Thúc đẩy khả năng hiển thị đối với người dùng của mobile app thông qua ASO Keyword

Với developer chuyên phát triển và marketer thực hiện marketing app, có lẽ ASO (App Store Optimization) là một thuật ngữ không còn quá xa lạ. Nếu như Search Engine Optimization (SEO) là công cụ tối ưu tìm kiếm cho các website thì đối với mobile app, ta có thuật ngữ là ASO.

Cũng tương tự như SEO sử dụng keyword để tăng độ nhận diện thì ASO cũng sử dụng keyword để đưa ứng dụng lên thứ hạng cao trên bảng xếp hạng App Store và tăng khả năng xuất hiện dựa vào từ khoá. Các thuật toán của Google và Apple có thể phát hiện từ khoá sản phẩm trên cửa hàng ứng dụng của bạn từ một số trường thông tin như: tiêu đề chính, mô tả, tiêu đề... Tại bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào cách xây dựng chiến lược từ khoá cho ứng dụng của bạn.

Google Play và App Store sẽ xếp hạng app như thế nào?

Cả Google và Apple đều chưa từng tiết lộ cách thức hoạt động thuật toán của họ trong việc đưa app nào lên top đầu tìm kiếm (ngoại trừ quảng cáo). Tuy nhiên, thông qua A/B Testing và nghiên cứu kỹ lưỡng, ngành công nghiệp mobile app đã dần khám phá ra câu trả lời. Khi người dùng gửi truy vấn tìm kiếm bằng một từ khoá, thuật toán sẽ phân tích sở thích của người dùng (ứng dụng đã cài đặt trước đó, truy vấn tìm kiếm gần đây...). Sau đó, bằng cách sử dụng metadata của ứng dụng (tiêu đề, mô tả và từ khoá), cùng với một số yếu tố khác mà danh sách kết quả sẽ được sắp đặt tự động. Vị trí ứng dụng của bạn hiển thị trong trang kết quả tìm kiếm hoặc xếp hạng (danh mục, tổng doanh thu cao nhất, lượt cài đặt hàng đầu...) càng cao thì khả năng hiển thị càng cao.

Yếu tố nào có ảnh hưởng lớn đến mức độ hiển thị ASO?

Hãy nhớ rằng, trong ASO khi nói về khả năng hiển thị, chúng ta đề cập đến tối ưu hoá từ khoá thay vì tối ưu hoá chuyển đổi. Yếu tố có tác động lớn nhất đến khả năng hiển thị ASO chính là tiêu đề của app. Hình dung một cách dễ hiểu là với từ khoá “game nông trại”, những tựa game như “nông trại vui vẻ” hay “nông trại kỳ diệu” sẽ xuất hiện trước những app có tên như “khu vườn diệu kỳ”. Tuy nhiên, khi tối ưu hoá chúng ta cũng nên chú ý đến việc từ khoá cũng cần xuất hiện trong mô tả app, hashtag. Trên Apple App Store, đối với nhiều ứng dụng, những thay đổi trong trường tiêu đề và mô tả có tác động đáng kể đến khả năng hiển thị của ứng dụng. Bên cạnh đó, một số chuyên gia ASO lại cho rằng backlink và xây dựng internal link sẽ ảnh hưởng đến thứ hạng từ khoá của Google Play. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các thử nghiệm đều cho kết quả không thuyết phục.

Tránh nhồi nhét từ khóa

Hãy cố gắng giữ cho từ khóa bạn muốn xếp hạng cao hơn dưới 5% tổng số từ của đoạn văn bản

Đây là một lỗi nhiều marketer mắc phải khi bắt đầu xây dựng chiến lược ASO với từ khoá. Liệu có phải càng nhiều từ khoá xuất hiện thì khả năng hiển thị của app càng cao? Khi bạn cố gắng thao túng xếp hạng ứng dụng của mình trong kết quả tìm kiếm bằng cách nhồi nhét danh sách từ khoá trong các trường dữ liệu, Google sẽ phát hiện và đưa ra các hình phạt. Bạn có thể tự đưa mình vào danh sách đen và sau đó phải tìm cách để sử dụng tài khoản khác khi tối ưu hoá app store.

Tốt nhất là hãy đặt từ khoá trong các trường mô tả một cách tự nhiên. Nếu bạn muốn tối ưu hoá cho một từ khoá cụ thể, bạn thậm chí có thể tăng tần suất sử dụng cho từ khoá cụ thể đó trong văn bản của mình. Đừng lạm dụng từ khoá nếu bạn muốn truyền tải thông điệp một cách thông minh, rõ ràng. Theo quy tắc chung, hãy cố gắng giữ cho từ khóa bạn muốn xếp hạng cao hơn dưới 5% tổng số từ của đoạn văn bản. Nếu không, ngay cả khi từ khoá được đặt tự nhiên bên trong văn bản, bạn cũng khó nhận được kết quả như mong đợi.

Mẹo tối ưu hoá từ khoá trong App Store

  • Không thêm dấu cách sau dấu phẩy
  • Không sử dụng các ký tự đặc biệt: | @ # € ¬! ” · $% & / () = * ^ + `´ -._ '¡¿?
  • Sử dụng từ ở số ít: Điều này có thể không áp dụng với một số ngôn ngữ không phân biệt số ít, số nhiều trong từ như tiếng Anh
  • Sử dụng các từ khoá đơn: Theo Apple, thuật toán tìm kiếm iOS tự động kết hợp tất cả các từ khoá trong trường “từ khoá” của bạn (Thay vì “thợ săn quái vật, bắt quái vật”, hãy làm “quái vật, thợ săn, bắt giữ, quái vật”)
  • Sử dụng tất cả 100 ký tự: Bạn có sẵn 100 ký tự trong trường “từ khoá” trên Apple App Store, do đó hãy tận dụng hết tất cả nếu có thể
  • Không lặp lại các từ khoá trong các trường metadata khác: Tránh lặp lại các từ khoá đã có trong tiêu đề chính, tiêu đề phụ, danh mục của ứng dụng hoặc trong tên công ty
  • Tránh sử dụng tên nhãn hiệu hoặc đối thủ cạnh tranh

3 bước tạo danh sách từ khoá ASO

Không có chiến lược nào là tối ưu để tạo ra danh sách từ khoá giúp thúc đẩy chiến lược ASO và đưa app của bạn lên top đầu tìm kiếm cả. Thay vào đó, bạn sẽ phải tự nghiên cứu, thay đổi kế hoạch và tìm ra những từ khoá phù hợp nhất với app của mình.

Bước 1: Nghĩ và liệt kê tất cả các từ liên quan đến nội dung, tính năng, mục đích của app. Ở bước này, bạn không cần lo lắng về chất lượng của từ khoá. Chỉ cần brainstorm, nghiên cứu và phân tích thị trường, ngành, đối thủ cạnh tranh để tìm ra từ khoá mô tả app tốt hơn. Có rất nhiều công cụ miễn phí hiện nay giúp bạn nghiên cứu từ khoá ASO được sử dụng trong ngành. Hãy lọc ra các từ khoá được nhiều người truy vấn để sử dụng cho app của mình.

Bước 2: Xác định các từ khoá có thể mang lại nhiều lưu lượng truy cập hơn.

Trước khi đưa từ khoá vào tiêu đề chính, tiêu đề phụ và mô tả, bạn cần xác định xem từ khoá nào có thể thúc đẩy nhiều lượt cài đặt hơn cho ứng dụng hoặc trò chơi của bạn thay vì sử dụng quá nhiều. Tại thời điểm này, có thể bạn đã sử dụng một trong các công cụ ASO có sẵn trên thị trường và nhận thấy 3 số liệu phổ biến được các công cụ này cung cấp như sau: Lưu lượng tìm kiếm, độ khó của từ khoá và cơ hội.

Bước 3: Triển khai và theo dõi các từ khoá bạn đã lựa chọn

Khi đã tạo ra được một danh sách keyword phù hợp, bước cuối cùng bạn phải làm là triển khai trong các nội dung trên app store và để thuật toán tìm kiếm thực hiện công việc của chúng. Tuỳ thuộc vào lượng traffic mà mỗi từ khoá tạo ra, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần cho đến khi bạn nhận được kết quả. Khi nhận được một số dữ liệu, hãy đo lường tác động của các từ khoá ASO được tối ưu và lặp lại quá trình này thường xuyên để biết bạn có đang đi đúng hướng không, hay nên sử dụng từ khoá khác.

Mỗi ứng dụng sẽ cần có một cách tiếp cận và vận hành ASO khác nhau, do đó để app của bạn thành công trong quá trình thực hiện ASO, điều đó phụ thuộc vào việc đánh giá, kiểm tra và điều chỉnh từ các marketer chuyên ASO. Đặc biệt, xác định list từ khoá đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ASO với tất cả các app. Vì vậy, hãy chú ý đến yếu tố này và tận dụng một cách thông minh để đưa app lên thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm.