Viết “dễ thở” hơn với quy trình 6 bước

Một bài viết tốt là một bài viết có tiêu đề khiến người đọc dừng lại, có một đoạn dẫn thú vị, và những lập luận chặt chẽ, truyền tải được thông điệp chủ đạo. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để viết được những bài viết như vậy?

Trong bài viết này tôi muốn giới thiệu với các bạn một quy trình viết bài hoàn chỉnh cho mục đích marketing. Đầu tiên, cần lưu ý rằng thứ tự đọc của độc giả sẽ khác với thứ tự viết bài. Khi độc giả nhìn vào một bài viết, họ sẽ thấy từ hình thumbnail, tiêu đề và đoạn dẫn rồi mới đến nội dung chính. Nhưng khi bắt tay vào viết bài, bạn sẽ không bắt đầu bằng những phần này; mà sẽ bắt đầu bằng dàn ý, kịch bản trước, rồi sau đó mới đi vào viết chi tiết. Vậy, một quy trình viết bài bản sẽ có các bước sau:

Bước 0: Nhận brief

Bởi vì đây là nội dung cho marketing nên bạn sẽ có brief đến từ CEO, khách hàng, agency… Bản brief cụ thể của mỗi bài, hoặc nhóm bài sẽ bao gồm những thông tin như những từ khoá cần truyền tải, thông điệp, mục tiêu cụ thể của bài, nhóm bài.

Trong quá trình nhận brief, bạn sẽ cần đặt ra những câu hỏi để đào sâu hơn, ví dụ như: mục tiêu đó, thông điệp đó có phù hợp hay không; những dữ liệu bạn có và dữ liệu do thương hiệu cung cấp có ủng hộ cho thông điệp đó hay không; hay mục tiêu này có phù hợp với giai đoạn của thương hiệu hay chưa.

Bước 1: Phát triển outline

Sau khi đã nhận brief và có thông tin, chất liệu viết bài, bạn sẽ bắt tay vào bước đầu tiên để viết, là lên outline. Outline là một dàn ý của bài viết, và cần thể hiện kịch bản của câu chuyện, bài viết đúng với mục tiêu đặt ra. Đồng thời, outline cũng cần làm rõ sự liên kết giữa các ý. Outline rất quan trọng, vì nó tổng hợp các ý đã được thống nhất và cần được thể hiện trong bài.

Vì vậy, dù bạn viết cho công ty của mình, hay cho một thương hiệu khác, thì đều cần thoả thuận và đồng ý với sếp, khách hàng về outline trước. Có outline mới phát triển được ý. Còn trước khi chốt outline, mọi chuyện chỉnh sửa sẽ xoay quanh dàn ý, lập luận, logic, chứ chưa đi vào việc trau chuốt câu chữ.

Cần thoả thuận với sếp và khách hàng về outline trước khi viết
Nguồn: Envato

Bước 2: Viết tiêu đề “Stop me”

Khi đã có dàn ý, bạn có thể viết một tiêu đề cho bài viết. Tiêu đề hay cần thu hút được sự chú ý của độc giả, khiến họ dừng lại và muốn đọc tiếp cả bài. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên viết những tiêu đề theo kiểu “giật tít câu view”. Vì vậy, khi viết tiêu đề, bạn vừa phải biết chọn lọc, cung cấp những thông tin cốt yếu, vừa phải biết cách tận dụng ngôn từ, ý tứ một cách thông minh.

Bước 3: Mở và kết “Excite & Action”

Tiếp đến, bạn sẽ viết đoạn mở bài và kết bài. Việc viết mở và kết thường đi chung, vì 2 phần này có kết nối với nhau. Những gì bạn đã hứa hẹn, đặt vấn đề ở đoạn mở bài cần được trả lời, đúc kết ở phần kết bài. Bạn không thể mở bài một đường và kết một nẻo được, như vậy bài viết sẽ rất buồn cười.

Khi có outline bài viết, với các lập luận, cộng với tiêu đề, mở và kết, bạn đã có được một dàn ý hoàn chỉnh để gửi cho khách hàng, hoặc gửi cho sếp để duyệt.

Bước 4: Triển khai thân bài “Convincing”

Sau khi outline đã được duyệt thì bạn sẽ bắt đầu triển khai thân bài. Lúc này, các bạn mới viết chi tiết các ý ra, cũng như phát triển câu và các thông tin lập luận.

Viết là một quy trình vừa logic vừa sáng tạo.
Nguồn: Freepik

Để viết thân bài được thuyết phục, bạn cần nghiên cứu thông tin, số liệu, đi phỏng vấn, rồi cần ứng dụng những kỹ thuật về câu chữ để triển khai, liên kết ý tứ với nhau. Viết được bản nháp đầu tiên rồi, các bạn sẽ cải thiện bài viết đó bằng cách viết ngắn hơn, hay hơn, thay thế từ ngữ để tránh lặp lại, sửa lỗi chính tả, những lỗi mở đoạn, kết đoạn, hay chỉnh sửa tiêu đề, đoạn dẫn, đoạn kết lại sao cho hay. Nói chung, ở bước này, bạn sẽ tập trung vào cải thiện câu chữ, hoặc sự liên kết trong bài.

Bước 5: Lựa hình ảnh & quote

Sau khi khách hàng duyệt nội dung bài, bạn sẽ đi đến bước lựa hình ảnh minh hoạ và các trích dẫn cho bài viết. Đó có thể là hình ảnh minh hoạ trên mạng xã hội, hình trong bài, chọn biểu đồ, đồ thị, những hình chụp phỏng vấn nhân vật, những hình minh hoạ chung chung (illustration), hay những câu trích dẫn sẽ sử dụng trong bài. Chúng ta sẽ xem và bố trí những yếu tố này vào bài viết như thế nào cho sinh động.

Bước 6: Demo, Design, Publish

Cuối cùng, khi bài viết đã có đầy đủ các yếu tố, bạn sẽ đến công đoạn demo/ design. Bước demo/ design cũng rất quan trọng. Bài viết hay mà bìa thiết kế xấu, câu trích dẫn dở thì sẽ làm mất giá trị của bài, làm uổng công người viết. Vì vậy, các bạn cũng nên chăm chút khi thiết kế, lên demo cho bài. Cuối cùng là publish – đăng tải bài viết.

Trên đây là một quy trình để bạn tham khảo và hệ thống lại tư duy. Khi viết bài, bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải viết theo đúng thứ tự này. Cứ để mọi thứ tự nhiên, đừng quá cứng nhắc. Tuỳ thuộc vào phong cách, tình huống, bạn có thể viết phần nào trước cũng được. Bởi viết là một quy trình vừa logic vừa sáng tạo. Nếu ý tưởng sáng tạo có trước thì bạn hãy cứ thoải mái, bay bổng với những ý tưởng đó, rồi sau đó xem xét viết như thế nào, xem bài này viết cho ai, hay trau chuốt lại các ý ra sao. Miễn là bạn luôn quay lại với bước đầu tiên là nhận brief và lên outline để có một bài viết đúng mục tiêu, đúng thông điệp cần truyền tải.