỏ cũng không phải là tạm thời. Tương lai của ngành F&B sẽ khác với những gì chúng ta từng biết, bởi vì thời điểm hiện tại đang đòi hỏi điều đó khi có những việc tưởng nhỏ nhưng rất khó thực hiện và chuẩn bị ví dụ như Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP.HCM về Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM với nội dung tổng quát "cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại với điều kiện không mở máy lạnh trong không gian kín và không uống rượu bia".

Để có thông tin chi tiết về những dự đoán điều sắp xảy ra, tôi đã trò chuyện với các chuyên gia trong ngành - Bếp Trưởng Thomas Fois đã có kinh nghiệm sinh sống và làm việc trên 15 năm tại Việt Nam và là một đồng nghiệp của tôi ở khách sạn 5 sao Imperial Vũng tàu trước đây, Mr. Hiếu - chủ 2 nhà hàng Bia Tuyết tại thành phố Thủ Đức, Mrs. Lệ - Quản Lý Vận Hành một nhà hàng Ý truyền thống đã có thương hiệu 20 năm ở trung tâm Quận 01, Tp.HCM cùng nhiều chuyên gia khác - họ nhìn thấy gì đối với tương lai của ngành nhà hàng. Ý kiến chung là họ đang tìm kiếm các dòng doanh thu mới và tạo ra sản phẩm giá trị để tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động, đồng thời họ ủng hộ và chia sẻ tầm nhìn về một ngành dịch vụ ẩm thực tương lai công bằng, bền vững và là động lực để thay đổi tích cực.

Cùng khám phá các chủ đề bên dưới để tìm hiểu cách các chuyên gia đang quan tâm và vấn đề đang phát triển như thế nào để xây dựng một ngành tốt hơn, vững mạnh hơn.

  • Đa dạng hóa các dòng doanh thu

  • Đảm bảo tính đa dạng, công bằng và hòa nhập

  • Xây dựng một kết nối cộng đồng sâu sắc hơn

  • Bồi dưỡng lực lượng lao động khỏe mạnh hơn

  • Phát triển cùng nhau để tồn tại.

Sự thay đổi là tốt và cần thiết. Nhưng chúng ta cũng cần gìn giữ những giá trị cốt lõi về dịch vụ, tính "Hospitality" đã từng mang lại sự giải trí và trải nghiệm cho khách hàng khi không phải tự nấu ăn trong căn bếp của họ. Mọi người sẽ muốn quay lại như trước đây và kinh doanh nhà hàng sẽ tồn tại - mãi mãi.

Tầm nhìn của tôi đối với ngành F&B trong 5 hoặc 10 năm nữa là sự gia tăng của các nhà hàng và thương hiệu ẩm thực quốc tế và các mô hình "fusion" theo concept "from the farm to the table" không chỉ là một nhà hàng đơn thuần mà còn là một nơi cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe , và thực phẩm được trồng có đạo đức. Toàn bộ hệ sinh thái này sẽ từ từ hội tụ và nhiều nhà khai thác hơn sẽ có cách tiếp cận toàn diện đối với các sản phẩm ẩm thực tương ứng của họ.

Và rồi, chắc chắn là sẽ có ít nhà hàng casual dining hơn, gia tăng số lượng nhà hàng phục vụ delivery lên. Muốn tận hưởng dịch vụ phục vụ cá nhân thì phải trả phí cao hơn, giá tăng lên? Chắc chắn là như vậy khi tương lai nhân lực tham gia ngành này sẽ rất hạn chế.

Nhà hàng dù được kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào thì đây vẫn là nơi mãi mãi chúng ta tụ tập với những người bạn cũ và làm quen với những người bạn mới, nơi chúng ta kỷ niệm và hàn gắn. Chúng ta sẽ khám phá lại tình yêu của mình với việc ăn uống và ngành dịch vụ này sẽ quay trở lại.

Saigon, tháng 10/2021.

We will be back!