TenMax: Trào lưu Social Commerce; Facebook thử nghiệm Ad Strategies, hợp tác với Ray-Ban

Những tiêu điểm nổi bật gồm: (1) Trào lưu Social Commerce? Facebook, Instagram, TikTok và Snapchat đều trang bị tính năng mua sắm; (2) Facebook thử nghiệm Ad Strategies, hợp tác với nhà sản xuất mắt kính Ray-Ban; (3) Instagram thử nghiệm bản đồ built-in với công cụ Map Search; (4) Vì sao LinkedIn tuyên bố chia tay với Stories?

Trào lưu Social Commerce? Facebook, Instagram, TikTok và Snapchat đều trang bị tính năng mua sắm

Vào đầu năm 2018, Facebook đã tung ra Marketplace để người bán hàng có thể tải hình ảnh của sản phẩm lên kệ. Đến năm 2020, Facebook tiến sâu thêm một bước – ra mắt Facebook, Instagram Shop và tính năng thanh toán Checkout (trước mắt chỉ có tại thị trường Mỹ). Điều này đã thu hút nhiều nhãn hàng gia nhập, thuận tiện cho người dùng tìm hiểu thông tin sản phẩm, thậm chí hoàn tất việc mua hàng trực tiếp ngay trên nền tảng.

Instagram gần đây không chỉ chú trọng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, mà còn cho thấy khả năng kết nối với người dùng thông qua mua sắm livestream. Bắt đầu từ ngày 24/8, thương hiệu có thể trả tiền để quảng cáo của mình xuất hiện ở vị trí nổi bật trong Instagram Shopping Tab. Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/9 tại thị trường Mỹ, Instagram triển khai sự kiện mua sắm trực tiếp kéo dài 10 ngày, đặc biệt hơn cả là sản phẩm đều được giới thiệu bởi những người nổi tiếng như Selena Gomez, Kacey Musgraves… người dùng có thể trực tiếp chốt đơn trong khi đang theo dõi livestream.

Sự kiện mua sắm trực tiếp kéo dài 10 ngày
Nguồn: Instagram

TikTok một trong những “app cưng” của thế hệ Z cũng không bỏ qua cơ hội, khi vào năm ngoái nền tảng này đã hợp tác với tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ), người dùng có thể nhấp vào nhãn sản phẩm trong TikTok video và được dẫn đến trang mua sắm của Walmart để hoàn tất giao dịch.

Vào cuối tháng 8, TikTok tuyên bố hợp tác thử nghiệm với nền tảng thương mại điện tử Shopify, cho phép người bán tạo thêm Shopping Tab ngay trên tài khoản TikTok để người dùng thuận tiện chọn mua và thanh toán. Tuy nhiên, việc tạo ra Shopping Tab đòi hỏi 2 điều kiện gồm tài khoản doanh nghiệp trên TikTok và tài khoản Storefront trên Shopify, nhưng không phải nhà sáng tạo nào cũng hội đủ 2 điều kiện này.

Nguồn: TikTok

Snapchat đã chọn hợp tác với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon. Vào ngày 26/8, mạng xã hội này đã nâng cấp công cụ scan của mình thành Scan Shopping. Khi người dùng quét một món hàng nào đó thì ứng dụng sẽ đưa ra các sản phẩm tương tự có trên Amazon. Ngoài ra, Snapchat cũng đã ra mắt tính năng AR Makeup, cho phép người dùng sử dụng máy ảnh để xem các màu son, phấn nền… có phù hợp với họ không trước khi quyết định mua hàng.

Facebook thử nghiệm tính năng tự động hoá Ad Strategies, hợp tác với nhà sản xuất mắt kính Ray-Ban

Kể từ khi iOS14 cho phép người dùng điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư, Facebook đứng trước nguy cơ sụt giảm doanh thu quảng cáo. Trước sự thay đổi này, Facebook đã tung ra quy trình quảng cáo tự động Ad Strategies để hỗ trợ các nhà quảng cáo. Theo nguồn tin từ Social Media Today, từ ngày 2/9, Facebook đã bắt đầu thử nghiệm Ad Strategies để giúp người dùng dễ dàng tạo quảng cáo Facebook thông qua tính năng tự động hoá.

Khi thiết lập quảng cáo, 3 cấu trúc (Hoạt động tiếp thị > Quảng cáo tổ hợp > Quảng cáo) sẽ không còn tồn tại nữa; thay vào đó là phân khúc 3 nhóm đối tượng (New Customers, Engaged Customers, Repeat Customers). Marketer sẽ tải lên các Ad Materials tương ứng với nhóm đối tượng phân khúc, cung cấp giá sản phẩm, chủng loại, tần suất mua hàng để hệ thống có thể tự động xác định TA (Target Audiences), tối ưu hoá ngân sách và xây dựng kênh khách hàng hoàn chỉnh.

Nguồn: Social Media Today

Ngoài chiến lược tối ưu hoá quảng cáo, Facebook cũng đang từng bước thực thi mục tiêu Metaverse của mình. Vào đầu tháng 9, Facebook công bố bắt tay với nhà sản xuất mắt kính nổi tiếng Ray-Ban để thử nghiệm mắt kính thông minh Ray-Ban Stories. Mắt kính thông minh này có mẫu mã giống như những cặp kính thông thường khác, nhưng nó có thể dùng để chụp ảnh, quay video từ góc nhìn trực diện của người dùng, được tích hợp cả micro và loa nghe để hỗ trợ cuộc gọi.

Nguồn: Ray-Ban

Mọi người đều tò mò liệu mắt kính thông minh này có thể dẫn đến hành vi chụp lén không? Nhà sản xuất cũng đã suy nghĩ đến vấn đề này khi thiết kế Ray-Ban Stories, nên khi người dùng kích hoạt chức năng camera, đèn LED trên kính sẽ phát ra ánh sáng màu trắng để báo hiệu cho những người xung quanh, tuy nhiên, đa phần ý kiến cho rằng đèn LED ấy không thực sự dễ nhận biết.

Hiện tại, Ray-Ban Stories không hỗ trợ chức năng AR. Nhiều người trong ngành suy đoán rằng nó có thể là một phần của giai đoạn (đo lường nhu cầu, mức độ quan tâm của người dùng…) trước khi Facebook đầu tư ở giai đoạn tiếp thị, hoàn chỉnh thiết bị AR, tiến gần đến tham vọng Metaverse.

Instagram thử nghiệm bản đồ built-in với công cụ Map Search

Vào đầu tháng 9, Instagram đã bắt đầu thử nghiệm tính năng Map Search (tìm kiếm trên bản đồ) tại 2 quốc gia là Úc và New Zealand, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, khám phá các địa điểm kinh doanh, vị trí check-in xuất hiện trên các bài đăng ngay trên bản đồ được tích hợp trong ứng dụng như: nhà hàng, điểm du lịch, quán cafe, công viên, khách sạn…

Nguồn: Social Media Today

Instagram cho biết hiện nay có hơn 200 triệu công ty đã đăng ký tài khoản doanh nghiệp trên Instagram, sử dụng mạng xã hội này như một công cụ để tiếp thị và duy trì mối quan hệ với khách hàng. Mặt khác, có tới 90% người dùng Instagram theo dõi ít nhất một hoặc nhiều tài khoản doanh nghiệp, nghĩa là người tiêu dùng cũng đang có xu hướng tìm hiểu thêm thông tin mua sắm thông qua IG, cập nhật các xu hướng cũng như tin tức mới nhất của các thương hiệu.

Instagram nhận thấy các nhu cầu kinh doanh nói trên và thói quen của người dùng, từ đó mới tiến hành ra mắt Map Search nhằm đơn giản hoá và đào sâu quá trình người tiêu dùng khám phá các doanh nghiệp địa phương, để người dùng quen với việc truy cập vào Instagram của các doanh nghiệp, xem các chương trình khuyến mãi…

Vì sao LinkedIn tuyên bố chia tay với Stories?

Khi Clubhouse bùng nổ thị trường với tính năng trò chuyện âm thanh trong cộng đồng thì Twitter, Facebook, LinkedIn trong vòng nửa năm đã cho ra mắt tính năng tương tự. Hoặc tính năng Stories được Snapchat giới thiệu lần đầu vào năm 2013, nhưng phải đến năm 2016 tính năng này mới được Instagram phổ biến rộng rãi và được thị trường đón nhận rầm rộ; kể từ đó Facebook, Twitter, LinkedIn, TikTok, thậm chí Spotify cũng trang bị cho mình tính năng này.

Tuy nhiên, mỗi nền tảng đều có hệ sinh thái đặc trưng của riêng mình, nên việc tham khảo, tích hợp tích năng từ đối thủ khác có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Twitter Fleets được ra mắt vào tháng 11/2020 nhưng chưa đầy một năm sau đó thì Twitter đưa ra thông báo loại bỏ Fleets kể từ ngày 3/8 năm nay. Theo sau là LinkedIn, vào ngày 31/8 cũng đã tuyên bố chấm dứt Stories vào cuối tháng 9 này. Sự quyết định này không có gì đáng ngạc nhiên, vì xét cho cùng đặc điểm của nền tảng LinkedIn là nơi quy tụ các chuyên gia, chủ yếu được sử dụng để phát triển kết nối, thể hiện kiến thức và kỹ năng chuyên môn, chứ không phải là “chia sẻ cuộc sống”.

Nguồn: LinkedIn

Giám đốc sản phẩm của LinkedIn cũng chia sẻ thêm: “Trong quá trình phát triển Stories, chúng tôi cho rằng người dùng không muốn các video thường ngày xuất hiện trong dữ liệu cá nhân của họ, vì vậy, Stories có thể giúp giảm bớt rào cản cho người dùng khi đăng tải; tuy nhiên, hoá ra người dùng của chúng tôi có xu hướng muốn tạo video có thời lượng lâu hơn nhằm thể hiện chuyên môn và cá tính của họ”.

* Nguồn: TenMax (tổng hợp)