Marketer Brandsketer Việt Nam
Brandsketer Việt Nam

Admin @ Brandsketer Việt Nam

Hướng dẫn cách bảo mật tài khoản Zalo, Gmail, Facebook mà ai cũng làm được

Xin chào mọi người, trong quá trình các anh/chị chạy quảng cáo, bán hàng online chắc chắn 1 điều đó là sẽ sử dụng 1 hoặc tất cả các nền tảng sau gồm Zalo, Gmail để chạy Google Ads, Facebook để chạy quảng cáo…. Và có bao giờ các anh/chị bị tình trạng mất nick hoặc mất thẻ tín dụng hay chưa? Trong bài này Hoàng sẽ viết và hướng dẫn một cách đơn giản nhất để những ai không rành về công nghệ cũng có thể hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề bảo mật để chú ý hơn nhé.

Đầu tiên chúng ta phải nói về việc thiếu bảo mật trên các nền tảng số sẽ dẫn đến các hậu quả như sau:

  • Lộ thông tin cá nhân : Thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, giấy tờ… sẽ lộ cho một bên nào đó thứ 3 mà không được phép. Nhiều khi họ làm gì hay mang đi vay vốn bạn chẳng thể biết được, rồi một ngày nào đó bạn nhận được cuộc gọi từ bên xã hội đen yêu cầu trả tiền. Nặng hơn nữa là dính dáng tới pháp luật với những bằng chứng được nguỵ tạo cẩn thận bởi một kẻ ẩn danh nào đó cố tình vu khống bạn, hoặc một trường hợp đơn cử nhất là những video, hình ảnh nhạy cảm của bạn với người yêu.
  • Nếu bị lộ password: Khi lộ mật khẩu có nghĩa là kẻ xấu có quyền truy cập tài khoản Zalo hay FB, Gmail như chính chủ luôn, cũng có nghĩa họ sẽ sở hữu toàn bộ tất cả những gì bạn có trong các nền tảng đó. Chúng có thể lợi dụng để mượn tiền người thân, chạy quảng cáo cho một fanpage hay website nào đó sau đó bùng tiền không trả để lại cho bạn 1 khoản nợ online khổng lồ. Nếu cho ai đó chưa biết, thị trường chợ đen rao bán tài khoản Facebook, Gmail như một lẽ thường tình. Một tài khoản như vậy có thể từ vài chục ngàn cho tới cả triệu bạc. Tuỳ theo việc tài khoản đó có lịch sử chi tiêu của chủ khoản như thế nào. Từ một tài khoản như vậy, hacker có thể kiếm được rất nhiều tiền mà chẳng phải chịu bất kỳ hình phạt nào.
  • Bí mật kinh doanh: Nếu có để ý bạn sẽ thấy có rất nhiều công ty hoặc cá nhân, nghệ sĩ bị hack tài khoản và lộ ra đoạn hội thoại với đối tác kinh doanh. Từ đó bí mật kinh doanh, hợp đồng làm ăn bị lộ cho đối thủ và mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có

Ba điều trên có lẽ cũng đã làm bạn hình dung được phần nào mức độ nghiêm trọng rồi đúng không. Công nghệ càng phát triển bạn lại phải càng trang bị cho mình những kiến thức để phần không tụt hậu. Phần cũng là để bảo vệ bản thân mình. Sau đây hãy làm theo các bước này để bảo mật thông tin của mình được tốt hơn nhé.

1. Zalo :

- Đừng để người khác thấy được bạn đã đọc tin nhắn họ gửi: Cái này là tính riêng tư, nhiều khi chúng ta đang mệt hoặc đang rất bận mà ai đó gửi tin nhắn nên chưa thể trả lời ngay, không muốn họ kiểu “tại sao đã xem tin nhắn mà không chịu trả lời”, thì hãy đi vào phần “Cá nhân – Quyền riêng tư – Tắt Hiển thị trạng thái đã xem”

- Đồng thời cũng “Không nhận tin nhắn từ người lạ và không có phép người lạ bình luận, xem ảnh, xem nhật ký và cũng không nhận cuộc gọi từ người lạ” nhé

- Tắt luôn phần “Hiển thị trạng thái truy cập” để người khác không nắm được lịch sử hoạt động hay online của bạn và ẩn luôn ngày tháng năm sinh đi càng tốt

- Nhớ phải đổi mật khẩu Zalo vài tháng 1 lần và đặt mã khoá cho Zalo mỗi khi mở app trên điện thoại để đăng nhập, để mà dù kẻ xấu có cầm được điện thoại của bạn cũng không thể truy cập được.

- Hãy kiểm tra lịch sử đăng nhập thường xuyên để biết xem tài khoản của mình có bị truy cập ở một thiết bị la nào đó hay không mà biết đăng xuất ra

- Cuối cùng, nhớ phải sao lưu thường xuyên và đặt mật khẩu luôn cho cả phần sao lưu đó, để kẻ gian không thể đọc được dữ liệu cho dù có lấy được các file đó nhé.

2. Facebook :

- Bảo mật 2 lớp : Cái này rất quan trọng, bạn cứ nghĩ đơn giản nó như cái OTP của ngân hàng, khi bạn có lệnh chuyển tiền đi đâu đó, bạn phải có mã được gửi về tin nhắn điện thoại thì lệnh đó mới duyệt. Tương tự, bên FB và rất nhiều app khác cũng có chế độ này. Khi đăng nhập trên 1 thiết bị lạ dù hacker có pass, nhưng nó sẽ phải có mã này thì mới đăng nhập được. Bạn vào phần “cài đặt & quyền riêng tư – đi vào cài đặt - Mật khẩu và bảo mật - Sử dụng xác thực 2 yếu tố” - Từ đây bạn chọn ứng dụng xác thực hoặc tin nhắn văn bản qua điện thoại cũng được. Theo các mình làm thì mình chọn ứng dụng xác thực là Google Authenticator hoặc Microsoft Authenticator được cài đặt trên 1 chiếc điện thoại phụ. Bởi vì bằng cách này thì cho dù kẻ xấu có cái điện thoại chính của Hoàng cũng chẳng thể làm gì được nếu không có chiếc điện thoại còn lại.

- Nhớ đổi mật khẩu một tháng 1 lần : Bạn muốn đổi mật khẩu đi vào phần “cài đặt & quyền riêng tư – đi vào cài đặt - Mật khẩu và bảo mật – Đổi mật khẩu”

- Nhớ thỉnh thoảng kiểm tra đăng nhập: Cũng ở trong phần này, bạn kiểm tra “Nơi bạn đã đăng nhập” xem có thiết bị nào lạ không nhé

- Bật cảnh báo đăng nhập ngay cả trên Messenger, thông báo của Facebook, và Email, để khi ai đó đăng nhập tài khoản của bạn, bạn biết mà chặn sớm

- Mật khẩu ứng dụng: Nếu bạn không đặt cái này, vô tình khi ứng dụng nào đó sử dụng thông tin của bạn và không cần mật khẩu đăng nhập cũng nguy hiểm lắm, kiểu như đăng nhập vào để chơi game hay sử dụng app học tiếng anh trên điện thoại chẳng hạn

- Hãy chọn từ 3 – 5 người bạn để phòng khi bị khoá tài khoản: Nhiều lúc tài khoản của bạn bị khoá không lý do. Những lúc như vậy có khả năng FB đang muốn kiểm tra danh tính của bạn, nên muốn khôi phục tài khoản nhanh chóng hãy chọn từ 3 – 5 người thân cận nhất phòng trường hợp này nhé.

- Hãy nhớ chuyển quyền sở hữu (kế thừa) cho người thân, phòng khi bất trắc

- Phần thông tin cá nhân, hãy ẩn bài viết với người lạ mà không phải bạn bè, ngày sinh, số điện thoại chỉ mình bạn biết, chỉ bạn bè mới được tag bạn vào bài viết, hình ảnh mà thôi, không phải người lạ

- Không nên đưa quá nhiều thông tin lên Fb nhé. Vì kẻ xấu có thể lợi dụng chuyện đó ăn cắp hình ảnh, thông tin đưa lên tạo tài khoản khác giả mạo danh tính của bạn để đi lừa thiên hạ đấy.

3. Gmail

- Kiểm tra nhật ký đăng nhập thường xuyên: Cũng như 2 ứng dụng bên trên, bạn phải chắc kèo là không có ai đó đăng nhập tài khoản của bạn mà bạn không hề hay biết

- Tắt chia sẻ vị trí, đừng chia sẻ vị trí cho ai trừ người thân nhé bạn

- Kiểm tra các ứng dụng được cấp quyền: Có ứng dụng lạ nào được cấp quyền truy cập các thông tin trong gmail của mình hay là không

- Bật xác minh 2 bước: Cũng như thằng Facebook bên phía trên, hãy bật xác minh 2 bước để bảo mật hơn tài khoản của mình

- Mật khẩu ứng dụng: Tương tự, hãy nhớ cài đặt mật khẩu cho phần này thật kỹ

- Email khôi phục: Gmail cho phép bạn thêm 1 email để khôi phục phòng khi bị hack hoặc quên pass, hãy thêm 1 email của bạn hoặc email người thân vào đây nhé

Đối với cả 3 ứng dụng trên, bạn đừng quên một điều là nó đều trên máy tính hoặc điện thoại của bạn, nên đừng bao giờ ấn vào một đường link hay cung cấp thông tin của mình cho một bên thứ 3 nào chưa được xác thực và không đáng tin cậy. Cài đặt mật khẩu cho tất cả các thiết bị, bên cạnh đó hãy vào phần cài đặt tắt đi “quyền không cần thiết” như theo dõi và thu thập thông tin cá nhân cũng như trên trình duyệt tắt truy cập cookie nhé.

Chúc bạn vui và mong bài viết này giúp ích được nhiều cho bạn.

Lê Hoàng - từ Brandsketer Việt Nam