Marketer Dentsu Redder
Dentsu Redder

Công ty Cổ phần Quảng cáo Redder Asia

Dentsu Redder Impact Academy: Bàn từ đạo sống đến đạo nghề

Người ta hay tìm đến nhiều cách thức để cân bằng giữa cuộc sống và công việc, đặc biệt là trong thế giới biến động không ngừng như hiện nay. Cùng một vấn đề, nhưng với những lối tư duy khác nhau chắc chắn sẽ dẫn đến những giải pháp khác nhau.

Bài viết là nội dung buổi chia sẻ của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung tại chương trình Dentsu Redder Impact Academy với mong muốn mang đến góc nhìn nhân văn, giúp marketer trẻ thấu cảm hơn về nghề, với đời, và trở thành những “Purposeful marketing leaders” trong tương lai.

Dentsu Redder Impact Academy là một sáng kiến phi lợi nhuận từ tháng 10/2020 kết nối với nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm mang đến cho nhân sự tập đoàn Dentsu và cộng đồng quảng cáo tại Việt Nam một thế giới quan đa chiều, những góc nhìn mới, phản biện và sâu sắc, đồng thời gieo mầm, khơi gợi những cảm hứng, rung động dễ bị quên lãng trong cuộc sống thường nhật, và khuyến khích mọi người hướng sâu về nhân sinh và bên trong cuộc sống. Tìm hiểu thêm về chương trình tại đây.

*Podcast cũng có mặt trên các nền tảng: Apple Podcast VoizFM

Mục tiêu và nội dung chính của buổi thảo luận xoay quanh các câu hỏi chính:

  • “Đạo sống” và “đạo nghề” là gì/ có nghĩa là gì?
  • Mối quan hệ giữa đạo sống và đạo nghề?
  • Đạo sống và đạo nghề ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời và sự nghiệp?
  • Nếu không quan tâm đến đạo sống và đạo nghề thì sao?
  • Làm sao định hình được đạo sống và đạo nghề cho bản thân?
  • Đâu là “đạo nghề” của marketer?

Hiểu như thế nào về chữ “đạo”?

Theo nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, chữ “đạo” trong chủ đề đáng nhẽ nên được bỏ trong dấu ngoặc kép, để tránh gây hiểu lầm sang các ngữ nghĩa tôn giáo hoặc chính trị. Với thầy, một nền giáo dục đúng nghĩa (toàn tâm toàn ý phục vụ cho mưu cầu hạnh phúc của nhân sinh) thì nên có “3 phi” gồm: phi chính trị, phi tôn giáo và phi lợi nhuận. Nếu không thoả những điều trên trong giáo dục, ta có thể vướng mắc trên con đường đi tìm chân lý đích thực và trở thành con người thực sự tự do.

“Đạo” là định hướng cho cuộc đời, cho sự nghiệp của chính mình.

Ở đây, chữ “đạo” (trong “đạo sống”, “đạo nghề”) có thể hiểu theo 2 nghĩa: một là con đường, hai là đích đến. Tiếp cận ở góc nhìn “bình dân học vụ”, có thể hiểu “đạo” là định hướng cho cuộc đời, cho sự nghiệp của chính mình.

Đó là cách thầy mở đầu buổi chia sẻ, với lời nhắn nhủ rằng hãy vừa “tư duy bác học” vừa sử dụng “ngôn ngữ bác hai”, để vừa đào sâu những chiều kích tư duy của bản thân vừa biết cách cắt nghĩa một cách dễ hiểu cho những người xung quanh cùng nắm bắt.

“Đạo sống” của mỗi cá nhân và 4 câu hỏi căn cốt

Thay vì hỏi: “Đạo sống là gì?”, ta nên đặt câu hỏi đơn giản hơn: “Sống để làm gì?”

Khi bản thân trả lời được câu hỏi căn cốt đó, thì tự khắc bản thân có thể giải đáp được các câu hỏi hệ quả “Làm để làm gì?”, “Học để làm gì?”. Theo ngược dòng chiều suy tư, để có câu trả lời rốt ráo cho “Sống để làm gì?”, mỗi chúng ta cần thông suốt câu hỏi “Con người là gì?”.

Từ đây, thầy gói gọn 4 câu hỏi quan trọng để đào chiều sâu của suy tư, với lưu ý rằng việc đi tìm câu trả lời là hành trình riêng của mỗi cá nhân. Do đó, câu trả lời có thể rất khác đối với mỗi người, nhưng chính chúng sẽ là nền tảng cội rễ để mỗi chúng ta hành xử, sống và làm việc một cách hạnh phúc giữa đời. Đó là 4 câu hỏi:

  • Con người là gì?
  • Sống để làm gì?
  • Làm để làm gì?
  • Học để làm gì?

Theo thầy, 4 câu hỏi trên là nền tảng của sự “khai minh”. Khai là mở, minh là sáng. Khai minh là mở ra con người tăm tối bên trong mình (vô minh), để đưa ánh sáng của tri thức và văn hóa vào trong ta. Từ đó, chính ta sẽ tự “giải phóng” mình thoát khỏi sự u mê, giáo điều, ấu trĩ. Đó cũng chính là ý nghĩa cao đẹp của giáo dục khai phóng, với nghĩa:

Khai phóng = Khai minh + Giải phóng = Khai mở tâm trí + Giải phóng tiềm năng

4 câu hỏi trên vốn đã khó trả lời, đặt trong bối cảnh một thế giới biến động, chóng mặt, khôn lường như hiện tại, thì lại khó trả lời hơn gấp bội lần, nhưng đáng để chúng ta dấn thân đi tìm câu trả lời, để sống một cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc.

“Con người” là gì?

Nhân tính & tự do

Có lẽ, ba mẹ và thầy cô nào cũng muốn con, học trò của mình mai sau “nên người”. Nhưng, không phải ai cũng từng tư duy thật cặn kẽ: Vậy, thế nào là “người”? Và, con người khác với muông thú, cỏ cây, máy móc như thế nào?

Điểm mấu chốt khác biệt chính là “nhân tính”. Nhân tính (tính của người) thì sẽ khác “thú tính” (tính của thú), “cây tính” (tính của cây) và “máy tính” (tính của máy). Nhân tính là nền tảng của văn hoá – hiểu nôm na là thứ để phân biệt con người và con khác.

12 năm học phổ thông có mục tiêu cốt lõi là bồi đắp nền tảng văn hoá, năng lực làm người cho mỗi chúng ta. Với hạt giống nhân tính, mỗi người sẽ biết cách chung sống hạnh phúc với “đồng loại”, trước khi phát huy cá tính để chung sống hạnh phúc với “chính mình”. Cá tính nếu không được xây đắp trên nền tảng nhân tính, thì dễ trở thành “quái tính”, “dị tính”, hay “bệnh tính”.

“Tự do” nếu không được thừa hưởng trên nền tảng nhân tính/ văn hoá, thì dễ trở thành thứ tự do “hoang dã”. Hay hiểu cách khác, nhân tính cũng là điểm lõi để phân biệt giữa tự do trách nhiệm và tự do hoang dã. Lấy ví dụ, việc hát karaoke tại nhà là quyền tự do giải trí của mỗi cá nhân, nhưng khi nó ảnh hưởng đến tự do của hàng xóm láng giềng (làm ồn, gây ô nhiễm âm thanh, mất ngủ…), thì đó là thứ tự do hoang dã. Do đó, con người tự do sẽ có 2 điều “trọng”, là tự trọng (với chính mình) và tôn trọng (với người khác).

Nguồn: Freepik

Con người bản năng & con người bản thể?

Bên trong ta tồn tại 2 “con người”: con người bản năng (con) & con người bản thể (người).

“Con người bản thể” chính là phần quan trọng để chúng ta phân biệt con người với muông thú, máy móc, cỏ cây. Cũng chính nhờ năng lực văn hóa, mà ta sẽ biết cách phân định rõ, biết cách dung hòa và hướng 2 “con người” trên đến một cuộc đời đáng sống, trọn vẹn với hạnh phúc đích thực.

Trong đời, có một số thứ con người bản năng cực kỳ muốn làm, nhưng con người bản thể lại kiên quyết không cho. Ngược lại, có những điều con người bản thể ép làm, cho rằng phải làm, nên làm, trong khi con người bản năng lúc đó lại chây lười, trì độn, phản kháng.

Hành trình sống cũng là hành trình đấu tranh, đàm phán giữa con người bản năng và con người bản thể trong từng khoảnh khắc, để tiến tới sự hoà hợp và thống nhất. Thế nào là điểm hoà hợp, thế nào là chiến thắng, thế nào là đàm phán thành công? Câu trả lời nằm bên trong sự tự vấn và tự nhận thức (self-awareness) từ chính lương tri của mỗi người.

Thầy Trung chia sẻ rằng hiếm thấy ai ở đỉnh cao của sự nghiệp, mà lại thiếu năng lực làm người, thiếu nền tảng văn hoá sâu rộng, thiếu khả năng phân định giữa hoang dã và tự do, hay thiếu khả năng làm chủ con người bản năng và con người bản thể bên trong mình.

Nguồn: Redsvn

Sự học “ra người” & túi văn hoá

Vậy, học như thế nào để “ra người”? Đích đến của giáo dục là học để ra người, ra nghề, ra mình. Ở một số nền giáo dục, chúng ta chỉ thấy học mãi cũng chỉ ra bằng, ra điểm, ra danh. Trong khi xã hội thì thực sự cần “người”, cần “nghề”, cần “mình”.

Thầy Trung chia sẻ rằng, ngày nay chúng ta có vẻ chỉ đổ xô vào học nghề nghiệp để làm sao cho ra tiền, mà bỏ quên sự học khai phóng/ học làm người/ học để có năng lực văn hoá. Hành trang vào đời có 2 túi, là túi văn hoá & túi chuyên môn. Nếu chỉ xông xáo làm đầy túi chuyên môn, mà “cất xó” túi văn hoá, thì cũng khó có một cuộc sống thăng hoa, hạnh phúc trọn vẹn.

Vậy làm sao để làm đầy túi văn hoá? Có thể nhìn ở 2 khía cạnh là:

  • Học để mài dũa một cái đầu sáng, có khả năng minh định được đâu là văn hoá tư tưởng, văn hoá nghệ thuật và văn hoá giải trí; đâu là nghệ sĩ, đâu là thợ hát, đâu là máy hát; đâu là thầy giáo, đâu là máy dạy; đâu là nhà trường khai phóng, đâu là nhà tù tư tưởng; đâu là doanh nhân, đâu là trọc phú hay con buôn… Việc học rộng và sâu giúp ta có cái nhìn rõ ràng hơn đâu là thật – giả, thiện – ác, chính – tà, thấy rõ được ai là ai?
  • Học để hun đúc một trái tim nóng, để biết rung cảm trước cái đẹp hữu hình, thổn thức trước cái đẹp vô hình, biết căm phẫn trước cái ác, cái xấu.

Vậy, đâu là dấu hiệu để biết chúng ta có túi văn hoá?

Chính là việc nhìn sâu vào bên trong để phát hiện rõ “chân thắng” & “chân ga” của ta. Chân thắng ngăn ta một cách mạnh mẽ, không cho ta làm những điều xấu, không tốt; còn chân ga cứ thôi thúc chúng ta dấn thân cống hiến không mệt mỏi cho những điều ta tin là thiện, là đẹp, là tốt lành, cho chính mình, cho đồng loại, cho hành tinh.

“Đạo sống” của mỗi cá nhân, bất biến hay khả biến? Tản mạn về hạnh phúc

Điều gì bất biến?

Trăn trở lớn được đặt ra: “Đạo sống của mỗi cá nhân có thay đổi theo thời gian không?”

Dưới góc nhìn của thầy thì đạo sống (định hướng một cuộc sống thế nào là ý nghĩa, đáng sống) sẽ thay đổi theo thời gian, theo trải nghiệm và sự phát triển nhận thức của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc sớm hình thành được một triết lý sống bền vững, vững chãi theo thời gian thì sẽ giúp ta có được một cái “neo bất biến giữa dòng đời vạn biến” từ sớm, giúp ta có nhiều thời gian, nhiều sự vững tâm hơn để thực sự sống, thực sự làm chủ và dẫn dắt một cuộc đời nhiều giá trị, chứ không tốn quá nhiều thời gian cho việc thử & sai, đặc biệt trong giai đoạn trẻ tuổi.

Poster buổi chia sẻ
Nguồn: Dentsu Redder

Và, nếu phải tìm một cái “neo”, những giá trị phổ quát (universal value) & nguyên tắc luôn đúng (timeless principle) để làm chỗ dựa cho một “đạo sống” vững chãi của mỗi người, thì thầy Trung khuyên rằng đó nên là nhân bản – với “nhân” là người, “bản" là gốc, “nhân bản” là lấy con người làm gốc. Ngày xưa, hôn nhân được xem là một cuộc hôn phối giữa một người đàn ông và một người đàn bà; ngày nay, hôn nhân được xem là một cuộc hôn phối giữa một con người và một con người, đó chính là nhân bản.

Khi được hỏi về đạo sống của chính mình, thầy Trung không ngần ngại chia sẻ quan điểm cá nhân của thầy: “Sống là sống”. Và sự khác biệt giữa “sống” và “tồn tại” theo thầy chính là “tình yêu”. Không có tình yêu thì không có sự sống. Tình yêu cũng đi ra từ nền tảng “nhân bản” mà thầy đề cập ở trên, trong đó có thể nhìn ở các loại tình yêu:

  • Tình yêu đôi lứa
  • Tình yêu thương (tình cốt nhục, tình bạn, tình người…)
  • Tình yêu với công việc
  • Tình yêu với cuộc sống
  • Yêu nước, thương nòi
  • Yêu bản thân (gồm: yêu thân thể & yêu bản thể. Yêu bản thể là yêu phẩm giá & danh dự của chính mình. Người có phẩm giá, thì chắc chắn có danh dự, uy tín. Người có danh dự, chưa chắc có phẩm giá. Phẩm giá chính là danh dự, uy tín mà mình tự cam kết với chính mình).

Bóc tách sâu hơn, thầy Trung nhắn nhủ rằng có 2 nơi mà chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày, đó là nhà & nơi làm việc. Nếu một trong hai nơi thiếu vắng đi tình yêu (như không yêu người thân, không yêu công việc…), thì cuộc đời sẽ dễ trở nên bất hạnh. Đặc biệt với giới trẻ hiện nay, tìm một công việc để làm không hề khó, nhưng tìm được một công ty mà mình có thể thực “sống” với nó, tìm được một thứ để mình thực “yêu” thì mới khó. Khi tìm được công việc đó, thì “làm việc” (work) cũng chính là “cuộc sống” (life), chúng ta không còn đấu tranh cho work-life balance một cách máy móc nữa.

Tản mạn về hạnh phúc

Thầy Trung chia sẻ một quan điểm về hạnh phúc của Mahatma Gandhi: “Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm, thống nhất với nhau” (Happiness is when what you think, what you say, and what you do, are in harmony). Đó là khi chúng ta hoà hợp với chính mình, thành một thể thống nhất từ trong ra ngoài, và sống một cuộc sống rất “thực”, không còn mắc kẹt, không có lấp liếm, không còn mâu thuẫn nội tại. Đó là hạnh phúc “đích thực”, chứ không chỉ là hạnh phúc “biểu diễn” nữa.

Câu hỏi được đưa ra thảo luận khi chúng ta lựa chọn cách sống/ đạo sống: “Ta sẽ chọn hạnh phúc một mình hay hạnh phúc cùng nhau?” Những câu hỏi mang tính nhị nguyên thì thường đáp án không nằm ở một cực thiên lệch hay cực đoan nào, mà có thể nằm ở sự giao hoà giữa chúng.

“Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm, thống nhất với nhau”.

Việc một đứa con chỉ muốn sống theo cách của mình, theo hạnh phúc của riêng mình, nhưng mặc kệ hoặc gây đau khổ, phiền hà cho cha mẹ; hay việc cha mẹ chỉ rắp tâm ép con phải sống theo cách của mình, theo quan điểm hạnh phúc của mình, mà không đoái hoài đến suy tư của con, thì có lẽ cũng là những dạng hạnh phúc còn gây nhiều đau khổ. Với bậc cha mẹ, để yêu con theo cách khai minh, cha mẹ sẽ giúp con hạnh phúc theo cách của con, mà cha mẹ vẫn vui.

Với mỗi chúng ta, làm sao để đạt được hạnh phúc cá nhân thông qua việc giúp đỡ những người xung quanh có được hạnh phúc, hoặc chí ít không phương hại đến hạnh phúc của họ, là cách sống đáng để mưu cầu – đó chính là sự tự do trách nhiệm, trên nền tảng văn hoá, nhân bản, tình yêu của con người bản thể chứ không phải sự tự do hoang dã của con người bản năng. Đó vẫn là “be myself” (là chính mình), chứ không phải “me-first” (ích kỷ), như một số bạn trẻ vẫn nhầm lẫn.

“Đạo nghề” nằm trong một miếng bánh ngon

Nghề làm kinh doanh

Đạo nghề đi ra từ đạo sống, thì chúng sẽ thống nhất và tương đồng. Một người tử tế, thì đi bán hàng cũng sẽ tử tế, đi hát cũng tử tế, đi quét rác cũng sẽ tử tế. Một người trung thực, thì làm truyền thông cũng sẽ trung thực, làm marketing cũng không dối gian, làm chính trị gia cũng sẽ đấu tranh cho sự thật.

Bàn về nền tảng của kinh tế và kinh doanh, thầy Trung chia sẻ quan niệm cốt lõi: “Khi ăn một miếng bánh ngon, hãy cảm ơn sự ích kỷ & tư lợi của người làm bánh”. Trong đó, sự ích kỷ có thể nhìn ở 3 loại chính:

  • Loại 1 – Ích kỷ độc ác: Làm lợi cho mình bằng cách làm hại người khác. Thu nhặt hạnh phúc của mình bằng cách nghiền nát hạnh phúc của người khác.
  • Loại 2 – Ích kỷ ngu ngốc: Chỉ quan tâm đến việc làm lợi cho mình, không màng đến người khác có hạnh phúc không.
  • Loại 3 – Ích kỷ khôn ngoan: Làm lợi cho mình bằng cách làm lợi cho người khác, ở đây có thể hiểu “khôn” là nghĩ cho mình, và “ngoan” là nghĩ cho người. Ở đây, có thể đúc rúc một quan điểm nhân văn: “Vì người chính là cách vì mình tốt nhất”, như một lời giải cho nút thắt nhị nguyên trong cuộc suốt cuộc đàm luận.

Nghề làm marketing

Từ câu chuyện “đạo nghề”, cuộc thảo luận đi sâu hơn về “đạo nghề” của nghề Marketing.

Về bản chất nghề, thầy Trung chia sẻ góc nhìn rằng Marketer = Market maker – hiểu là xây dựng thị trường cho sản phẩm/ dịch vụ của công ty. Còn làm truyền thông thì cốt để “Truyền sao cho thông” những thông điệp, những điểm đặc sắc của sản phẩm/ dịch vụ/ thương hiệu.

Một Marketer “có đạo” thì sẽ biết cách nói sự thật một cách hay ho.

Từ việc đào sâu suy tư, có thể rút ra một số kim chỉ nam như: Một Marketer “có đạo” thì sẽ biết cách nói sự thật một cách hay ho; còn một Marketer “vô đạo” thì biết cách nói một cách hay ho nhưng không quan tâm điều mình nói là thật hay giả, hoặc “ghê gớm” hơn nữa là biết điều mình nói là giả dối nhưng vẫn tìm cách nói cho hay ho.

3 thước đo của thành công trong đời

  • Thước đo 1 – Chiếm hữu: Những gì mà mình có được (tiền tài, địa vị, danh vọng, bằng cấp, giải thưởng…) chỉ là “to have” (tìm kiếm thành công và hạnh phúc từ sự sở hữu)
  • Thước đo 2 – Cống hiến: Những gì mà mình mang lại hay gây ra cho người khác là “to give” (tìm kiếm thành công và hạnh phúc từ sự cống hiến, cho đi)
  • Thước đo 3 – Cách sống: Chính là đạo sống, giá trị sống, thái độ sống của mình là “to be” (tìm kiếm thành công và hạnh phúc từ phẩm giá và sự tự do)

Từ 3 thước đo trên, có thể thấy có 2 kiểu thành đạt, đó là thành đạt xã hội (tiền tài, vật chất, danh vọng…) & thành đạt bản thể (tìm ra chính mình, chọn được cách sống và sống đúng với cách đã chọn, để đạt được hạnh phúc và tự do đích thực).

Thầy đặt ra một câu hỏi tự vấn: “Vậy, các bạn muốn đo mình bằng cây thước nào? Vì đổi thước, thì có thể đổi đời!”.

Trước khi kết thúc buổi chia sẻ, thầy Trung nhắn nhủ 2 điều về sự học:

  • Điều 1: Mục tiêu của giáo dục không phải là “a good person”, mà là “a better person/ a better me”. Trên hành trình đó, “dạy” là làm sao giúp cho người khác học, một người thầy đúng nghĩa thì sẽ đặt mình ngang hàng học trò và tiếp sức cho hành trình tự lực khai phóng của mỗi cá nhân. Do đó, hãy xem những chia sẻ hôm nay không phải là chân lý cố định, mà là những góc nhìn gợi mở để mỗi người bước vào hành trình đi tìm câu trả lời, định nghĩa được đạo sống, đạo nghề cho riêng mỗi bản thân.
  • Điều 2: “Chỉ có học thực mới có thể làm thực; chỉ có làm thực mới có thể sống thực. Tất cả, bắt đầu từ thực học”. Đó là tôn chỉ đầy cảm hứng để mỗi người có thể tiếp tục tiến lên trên sự học trọn đời của mình (life-long learning).

Dentsu Redder Impact Academy
Wider Perspectives, Richer Souls, Better Humanity