Marketer SEONGON Google Marketing Agency
SEONGON Google Marketing Agency

HR @ SEONGON - Google Marketing Agency

Google: 5 nguyên nhân chính và cách phân tích tại sao website lại suy giảm organic traffic bất thường

Một ngày, bạn mở Search Console và phát hiện organic traffic đã giảm đột ngột. Đừng hoảng loạn, organic traffic giảm có thể xảy ra vì một số lý do khá phổ biến và hầu hết có thể khắc phục. Nhưng đầu tiên bạn cần phải biết chính xác nguyên nhân.

Trong bài biết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 5 lý do phổ biến khiến organic traffic suy giảm và cách sử dụng Search Console, Google Trend để tìm ra chính xác nguyên nhân.

Bài viết do SEONGON biên tập lại từ bài viết “Analyzing Google Search traffic drops” của tác giả Daniel Weisberg từ Google.

Các nguyên nhân chính làm giảm organic traffic

Theo tác giả, có 5 nguyên nhân chính khiến traffic từ mạng tìm kiếm giảm đột ngột và chúng thường sẽ có dạng sơ đồ mẫu như dưới đây (Xem trên Google Search Console, hoặc GA):

Các dạng biểu đồ biểu chưng cho các lý do sụt giảm traffic thường thấy

1. Sự cố kỹ thuật:

Các lỗi có thể ngăn Google thu thập thông tin, lập chỉ mục hoặc hiển thị các trang của bạn cho người dùng. Ví dụ: lỗi từ máy chủ, lỗi từ việc thiết lập file robots.txt, không tìm thấy trang và các lỗi khác. Lưu ý rằng các vấn đề có thể xảy ra trên toàn bộ trang web hoặc trên một số trang (ví dụ: thẻ noindex được đặt vào trang một cách vô ý).

2. Vấn đề bảo mật:

Nếu trang web của bạn bị ảnh hưởng bởi mối đe doạ bảo mật, Google có thể cảnh báo người dùng trước khi họ truy cập trang web bằng các cảnh báo hoặc các trang cảnh báo (ví dụ: trang cảnh báo của Chrome khi website không có SSL), điều này cũng có thể làm giảm traffic từ mạng tìm kiếm.

3. Bị Google “phạt”:

Nếu trang web của bạn không tuân thủ các nguyên tắc của Google, một số trang hoặc toàn bộ trang web của bạn có thể bị bỏ khỏi kết quả tìm kiếm của Google.

4. Thay đổi thuật toán:

Google luôn cải tiến cách đánh giá nội dung và cập nhật thuật toán cho phù hợp với người dùng. Các cập nhật dù lớn hay nhỏ đều có thể ảnh hưởng đến thứ hạng và làm suy giảm organic traffic, đặc biệt là với các update thuật toán lõi. Lấy ví dụ khi Google ra mắt thuật toán Medic vào năm 2019, nhằm có đánh giá chính xác cho các trang dược, y tế, rất nhiều website loại này đã nhận thấy sự giảm traffic đột ngột chỉ sau 1, 2 ngày.

5. Xu hướng tìm kiếm của người dùng thay đổi:

Đôi khi người dùng chỉ đơn giản là không tìm kiếm một vấn đề hay một truy vấn nào đó. Ví dụ như khi Euro kết thúc thì người dùng sẽ không tra cứu về vấn đề này nữa.

Cách để nhìn ra được biểu đồ suy giảm organic traffic

Cách tốt nhất để hiểu điều gì đã xảy ra với lưu lượng truy cập của bạn là xem biểu đồ từ báo cáo hiệu suất của Search Console. Hình dạng của biểu đồ sẽ cho bạn biết rất nhiều thông tin.

Truy cập báo cáo hiệu suất tìm kiếm và thử một số cách sau:

  • Thay đổi phạm vi ngày để bao gồm 16 tháng: Điều này giúp bạn phân tích sự sụt giảm lưu lượng truy cập theo ngữ cảnh và đảm bảo nó không phải là sự sụt giảm xảy ra hàng năm do kết quả của một kỳ nghỉ hoặc một xu hướng. Nếu bạn muốn gia hạn hơn 16 tháng, thì có thể sử dụng API của Search Console để lấy dữ liệu và lưu trữ dữ liệu đó trong hệ thống của mình.

Chỉnh nội dung lên tới 16 tháng

  • So sánh khoảng thời gian giảm với một khoảng thời gian tương tự: Điều này giúp bạn xem lại chính xác những gì đã thay đổi.

So sánh ngày trên Search Console

Đảm bảo nhấp vào tất cả các tab để tìm hiểu xem thay đổi chỉ xảy ra cho các truy vấn, URL, quốc gia, thiết bị hoặc các lần xuất hiện tìm kiếm cụ thể hay không. Đảm bảo bạn đang so sánh cùng một số ngày, tốt nhất là các ngày trong tuần.

Check cả các loại tìm kiếm

  • Phân tích các loại tìm kiếm khác nhau một cách riêng biệt. Điều này sẽ giúp bạn hiểu liệu sự sụt giảm xảy ra từ trang tìm kiếm thông thường, Google Hình ảnh hay tab Video hoặc Tin tức.

Nếu bạn phát hiện ra rằng có các vấn đề kỹ thuật, vấn đề bảo mật hoặc các thao tác thủ công (Google phạt) được áp dụng cho trang web của mình, hãy xem hướng dẫn nâng cao về Search Console để tìm hiểu thêm về cách giải quyết chúng.

Điều tra các xu hướng tổng thể trong ngành của bạn

Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn, hãy sử dụng Google Trend để tìm hiểu liệu sự sụt giảm có phải là một xu hướng có tính lặp lại hay chỉ xảy ra cho trang web của bạn. Những thay đổi này có thể do 2 yếu tố chính gây ra:

  • Sự gián đoạn sở thích tìm kiếm hoặc một sản phẩm mới: Nếu có những thay đổi lớn về nội dung và cách mọi người tìm kiếm (ví dụ: đại dịch), mọi người có thể bắt đầu tìm kiếm các truy vấn khác nhau hoặc sử dụng thiết bị của họ cho các mục đích khác nhau. Ngoài ra, nếu bán một thương hiệu cụ thể trực tuyến, có thể có một sản phẩm cạnh tranh mới đã “ăn” hết các truy vấn tìm kiếm của bạn.
  • Tính thời vụ: Các sự kiện hàng năm, ví dụ như Tết, mọi người thường tìm kiếm nhiều về chủ đề này trong tháng 1,2 hàng năm.

Để phân tích xu hướng trong các ngành khác nhau, bạn cũng có thể sử dụng công cụ này.

Kiểm tra các truy vấn đang thúc đẩy lưu lượng truy cập đến trang web của bạn để xem liệu chúng có giảm rõ ràng vào các thời điểm khác nhau trong năm hay không.

Trong ví dụ dưới đây, bạn có thể thấy 3 loại xu hướng (kiểm tra dữ liệu):

  • ‘Gà tây’ có tính thời điểm, lượt tìm kiếm sẽ rất nhiều vào tháng 12, do có ngày Lễ Phục sinh (trên thế giới).
  • ‘Gà’ cho thấy tính thời vụ, nhưng ít nổi bật hơn.
  • ‘Cà phê’ ổn định hơn một cách đáng kể; có vẻ như mọi người cần nó trong suốt cả năm.

Google Trend

Với Google Trend, bạn cũng có thể kiểm tra một số thông tin thú vị khác:

  • Kiểm tra các truy vấn hàng đầu trong lĩnh vực/ khu vực và so sánh chúng với các truy vấn đang tạo ra organic traffic (trong Search Console). Nếu bạn chưa có các truy vấn hàng đầu đó thì đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để bổ sung.
  • Kiểm tra các truy vấn có liên quan đến các chủ đề quan trọng trên Việt Nam, thế giới, ví dụ: COVID-19 là 1 chủ đề quan trọng. Điều này cũng có thể giúp bạn nghĩ tới các nội dung liên quan tới ngành của mình. Ví dụ: với chủ đề COVID-19 đang nóng bỏng, SEONGON sẽ đưa ra nhiều nội dung về chủ đề làm online marketing.

Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn biết được phương pháp đánh giá và phân tích tại sao website của mình bị giảm organic traffic một cách bất thường.

Nếu bạn đang có nhu cầu làm SEO bền vững, không lo bị Google phạt hay update, SEONGON sẽ là sự lựa chọn thích hợp dành cho bạn. Liên hệ ngay với SEONGON để được tư vấn.

* Nguồn: SEONGON