Marketer Brandsketer Việt Nam
Brandsketer Việt Nam

Admin @ Brandsketer Việt Nam

Năm Covid thứ 2, thời kỳ hỗn mang, quảng cáo truyền thông số sẽ đi về đâu hay chuyển mình?

Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia được gắn tag “chống dịch tốt”, cuộc sống thường niên của người dân dường như không thay đổi quá nhiều, trừ những đợt Giãn cách xã hội kéo dài độ đầu năm 2020, thì hiện tại đa số người Việt đều đã đi học, đi làm, sinh hoạt trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Có lẽ chính vì vậy mà trừ những doanh nghiệp lớn, rất ít “dân thường” như chúng ta nhận ra rằng, khủng hoảng kinh tế do Covid-19 tạo nên là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử, lớn hơn rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng năm 2008 từ Mỹ bởi bong bóng bất động sản, hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 từ Thái Lan, lây rộng cả Châu Á và dần đến toàn cầu.

Trong thời kì Covid-19 và hậu Covid-19 kéo dài miên man, diễn biến khó lường, doanh nghiệp nào cũng như ngồi trên đống lửa, hối hả muốn quay lại phong độ trước kia, sợ khách hàng quên mất sản phẩm của mình. Dân Marketers râm ran rỉ tai nhau từ cuối năm 2019, “cứ thế này thì Marketing truyền thống chết mất”, bởi lẽ ngoại trừ quảng cáo TVC chiếu trên tivi hoặc direct email may ra có người đọc, thì các hoạt động quảng bá ngoài trời như phát tờ rơi, diễn thuyết - hội thảo, outdoor banner hay phát catalogue đều đã không còn khả năng tiếp cận nguồn khách, telesale thì quá tốn kém nhân lực mà nhất là trong giai đoạn “work from home”.

Và thế là, Digital Marketing - Tiếp thị số trở thành lựa chọn hàng đầu của hầu hết doanh nghiệp nhờ khả năng viral hiệu quả, cần ít nhân lực và tiết kiệm chi phí đáng kể. Theo Marketingcharts, số liệu khảo sát từ hơn 200 nhà tiếp thị cho thấy:

- 28% sẽ chuyển ngân sách qua tiếp thị số.
- 14% sẽ sử dụng ngân sách cho hoạt động sáng tạo nội dung.
- 46% sẽ không sử dụng ngân sách để tiếp tục đầu tư vào tiếp thị.

Nghe thì có vẻ ngon, trong khi các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ đều tụt dốc, âm khả năng tăng trưởng hoặc dậm chân tại chỗ thì Digital Marketing là một trong số rất ít ngành nghề, bên cạnh các ngành hàng Y tế có cơ hội phát triển vượt bậc, đúng là thời tới cản không kịp.

Nhưng mà Digital Makerting có thật sự là không có mặt trái nào không?

Nói đến đây thì chắc sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, nếu Digital Marketing đang thay thế tốt Marketing truyền thống, không những có khả năng viral đáng nể mà còn tiết kiệm được một đống nhân lực và tiền bạc, vậy nó có hệ lụy gì? Ngạn ngữ Anh có câu, “A bird in the hand is worth than two in the bush”, tạm dịch là “bắt một con chim trong tay còn hơn hai con trong bụi.” Câu này ý chỉ trong những tình huống tăm tối, khó khăn thì có cái gì đó còn hơn là không có gì cả. Nếu ứng dụng trong trường hợp của sự bùng nổ Digital Marketing này, có thể thấy đa số doanh nghiệp chọn rẽ hướng sang Tiếp thị số không hẳn vì nó không có mặt trái nào, mà thà là giải quyết một vài mặt trái đó còn hơn là không có việc gì để làm, hàng hóa chất đống, trì trệ.

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng đi phân tích những hệ lụy của bùng nổ Digital Marketing và xem thử các mặt trái này ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp.

Trước hết, phải hiểu rằng dịch bệnh là một trong những yếu tố thiên tai không thể lường trước được. Còn các chiến dịch Marketing của một doanh nghiệp thường là những kế hoạch đã được lên lịch sẵn từ rất lâu, thậm chí có khi đã hoàn tất và chỉ đợi đúng thời điểm để công bố. Chính vì vậy, rất nhiều chiến dịch sẵn có của các doanh nghiệp lớn không phù hợp với tính chất của Tiếp thị số. Đây chính là mặt trái đầu tiên của Digital Marketing, rõ ràng không phải chiến dịch nào cũng phù hợp để thực hiện trên các nền tảng online. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải chỉnh sửa rất nhiều hoặc thậm chí là tạo một dự án mới hoàn toàn để tiến hành Tiếp thị số.

Điển hình là “ông lớn” Coca Cola nổi tiếng với nhiều chiến dịch Outdoor Marketing lồng ghép khéo léo vào các dự án cộng đồng, trước sự lan rộng của Covid-19 hồi đầu tháng 3 năm ngoái, Coca Cola cũng phải tuyên bố tạm dừng các chiến dịch quảng cáo, chuyển phần ngân sách cho hoạt động hỗ trợ chống dịch. Đây là bước đi khôn ngoan chuyển các chiến dịch Marketing thông thường sang PR thương hiệu trên nền tảng tiếp thị số, chưa hỏi đến doanh thu, riêng độ gợi nhớ sản phẩm đã đáng bàn rồi.

Nhưng chậm lại một chút, vì sao đa phần doanh nghiệp trong giai đoạn này chọn triển khai các chiến dịch PR, gợi nhớ thương hiệu chứ không phải là các chiến dịch bán hàng, tăng trưởng doanh thu như mọi khi?

Câu trả lời nằm ở hệ lụy thứ hai của việc bùng nổ Digital Marketing. Khi quảng cáo, chúng ta mong muốn bán được hàng, Digital Marketing làm rất tốt mảng này, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, kể cả khi đã có được đơn hàng, tình trạng lockdown, phong tỏa giữa các khu vực có dịch vẫn là yếu tố cản trở, gây khó khăn rất nhiều trong quá trình triển khai dịch vụ hoặc vận chuyển, phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đây là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với doanh nghiệp, chính vì vậy, cầm cự bằng hình thức PR, đánh bóng thương hiệu, xem xét tình hình rồi tùy cơ ứng biến vẫn là đúng đắn hơn cả.

Hơn nữa, để duy trì doanh nghiệp, bất kì ngành nghề nào cũng cần sự tương tác giữa người cung cấp dịch vụ/ sản phẩm và khách hàng. Trong tình trạng Giãn cách xã hội, nhiều công ty buộc phải để nhân viên làm việc từ xa, kéo theo là yếu tố khủng hoảng nhân sự, giảm hiệu quả tương tác nói riêng và hiệu quả công việc nói chung. Đây là hệ lụy tiếp theo khi bùng nổ Digital Marketing và dẫn chứng điển hình nhất là những bất cập mới đây của Facebook. Dưới tác động của yếu tố nhân sự, work from home làm giảm hiệu suất công việc, gần đây Facebook đã tiến hành ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) thay thế con người vào hầu hết các công đoạn xử lý thông tin, duyệt quảng cáo. Dẫn đến tình trạng quét lỗi vi phạm không đáng có trên hàng loạt tài khoản, nhiều tài khoản bị khóa vì những lý do ngớ ngẩn và phải mất rất lâu để kháng cáo hoặc bị khóa vĩnh viễn không thể kháng cáo, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, lẻ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cuối cùng là thước đo sự quan tâm của người dùng Internet đối với các chiến dịch Tiếp thị số. Dù lượng người dùng và thời gian sử dụng tăng đột biến, nhưng nhiều báo cáo cho thấy mức độ quan tâm đến các thông tin quảng cáo lại không nhiều. Lý do là gì?

​Theo Google, kể từ tuần đầu tiên của tháng 2/2020, những tìm kiếm liên quan đến virus Corona tăng đến 260% trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là, ở một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp sử dụng tiếp thị số đang hoang phí tiền bạc vào các quảng cáo Facebook, Youtube, Google,... mà không nhận được sự chú ý đáng có bởi thông tin về dịch bệnh hoàn toàn lấn át. Trong trường hợp này, người hưởng lợi nhiều hơn cả ở đây có lẽ chính là các nhà cung cấp nền tảng quảng cáo. Có thể nói, đây cũng là một hệ lụy của sự bùng nổ Digital Marketing trong thời kì Covid-19.

Vậy trong năm Covid thứ 2, thời kỳ hỗn mang này liệu quảng cáo truyền thông số sẽ đi về đâu hay có bước chuyển mình đột phá?

Trước thông tin vaccine Covid-19 đã được triển khai tại nhiều quốc gia và tình hình kinh tế thế giới đang dần có những chuyển biến tương đối tích cực, có lẽ thời điểm nào đó trong tương lai, Marketing truyền thống sẽ trở lại, cân bằng Marketing kỹ thuật số, giảm bớt những hệ lụy. Hay nói cách khác, sự biến chuyển của Digital Marketing phụ thuộc vào tình hình diễn biến của Covid-19. Còn bây giờ, hãy cùng hi vọng vào một tương lai tươi sáng nhé!

Ngọc Vi - từ Brandsketer Vietnam

*Bài viết được thực hiện vào 06/03/2021, trước khi Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cuối tháng 4/2021.