Trải nghiệm hoạt động CSR từ góc độ thực tiễn: Câu chuyện của Digiworld

CSR (Corporate Social Responsibility) đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Tuỳ vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, CSR có thể đa dạng từ hình thức đến nội dung. Trong bài viết này, những ví dụ được nhắc đến thuộc khuôn khổ CSR 2020 tại Digiworld – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối và phát triển thị trường tại Việt Nam.

Từ góc độ tổ chức và thực hiện chương trình, CSR sẽ có 3 đối tượng liên quan gồm: người lãnh đạo – người thực thi – đối tượng thụ hưởng. Một chương trình CSR được coi là thành công nếu ở cả 3 đối tượng đều đạt được những tiêu chí nhất định.

Người lãnh đạo: Có tâm và có tầm

Người lãnh đạo (người đứng đầu) càng có nhiều tâm huyết với công tác thiện nguyện thì tinh thần CSR trong doanh nghiệp càng mạnh mẽ. Rõ ràng, nhân viên công ty luôn coi người lãnh đạo là “đầu tàu”, là “tấm gương” để noi theo và hoạt động CSR cũng không phải là ngoại lệ.

Tinh thần nhân viên sẽ như tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực khi thấy người đứng đầu công ty tham gia xông xáo, luôn nhiệt tình với những đề xuất mới, có những góp ý kiến mang tính xây dựng thực tiễn cho hoạt động CSR.

Ví dụ như hoạt động “Marathon – Bước chân ươm mầm xanh” – mỗi người tham gia chạy tương ứng với một mầm xanh hy vọng được ươm cho đồng bào miền Trung sau trận lũ lịch sử 2020. Việc ban lãnh đạo thường xuyên cập nhật về hoạt động công ty trên Facebook cá nhân, lan toả tinh thần thể thao, yêu chạy bộ và khuyến khích mọi người tự luyện tập trước ngày tổ chức Marathon hay mời huấn luyện viên chuyên nghiệp training giúp hoạt động CSR được tiếp thêm sức mạnh và trở thành hoạt động thường niên không thể thiếu của công ty.

Hoạt động Bước chân ươm mầm xanh Digiworld 2020

Người thực thi: cân bằng giữa cảm tính và lý tính

Một ý tưởng hay thì vẫn chỉ là ý tưởng nếu không bắt tay vào thực hiện. Để thực thi một chiến dịch CSR cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó. Sẽ có nhiều khó khăn khi thực hiện CSR nhưng có lẽ điều thách thức nhất là làm sao cân bằng được giữa tình cảm và lý trí.

Không nên quá cứng nhắc, lý trí: Điều đó có nghĩa là không nên phụ thuộc quá nhiều vào logic. Năm ngoái đã nấu cơm từ thiện rồi, năm nay nhất định sẽ không thực hiện nữa. Hay năm trước đã đi trồng cây rồi, năm nay phải đi chỗ khác. Thật ra, CSR là chuỗi hoạt động thiện nguyện, và dù có lặp lại cũng không sao, miễn là chúng ta có lý do phù hợp để thôi thúc thực hiện. Ví dụ như năm ngoái đã trồng cây ở Cần Giờ (CSR 2019 của Digiworld) rồi, năm nay không trồng cây nhưng có thể nối tiếp thực hiện bằng việc ươm mầm xanh ở miền Trung, cũng rất ý nghĩa và phù hợp với tình hình của từng năm.

Digiworld CSR trồng cây tại Cần Giờ

Digiworld với hoạt động CSR trồng cây tại rừng Cần Giờ

Không nên quá cảm tính: Những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội có rất nhiều. Không nên vì thương cảm cho hoàn cảnh của em bé A, của bác B những ngày gần đây được mạng xã hội nhắc đến để rồi xây dựng CSR trao tặng quà cho những trường hợp như vậy. Thực ra, CSR không chỉ là “thiện nguyện” mà đó còn gắn liền với “trách nhiệm doanh nghiệp”. Ở tầm doanh nghiệp, CSR không chỉ có sự thương cảm, mà còn phải hợp tình, hợp lý và hướng đến những giá trị lâu dài. Đôi khi chúng ta phải kiềm lại lòng trắc ẩn của bản thân để tìm được nội dung CSR phù hợp cho doanh nghiệp của mình, lan toả và truyền bá tinh thần đó, để có sự tiếp nối, kế thừa cho những năm sau chứ không chỉ là thấy hoàn cảnh đáng thương thì ngay lập tức giúp đỡ.

Người thụ hưởng: Càng trực tiếp càng tốt, hiểu càng nhiều càng tốt

Bản chất của CSR chính là đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Khi đã xác định người thụ hưởng cho chương trình CSR thuộc nhóm nào: người nghèo, bệnh nhân khó khăn, học sinh nghèo, những người vừa chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt… chúng ta cần xác định luôn họ ở địa phương nào, hoàn cảnh cụ thể ra sao? Nếu trao tặng quà thì món quà nào là phù hợp nhất, có thể sử dụng thuận tiện nhất, có thể giúp được cho cuộc sống của họ.

Ví dụ như khi trao mầm xanh cho bà con vùng lũ ở Quảng Nam, Digiworld xác định sẽ là bà con ở vùng núi huyện Tây Giang, nơi bị tàn phá rất nặng bởi lũ. Giống cây phù hợp nhất sẽ là khoai sắn, bắp ngô, bắp cải… bà con có thể canh tác ngay, vừa trồng trọt tái thiết cuộc sống sử dụng cho gia đình, vừa có thể dễ dàng mua bán trao đổi hàng hoá tại chợ địa phương nếu trồng dư, cho năng suất tốt.

Digiworld trao mầm xanh cho đồng bào Quảng Nam

Digiworld bàn giao trao tặng mầm xanh cho bà con Quảng Nam

Việc thấu hiểu nhu cầu của đối tượng chỉ có được khi tìm tòi sâu và kỹ lưỡng về cuộc sống của họ, giúp họ nhận được quà trong niềm vui, hữu ích và chương trình CSR mới trở nên có ý nghĩa.