Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Cuộc thi Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh công bố Top 10

Sau gần 1 tháng triển khai, hành trình “Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh” 2021 do Bosch Việt Nam và Công viên Phần mềm Quang Trung phối hợp tổ chức đã tìm được Top 10 dự án xuất sắc để bước tiếp vào vòng tranh tài cuối cùng.

Hackathon là sự kết hợp của hai từ “hack” và “marathon” – sự kiện diễn ra trong bất kỳ thời gian nào, nơi các thí sinh cùng nhau giải quyết một vấn đề/ thử thách do ban tổ chức đưa ra. Những cuộc thi hackathon vốn được xem là sân chơi dành cho sinh viên và chuyên viên công nghệ, khi họ vừa phải đưa ra những ý tưởng sáng tạo, đồng thời cũng phải chịu áp lực hoàn thiện sản phẩm trong khoảng thời gian nhất định.

Nhằm tạo ra môi trường lành mạnh cho các bạn trẻ yêu công nghệ, trong nhiều năm qua, Trung Tâm Robert Bosch Engineering & Business Solutions – “cái nôi” của văn hoá đổi mới sáng tạo tại Bosch Việt Nam đã không ngừng tạo dựng nhiều sân chơi sáng tạo dành cho sinh viên, kỹ thuật viên trẻ trên khắp cả nước.

Cùng với đó, văn hoá đổi mới sáng tạo cũng là ưu tiên hàng đầu được Công viên Phần mềm Quang Trung thúc đẩy từ nhiều năm nay. Là một trong những khu công nghệ hàng đầu tại khu vực Châu Á, Công viên Phần mềm Quang Trung đã và đang xây dựng một hệ sinh thái ngành Công nghệ Thông tin lớn nhất tại Việt Nam trên nền tảng liên kết doanh nghiệp – nhà trường – nghiên cứu.

Năm nay, Bosch Việt Nam và Công viên Phần mềm Quang Trung đã hợp tác và tiếp tục triển khai cuộc thi hackathon về đổi mới sáng tạo cho giới công nghệ trẻ. Cuộc thi “Hackathon: Nhà Kiến Tạo Xanh” thu hút các đề tài “xanh” xoay quanh 3 thử thách: (1) Cải thiện chất lượng không khí ngoài trời; (2) Quản lý lưu lượng giao thông để giảm ùn tắc và (3) Giảm khí thải từ phương tiện giao thông để không khí trong lành hơn.

Diễn ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19 còn rất phức tạp, tuy nhiên không vì thế mà cuộc thi giảm sức hút đối với giới trẻ yêu công nghệ. Sau chưa đầy 1 tháng, cuộc thi đã thu hút 57 đề tài sáng tạo với đa dạng ý tưởng nhằm mang lại sự phát triển bền vững cho đất nước. Ban giám khảo đã chọn ra được Top10 ý tưởng sáng tạo nhất để bước vào giai đoạn huấn luyện và triển khai, bao gồm:

  • Dự án Green Footprint (Dấu chân xanh) Green Footprint: Sử dung dữ liệu về chất lượng không khí do Bosch cung cấp để xây dựng ứng dụng giúp cảnh báo chất lượng không khí qua bản đồ nhiệt, đồng thời, dữ liệu này có thể liên kết và với “đèn led” có sẵn trong giày thể thao của người chạy bộ, vận động viên… giúp họ dễ dàng nhận biết “vùng không khí” xung quanh mình có đủ sạch không.
  • Dự án AirQ4Cast (Dự báo không khí) – Mastermind: Tận dụng dữ liệu về mật độ cây che phủ và lưu lượng giao thông từ Google Traffic API, cùng với các dữ liệu từ thiết bị đo lường chất lượng không khí Bosch IMB để tạo ra một ứng dụng thông minh trên nền tảng học máy để dự đoán và phân tích tác động từ các yếu tố lân cận đến chất lượng không khí trong khu vực.
  • Dự án REDZONE (Khu vực đỏ) V1OLET: Với ý tưởng đưa sức khoẻ của người tham gia giao thông lên hàng đầu. Dự án này xây dựng một ứng dụng cho thiết bị di động có hệ thống định vị, nhằm cung cấp cho người dùng con đường ngắn nhất và trong lành nhất giữa điểm xuất phát và điểm đến.
  • Dự án Optimizing energy for building (Tối ưu hoá năng lượng cho toà nhà) – SA: Cải thiện chất lượng không khí bằng cách điều khiển các hệ thống và năng lượng trong toà nhà; tổng hợp các dữ liệu về thời tiết và chất lượng không khí của thiết bị Bosch IMB. Sau đó, công nghệ toà nhà sẽ tự động điều chỉnh các hệ thống và thiết bị, nhằm tạo ra mô hình tiết kiệm năng lượng nhất để giảm khí thải carbon.
  • Dự án Traffic prediction (Dự đoán giao thông) – Othree: Tạo ra một ứng dụng đa năng với ưu tiên hàng đầu là giảm ùn tắc giao thông và tăng cường sức khoẻ cộng đồng, sử dụng dữ liệu từ camera thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo Bosch AUTODOME inteox 7000i để dự đoán lưu lượng giao thông, phân tích chất lượng không khí và đề xuất hướng đi phù hợp trong giờ cao điểm.

Đội Othree với dự án Traffic prediction (Dự đoán giao thông)

  • Dự án Air track (Kiếm tra không khí) – NAST: Xây dựng một hệ thống thiết bị mạng thông minh, bằng cách thu thập số đo chất lượng không khí lấy từ hệ thống cảm biến của thiết bị Bosch IMB, sau đó phân tích, dự đoán và cảnh bảo người dùng qua ứng dụng di động và ứng dụng máy tính.
  • Dự án Smart traffic signal control system (Hệ thống quản lý đèn tín hiệu giao thông thông minh) RMIT Nerds: Xây dựng một phần mềm thông minh có thể phân tích mật độ giao thông tại nút giao thông bằng camera, để tự động điều khiển đèn giao thông sao cho hiệu quả nhất cho mỗi làn đường.
  • Dự án Bio-Net – Technology-X: Sử dụng thông số chất lượng không khí từ thiết bị Bosch IMB để tạo một hệ thống mạng lưới lọc không khí kết hợp công nghệ kỹ thuật và sinh học, có thể tự hoạt động bằng mạng thần kinh spiking.
  • Dự án CO2 detector device for helping detect COVID-19 (Thiết bị phát hiện CO2 nhằm phát hiện COVID-19) – GREEN PHL: Tạo ra một thiết bị đo và cảnh báo nồng độ CO2 trong không gian kín, để ngăn nồng độ CO2 tăng quá cao dẫn đến nguy cơ lây COVID-19 qua không khí. Thiết bị có thể kết nối với điện thoại của người dùng để họ có thể giám sát tình hình dễ dàng.
  • Dự án Bus station (Nhà chờ xe buýt) – HCMUTE-001: Xây dựng các trạm xe buýt thông minh có khả năng lọc không khí, nhằm nâng cao trải nghiệm của người dân khi họ chờ xe buýt. Ngoài ra còn có hình ảnh thời gian thực từ hệ thống camera thông minh Bosch AUTODOME inteox 7000i cùng với các tiện ích khác.

Mô hình nhà chờ xe bus thông minh và thân thiện với môi trường đến từ nhóm HCMUTE-001

Những ý tưởng này đã được các tác giả cam kết về bản quyền sáng tạo của họ khi tham gia cuộc thi. BTC tôn trọng và bảo vệ quyền tác giả. Đề nghị không sao chép ý tưởng với mọi hình thức.

Sau vòng sơ loại này, Top 10 đội sẽ được tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt với đội ngũ chuyên gia dự kiến vào giữa tháng 10/2021 trước khi bước vào vòng tranh tài cuối cùng.

Để hỗ trợ dữ liệu đầu vào cho Top 10 đội thi khi phát triển dự án công nghệ của mình, Bosch Việt Nam và Công viên Phần mềm Quang Trung sẽ tạo lập 1 mô trường thực nghiệm trong không gian thực ngay tại khuôn viên Công viên Phần mềm Quang Trung với các thiết bị hiện đại của Bosch, bao gồm:

  • Dữ liệu về chất lượng không khí được đo lường trong thời gian thực từ hệ thống quan trắc không khí Bosch IMB (Imission Monitoring box) và dữ liệu này được đo lường từ thiết bị quan trắc không khí Bosch IMB. Thiết bị giúp giám sát theo dõi các thông số chất lượng không khí trong môi trường xung quanh như: nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ bụi PM2.5, PM10, khí NO2, SO2… trong thời gian thực. Thiết bị sử dụng các cảm biến thông minh để thu thập và phân tích mức độ ô nhiễm hiện tại và trong tương lai. Các thông tin này có thể được sử dụng để cải thiện lưu lượng giao thông và chất lượng không khí.
  • Dữ liệu phân tích tình hình giao thông bằng trí tuệ nhân tạo từ hệ thống camera thông minh Bosch AUTODOME inteox 7000i mới – tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Dữ liệu này bao gồm phân tích hình ảnh, video trong khi camera đang di chuyển, khả năng tự học và mạng nơ-ron nhân tạo phân tích hình ảnh (DNN). Hệ thống này giúp mang đến bức tranh giao thông tổng quan, phân tích mật độ giao thông một cách chính xác và hiệu quả.

Cuộc thi sẽ kết thúc bằng phần triển khai và trình bày của các đội trong vòng Chung kết (kéo dài 48 tiếng), dự kiến diễn ra vào ngày 29-30/10/2021. Các đội chiến thắng sẽ lần lượt nhận được giải thưởng tiền mặt tương ứng là 50 triệu đồng, 30 triệu đồng và 15 triệu đồng cùng cơ hội thực tập tại Bosch.

Để tìm hiểu thêm về cuộc thi và hiện thực hoá ý tưởng cho bầu trời xanh, hãy truy cập vào: www.bosch-hackathon.com.vn.