Một bức ảnh hơn ngàn lời nói: Cách tận dụng giá trị của hình ảnh mà nhiều blogger chưa biết

Một bài viết có nội dung hay sẽ thu hút độc giả, nhưng nếu bài viết vừa truyền tải nội dung hay, vừa được minh hoạ bằng hình ảnh hấp dẫn thì sẽ giữ chân độc giả lâu hơn.

Không ít người viết, đặc biệt là những người mới vào nghề, vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của hình ảnh. Do đó, họ dành ít thời gian chăm chút, đầu tư cho phần minh hoạ này mà tập trung chăm sóc nội dung hơn. Tuy nhiên, hình ảnh không chỉ để làm đẹp cho blog mà còn “có giá trị hơn ngàn lời nói” trong nhiều trường hợp. Nhiệm vụ của người viết là làm thế nào để truyền tải hàng ngàn thông điệp đó đến người đọc.

Vậy làm sao để tận dụng tốt giá trị của hình ảnh? Có phải ảnh nào trên mạng cũng có thể lấy về sử dụng trên blog được không? Nếu một ngày bạn nhận được email buộc gỡ hình ảnh hoặc bị kiện vì vi phạm bản quyền dùng hình ảnh thì phải làm thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Lợi ích của việc sử dụng hình ảnh trên blog

Người đọc hiện nay có xu hướng sống nhanh. Thói quen lướt mạng xã hội dễ khiến nhiều người mất đi tính kiên nhẫn. Khi họ gặp một bài viết chỉ toàn chữ với chữ, tự bên trong họ sẽ xuất hiện cảm giác lười đọc và muốn thoát ra để tìm kiếm bài viết khác có cùng chủ đề nhưng ít chữ và nhiều hình hơn.

Ngoài ra, con người còn thích cái đẹp. Trước khi tập trung vào nội dung của bài viết, nhiều người sẽ chú ý vào hình ảnh trước. Thậm chí có những người, họ không đọc toàn bộ bài viết nhưng chắc chắn họ sẽ lướt và nhìn toàn bộ hình ảnh của bài viết đó. Nếu chúng đẹp và phản ánh nội dung của bài, họ sẽ giảm tốc độ lướt và tập trung nhiều hơn vào nội dung.

Bên cạnh đó, hình ảnh còn giúp độc giả có thời gian nghỉ đọc giữa hiệp. Trong một bài viết, chúng ta sử dụng khoảng cách hoặc xuống dòng giữa các đoạn văn để phân tách các ý lớn và ý nhỏ, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin và không bị mỏi mắt. Tương tự với hình ảnh, chúng ta sử dụng hình ảnh để minh hoạ cho những ý chúng ta vừa đề cập ở đoạn văn, giúp người đọc dễ hình dung những gì chúng ta đang chia sẻ.

Cuối cùng, hình ảnh còn giúp tăng tỷ lệ click nếu được tối ưu hoá SEO, chèn từ khoá tốt. Nếu bạn không tận dụng tối đa chức năng này, bài viết của bạn sẽ bị xếp hạng sau so với những bài viết khác của đối thủ.

Cách tìm kiếm hình ảnh phù hợp cho bài viết

Một điều mà những người viết mới vào nghề thường mắc phải khi tìm kiếm hình ảnh để đăng tải trên blog là luôn chọn hình ảnh ở Google Images, sau đó lưu tất cả hình ảnh bằng “save as”. Đây không phải là cách làm hay, vì nó liên quan đến vấn đề bản quyền. Nhiều hình ảnh được tìm kiếm bằng Google Images được sở hữu bởi một cá nhân, công ty nào đó và nếu sử dụng, có thể vào một ngày đẹp trời, bạn sẽ nhận một chiếc email yêu cầu gỡ xuống hoặc tệ hơn là bị kiện.

Nếu bạn không muốn người khác sao chép bài viết của bạn mà không xin phép thì bạn cũng không nên sử dụng hình ảnh mà chưa hỏi ý kiến chủ sở hữu. Do đó, hãy đảm bảo sử dụng ảnh có ghi nguồn rõ ràng hoặc mua nếu hình ảnh đó không cho phép dùng miễn phí.

Một vài định nghĩa về quy định sử dụng hình ảnh, bạn nên biết:

  • Royalty-free (tiền bản quyền miễn phí): Đây không phải là hình ảnh miễn phí như tên gọi mà là dạng hình ảnh có trả phí. Bạn bỏ tiền mua một lần và có quyền sử dụng bao nhiêu lần tuỳ thích nhưng không được phép chỉnh sửa hay bán lại cho bên thứ ba. Vậy nên không phải từ nào chứa “free” cũng có thể tuỳ ý sử dụng.
  • Rights Managed: Với thể loại này, bạn mua quyền sử dụng hình ảnh đó nhưng chỉ được phép dùng một lần. Ví dụ, nếu bạn đã sử dụng hình ảnh này trong bài viết thì không được dùng nó trong video clip; để sử dụng, bạn phải mua thêm một lần nữa. Do đó, khi muốn dùng những tấm ảnh như thế này, bạn phải lên kế hoạch cụ thể để tránh mất tiền nhiều lần.
  • Public Domain: Với thể loại này, bạn có thể thoải mái sử dụng mà không cần hỏi ý kiến chủ sở hữu.
  • Creative Commons: Bạn có quyền sử dụng nhưng có một số điều kiện đi kèm, có thể đọc chi tiết tại đây: About CC Licenses - Creative Commons.

4 cách sử dụng hình ảnh an toàn mà không lo bị dính bản quyền:

1. Tự thiết kế hình ảnh

Là một cây viết và sở hữu blog cá nhân, nếu có thể, bạn nên tự thiết kế hình ảnh cho mỗi bài viết. Điều này giúp bạn tiết kiệm chi phí mua ảnh, không bị dính vào lỗi bản quyền và có thể truyền tải tất cả thông điệp mình muốn gửi gắm, vì không phải hình ảnh nào cũng đáp ứng được yêu cầu của bạn.

Giả sử bạn muốn trích dẫn một câu nói nào đó từ người nổi tiếng, hình ảnh sẽ giúp người đọc ghi nhớ nội dung tốt hơn. Nếu nội dung đoạn trích hấp dẫn, người đọc sẽ chia sẻ trên các mạng xã hội.

Bạn có thể dùng Pablo để tự thiết kế hình ảnh. Ứng dụng này miễn phí và đơn giản. Hoặc có thể sử dụng Canva với nhiều template khác nhau như bài đăng instagram, bìa sách, logo...

2. Chọn hình ảnh từ website cho phép dùng miễn phí

Hiện nay, có nhiều website cho phép người dùng tải ảnh về sử dụng miễn phí như Pexel, Pixabay, MorgueFile, Unsplash, Picography, New Old Stock... Nhược điểm duy nhất là nguồn hình chưa đa dạng và những chủ đề đặc thù thì lại có ít hình ảnh miễn phí.

3. Trả tiền để sử dụng hình ảnh

Một số trang như iStock, Shutterstock... cho phép bạn sử dụng hình ảnh có bản quyền mà không lo bị kiện cáo, chỉ cần bạn trả tiền. Ưu điểm là nguồn hình ảnh phong phú, đa dạng với mọi chủ đề, lĩnh vực. Hơn nữa, hình ảnh có chất lượng từ cao đến rất cao, thích hợp cho cả việc in ấn. Tuỳ vào ngân sách và mục đích mà bạn lựa chọn các gói trả phí phù hợp.

4. Xin phép để sử dụng hình ảnh

Một cách nữa là trực tiếp hỏi sự cho phép sử dụng hình ảnh từ chính chủ sở hữu. Bạn nên liên hệ qua email để có bằng chứng về việc xin phép. Trong nội dung, bạn nên viết rõ mục đích sử dụng và quyền hạn (ví dụ chỉ được đăng trên blog, không đăng lên bất kỳ mạng xã hội nào hoặc không chỉnh sửa hình ảnh...).

5. Chỉnh sửa hình ảnh cho phù hợp với bài đăng

Có thể bạn tìm thấy một hình ảnh diễn tả đúng và phù hợp với nội dung bài viết, nhưng không phải lúc nào kích thước cũng như ý bạn. Khi đó, bạn chỉ còn cách tìm hình khác hoặc chỉnh sửa hình ảnh đang có. Nếu hình mang tính phong cảnh mà bạn muốn một bức hình kiểu chân dung, thì cần phải cắt chỉnh để lấy đúng phần bạn cần. Hoặc nếu hình ảnh quá sáng hay quá tối, bạn cần phải chỉnh màu cho hình ảnh trước khi đăng.

Bạn không cần phải sử dụng những phần mềm chuyên dụng như Photoshop, Lightroom, Davinci Resolve... chỉ để làm những thao tác chỉnh ảnh đơn giản. Thay vào đó, bạn có thể tham khảo và sử dụng Paint.NET – một công cụ dễ thao tác hơn.

Lưu ý: Không phải hình ảnh nào cũng có thể cắt chỉnh được theo ý mình, vì một số nơi dù cho bạn dùng ảnh miễn phí nhưng lại không được phép chỉnh sửa ảnh. Vì vậy, trước khi muốn thao tác điều gì trên bức ảnh, nên kiểm tra kỹ về chính sách và điều khoản sử dụng ở nơi bạn tải về.

53% người dùng rời bỏ bài đăng nếu thời gian tải trang web nhiều hơn 3 giây.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý về dung lượng của bức ảnh. Vì một hình ảnh có dung lượng quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tải của trang web. Nghiên cứu chỉ ra rằng, có 53% người dùng rời bỏ bài đăng nếu thời gian tải trang web nhiều hơn 3 giây. Tối ưu hoá hình ảnh là cách vừa giữ được chất lượng hình ảnh vừa làm giảm kích thước dung lượng.

Nếu sử dụng Wordpress, bạn có thể tải plugin Wp Smush, giúp tự động thu nhỏ dung lượng hình ảnh nhất có thể. Còn nếu bạn thích tự điều chỉnh dung lượng hình ảnh trước khi đăng lên blog, bạn có thể truy cập các trang nén ảnh trực tuyến như Optimizilla. Tốc độ trang web rất cần thiết cho SEO. Cứ thêm 0,5 giây để tải trang, bạn sẽ làm tăng số lượng khách hàng rời đi.

Một số format hình ảnh bạn nên biết khi chỉnh sửa:

  • JPG hoặc JPEG: Là định dạng ảnh rất hữu dụng khi đăng trên các trang web, đặc biệt là Facebook do nó có thể giảm dung lượng file lên đến 15% mà không làm giảm chất lượng, giúp cải thiện tốc độ tải website.
  • PNG: Dung lượng file lớn hơn JPEG, khi nén lại không bị thất thoát dữ liệu. Ngoài ra, các hình ảnh định dạng này có thể đặt lên bất cứ nền nào mà vẫn giữ được dữ liệu hình ảnh gốc. Các hình ảnh phức tạp như hình chụp thường dùng định dạng này, nếu dung lượng file không phải là vấn đề của bạn.
  • GIF: Là định dạng ảnh động, đơn giản, quá trình nén không làm thất thoát dữ liệu.
  • SVG: Nên dùng cho các biểu tượng hoặc logo. Nhờ có JavaScript, bạn có thể thay đổi kích thước mà không làm giảm chất lượng.

Đặt tên cho hình ảnh và sử dụng từ khoá

Khi đăng hình ảnh lên blog, bạn sẽ thấy tên của hình ảnh không liên quan đến nội dung tấm hình. Ví dụ: 135680345_200.jpg. Trước khi đăng ảnh, bạn nên đổi tên hình ảnh và sử dụng từ khoá phù hợp. Ví dụ, bạn muốn đăng ảnh có liên quan đến hướng dẫn pha chế cà phê, bạn có thể đổi tên dung-cu-pha-che-ca-phe.jpg. Vì cỗ máy tìm kiếm Google có thể đọc tên hình ảnh, do đó đặt tên có sử dụng từ khoá sẽ giúp tối ưu SEO.

Một cách khác để tối ưu hoá SEO nữa là thêm alt text (alternative text) cho hình ảnh. Người dùng có thể tìm thấy nội dung của bạn thông qua việc tìm kiếm hình ảnh ở Google Images. Ví dụ, nếu bài viết về content marketing và bạn đặt alt text cho hình ảnh là content marketing, khi người đọc muốn tìm thông tin bằng hình ảnh về chủ đề này, bài viết của bạn có thể sẽ hiện lên trang kết quả của Google Image. Đừng chỉ mãi cạnh tranh top 1, top 2 ở trang tìm kiếm, hãy tận dụng SEO cả hình ảnh ở mảnh đất Google Image.

Lưu ý: Alt text không giống như title text. Người đọc có thể thấy title text khi di chuyển con trỏ, nhưng alt text thì không. Bạn có thể sử dụng tên ở title text giống như tên ở alt text.

Số lượng hình ảnh cho một bài viết

Vậy một bài đăng thì cần bao nhiêu ảnh là phù hợp? Câu trả lời là tuỳ bạn, miễn sao số lượng hình ảnh đủ để truyền tải nội dung của bài viết. Và mỗi bài đăng sẽ có số lượng hình ảnh khác nhau, tuỳ thuộc vào nội dung, mục đích và nhu cầu của người viết. Nếu bạn viết những bài kiểu “hướng dẫn cách sử dụng” với dung lượng trên 3000 từ thì sẽ cần nhiều hình ảnh hơn so với bình thường để có thể mô tả rõ trình tự các bước, cũng như không làm người đọc thấy ngán vì quá nhiều chữ.

Vai trò của chữ viết là mang thông tin đến với độc giả, hình ảnh cũng như vậy. Một hình ảnh chất lượng có thể thay thế được rất nhiều chữ, thậm chí còn giúp bạn tạo thiện cảm từ phía độc giả đối với bài viết. Do đó, đừng bỏ phí chức năng của nó. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết cách tận dụng được giá trị của hình ảnh và tối ưu hoá để việc sử dụng mang lại hiệu quả hơn.

* Nguồn: Vietlachkiemtien