Marketer Tất Bằng Tường
Tất Bằng Tường

Digital Marketing Manager @ GIGAN JSC

Bán hàng Shopee #1: Tối ưu Product Title và Descriptions & Hashtag trên trang sản phẩm

Shopee là kênh bán hàng đầy tiềm năng nhưng cũng cực kỳ cạnh tranh. Để sản phẩm của bạn nổi bật trong kết quả tìm kiếm của Shopee, việc tối ưu trang sản phẩm là điều tiên quyết. Việc này giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng nhưng không tốn quá nhiều chi phí marketing. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn 2 trong 5 yếu tố cần tối ưu trên trang sản phẩm.

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong 2 năm gần đây thật sự bùng nổ. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, TMĐT có những ưu thế lớn hơn so với các kênh thương mại khác. Việc các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki liên tục chi tiền để tổ chức các Mega Campaign cũng đã góp phần định hướng thị trường, xây dựng thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Điển hình là Shopee đạt 63,7 triệu traffic mỗi tháng (theo báo cáo quý I/2021 từ IPrice) – tăng trưởng hơn 40% so với quý I/2020. Bán hàng trên các sàn TMĐT nói chung và Shopee được dự báo sẽ bùng nổ mạnh trong vòng 3-5 năm nữa.

Báo cáo Digital Marketing Việt Nam năm 2020: Quy mô thị trường có thể lên  đến 13 tỷ USD! - MBA Andrews Vietnam

Shopee là kênh bán hàng đầy tiềm năng nhưng cũng cực kỳ cạnh tranh. Để sản phẩm của bạn nổi bật trong kết quả tìm kiếm của Shopee, việc tối ưu trang sản phẩm là điều tiên quyết. Việc này giúp tiếp cận khách hàng tiềm năng nhưng không tốn quá nhiều chi phí marketing. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ 2 trong 5 yếu tố cần tối ưu trên trang sản phẩm. Đó là Product Title và Descriptions & Hashtag.

1. Tối ưu tên sản phẩm (Product Title)

Mỗi sàn TMĐT hoặc mỗi ngành hàng khác nhau đều sẽ có những cách đặt tên sản phẩm riêng, tùy thuộc vào hành vi tìm kiếm của khách hàng. Tên sản phẩm quyết định khá nhiều đến thứ hạng hiển thị sản phẩm của bạn trên sàn. Vậy làm thế nào để tên sản phẩm vừa chuẩn SEO lại vừa dễ đọc?

Bạn có thể tham khảo công thức đặt tên dưới đây:

Tên ngành hàng – Tính năng nổi bật – Tên thương hiệu – Tên gọi sản phẩm/ Mã sản phẩm – Đặc điểm hoặc xuất xứ – Khối lượng hoặc kích cỡ – Hạn sử dụng (nếu có).

  • Ví dụ 1: Nước Rửa Tay Diệt Khuẩn Mr. A Kill Bacteria An Toàn Cho Da Chai 500ml
  • Ví dụ 2: Máy Xay Sinh Tố Đa Năng Sunhouse SHD5322 3 Cối Xay Tiện Lợi, An Toàn Bền Bỉ 3 Lít

Nếu sản phẩm có triển khai CTKM thì đừng quên để mã giảm giá hoặc quà tặng ở phía trước tên sản phẩm. Ví dụ: [Nhập mã ABCD giảm 10% đơn từ 300k] Nước Rửa Tay Diệt Khuẩn Mr. A Kill Bacteria Thái Lan Chai 500ml.

Ngoài việc đặt tên sản phẩm theo đúng công thức, bạn cần lưu ý 3 vấn đề sau:

  • Tên ngành hàng & Tính năng nổi bật nên là từ khoá có xu hướng tìm kiếm lớn. Tên sản phẩm như ví dụ 1 đã nêu ở trên là kết quả sau quá trình nghiên cứu về từ khoá ngành hàng tìm kiếm của Shopee. Cụ thể, cụm từ “nước rửa tay” có volume tìm kiếm mỗi tháng là 89.064, “dung dịch rửa tay” có volume 14.815. Tiếp tục với từ khóa tính năng nổi bật, “nước rửa tay diệt khuẩn” có volume tìm kiếm mỗi tháng là 30.485, “nước rửa tay sát khuẩn” có volume 1.770 và “nước rửa tay khử khuẩn” có volume 1.523.
  • Mỗi chữ cái đầu của tên sản phẩm nên được viết in hoa để khách hàng dễ nhìn và hiển thị nổi bật hơn.
  • Nếu có thể hãy tận dụng hết số lượng ký tự tối đa của tên sản phẩm trên Shopee (để đảm bảo chuẩn SEO và dễ đọc)

2. Tối ưu mô tả sản phẩm (Product Description) & Hashtag

Hãy đặt mình là khách hàng và viết các nội dung khách hàng cần đọc một cách ngắn gọn, súc tích theo tiêu chí “đúng” và “đủ”, đặc biệt trong trường hợp sản phẩm có giá trị cao hoặc mang tính đặc thù thì mô tả sản phẩm là một nơi cần phải đầu tư. Bởi vì, sau khi xem hình ảnh, khách hàng sẽ đọc thêm mô tả sản phẩm để nắm thêm thông tin, hướng dẫn sử dụng, chính sách bảo hành... Lúc này, khi phần mô tả sản phẩm thể hiện đầy đủ các nội dung khách hàng cần, họ sẽ thấy hứng thú và an tâm hơn để ra quyết định mua hàng.

Ngoài ra, mô tả sản phẩm cũng ảnh hưởng đến SEO, thứ hạng hiển thị, tỷ lệ thoát trang của sản phẩm trên sàn Shopee.

Tham khảo công thức viết mô tả sản phẩm phổ biến dưới đây và áp dụng cho sản phẩm của mình:

  • Mô tả tổng thể về lợi ích của sản phẩm
  • Mô tả chi tiết thông số/ thành phần/ công dụng của sản phẩm
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Cách bảo quản
  • Chính sách bảo hành/ đổi trả
  • Thông tin cơ bản của sản phẩm (ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, loại sản phẩm)
  • Lưu ý khác về sản phẩm nếu có
  • Thông tin thương hiệu
  • Hashtag

Lưu ý: Hãy chèn từ khoá cần SEO vào phần nội dung mô tả sản phẩm.

Đừng quên tối ưu cả hashtag trong phần mô tả sản phẩm. Cách tối ưu đơn giản nhất bạn có thể làm đó là tạo ra các biến thể của từ khoá cần SEO và các từ khoá liên quan đến sản phẩm. Ví dụ từ khoá cần SEO là nước rửa tay diệt khuẩn thì hashtag sẽ là #nuocruatay #nướcrửatay #nuocruataydietkhuan #nuocruataysatkhuan #nuocruataykhukhuan #nuocruatayduongda #nuocruatayhuuco #nuocruataytaobot #dungdichruatay #suaruatay #ruatay #gelruatay...

Một ví dụ về hashtag sản phẩm của shopmetom_90

Hãy tập trung vào những vấn đề của khách hàng thường quan tâm khi mua hàng và ưu tiên viết mô tả sản phẩm để giải quyết những vấn đề ấy. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý viết mô tả sản phẩm phù hợp với cá tính của thương hiệu (chuyên nghiệp, gần gũi, vui vẻ, chân thành…), tránh sao chép nội dung của bên khác về vì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của thương hiệu và thứ hạng hiển thị của sản phẩm.

Tên sản phẩm, mô tả sản phẩm & hashtag là 2 yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến thứ hạng và tần suất hiển thị của sản phẩm, nên việc tối ưu các yếu tố này giúp đưa sản phẩm tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng, tăng khả năng thuyết phục khách mua hàng mà không tốn nhiều chi phí.

Ở phần sau, tôi sẽ chia sẻ thêm về cách tối ưu hình ảnh sản phẩm và hình ảnh gian hàng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) và tăng tỷ lệ khách nhấp vào xem sản phẩm, góp phần tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp trên Shopee.

* Nguồn: Tất Bằng Tường