Tìm hiểu về ngành Đầu tư mạo hiểm: Công việc trong một công ty quỹ mạo hiểm

Ngành Đầu Tư Mạo Hiểm là một ngành thú vị. Những nhân viên tại các VC mà tôi đã từng làm việc, tư vấn và hỗ trợ đều cho thấy một sự thoả mãn cao trong công việc của họ. Tiếp xúc nhiều với những công nghệ mới, những nhà sáng lập thú vị và thông minh cũng như mức thu nhập hấp dẫn khi đạt thành tích khiến cho việc làm tại các VC đem lại nhiều trải nghiệm đặc biệt.

Tuy nhiên, đây là một ngành cực kỳ kén nhân lực và hầu như có rất ít những chương trình đào tạo thực sự có thể đáp ứng đủ nhu cầu khắc khe của ngành. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bộ máy vận hành của đa số các VC hiện nay và cuối bài tôi sẽ có một số lời khuyên cho những bạn trẻ đang muốn gia nhập vào ngành trong tương lai.

Các công ty quản lý quỹ mạo hiểm (VC firm) duy trì những đội ngũ tinh gọn. Ngành VC đòi hỏi sự ứng biến nhanh, thông tin trao đổi liên tục và tập trung cao độ. Do đó, chúng tôi không có quá nhiều phòng ban và các cấp nhằm việc ra quyết định được nhanh hơn. Cơ hội đầu tư luôn đến rồi đi rất nhanh, đặc biệt là trong các môi trường có tính cạnh tranh cao và số lượng lớn các VC cùng hoạt động. VC firm hoạt động theo mô hình Partnership, khá giống các công ty luật, với 3 loại công việc toàn thời gian cơ bản:

1. Partners:

Đây là những người ra quyết định cho các hoạt động chính của VC firm. General Partner (GP) sẽ góp một ít (một ít thôi!) vào quỹ mà VC quản lý. Họ được trả lương từ 2% management fee mà tôi đã đề cập trong các bài trước và 20% carried interest dựa trên tài sản tăng thêm sau vòng đời của quỹ. Tỉ lệ chia giữa các GP tuỳ theo thoải thuận nội bộ. GP sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc gọi vốn về cho VC firm quản lý, ra quyết định đầu tư cùng hội đồng, hỗ trợ các công ty trong danh mục và lên chiến lược Exit. Tất cả hướng tới một mục tiêu là (1) Exit thành công, (2) hoàn trả vốn(3) gấp 3 tài sản (triple the fund). Đây là những mục tiêu mẫu mực trong ngành. Limited Partner (LP) là những đối tác góp vốn như quỹ lương hưu, quỹ hiến tặng,… Các LP chỉ góp tiền theo các deal và ngồi đợi tiền về. Không can thiệp vào hoặc động hàng ngày của VC firm. Một VC firm dạng vừa sẽ có khoảng 4-5 partners. Mỗi partner có thể quản lý thêm 1 công ty trong danh mục sau mỗi năm. Số lượng này càng ngày càng tăng với xu hướng số vốn nhỏ hơn cho nhiều công ty hơn.

2. Non-Partner VCs:

Bao gồm Principals, Analysts và Associates. Trình độ cao hơn sẽ thêm Senior ở trước chức danh. Đây là các vị trí sẽ phụ trách các công việc như Sourcing, Initial Screening, Due Diligence, chuẩn bị các Term Sheet, Investment Contracts,… và là đầu mối đại diện làm việc với các startups và các cộng đồng. Về cơ bản, việc của nhóm này là phục vụ các đối tượng liên quan đến danh mục đầu tư của VC. Theo quan sát cá nhân của tôi, rất hiếm có trường hợp Non-Partner VCs được thăng cấp lên làm Partners trong cùng một VC Firm. Họ có xu hướng lập Firm mới để làm Partner hoặc nhảy vào một startup riêng của mình.

3. Administrative Support Staff:

Đây là những nhân viên sẽ hỗ trợ các công việc không liên quan nhiều đến hoạt động chính của VC như lễ tân, nhân sự, kế toán,… Xu hướng hiện nay đối với các VC là duy trì bộ máy nhỏ gọn để tập trung nhiều hơn vào các công ty trong danh mục đầu tư và tăng phúc lợi nhằm thu hút nhân tài (hiện đang rất hiếm trong ngành). Riêng tại Việt Nam, khi ngành VC còn rất mới và không có những chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân lực cho ngành chủ yếu từ các ngành tài chính như Investment Banking. Điều này đang khá gượng ép vì khả năng chấp nhận rủi ro của VC và các ngành tài chính truyền thống khác nhau một trời một vực. Bản phân tích rủi ro mà chúng tôi chấp nhận có thể làm cho nhiều chuyên viên tài chính đau tim khi cầm lên đọc. Đối với các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội trong ngành VC, tôi có 3 lời khuyên, cũng chính là 3 con đường mà các bạn có thể chọn:

1. Tham gia vào một startup tiềm năng.

Suy xét kỹ càng và chọn cho mình một startup có năng lực. Cố gắng tạo ra khác biệt trong startup đó. Đảm nhận một vị trí quản lý then chốt. Tìm cách gặp gỡ các nhà đầu tư của Startup đó. Tìm hiểu về VC của họ và ngay thời điểm đó, lại tự đặt ra câu hỏi “VC có hợp với mình không?”. Nếu câu trả lời là Có thì bạn cũng đã có mối quan hệ rồi.

2. Tham gia thực tập tại các VC.

Khối lượng công việc của các VC rất nhiều. Do đó, họ cần truyền tải cho các vị trí không toàn thời gian như intern. Các VC tại châu Á còn khá mới. Do đó, trong giai đoạn này họ còn khá dễ dàng trong việc chấp nhận một số vị trí intern mà không quá khắt khe như Âu Châu và Mỹ.

3. Làm việc trong một ngành khoa học đột phá.

VC đam mê các lĩnh vực mang tính disruptive như tôi đã nói trong các bài trước. Các bạn trẻ tập trung vào các ngành như khoa học máy tính, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo hay vật liệu mới,… có khả năng rất cao được các VC để ý. Dĩ nhiên, bạn phải đam mê và hướng đến những nơi có các hoạt động đổi mới sáng tạo đột phá trong lĩnh vực của mình.Ngoài ra, VC đòi hỏi sự am hiểu sâu về chiến lược, tài chính và các ngành đang tăng trưởng cao. Khả năng đọc, hiểu, phân tích và giải quyết vấn đề cực kỳ quan trọng. Chiến lược, theo tôi, là điều quan trọng nhất của một VC. Do đó, luôn tìm hiểu và để từ khoá này trong đầu nếu muốn đạt tới và thành công trên con đường VC. Example: Organizational chart of one of the most successful VC in China, GGV.

Tiến Nguyễn

* Nguồn: VVCP

Thế giới đầu tư mạo hiểm phức tạp, vốn không dễ để tiếp cận và kết nối những mảnh ghép kiến thức đa dạng, rộng lớn. Sự mơ hồ đó sẽ được vén màn thông qua mô hình nội dung của VIETNAM VENTURE CAPITAL PROGRAM (VVCP) - được kết hợp với chương trình của Giáo sư Patrick Vernon (Clinical Associate Professor về Strategy & Entrepreneurship, đồng thời là Director of Venture Initiatives từ UNC Kenan Flager Business School): The VC Job Cycle!

VVCP là chương trình dành cho #Founder #Entrepreneurs đang chuẩn bị cho việc gọi vốn đầu tư hoặc bất cứ ai đang tìm hiểu về đầu tư mạo hiểm (venture capital) để trở thành #Angel #InvestmentProfessionals.